Monday, March 9, 2015

Tục chém lợn, đâm trâu...

Nếu là hủ tục thì dứt khoát phải dẹp bỏ. Nhưng nếu nhìn với thái độ khác, từ 1 "thế giới quan" về nguồn gốc của lễ hội, thì thực chất của vấn đề không phải chỉ là phê phán/bênh vực theo cảm tính.

Vấn đề dã man và ác độc

Mỗi ngày có biết bao con lợn, trâu bò, gia súc bị giết trên thế giới này? Việc ấy vì sự tồn tại của loài người thì có dã man tàn ác không? Cũng ác như nhau. Nhưng sao việc này bị lên án mà việc kia thì không?

Về tục chém lợn. Chính người làng đã lên tiếng về vấn đề này. Theo báo Đất Việt, ông Nguyễn Đăng Quy, 86 tuổi, giận dữ khi biết tin lễ hội của làng đang bị đề nghị chấm dứt. "Chém lợn là lễ hội của làng chúng tôi từ hàng trăm năm nay. Diễn lại tích để tưởng nhớ vị tướng quân chém lợn rừng nuôi quân. Tại sao lại cho là dã man?"
Chúng ta có thể hạn chế việc tham dự của du khách. Hãy nhìn nhận vấn đề bằng con mắt của người trong cuộc lẫn ngoài cuộc thì việc đánh giá sẽ công bằng hơn. Lịch sử đã chứng minh rõ nhiều giá trị văn hóa Việt Nam (cả tinh thần và vật chất) đã bị chôn vùi không thương tiếc. Có những giá trị mãi mãi không còn cứu vãn được nữa. Một tập tục tồn tại hàng trăm năm hoặc lâu hơn phải có ý nghĩa nhất định trong cộng đồng, nếu ta thấy không ổn, 1 phần là ở ta chứ không hoàn toàn do phong tục.

(trích từ bài Tục chém lợn đâm trâu... cái nhìn "bên trong" và "bên ngoài" của Huỳnh Vũ Lam, KTNN No.884)

No comments:

Post a Comment