Saturday, May 13, 2017

Dấu vết nguồn gốc dân tộc trong ngôn ngữ

Từ trước đến nay tôi vẫn nghe nhiều người nói rằng tiếng Việt thuộc về ngữ hệ Mon-Khmer, vì thế người Việt có họ hàng gần với người Khmer và người Miến. Nghe nhiều đến nỗi tôi tưởng đó là một chân lý hiển nhiên hoặc đã được chứng minh, không cần phải nghi ngờ. Tôi cũng nghe người ta giải thích Mon tức là Myanmar và cũng nghe nhiều đến mức không bao giờ thấy cần nghi ngờ.
Té ra mọi việc không phải đơn giản như vậy. Trước tiên, tiếng Việt thuộc ngữ hệ Austroasiatic (Nam Á). Chú ý là Austro ở đây không dịch theo âm Hán là Úc mà phải dịch theo nghĩa Latin là Nam. Ngày xưa các cụ dịch Australia là Nam Dương cũng là có lý của nó. Ngữ hệ Nam Á vốn chia làm hai nhóm lớn là Mon-Khmer và Munda. Tiếng Việt thuộc về nhóm Mon-Khmer. Nếu cho rằng dân tộc được xác lập thông qua ngôn ngữ với một trọng số lớn nào đó, dân tộc Việt trong quá trình hình thành ắt phải có giao lưu (dẫn tới giao phối) với người Mon-Khmer.
Mon không phải hoàn toàn là người Miến Điện, ngôn ngữ Mon cũng không phải là ngôn ngữ Burmese hiện nay đang dùng phổ biến tại Miến Điện. Người Mon hiện nay còn rải rác ở Nam Miến và Bắc Thái. Một số khá lớn đã bị người Thái đồng hóa. Người Mon là một trong những chủ nhân đầu tiên của bán đảo Đông Dương, dấu vết còn để lại hiển nhiên tại Miến Điện, Thái Lan, Trung Lào. Có thể giả thiết họ có địa bàn rộng hơn vì các vương quốc Mon khá hùng mạnh và văn hóa khá phát triển, có chữ viết để lại trong các hang động vào thế kỷ 6 trước công nguyên. Vào thời kỳ người Khmer và người Chàm tiếp thu đạo Hindu, người Mon tiếp thu đạo Phật từ Nepal và Đông Ấn. 
Vương quốc Mon bị tiêu diệt (có thể tính thụ động của đạo Phật là một phần nguyên nhân), với sức ép từ người Thái ở phía Bắc, người Khmer từ phía Đông-Nam. Vào thế kỷ 16, vương quốc cuối cùng của Mon còn sót lại ở Nam Miến cũng bị người Bama tiêu diệt. Các nghiên cứu gần đây về gene cho thấy người Mon không có họ với người Thái, người Lào và người Khmer. Có thể chữ Mán trong tiếng Việt để chỉ người Mon, các tộc người Mon cũng tự gọi mình là Man Da, Man Duin và Man Nya. 
Như vậy có bằng chứng để nói nhóm ngữ hệ Mon-Khmer không xác lập bởi nguồn gốc chung về huyết thống.
Các quan điểm gần đây chia ngữ hệ Nam Á thành 14 nhóm nhỏ hơn. Hayes từ 1992, phân tiếng Việt vào nhóm ngôn ngữ Vietic (Viêt-Mường). Các học giả trên thế giới cũng chú ý là chữ Việt ở đây không phải là Bách Việt (Bai Yue) trong thư tịch cổ của Trung Quốc mà các sử gia của Đại Việt cũng như nhiều nhà nghiên cứu hiện nay đã hoang tưởng, lầm lẫn và xem đó là điều hiển nhiên. Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới chấp nhận quan điểm có từ thời xưa tại Trung Quốc Yue tức là chỉ người Thái-Kadai. Ngôn ngữ Thái-Kadai không thuộc về ngữ hệ Nam Á.
Tổ tiên của những người hiện nay nói tiếng Việt-Mường cho rằng họ là chủ nhân của đồng bằng sông Hồng từ thời tiền sử (Văn hóa Hòa Bình). Trong khi đó, Chamberlain cho (chứng minh) rằng người nói ngôn ngữ Việt Mường vốn không phải sống ở đồng bằng sông Hồng mà di cư từ phía Nam đến sớm nhất là vào thế kỷ 7-9. Trước đó đồng bằng sông Hồng là do người Tai-Kadai làm chủ. 
Vietic tuy là ngôn ngữ Nam Á nhưng tiếp thu ảnh hưởng Hán nên từ vựng rất nhiều từ gốc Hán và tiếp thu tính chất đơn âm vị từ tiếng Hán. 
Cùng trong nhóm ngữ hệ Nam Á chỉ còn 2 ngôn ngữ là có vị thế quốc gia là Khmeric và Vietic. Tôi chỉ nhận ra 3 ngôn ngữ khác là Bana, Khmu và Katu là tên ba dân tộc thiểu số của Việt Nam. Một số tiếng tuy có ở Việt Nam như tiếng Kháng, Mãng, Hân Môn thuộc nhóm Pakanic nhưng tôi không biết dân tộc nào nói và cũng không biết dân tộc nào có tên như thế.
Việc phân loại này thực tế đang diễn ra từ 1990 đến nay, với các công trình tập trung vào 2005-2011, chủ yếu là các học giả phương Tây, một ít học giả Nhật, Trung Quốc, Malay và Thái. Có một số rất hãn hữu người Việt tham gia, và nếu có thì cũng thường là trong các công trình với tác giả phương Tây. Tuy nhiên, có vẻ như các học giả Việt tránh né việc phân loại này, mặc dù đây là hướng nghiên cứu rất tiềm năng, nhiều vấn đề còn tranh cãi và nóng hổi. (Cố nhiên hay và có ích hơn phân tích hành vi nịnh). Kết quả là rất nhiều nhóm ngôn ngữ thiểu số ở Mã Lai và Thái chiếm đa số trong phân loại 14 nhóm. Các ngôn ngữ thiểu số của Việt Nam hầu như vắng bóng trong phân loại nói trên trừ các trường hợp đã được nêu tên.
Có vẻ như một tín điều khiên cưỡng dẫn đến ngộ nhận dẫn tới lạc hậu. Muốn phá bỏ cũng tốn nhiều năng lượng còn hơn các phát minh mới có tầm cở quốc tế.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
14 May 2016

1 comment:

  1. Có lẽ luồng nghiên cứu cho rằng dân tộc VN có nguồn từ TQ là quan điểm nô dịch, dù quá trình đan xen/ảnh hưởng qua nhiều giai đoạn lịch sử đã cho thấy VN là nơi tiếp thu nhiều luồng văn hóa khác nhau từ khu vực và thế giới cũng như các nước khác, nhưng đặc biệt là từ Trung Hoa.

    ReplyDelete