Wednesday, May 24, 2017

Từ câu chuyện East Meets West...

Với con người hiện đại, trên Trái đất không còn những khoảng cách không thể hình dung, những nơi không thể đặt chân đến. Không gian dường như nhỏ lại, Trái Đất không còn rộng lớn như ngày xưa... sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đang thay đổi bộ mặt thế giới theo nhịp độ ngày càng tăng với những chuyển biến/phát triển theo nhiều hướng khác nhau, vì những lợi ích/mục đích khác nhau của từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, những "nước lớn" luôn muốn đóng vai trò chủ đạo và tạo được ảnh hưởng sâu rộng của mình trên phạm vi toàn cầu, kể cả việc tác động đến những quốc gia nhỏ bé nhất...




Từ lâu đời, với người phương Tây, châu Á là một vùng đất rộng lớn vừa quen thuộc vừa xa lạ, đầy bí ẩn và quyến rũ. Sau những người Viking vượt Đại Tây Dương bằng những chiến thuyền drakar (khoảng cuối thế kỷ 8 đến thế kỷ 11), đến thế kỷ 15-16, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là 2 nước mở ra kỷ nguyên khám phá thế giới bằng những hành trình xuyên đại dương như tiền đề cho Đế quốc Anh (British Empire) sau đó chinh phục nhiều vùng đất, tạo nên một đế quốc lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Suốt hơn một thế kỷ, nước Anh ngự trị trên đỉnh cao của châu Âu và thế giới khi thống trị trên 33.670.000 km² (1/4 diện tích toàn cầu) và cai trị khoảng 458 triệu người (1/5 dân số thế giới). Ở châu Á, từ Ấn Độ, Anh tiếp tục mở rộng lãnh thổ của mình, chiếm Java từ Hà Lan (1811), thu nhận Singapore (1819) và Malacca (1824) và đánh chiếm Miến Điện (1826). Với Trung Quốc (TQ), người Anh bắt đầu dòm ngó nước này qua quan hệ giao thương và từ đó tiến hành cuộc chiến tranh nha phiến dẫn đến việc Anh chiếm đảo Hong Kong (1841) cho đến khi nổi tiếng với câu nói "đế quốc có mặt trời không bao giờ lặn" trên lãnh thổ của mình. Do vậy mà ảnh hưởng từ di sản văn hóa, ngôn ngữ v.v. của người Anh cùng với sự thôn tính/ảnh hưởng của các nước phương Tây mà văn minh châu Âu được truyền bá rộng rãi khắp châu Á cũng như toàn thế giới.

Nếu trước đây, nước Anh như một thế lực/cường quốc đại diện cho Phương Tây bá chủ thế giới với "chủ nghĩa thực dân" đã lỗi thời thì hiện nay vai trò này đang được Mỹ đảm nhận cùng với việc áp dụng "chủ nghĩa thực dân mới" trong thời đại Toàn cầu hóa.
Nước Mỹ ở giữa hai đại dương lớn nhất thế giới, diện tích lãnh thổ hơn 9,3 triệu km2, có những con sông dài dọc ngang đất nước, những cánh rừng rộng lớn, đồng bằng màu mỡ, đồng cỏ bao la, các hồ nước phân bố khắp nơi, khoáng sản dồi dào, và tài nguyên biển giàu có ẩn giấu trong hai đại dương. Nước Mỹ chiếm hết mọi “địa lợi”. Lê-nin từng nói, nước Mỹ “ở vào địa vị an toàn nhất xét về điều kiện địa lý”.
Trong quá trình trỗi dậy của Mỹ, nước Anh chưa có được thế mạnh nổi trội như Mỹ hiện nay. Đầu tiên, Anh không thể cản trở sự độc lập của Mỹ, sau đó không thể chiếm lại Mỹ trong cuộc chiến tranh năm 1812 (vì Anh lo ngại lục địa châu Âu lại nổ ra chiến tranh); tiếp đó, Anh lại không thể làm tan rã nền kinh tế Mỹ sau chiến tranh. Nhưng cũng không thể coi là các cường quốc châu Âu như Anh đã vì thế mà thừa nhận sự trỗi dậy của Mỹ, thực ra họ vẫn chờ dịp áp chế Mỹ. Có thể nói, cuộc đấu tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn xuyên suốt trong quá trình nước lớn trỗi dậy, và quá trình trỗi dậy của nước Mỹ là quá trình không ngừng vượt qua sự ngăn chặn của Anh.


Nước Mỹ trỗi dậy trong sự ngăn chặn đã thể hiện đầy đủ “trí tuệ kiểu Mỹ”, “khôn ngoan kiểu Mỹ”, “xảo quyệt kiểu Mỹ” và “bỉ ổi kiểu Mỹ” [1]. Từ khi có tình trạng cạnh tranh giữa các cường quốc trên phạm vi thế giới, Mỹ là nước trả giá ít nhất – cái giá phải trả cho sự trỗi dậy (cuộc chiến giành giật bá quyền) thấp nhất, cái giá dùng để giữ gìn bá quyền (cuộc chiến bảo vệ bá quyền) cũng là nhỏ nhất. Xét về nội dung trực tiếp thể hiện, hai cuộc Thế chiến là sự tranh giành giữa Anh, một quốc gia bá quyền thế giới già nua, với nước Đức, kẻ thách thức mới.
Nhưng nếu xét về giá trị và ý nghĩa của kết cục cuối cùng thì hai cuộc Thế chiến nổ ra đã thực hiện sự thay đổi bá quyền giữa Mỹ với Anh, nước Mỹ nghiễm nhiên có thể không tranh giành mà lại được hưởng, hoặc nói đấu tranh ít mà thu lợi lớn. Đó là một nghệ thuật cạnh tranh cao siêu nhường nào! Trong thời gian 1898 – 1920 Mỹ chẳng những giành được quyền thống lĩnh khu vực châu Mỹ mà còn thực hiện được sự hoà giải có tính lịch sử với quốc gia bá quyền là Anh, rốt cuộc quốc gia bá quyền cho đến lúc đó lại kết nối đồng minh với quốc gia bá quyền tương lai.
Sau Đại chiến Thế giới lần thứ 2, Mỹ tiến lên vị trí quốc gia bá quyền rồi lại tiến hành cuộc chiến bảo vệ bá quyền kéo dài nửa thế kỷ với Liên Xô. Đối với Mỹ, thực chất của cuộc Chiến tranh Lạnh là một cuộc chiến bảo vệ bá quyền. Tôn Tử nói “Bất chiến nhi khuất nhân chi binh”; nước Mỹ nghiễm nhiên có thể “bất chiến nhi khuất nhân chi quốc”, một nước dùng Chiến tranh Lạnh để “khuất nhân”, làm nên kỳ tích cạnh tranh chiến lược nước lớn trong lịch sử thế giới cận đại.

Nước Mỹ có hai thành công chiến lược: một là thành công trong việc trỗi dậy; hai là thành công trong việc ngăn chặn hữu hiệu nước lớn trỗi dậy thách thức địa vị bá quyền của mình (tức ngăn chặn được Liên Xô). Mỹ là quốc gia vừa giỏi trỗi dậy lại vừa giỏi ngăn chặn, xứng đáng là tấm gương trên cả hai mặt “thực hiện nước lớn trỗi dậy” và “ngăn chặn nước lớn trỗi dậy”. Việc nghiên cứu kinh nghiệm của Mỹ trỗi dậy dưới cường quyền hay là tìm hiểu biện pháp Mỹ từng dùng cường quyền để áp chế sự trỗi dậy đều có ý nghĩa đối với việc suy nghĩ về nghệ thuật trỗi dậy của Trung Quốc...

Trở lại với châu Á, châu Á đã làm thế giới phải ngỡ ngàng với kỳ tích của những con rồng, con cọp trỗi dậy một cách thần kỳ. Quá trình  East Meets West/Âu hóa, điều đã mang đến những sự chuyển biến mạnh mẽ ở những quốc gia này đều gắn liền với tên tuổi của những nhà cải cách/lãnh đạo lừng danh. Trong số họ, những người quan trọng nhất đóng vai trò quyết định phải kể đến là Vua Minh Tr (Mutsuhito), Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản), Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), Park Chung-hee (Nam Triều Tiên), Lee Kuan Yew (Singapore) và Mustafa Kemal Atatürk (Thổ Nhĩ Kỳ).

Hiện nay, với tốc độ phát triển kinh tế cao, nhiều người cho rằng, quyền lực châu Á đang nổi lên và "vấn đề phương Đông" đang làm cho Mỹ và phương Tây đặc biệt quan tâm/nghiên cứu qua nhiều cuộc thảo luận/tranh cãi.
Sự trỗi dậy của TQ và Ấn Độ trong tham vọng đứng đầu/lãnh đạo châu Á (Nhật Bản không muốn đảm nhận trọng trách nặng nề này) đang là câu hỏi với Mỹ trong vai trò bá quyền của mình (có vẻ đang suy giảm về sức mạnh) tại khu vực này, liệu TQ sẽ là dấu chấm hết đối với quyền lực của nước Mỹ tại châu Á và Châu Á mãi mãi phải là châu Á của chính người châu Á như Tập Cận Bình đã nói . 

Hình ảnh của Bắc Kinh tại các Hội nghị cấp cao toàn cầu đang biến đổi cùng với dư luận/truyền thông trên thế giới. Vai trò của TQ ngày càng được nâng cao, các tờ báo từ London đến Seoul đều loan tin về TQ như một quốc gia lãnh đạo toàn cầu, thậm chí nhà báo Martin Jacques còn tiên đoán trên tờ The Guardian rằng chẳng bao lâu nữa Thượng Hải sẽ thay thế New York trong vai trò "trung tâm tài chính của thế giới".
Một trật tự thế giới mà TQ là trung tâm có thể là một "bước phát triển ổn định và tích cực" và "Nếu nhìn vào lịch sử, ta sẽ không tự đi tới kết luận rằng, TQ càng lớn thì càng nguy hiểm" (David Kang (ĐH California).

Châu Á hiện nay là khu vực đa cực và đa dạng, không tự ép mình vào một hệ thống nào. TQ có thể hơn các nước khác về phương diện quy mô kinh tế nhưng ở các phương diện khác như trình độ công nghệ, thu nhập bình quân/đầu người hoặc sức mạnh của các định chế thì còn lâu TQ mới lên được vị trí hàng đầu. TQ cũng thừa nhận những vấn đề mang tính cơ cấu đang tạo ra "sự phát triển không bền vững, không cân bằng, không đều đặn và không có sự phối hợp" (Thủ tướng Ôn Gia Bảo).

Người Nhật đang mở rộng đầu tư đối với Ấn Độ, VN, Indonesia. Nhật Bản sẽ đi theo hướng nào? Nước Nhật ít bị nạn tham nhũng, được điều hành tốt hơn TQ và đang đi đầu trên nhiều lĩnh vực công nghệ. Dù nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của Nhật đang bị điêu đứng vì cuộc suy thoái toàn cầu, các công ty giàu có của họ vẫn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động nghiên cứu-phát triển mọi sản phẩm, từ hàng điện tử tới sắt thép. Tổng đầu tư hàng năm của Nhật vào công nghệ sản xuất bình điện tối tân cao gấp 10 lần của Mỹ trong suốt 1 thập niên sau năm 1998. Ngay cả Nam Triều Tiên - đất nước hay than thở về tình thế mà họ gọi là "con tôm kẹp giữa bầy cá voi" - cũng đã nổi lên như một thế lực lớn mạnh về công nghệ cao, sáng tạo và năng động nhất thế giới.
Vì thế, xét trên nhiều phương diện, toàn bộ ý tưởng về quốc gia "Số 1" đang trở nên lỗi thời. Hãy nhìn cách mà người Singapore khai thác tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ thông tin để giành lấy 1 vai trò toàn cầu vượt ra ngoài diện tích bé nhỏ của nước họ. Xứ đảo vùng Đông Nam Á hiện đứng thứ 3 trong danh sách các quốc gia giàu nhất thế giới với thu nhập bình quân PPP gần 85.000 USD và đã vượt qua Hong Kong để trở thành Trung tâm Tài chính lớn thứ 3 toàn cầu chỉ sau London và New York (Global Financial Centres Index). Kỷ nguyên toàn cầu không tôn trọng cái tôn tri trật tự của Khổng giáo mà TQ đang nhắm tới.

Những người theo chủ nghĩa thực tế trong chính sách ngoại giao đã chỉ ra rằng, châu Á chưa bao giờ trải qua thời kỳ mà cả TQ và Nhật Bản đều mạnh lên như hiện nay. Họ lo ngại về một sự xung đột giữa 2 quốc gia này qua diễn biến từ những tranh chấp gần đây. 

Aaron Friedberg (Nhà khoa học chính trị của ĐH Princeton) so sánh châu Á hiện đại với châu Âu thế kỷ 19, nơi các cường quốc dùng mánh khóe để giành quyền kiểm soát. Nhưng sự so sánh này nhấn mạnh cái thực tế rằng TQ còn lâu mới trở thành nhà lãnh đạo khu vực. Không có cường quốc riêng lẻ nào thống trị châu Âu ở thế kỷ 19. Tương tự như vậy, tình hình châu Á cũng không có nước nào đủ mạnh để trở thành đầu tàu/dẫn dắt châu Á. Vấn đề hiện nay thuộc về quan hệ xuyên quốc gia, đòi hỏi sự hợp tác chứ không phải dùng thủ đoạn để giành giật quyền lợi với mục đính đạt được đại cục vì 1 quốc gia.

Trong bối cảnh này, người VN đóng vai trò gì trong khu vực và có thể chọn con đường/chính sách phát triển như thế nào?

Tổng hợp

Cao Xuân Việt
----------
[1]: Lưu Minh Phúc (Trung Quốc ) - ''Nghệ thuật trỗi dậy chi phí thấp của Mỹ'' 

8 comments:

  1. Tuy nhiên, có vô số sự thật về Trái đất vẫn còn là bí ẩn mà con người còn lâu mới có thể hiểu biết, cũng như về số phận của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia vậy.

    ReplyDelete
  2. Khái niệm “châu Á của người châu Á” được đề cập chính thức trong bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á hồi tháng 5,2014. Trong một tuyên bố thận trọng, Tập Cận Bình đặt ra tầm nhìn của Trung Quốc cho một trật tự an ninh khu vực mới — một trật tự an ninh khu vực, như khẩu hiệu đã gợi ý, do chính châu Á đảm trách.
    (Nghiên cứu Quốc tế)

    ReplyDelete
  3. Kể từ khi Mỹ và TQ xích lại gần nhau cách đây bốn thập kỷ, "Trung Quốc vẫn cố tình duy trì một sự nhập nhằng về vai trò đảm bảo an ninh châu Á của Hoa Kỳ. Những nhà lãnh đạo thực dụng của Trung Quốc thừa biết sự hiện diện của Mỹ giúp kiềm chế Liên Xô (và sau này là Nga), ngăn chặn Nhật Bản tái vũ trang, giữ các tuyến đường biển luôn mở. Họ cũng công nhận rằng họ chưa đủ sức mạnh để thách thức trật tự an ninh do Mỹ đứng đầu, hay đưa ra một trật tự an ninh khả thi để thay thế."
    (Nghiên cứu Quốc Tế)

    ReplyDelete
  4. Thời gian gần đây, theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Bắc Kinh đang quan sát chặt chẽ mọi dấu hiệu, có thể cho thấy quan hệ Washington-Moscow đang ấm dần lên. Đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump lựa chọn CEO Exxon Mobile, Rex Tillerson vào vị trí Ngoại trưởng.

    ReplyDelete
  5. Trung Quốc và Nga phát triển cùng nhau trong những năm qua, nhưng hai nước cũng cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở Trung Á, cả hai đều đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

    “Hợp tác Nga-Trung trong vòng 3 năm qua thực chất là bởi Moscow bị cô lập trên trường quốc tế, và áp lực mà Trung Quốc phải đối mặt ở phía Tây Thái Bình Dương”, Yun Sun, chuyên gia tại Viện Stimson ở Washington nhận định. “Nếu Nga cải thiện quan hệ quốc tế thì Moscow cũng không còn nhiều lý do để hợp tác bằng mọi giá với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng không còn lợi thế khi đàm phán với Nga”.

    Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan đồng ý rằng, Trung Quốc sẽ đánh mất tầm ảnh hưởng với Nga, nếu Moscow-Washington không còn đối đầu.

    Theo Đăng Nguyễn - SCMP (Dân Việt)

    ReplyDelete
  6. Chủ nghĩa thực dân mới là thuật ngữ chỉ việc sử dụng chủ nghĩa tư bản, toàn cầu hóa và các công cụ văn hóa để kiểm soát một quốc gia (thường là cựu thuộc địa của các cường quốc châu Âu ở châu Phi hoặc châu Á) thay vì kiểm soát trực tiếp quân sự hoặc chính trị.

    ReplyDelete
  7. "Nhìn về khía cạnh tích cực và ở cấp độ vĩ mô, nước Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế Châu Á gần hai phần ba thế kỷ qua, các nước được hưởng lợi nhiều nhất từ thị trường rộng lớn của Mỹ: nguồn vốn, chuyển giao công nghệ và kiến thức quản lý gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây hơn là Trung Quốc và Ấn Độ.

    Tuy số dân chỉ khoảng 16 triệu người, cộng đồng Châu Á ở Mỹ nói chung là cộng đồng rất mạnh, năng động, nhưng sống rất hòa đồng và bình đẳng. Trong đó cộng đồng người gốc Việt (khoảng 1.8 triệu người), còn non trẻ nhưng cũng sánh vai với các cộng đồng bạn không thua kém. Dân gốc Châu Á đã giúp “thay máu” nền giáo dục và kinh tế nước Mỹ, đặc biệt là lãnh vực khoa học kỹ thuật, trong nhiều thập niên qua, đồng thời là sợi dây quan trọng kết nối giáo dục, kinh tế, thương mại với quốc gia cũ của họ."

    "Với nguồn lực và liên hệ Mỹ - Á này, cộng với sự phát triển năng động của khu vực hiện nay và sắp tới, thế kỷ 21 phải thuộc về Châu Á. Tôi nhìn thấy khả năng của một Châu Á trỗi dậy hòa bình và thịnh vượng thật sự, chứ không phải những tranh giành hẹp hòi, kém cỏi đang diễn ra."

    Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (USA)

    ReplyDelete
  8. Sau thời kỳ HÁn hóa, ở VN cũng như nhiều nước khác là thời kỳ Âu hóa. Tiếc rằng, thời kỳ này có thể đã mở ra một cơ hội "thoát Hoa" cho VN khi những người cách mạng thực hiện những cải cách mới tiến bộ hơn về văn hóa và xã hội, chỉ tiếc rằng, quá trình này không được thực hiện đúng hướng mà chỉ là những cải cách bước đầu/sơ khai sau đó không được thực hiện triệt để và rộng khắp như tinh thần của những người tiên phong nên đến nay không mang lại thành quả mong muốn.

    ReplyDelete