Saturday, May 13, 2017

Thế nào là hiện thực

Bàn về nhân quả ắt phải bàn về hiện thực. Bởi nếu làm sao phân định được các đối tượng mà sự hiện hữu còn tồn nghi cái nào là nhân, cái nào là quả.
Như thế nào là hiện thực. Toàn bộ triết học là bàn về hiện hữu. Đến như Hamlet nung nấu việc báo thù giết cha, vẫn còn băn khoăn về sự hiện hữu. Từ Aristoteles đến Einstein, người ta vẫn nghĩ rằng hiện hữu gắn chặt với không thời gian. Một sự vật hiện hữu có nghĩa là nó có thể đặc trưng bằng một điểm trong không gian và tại một thời điểm nào đó. Như thế, mọi thuộc tính của sự vật đó hoàn toàn xác định bởi không thời gian. 
Laplace còn đi xa hơn thế. Ông cho rằng nếu thế giới này hiện hữu tại thời điểm nào đó, thì toàn thể thế giới này là hiện hữu và có thể nhận biết tại bất cứ thời điểm nào sau đó. Hiện hữu gắn liền với khả năng nhận biết. 
Tuy vậy, hệ thức bất định của Heisenberg, hình như nói một điều khác: Không thể nào xác định vị trí chính xác của một hạt vật chất. Điều đó nảy ra vấn đề: Hoặc hạt đó không hiện hữu, hoặc hiện hữu không gắn chặt với không thời gian, hoặc hiện hữu không liên quan tới nhận biết của chúng ta.
Quan niệm triết học cổ điển cho rằng cứu cánh của triết học là giải quyết vấn đề hiện hữu (thực ra tìm ý nghĩa cho sự hiện diện của mỗi chúng ta trên cõi đời này) và vấn đề vũ trụ quan (khái niệm về không thời gian liên quan tới chúng ta) như vậy sẽ mất đi ý nghĩa của nó.
Tôi quan niệm hiện sinh hơn như thế: Triết học là để an ủi con người ta khi thao thức, cũng như tôn giáo để an ủi con người khi sợ hãi. Thực chất con người ngoài sinh hoạt bản năng không còn việc gì để làm ngoài thao thức và sợ hãi. Men sinh hóa trong máu của người được tạo ra do ADN hoặc Thượng đế đã quy định điều đó bất kể thao thức và sợ hãi có ý nghĩa thực tế gì hay không. Thao thức sinh ra khoa học, sợ hãi sinh ra nghệ thuật như là sản phẩm phụ. 
Như vậy, chọn một trong các khả năng trên là quyền của các cá nhân, sao cho ít đổ vỡ nhất hệ thống giá trị mà họ đã mất công xây dựng nên để thắng sự thao thức và sợ hãi.
Cá nhân tôi sẽ chọn hiện hữu không liên quan tới nhận biết của con người. Không những hệ thức Heisenberg mà toàn bộ cơ học lượng tử chỉ là phương pháp nhận thức những hệ mà chúng ta không đủ thông tin do khác biệt về thang độ. Chúng ta chỉ có mô hình và phóng chiếu các hệ quả của mô hình đó về các đại lượng quan sát được ở thang độ của chúng ta. Điều mà chúng ta gọi là nhận biết thực tế là hệ quả của phương pháp nhận thức này. Phương pháp nhận thức này có thể có hạn chế, độc lập với việc một electron có hiện hữu hay có tọa độ xác định hay không, cho dù chúng ta sẽ không có phương pháp nào tốt hơn. Tôi không muốn đập phá toàn bộ hệ thống nhận thức dựa trên quan niệm về không thời gian đã từng chia sẻ với Emmanuel Kant và cũng không muốn phiêu lưu tới miền đất xa lạ của bất khả tri luận cũng như duy tâm chủ quan. Lựa chọn đó thuần túy là sự lười biếng, suy cho cùng, như Newton nói tư duy sinh ra cũng nhờ sự lười biếng. 
Tôi tự cho mình là người cấp tiến, theo nghĩa luôn sẵn sàng nghe những quan niệm mới, và tranh luận cởi mở để duyệt lại các giá trị có sẵn. Tuy nhiên, có lẽ do quy nạp và chủ nghĩa kinh nghiệm, tôi không mấy hào hứng với những cuộc cách mạng kiểu đập phá. Tôi thiện cảm hơn với những nỗ lực adiabatic, tiến lên không ngừng, không ngơi nghỉ, nhưng không tạo ra những trạng thái lưỡng lự và hỗn loạn, khó tiên liệu. Tuy rằng, phát triển đột biến là tất yếu trong nhiều trường hợp, nhưng xã hội không tiến lên trong những giai đoạn đó, mà chỉ trong những giai đoạn ổn định. Trong giai đoạn đột biến, nhảy vọt và hỗn loạn, không thể nói tới nhân quả, không thể tạo tiền đề cho bất cứ điều gì. Thao thức không có ý nghĩa, những người gặp may mắn cho dù kiểu Xuân Tóc Đỏ đi đôi với thần kinh thép do ít thao thức, sẽ có vai trò quyết định, cho dù phần lớn các trường hợp, họ không hiểu cái gì đưa họ tới thành công. Những retrospect đều không thể tránh khỏi chút ít dối trá, bởi vì chúng ta không thể thoát khỏi chính mình như trong phim Rashomon của Akira Kurosawa. Trong nhiều trường hợp, những dối trá dù nhỏ nhặt, vô tình bị phóng chiếu bởi tầm cỡ của các sự kiện trở thành những điều ghê tởm theo nhãn quan của những tín đồ tiến hóa adiabatic như tôi, mặc dù những tác giả của sự dối trá đó hoàn toàn có thể biện minh và đáng thương nhiều hơn đáng giận.
Như vậy, tôi cho rằng thế giới vậy lý là hiện hữu ở các thang độ khác nhau. Ở mỗi thang độ, đều có nguyên lý nhân quả và hiên hữu của riêng mình, không nhất thiết giống hệt như ở thang độ khác khi bị phóng chiếu. 
Tôi cho rằng không thời gian có thể được thay đổi,mở rộng hoặc thu hẹp ở các thang độ khác nhau. Tuy vậy, điều kiện thay đổi phải thỏa mãn điều kiện biên là khi trở về thang độ quen thuộc, chúng ta phải thu được lại những kiến thức mà chúng ta đã có. Tôi không tin ở những lý thuyết hoàn toàn mới, không có một giới hạn "cổ điển" như vậy. Cho dù quan niệm Chân Thiện Mỹ thay đổi ra sao, việc đập phá các giá trị cổ điển và tiến hóa chắc chắn không thể chấp nhận được. Đó chính là tiêu chí để phân biệt một cuộc cách mạng tiến hóa với một bạo loạn chỉ có mục đích đập phá. Cố nhiên, con người khó thoát khỏi ràng buộc về hoàn cảnh, tư duy, lợi ích, gia đình, việc nhận chân đó dù có vẻ đơn giản mà không dễ, có thể hạn chế cả những bộ óc kiệt xuất vì may mắn được hình thành trong điều kiện tốt hơn một cách ngẫu nhiên.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

4 comments:

  1. Quốc Hà: Bác triết lý rất sâu sắc. Xin hỏi: bác có thao thức ko ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Ít nhiều ai mà không thao thức.

      Delete
    2. Quốc Hà: Ít nhiều ai mà ko sợ hãi!

      Delete
  2. Do Xuan Phuong: Em xin phép góp lời bàn về "hiện thực" từ góc độ chấp nhận cơ học lượng tử là thực tại vật lý. Động lực mà anh Việt đã nhắc đến của sự nhận thức (ở từng cá nhân) là thao thức (hoặc tò mò) và sợ hãi, có thể chính là do nguyên lý bất định Heisenberg. Bất định tạo ra thăng giáng và mọi quá trình chuyển pha nhiệt động, điều đó đảm bảo rằng cá nhân là một hiện hữu (tạm thời) bên trong một thực tại vũ trụ rộng lớn vĩnh cửu.

    Các triết gia và lãnh tụ tôn giáo lớn đã luôn nói đến phương tiện để giải trừ sợ hãi chính là trí tuệ. Nói cách khác, thao thức tìm kiếm tri thức là 'nhân' cho 'quả' giải thoát. Việc này rất nên xem xét kỹ về mặt thực hành.

    ReplyDelete