Tuesday, March 24, 2015

MADE IN JAPAN (3)

"Chúng tôi muốn chế tạo một thứ sản phẩm được nhiều người sử dụng."  Akio Morita

TTK vạch kế hoạch đưa các nhà khoa học và kỹ sư của công ty vào việc nghiên cứu 1 loại transistor cao tần dùng cho máy thu vô tuyến. Thời bấy giờ, xu hướng chung của thế giới trên trường vô tuyến là tiến tới 1 khái niệm mới về lĩnh vực này. Loại từ mới HI-FI (độ trung thực cao) rất được mọi người ưa chuộng. Loa ngày càng lớn, âm thanh ngày càng to, và trong ngôn ngữ bắt đầu xuất hiện các loại từ mới như woofer (loa trầm); tweeter (loa bổng); distortion (sự méo âm/tiếng) và feedback (sự phản hồi). Bộ khuếch đại sử dụng nhiều đèn chân không có thể tạo lại những âm thanh trong trẻo thuần khiết nhất. TTK muốn rằng, transistor sẽ thay thế đèn chân không vừa to, vừa nóng lại chưa đáng tin cậy lắm. Nó có thể giúp không những thu nhỏ các sản phẩm điện tử mà hơn nữa còn giảm được lượng điện năng tiêu thụ. Nếu sản xuất được transistor phát ra âm tần cao sẽ có thể chế tạo được loại radio chạy pin rất nhỏ nhưng vẫn đạt được 1 độ âm thanh trung thực.
Người Nhật ưa dùng những đồ vật nhỏ bé, xinh xắn. Do đó những món thông dụng chỉ nhỏ như 1 cái tổ chim, quạt thì gấp lại gọn gàng, đồ mỹ nghệ thường cuộn lại như mành mành chẳng hạn, các tấm bình phong với những hình trang trí được gấp lại hoặc mở ra khi cần ngăn chia trong phòng rất tiện lợi...Và như thế, TTK nghiên cứu để chế tạo 1 loại radio bỏ túi, nó khá nhỏ để có thể bỏ được trong túi áo sơ mi.
Trong thời gian này, Akio đi nước ngoài nhiều hơn. Ông đến New York vào năm 1953 để hoàn tất những thủ tục về việc sử dụng các linh kiện transistor. Sau đó ông muốn tham quan nhiều nơi trên thế giới để nắm tình hình và đánh giá khả năng công ty của ông liệu có thể chiếm lĩnh được thị trường thế giới hay không. Và ông đã đến châu Âu thăm 1 số công ty và nhà máy. Qua đó, ông cảm thấy tin tưởng hơn vào tương lai của TTK cũng như vào nước Nhật. Ông đã rất thích thú khi thăm công ty Philips, chính cuộc thăm viếng này đã mang lại cho Akio 1 cách nhìn sâu sắc và tăng thêm niềm tin cho ông. Lúc đó, Akio nói được tiếng Anh rất ít nên ông đến những nơi này như 1 khách du lịch mà thôi. Ông không phải 1 quan khách cỡ bự và cũng không gặp ai trong ban quản trị ở những công ty mà ông đến thăm. Ông chỉ đại diện cho 1 công ty vô danh đối với họ. Nhưng chỉ 4 thập kỷ sau đó, 2 hãng SONY và Philips, cùng xuất xứ từ 2 công ty nhỏ bé ở những nơi hẻo lánh, đã cùng nhau hợp tác trong việc xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế và tiến hành công việc phát triển chung dẫn đến nhiều tiến bộ về mặt công nghệ, từ băng ghi âm đến các đĩa âm thanh với các dữ liệu thông tin dày đặc, trong đó SONY đã kết hợp sức mạnh của sự biến điệu mã xung do SONY nghiên cứu với công nghệ dùng tia laser của Philips. Ngoài ra, SONY và Philips còn chung sức trong những công trình nghiên cứu/phát triển khác nữa.
Từ châu Âu trở về, Akio và các cộng sự bắt tay vào việc chế tạo 1 loại transistor mới. Chẳng lâu sau, người Nhật đã làm cho Bell, những người đã phát minh ra transistor, phải kinh ngạc khi công bố đã chế tạo được transistor thông qua việc kích thích bằng phốtpho. Và Esaki, 1 nhà nghiên cứu vật lý của TTK đã nhận giải Nobel về công trình nghiên cứu này năm 1973.
Trong khi đi thăm châu Âu, Akio đã quyết định phải đổi tên công ty, vì nếu ghi đầy đủ thì quá dài (Tokyo Tsushin Kogio Kabushiki Kaisha). Ở Nhật đôi khi gọi ngắn gọn là Totsuko, nhưng khi ở Mỹ Akio thấy khó có người đọc được. Nếu chuyển sang tiếng Anh là Tokyo Telecommunications Engineering Company lại càng khó chấp nhận. Akio nghĩ rằng nếu phải đổi thì tên mới phải được dùng vừa là tên công ty vừa là nhãn hiệu. Như vậy chúng tôi đỡ tốn tiền quảng cáo cho tên công ty và cho cả nhãn hiệu sản phẩm.
Akio lại nhớ đến các công ty Mỹ thường sử dụng 3 chữ cái như ABC, NBC, RCA hoặc AT & T. Vài công ty dùng luôn tên công ty dưới dạng ngắn gọn. Đó là 1 điều mới đối với ông.
Cuộc tìm kiếm những chữ cái ấn tượng (mà bất kỳ nơi đâu người ta đều dễ dàng nhận biết và đọc được) bắt đầu. Và 1 chữ latinh đã bất ngờ xuất hiện với nghĩa là "âm thanh", đó là chữ sonus. Cũng vào thời đó, ở Nhật người ta rất thích sử dụng các biệt hiệu và tiếng lóng mượn từ tiếng Anh như vài người gọi các cậu bé lanh lợi, dễ thương bằng từ "sonny", khi đọc lên thì tất nhiên từ "sunny" cũng như "sonny" đều mang âm thanh tươi sáng như sonus. Và Akio tự cho mình và các cộng sự là những "sonny boys". Nhưng Akio lại gặp 1 khó khăn khác vì từ "sonny" đứng riêng biệt lại gây phiền toái, vì khi latinh hóa tiếng Nhật, từ "sonny" được phát âm thành "sohn - nee" có nghĩa là mất tiền. Vì thế chữ "sonny" được bỏ bớt 1 chữ "n". Thế là tên SONY ra đời.
SONY cho ra đời chiếc radio bán dẫn đầu tiên vào năm 1955 và sau đó là chiếc radio bỏ túi vào năm 1957. Đó là loại radio nhỏ nhất thế giới tuy nó vẫn to hơn so với túi áo sơ mi của đàn ông thông thường.
Cuối năm 1959, SONY thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng về việc họ đã thành công trong việc chế tạo TV bán dẫn đầu tiên trên thế giới.
Năm 1962: SONY khai mạc phòng trưng bày sản phẩm tại New York sau khi quyết định thành lập Công ty SONY tại Mỹ (SONY Corporation of America).

Đọc/trích đăng từ "Made in Japan - Akio Morita and SONY", NXB Khoa học XH & Viện kinh tế thế giới, 1990

No comments:

Post a Comment