Sunday, March 22, 2015

MADE IN JAPAN (1)

Không biết có ai là người từ bé đến lớn chẳng bắt chước cái gì bao giờ không? (Riêng tôi thì cho rằng chẳng có ai như vậy cả) Vậy thì có ai bắt chước mà trở thành người phi thường không? Có người được coi là đại diện cho thế giới văn minh của phương Tây đã nói: "Chẳng ai trở nên vĩ đại bằng cách bắt chước". Nhưng nếu chọn đúng những điều hay nhất, rồi tìm hiểu, học hỏi và biến chúng thành của mình rồi kế thừa/phát huy tất cả những điều tinh túy đó để phát triển với 1 sức sáng tạo mạnh mẽ thì thật đáng khâm phục. 

Sức mạnh và sự phát triển cao độ của phương Tây đã hoàn toàn chinh phục thế giới trong thế kỷ 20. Đó là thành quả của những nỗ lực phi thường mà họ đạt được trong khoảng 600 năm kể từ thời Phục Hưng do kế thừa/phát triển những giá trị từ những nền văn minh rực rỡ thời cổ đại, gieo đức tin mãnh liệt cho con người và không ngừng sáng tạo/phát minh về mặt khoa học kỹ thuật để trở thành những quốc gia giàu mạnh về mọi mặt.
Trước sức mạnh chinh phục của phương Tây, từ thế kỷ 19, Nhật Bản đã nhận thức được vận mạng quốc gia như chỉ mành treo chuông. Nhưng người Nhật có 1 tầng lớp lãnh đạo vô cùng sáng suốt. Họ nhận thấy ngay con đường sáng của dân tộc. Trong khi người Việt và Trung Hoa khư khư mù quáng trong lớp áo kiêu căng, coi người châu Âu là "quỷ", thì người Nhật trong giai đoạn quyết liệt đã cởi bỏ được tính tự phụ cổ truyền, và có đủ can đảm để nhìn các biến cố với con mắt thiết thực.

 Nhật Bản ý thức được 3 điều tối quan trọng:
1. Lực lượng xâm lăng hơn hẳn lực lượng của Nhật về cả tổ chức và kỹ thuật quân sự.
2. Muốn chống lại kẻ thù và tạm thời thắng họ, chỉ có cách duy nhất là khống chế được kỹ thuật vượt trội của họ.
3. Mâu thuẫn giữa các cường quốc trong mặt trận xâm lược của Tây phương là cơ hội duy nhất để bảo vệ nền độc lập và sự phát triển của dân tộc.

Những điều trên đây là nguồn gốc của cuộc cách mạng Duy Tân của Nhật Bản thời Minh Trị. Kỹ thuật của phương Tây trong mọi lĩnh vực được phân tích, học hỏi và áp dụng triệt để. Nhu cầu cấp thời được đặt ưu tiên cho lĩnh vực quân sự và chính trị. Lề lối lãnh đạo theo lối cổ truyền theo chế độ quân chủ chuyên chế của Đông Á đã nhường chỗ cho cách thức lãnh đạo dựa trên lý thuyết chính trị của Tây phương.
Sau đó là các phương pháp sản xuất kinh tế được duy tân.
Người Nhật nhờ nắm được cơ hội một cách sáng suốt nên họ đã thành công trong việc đưa dân tộc Nhật Bản trở thành 1 quốc gia giàu mạnh hàng đầu trên thế giới như chúng ta thấy ngày nay.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, nhiều thành phố công nghiệp lớn của Nhật, trừ Tokyo, đã bị ném bom và trở thành những khu đất hoang phế chồng chất những vật dụng bị cháy đen.
Người Nhật hiểu rõ sức mạnh của Mỹ đã hơn hẳn Nhật Bản và sự cách biệt đó khá lớn. Nhưng người Nhật không bi quan lắm khi nghĩ rằng họ sẽ phát triển bằng cách của họ vì từ những chiếc máy bay của Mỹ bị bắn rơi, các nhà nghiên cứu của Nhật đã tìm hiểu và họ kết luận rằng: người Mỹ sử dụng 1 vài thiết bị kỹ thuật tiên tiến và hệ mạch tổng hợp điện không giống họ, nhưng những cái đó không tốt hơn nhiều lắm so với những thứ họ đang sử dụng.
Chỉ sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, người Nhật mới choáng váng vì nhận ra rằng sức mạnh công nghiệp/khoa học kỹ thuật của Mỹ vượt hơn họ nghĩ rất nhiều nếu không nói là đè bẹp hẳn tinh thần của Nhật Bản.

Thật ra nước Mỹ và nền công nghiệp phát triển cao đã là sự quan tâm từ lâu của Nhật Bản với những nhà máy khổng lồ của ngành chế tạo xe hơi mà Ford là 1 trong những người khổng lồ chủ trương xây dựng các nhà máy liên hợp đại quy mô như thế. Người Nhật rất ngỡ ngàng trước những chiếc tàu biển lớn đưa quặng sắt từ những mỏ xa xôi tới nhà máy thép River Rouge của Ford ở Dearborn, Michigan. Ở đó quặng được luyện thành nhiều loại thép với những hình dạng khác nhau. Khi thép luyện xong, nó được chuyển đến 1 nơi khác và được đúc/dập thành từng bộ phận của xe ô tô và được chuyển đến các phân xưởng khác để ráp thành 1 chếc xe hoàn chỉnh. Điều này chưa có ở Nhât Bản.
Sau đó, Nhật Bản đã xây dựng được những khu liên hợp theo cách của Mỹ trong thời kỳ phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh. Nhưng chính người Nhật lại bàng hoàng, thậm chí thất vọng khi trở lại thăm những khu liên hợp của Mỹ vì họ thấy những gì trước mắt họ vẫn giống hệt những gì họ đã thấy gần 20 năm trước. Người Nhật đã tiến rất nhanh trong công nghệ sản xuất xe hơi và muốn trở thành 1 cường quốc cạnh tranh với chính nước Mỹ. Từ chỗ bắt chước người Mỹ, họ đã làm được cả những điều mà chính người Mỹ cũng phải bất ngờ. Đó là một kỳ tích của người Nhật.

Một trong những người làm nên kỳ tích đó là Akio Morita với SONY. Ông là con đầu lòng và là cháu đích tôn đời 15 của 1 trong những gia đình nấu rượu sake lâu đời nhất Nhật Bản. Gia đình Morita sống trong ngôi làng Kosugaya, gần thành phố Nagoya, họ đã nấu rượu sake để bán trong 300 năm. Họ còn làm cả nước chấm đậu tương và bột nhồi miso là 1 loại gia vị của người Nhật. Do kinh doanh những loại hàng thiết yếu cho đời sống của dân nên gia đình Morita luôn có được địa vị cao và sự kính trọng của dân chúng.
Vào những năm khó khăn nghiêm trọng về tài chính do có những người trong gia đình thiên về thẩm mỹ đã bỏ ra khá nhiều thời gian và tiền bạc để sưu tầm những món hàng thủ công mỹ nghệ đắt giá cũng như đỡ đầu cho những nghệ nhân, thợ thủ công và các nhà kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ (từ lâu, nước Nhật thường phong danhh hiệu Kho báu sống của Quốc gia cho các nghệ nhân, thợ thủ công, họa sĩ... có tài năng nhất của nền văn hóa Nhât Bản). Nhưng nguyên nhân chính làm cho việc kinh doanh của gia đình sa sút là do những vị này hoàn toàn dựa vào những người quản lý (được thuê) để điều hành công việc của Công ty Morita. Những người quản lý này cũng chỉ coi công việc của họ là 1 phương tiện kiếm sống và nếu việc kinh doanh không trôi chảy thì họ cho đó là 1 điều đáng tiếc mà không thấy đó là điều thiết yếu cho chính sự sống còn của bản thân. Chẳng những họ không hoàn thành được trách nhiệm của họ mà còn không duy trì được tính liên tục, sự phồn thịnh về tài chính của gia đình Morita. Vì thế, khi nhận việc kinh doanh của gia đình, cha của Akio Morita đã tự mình quản lý và không thuê người ngoài, dù phải bỏ dở việc học về ngành Quản trị kinh doanh ở Tokyo. Lúc đó công ty Morita đang ở vào tình thế sắp vỡ nợ.
Cha của Akio Morita đã phải bán đi 1 số lớn đồ mỹ nghệ của gia đình. Trong đó có những báu vật vô cùng quý giá có giá trị rất cao và do đó ông đã thề là khi nào gia đình trở lại khá giả ông sẽ chuộc lại bằng bất kỳ giá nào. Và ông đã giữ được lời hứa sau đó ít năm.
Cái tên Akio là do cha của ông đã đặt theo lời khuyên của 1 nhà thông thái có nghĩa là sáng suốt, xuất sắc. Cha của Akio là 1 nhà kinh doanh rất giỏi, ông thường răn bảo Akio: "Hãy nhớ con là người kế nghiệp cha trong địa vị đứng đầu công ty và sẽ là chủ gia đình 1 ngày nào đó. Con luôn luôn phải tỏ ra thận trọng trong mọi công việc. Đừng nghĩ mình là chủ nên có quyền sai phái lung tung. Phải rõ ràng minh bạch khi quyết định làm điều gì và khi muốn bảo người khác làm điều gì và phải biết chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc đó." Akio còn nói: "Cha tôi còn dạy tôi là không nên mắng mỏ cấp dưới và trách móc người khác về những sai lầm, vì làm thế là vô ích. Cha nhắc nhở tôi là cách suy nghĩ của người Nhật luôn luôn coi trọng việc khuyến dụ người khác, cùng nhau chia sẻ mọi công việc vì nó sẽ đem lại lợi ích cho cả 2 bên. Ai cũng muốn thành đạt." Và Akio đã làm theo lời cha, học theo cha cách ứng xử với những người làm công. Ông trau dồi tính kiên nhẫn và thông cảm của 1 người quản lý, không chấp nhận những hành động ích kỷ hoặc ti tiện đối với người khác. Và những quan niệm của cha ông đã giúp ông phát huy được 1 triết lý về quản lý và mang lại cho ông rất nhiều kết quả trong hoạt động của SONY.
Gia đình Akio cũng chịu ảnh hưởng những lời răn của đạo Phật vì là 1 gia đình rất sùng đạo, họ thường xuyên lễ Phật tại gia.
Và dù đã là 1 nước Tây phương hóa từ thời Minh Trị, nhưng người Nhật vẫn luôn du nhập những ảnh hưởng mới từ nước ngoài. Trong gia đình Akio thì người chú du học 4 năm ở Paris về đã mang lại cho gia đình 1 luồng không khí Tây phương mới, 1 ảnh hưởng của nước ngoài khá mạnh đối với mọi thành viên trong gia đình vì chú của Akio là 1 con người có lối sống rất hiện đại, rất thức thời hơn bất kỳ người nào khác trong gia đình. Ông của Akio cũng thường mặc âu phục và rất thích lối sống phương Tây. Ông thường nói rằng: tiền của không thể giúp con người có 1 nền học vấn đầy đủ nếu không tự mình học hỏi 1 cách siêng năng và chuyên cần. Nhưng tiền của có thể giúp ta đi đây đi đó, một ngày đàng là một sàng khôn.
Mẹ của Akio rất ưa thích nhạc cổ điển Tây phương, bà đã mua rất nhiều đĩa hát cho chiếc máy hát cổ của gia đình. Ông của Akio thường đưa bà đi nghe các buổi hòa nhạc. Akio đã ảnh hưởng từ mẹ mình rất nhiều, ông nói: "Có lẽ do ảnh hưởng của mẹ tôi mà tôi có khiếu về điện tử và âm thanh. Chúng tôi thường ngồi rất lâu nghe những đĩa hát ghi lại những tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng của châu Âu. Mẹ tôi rất thích nghe ca sĩ Enrico Caruso và nghệ sĩ viôlông Efrem Zimbalist." Gia đình Akio thường tham dự những buổi diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng khi họ đến Nagoya như ca sĩ giọng nam trầm của Nga Feodor Chaliapin và nghệ sĩ piano người Đức Wilhelm Kempff khi họ còn rất trẻ.
Và từ âm nhạc và chiếc máy hát của gia đình mà Akio Morita đã tìm đến ngành điện tử.

Các bạn xem tiếp ở đây
Đọc và viết từ cuốn sách của Tùng Phong và "Made in Japan - Akio Morita and SONY", NXB Khoa học XH & Viện kinh tế thế giới, 1990

1 comment:

  1. Bắt chước hoặc chỉ làm theo những nguyên tắc/quy định 1 cách máy móc chỉ giúp người ta hoàn thành 1 công việc đã được định trước và cứ thế lặp lại nhiều lần 1 cách nhàm chán. Điều này kéo dài có thể duy trì được những giá trị vốn có nhưng cũng là nguyên nhân gây nên sự trì trệ. Cần giữ những gì làm cơ sở, biến đổi hoặc chuyển hướng/xóa bỏ hoàn toàn luôn đặt ra trước chúng ta hàng loạt vấn đề phải xử lý. Tùy cơ ứng biến bằng các lựa chọn tối ưu là cách giải quyết tốt nhất cho mọi vấn đề. Không có gì là cũ và chẳng có gì mới nếu chúng ta không cho rằng chúng là như thế. Chỉ có những gì thích hợp và đúng lúc là đáng làm mà thôi.

    ReplyDelete