Friday, May 5, 2017

Người Việt cần học cách trả lời vào câu hỏi

Sáng nay lái xe đi làm vừa nghe radio. Mục giải đáp thắc mắc. Các câu hỏi rất linh tinh, nhưng phù hợp với mặt bằng kiến thức và tính lười đọc sách của dân ta. Tôi nghe để xem có cách gì trả lời tự động mà hay hơn Giáo sư trả lời không cũng là học mẹo trả lời mọi câu hỏi mà rõ ràng không phải câu hỏi nào cũng thuộc chuyên môn của GS. 
Có thể thấy câu trả lời của GS có câu thì bao hàm câu trả lời, có câu không đa số là thừa thãi, không đúng trọng tâm. Như vậy trả lời tự động với chất lượng như GS làm là dễ dàng.
Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ ở chỗ ta có nên quảng bá kiểu hỏi đáp này không. Thời làm quản lý nhiều khi tôi điên tiết vì nhiều câu hỏi đáng lý chỉ cần yes no thì rất vòng vo rốt cục không rõ yes hay no. Xem cách trả lời phỏng vấn báo chí cũng thấy như vậy. Thậm chí các thầy trả lời trò, TS trả lời chất vấn cũng lòng vòng như thế. Như vậy mà xét thì gốc của vấn đề là ở giáo dục và truyền thông. Nhưng nói đúng hơn là cách suy nghĩ chung có vẻ thiếu cơ bản, khuất tất, lòng vòng. Từ kiểu không minh bạch trong tư duy, dẫn tới chuyện nọ xọ chuyện kia, làm lạc hướng tranh luận.
Có lẽ tranh luận học thuật lớn nhất của nước ta là nghệ thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh. Vào thời đó ở ta là các trí tuệ tuyệt đỉnh, nhưng câu hỏi đó ở phương Tây là ấu trĩ, cho học sinh cấp 2 ưa triết lý. Về mặt logic để trả lời câu hỏi nghệ thuật có vị nghệ thuật không mà trả lời "không, vì nghệ thuật vị nhân sinh" là sai bét. Tôi không hỏi nghệ thuật có vị nhân sinh hay không, tôi hỏi nghệ thuật có vị nghệ thuật không. Trả lời thừa gây nên tranh cãi, và cãi nhau để thắng, không còn gì là học thuật. Các tranh luận sau này về văn học và hiện thực cũng chỉ là tiếp nối cuộc tranh luận đó.
Tôi nghĩ rằng không thể chấm dứt cách tư duy này bằng cách đả phá vào elite. Chỉ cần muốn, người ta có thể tạo ra vô vàn elite từ cán bộ tuyên truyền cấp xã. Có lẽ vấn đề này phải bắt đầu từ thói quen trả lời thẳng vào vấn đề. Rồi các câu hỏi dốt nát cũng sẽ bớt đi nhờ vậy.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

9 comments:

  1. Nguyễn Du Long: Theo em đây là tư duy ngụy biện của người Việt ta.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Vấn đề là tại sao người Việt lại giỏi nguỵ biện thế

      Delete
  2. Truyen Tran: Em nhớ có bác nào đấy nói triết học là trò chơi mập mờ ngôn ngữ. Ngôn ngữ của ta lòng vòng, lộn xộn. Em nhớ có lần dịch bài báo khoa học giúp bạn ra tiếng Anh, tìm mãi chả thấy ngắt câu. Đọc tiếng Việt thì bùi tai, nhưng dịch ra tiếng Anh thì không nổi. Nên có khi cải cách ngôn ngữ lại là mấu chốt, giống cụ Ngô Tùng Phong nói. Khi đó, kiểu nói "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" sẽ rất chối tai.

    ReplyDelete
  3. Phuong Nguyen Hong: Máy chỉ có thể trả lời Y hoặc N. Cái hơn máy của người là sau khi người (bao gồm cả các GS) trả lời xong thì chả ai hiểu câu trả lời là Y hay N nữa!

    ReplyDelete
  4. Tuan Hoang Anh: E lại không nghĩ câu trả lời "không, vì nt vị nhân sinh" là sai bét, vì phần sau dấu phẩy là phần làm rõ cho phần đầu. Cũng như khi một cô gái hỏi chàng trai "anh có yêu em không?", chàng trai có thể trả lời:"không, người anh yêu là cô A kia", câu đó chỉ thừa nhưng không sai.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Đó là trong việc yêu người ta giả thiết (hoặc giả bộ với nhau thế) chỉ yêu một người. Nhưng nghệ thuật có thể vị cả hai. Giống như trả lời tôi cởi trần vì tôi mặc quần

      Delete
  5. Ca Vu Thanh: Tôi rất chán cái vụ trả lời này; GS cái gì cũng biết, cũng trả lời, tra mạng để trả lời nên nhiều câu sai toét, còn kém xa máy tính. Nói tóm lại nên dẹp chương trình này đi cho xong; hay hỏi theo chuyên đề và mời những người đúng chuyên môn để trả lời.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Chứng tỏ bác đã nghe ct này. Nếu bàn tới nội dung ta phải bao dung một chút. Đám đông như thế xứng đáng có GS trả lời như thế

      Delete
  6. Do Xuan Phuong: Em nghĩ môi trường truyền thông vốn dĩ đã mập mờ, ở chỗ người hỏi và người đáp có thể có ý tưởng rất khác nhau về cùng một từ vựng. Trả lời trực diện chỉ dễ khi ý tưởng đã tương đối phổ biến và/hoặc được chấp nhận bởi người nghe.

    Y/N là protocol passed ạ. :)

    ReplyDelete