Sunday, March 8, 2015

Gương mặt văn hóa: GS Nguyễn Đổng Chi (06.01.1915 - 20.07.1984)

Là người có nhiều đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn như văn học, sử học, khảo cổ học, Hán Nôm, văn hóa dân gian... GS Nguyễn Đổng Chi có những di sản để lại cho hậu thế mang giá trị rất lớn.
Nguyễn Đổng Chi trước hết là 1 nhà khoa học có tư chất bách khoa trong buổi đầu hình thành khoa học văn chương, khoa học nhân văn và xã hội ở nước ta. Nếu coi thời kỳ 1930-1945 là thời kỳ phát triển và hoàn thiện nền văn chương, học thuật Việt Nam hiện đại thì ở chặng cuối của nó - thời kỳ 1941-1945 là thời gian xuất hiện những tác phẩm tiêu biểu trên 3 lĩnh vực: phê bình, nghiên cứu, lý luận văn học với Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai và Nguyễn Đổng Chi... Trong những tên tuổi kể trên thì Nguyễn Đổng Chi là người trẻ nhất - chưa đến tuổi 30.
Với Việt Nam cổ văn học sử, Nguyễn Đổng Chi đã xác lập 1 vị trí quan trọng trên tiến trình hiện đại hóa văn chương, học thuật dân tộc. Nhưng trước đó, ông đã có Mọi Kontum - 1 công trình dân tộc học, viết chung với Nguyễn Kinh Chi. Đã có Túp lều nát, 1 phóng sự văn chương về tình cảnh khốn khổ của dân quê xứ Nghệ, ra đời cùng với Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan và còn có hoạt động báo chí, xuất bản và viết văn với tư cách của 1 thanh niên yêu nước xứ Nghệ...
Về văn học, sau Viêt Nam cổ văn học sử là đồng tác giả của bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (5 tập) của nhóm Văn-Sử-Địa (chuyên mục văn học chữ Hán). Về sử học, là các công trình về nhiều danh nhân lịch sử và phong trào nông dân khởi nghĩa, và nhất là trong việc xây dựng 1 hệ thống tư liệu rất cơ bản cho Thư viện Sử học với cương vị trưởng phòng rất lâu năm. Về khảo cổ học là các phát hiện về di chỉ người Việt cổ ở núi Đọ mà ông là 1 trong số ít người tham gia đầu tiên. Về nghiên cứu Hán Nôm, ông là vị trưởng ban kế tiếp Phạm Thiều, với các công trình thư mục cơ bản làm nền tảng cho sự phát triển của 1 chuyên ngành rất quan trọng cho việc nghiên cứu văn hóa, văn chương học thuật Việt Nam. Về văn hóa, văn học dân gian, đó là công trình khai mở về Thần thoại Việt Nam; là 1 lâu đài Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam gồm 5 tập mà chỉ riêng nó đủ làm nên 1 sự nghiệp cho bất cứ ai; là khởi thảo Từ điển thuật ngữ văn hóa dân gian và bộ Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh đồ sộ, bên cạnh Hát dặm Nghệ Tĩnh, Vè Nghệ Tĩnh, Ca dao Nghệ Tĩnh, không kể bản thảo chưa in...
Tham gia vào nhiều lĩnh vực học thuật, lĩnh vực nào cũng ở vị trí khai phá, đặt nền tảng và đạt các giá trị đỉnh cao, 1 phẩm chất bách khoa như vậy, theo tôi, chỉ có riêng ở 1 thế hệ của những người mở đầu. Một thế hệ thực sự xả thân cho các mục tiêu được chọn, hoặc được giao mà không có sự phân vân ngần ngại, càng không chút so đo tính toán về quyền lợi và đãi ngộ, không màng danh lợi. Một thế hệ phải vượt bao khó khăn, những khó khăn chung - khỏi phải bàn, và những khó khăn riêng - rất nhiều, khi họ không phải thuộc "thành phần cơ bản", hoặc mang danh là trí thức tiểu tư sản...
Ông mất ở tuổi 69, sau những cống hiến và còn nhiều dự định, công việc dang dở là 1 thiệt thòi và tiếc nuối lớn cho nghiên cứu văn học ở nước ta.
Cùng với những tên tuổi kể từ những người thuộc thế hệ trước ông như Dương Quảng Hàm, Cao Xuân Huy, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Hoài Thanh và cùng thời hoặc sau ông như Văn Tân, Hoàng Xuân Nhị, Trương Chính, Bùi Văn Nguyên, Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai, Đinh Gia Khánh... tôi luôn cảm kích về tấm gương họ để lại cho các thế hệ sau trên cả hai phương diện: tri thức và nhân cách.
(Trích từ bài "Nguyễn Đổng Chi, nhà văn hóa lớn xứ Nghệ" của GS Phong Lê, KTNN No.882)

No comments:

Post a Comment