Wednesday, May 17, 2017

Các trường phái và khái niệm về thông linh

Trước tiên phải phi lộ, để học trò, đồng nghiệp, bạn bè và người thân khỏi hoảng sợ nghĩ rằng tôi bắt đầu lẩn thẩn. Tôi bắt đầu nghiên cứu vật lý từ năm 1976, năm thứ 3 đại học, đến nay được 41 năm. Bắt đầu làm về CNTT năm 1995, đến nay là 22 năm. Có lẽ bắt đầu tìm hiểu về ý thức cũng là đủ kinh nghiệm về thế giới vật lý, thế giới thông tin và cũng có thể khai thác ích lợi của thế giới ý thức đối với vật lý và tin học, là những lĩnh vực mà việc hiểu về ý thức sẽ tạo ra đột biến.
Gần đây, do cơ duyên tôi được biết chút ít về thực hành ngoại cảm và tâm linh ở Việt Nam. Theo tôi được biết có một số nhà khoa học, trong đó có hai người có ảnh hưởng tới tôi, đã cố gắng tìm hiểu, thậm chí có cả một trung tâm nghiên cứu về tiềm năng con người. Tuy nhiên, các nỗ lực này hoàn toàn không phải là nghiên cứu, mà chỉ tổ chức ứng dụng, thu thập kinh nghiệm và giải thích một cách mơ hồ, dùng các khái niệm của khoa học một cách tùy tiện. Điều đó tuy có khuyến khích một số hoạt động ngoại cảm, nhưng cũng khuyến khích một số hoạt động phi khoa học và làm xã hội ngộ nhận rất nhiều điều. Tôi nghĩ việc sắp đặt lại một số khái niệm cho khoa học cũng là cần thiết. Tuy khoa học là phải phản biện, nhưng những người cổ súy cho thông linh cần nghĩ rằng phản biện cũng giúp cho chân lý trường tồn. Không cái gì tiêu diệt một hệ thống ý thức nhanh hơn là phỉnh nịnh nó một cách mù quáng.
Một trong những tiêu chí của khoa học là theo một paradigm được thừa nhận trên thế giới. Vì thế, việc đầu tiên là việc tìm hiểu các trường phái và hệ thống khái niệm. Về thông linh có một số quan niệm sau: 
"Animism": Thuyết duy linh: Cho rằng mọi động vật, cây cối, thậm chí lời nói, khái niệm, sự vật đều có linh hồn. Linh hồn này có thể hoàn thiện. Tác giả quan trọng là Ed. Burnet Tylor. Ông nghiên cứu quan niệm này trong các nền văn hóa khác nhau trên quan điểm dân tộc học. Ông không phải là nhà truyền giáo, thực hành hoặc chủ trương tôn giáo. 
"Theosophy" Thuyết thần trí: Cho rằng con người có thể thông với một loại ý thức siêu nhiên, toàn năng và thống nhất thường được quy cho là Chúa hoặc Thượng đế. Tác giả quan trọng là Blavatsky. 
"Spiritism" Nhiều người cũng dịch chữ này là "duy linh". Tuy nhiên, đây là một trường phái tôn giáo, khởi xướng bởi Allan Kardec. Bắt đầu từ việc quan tâm tới trò bói chén, là trò chơi thời thượng bấy giờ, được Mesner giải thích là "từ trường động vật", Kardec thấy rằng hiện tượng này nhiều hơn thế và cho rằng có thể nói chuyện với nhiều loại linh hồn khác nhau, một số được cho rằng của những người đã chết. Tôi đề nghị dịch chữ này là "thông linh"
"Spiritualism" Là xu hướng cho rằng ngoài thân xác còn có linh hồn. Về phương diện nào đó đây là một khái niệm rộng hơn "thông linh" nhưng không chắc đã bao gồm việc tin ở khả năng giao tiếp với các linh hồn.
"Shamanism" Là thực hành của các dân tộc rải rác khắp thế giới, có lẽ cùng bắt nguồn từ một nơi từ thời đồ đá cũ cách đây 3 vạn năm. Trung tâm phát triển nhất có lẽ là vùng Trung Á. Những người thực hành shamanism tin có hai thực tại: bình thường và bất bình thường, khi người ta có thể nhìn thấy và giao tiếp với vong và các thần thánh. Tôi tạm dịch là "linh tín".
"Revelation" Mặc khải. Là do Thượng đế chủ động giao tiếp và truyền thông tin tới con người để họ giác ngộ hoặc viết ra những thông điệp. Thượng đế được hiểu là ý thức thống nhất, toàn năng, không bắt buộc phải nhân cách hóa. Tổng hợp tất cả các định luật của tự nhiên cũng có thể coi là Thượng đế. Ý Chúa cũng có thể hiểu là quy luật điều khiển một hiện tượng. Hòn đá rơi do định luật hấp dẫn hoàn toàn có thể phát biểu tương đương bằng ý Chúa. Không có bất cứ một tiêu chí nào ngoài niềm tin có thể phân biệt ý Chúa và định luật.
"Mediumship" Việc lên đồng. Trạng thái có thể vô thức, thông qua đó các loại ý thức (có thể được dán nhãn là các linh hồn) truyền thông tin đến thế giới thực. Người lên đồng có thể quên mọi thông tin khi trở lại thế giới thực. Trong trường hợp họ vẫn nhớ, gần đây người ta dùng chữ "nhà ngoại cảm"/
Việc nghiên cứu các hiện tượng thông linh có thể được đăng trên các tạp chí đứng đắn (scorpus hoặc ISI (??)) về dân tộc học, nhân chủng học,...Do đó có thể tin rằng việc nghiên cứu các vấn đề này không hoàn toàn nhảm nhí.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

19 comments:

  1. Phuong Nguyen Hong: Shaman trong tiếng Nga có nghĩa là Phù thủy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Gốc của từ này là tungusic

      Delete
    2. Phuong Nguyen Hong: Thực ra từ tiếng Nga cũng là từ mượn của ngôn ngữ dân tộc vùng Trung Á.

      Delete
  2. Đông A Trần: Ở trên, cháu thấy chú dùng từ "cơ duyên", chú có nghiên cứu về Đạo Phật, hay theo đạo nào không ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Chú có biết một số khái niệm và đọc chút ít về đạo Phật. Về cơ bản, chú trung lập tôn giáo và tin ở tư duy của mình.

      Delete
    2. Đông A Trần: Dạ vâng, đọc stt về nhân-quả của chú cháu cũng đoán vậy. Trước đây cháu tin: "không có cái con người không nhận thức được, chỉ có cái con người chưa nhận thức được", nhưng về sau không biết có cực đoan quá không, cháu lại cho rằng có những cái mà con người không thể nhận thức được.

      Delete
    3. Nguyen Ai Viet: Tất nhiên là có những cái con người không thể nhận thức. Thí dụ như chiều nay số đề sẽ về cửa nào, mã chứng khoán A lên hay xuống, các điện tử ở trong phòng 3 phút nữa sẽ đi đâu, hay một vạn năm sau khi loài người tuyệt diệt sẽ xảy ra điều gì. Nhưng nếu như vậy tại sao ta phải quan tâm. Và như vậy lại liên quan tới định nghĩa về "hiện hữu". Thực ra chúng ta chỉ bị chữ nghĩa của chínhchúng ta đánh lừa chứ không tiến lên được về nhận thức khi tranh luận những chuyện này.

      Delete
    4. Đông A Trần: Dạ vâng, cháu đồng ý với chú những cái chú nhắc đến ở trên con người không nhận thức được, cũng không cần quá quan tâm nhưng chúng đều có nguyên do đúng không ạ! Còn cháu muốn nói đến những cái mà hiện tại khoa học không thể giải thích được và cháu tin rằng về sau cũng vậy ạ. Do "biến cố" mà cháu tìm hiểu về đạo Phật, dù chỉ là rất sơ cơ nhưng cháu thấy "may mắn" cho cuộc đời này của cháu, và cháu mong gieo duyên lành đến mọi người thôi ạ.

      Delete
    5. Nguyen Ai Viet: Đông A Trần, Cần hiểu thế nào là "giải thích". Đạo Phật không cố gắng giải thích, vì vậy nó có vẻ trường tồn.

      Delete
    6. Nguyen Ai Viet: Người ta hay trích dẫn Einstein sai, cho rằng ông tin Phật. Thực ra ông chỉ nói, nếu có một tôn giáo nào có thể theo kịp khoa học đó chỉ có thể là Đạo Phật. Điều đó vẫn có nghĩa là Đạo Phật chưa chắc theo kịp Khoa học. Ông còn nói là "trong những người sáng lập tôn giáo, tôi tôn trọng Phật nhất vì ông không cố gắng giải thích sự hình thành vũ trụ". Điều đó chưa có nghĩa là ông rất kính trọng Phật.

      Delete
    7. Đông A Trần: Thưa chú, theo cháu tìm hiểu, đạo Phật sinh ra không phải để giải thích sự hình thành của vũ trụ. Khi thành vị quả Phật, Đức Phật chỉ chỉ ra hai điều: Khổ và cách diệt trừ nguyên nhân sinh Khổ, đó là cốt lõi của đạo Phật.
      Thỉnh thoảng, cháu có đi vãn cảnh chùa, thấy nhà chùa treo câu trích dẫn được coi là của ông Einstein, cháu thấy tào lao. Việc ông Einstein (hay ai đi nữa) tin, kính trọng Phật hay không, "đạo Phật có đuổi kịp khoa học hay không" không quan trọng, vì nó chẳng giúp ích gì cho việc tu tập, điều người tu tập cần là sống trọn vẹn với thực tại như nó đang là. Một trong những lý do khiến Phật giáo có sức cuốn hút đối với trí thức và những người có trình độ học vấn cao nằm ở chỗ chính đức Phật đã thực sự khuyên mọi người đừng tin vào những gì được nghe mà không kiểm chứng giá trị của chúng. Chúc chú ngày mới tinh tấn ạ!

      Delete
    8. Luong Chi Thanh: Không hiểu anh Việt lấy câu "theo kịp" ở đâu ra.

      Delete
  3. Do Xuan Phuong: Các vấn đề "thông linh" cũng là đối tượng của y học ạ. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra vùng tối của nhận thức rất có thể là bản chất của một số trường hợp ngoại cảm, thông linh...vv.
    http://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-39569510

    ReplyDelete
    Replies
    1. Luong Chi Thanh: "Vùng tối của nhận thức" là gì vậy?

      Delete
    2. Do Xuan Phuong: Quá trình nhận thức ở một số người có những vấn đề bí ẩn, tạo ra những ảo giác (ví dụ "bị bóng đè"), khiến đương sự hoàn toàn tin tưởng đó là thật, anh Luong Chi Thanh.

      Giải mã quá trình nhận thức bằng công nghệ cao vẫn đang tiếp tục, và em tin là sẽ soi sáng rất nhiều hiện tượng tâm lý vốn chỉ được hiểu mơ hồ.

      Delete
    3. Luong Chi Thanh: Bàn ở đây là chủ đề tâm linh đó chứ không phải tâm lý đâu.

      Delete
    4. Do Xuan Phuong: Thực ra về mặt khoa học, em không phân biệt tâm lý với tâm linh. Quan sát hiện tượng, thống kê đặc điểm, xây dựng giả thuyết, đo đạc kiểm chứng, những công việc này đối tượng nào cũng áp dụng.

      Delete
  4. Hong Nhat Do: Ngày xưa thầy Hoàng Phương cũng thích nghiên cứu vấn đề này.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ca Vu Thanh: Tôi thì hoàn toàn không thích bác Hoàng Phương, thấy bác ấy cực kỳ lẩm cẩm, "dùng các khái niệm của khoa học một cách tùy tiện" như bác Ái Việt viết.

      Delete