Tuesday, September 25, 2018

Quan điểm của tôi: Về Chủ tịch Hồ Chí Minh (tiếp theo và hết)

B. Về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc:
Vào những năm 60 thế kỷ trước, tâm trí Cụ Hồ có phần dành nhiều hơn cho miền Nam và sự nghiệp thống nhất đất nước, song đây vốn là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng cả nước; có lẽ do thiếu cả lý luận lẫn thực tiễn, Đại hội III (1960) của Đảng vẫn chưa thể vạch ra được một chiến lược rõ ràng và đầy đủ cho một “tổng lộ tuyến” đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam .
Xây dựng chủ nghĩa xã hội có nội dung quan trọng hàng đầu là kinh tế, đây lại là mặt yếu của nhà chính trị Hồ Chí Minh. Theo đuổi mục tiêu cứu nước, Cụ Hồ chưa có điều kiện đi sâu tìm hiểu các học thuyết kinh tế của A. Smith, D. Ricardo, kể cả Tư bản luận của Marx, chưa nói gì đến các học thuyết kinh tế hiện đại. Nho giáo xưa vốn rất ít bàn về sản xuất và kinh tế. Vì vậy, chưa thể nói đến tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh một cách đầy đủ và hệ thống, bản thân Cụ cũng chưa từng một lần nhắc đến khái niệm kinh tế thị trường.
Hồ Chí Minh sống đến 1969, khi đó Quốc tế xã hội chủ nghĩa, sau chiến tranh, đã phục hồi và phát triển, tới Đại hội thứ 23, đã có 170 tổ chức thành viên từ 126 nước tới dự, trong đó có 29 đảng đang cầm quyền, 23 đảng tham gia liên minh cầm quyền. Chủ nghĩa xã hội dân chủ kiểu Bắc Âu ngay từ sinh thời Cụ đã có những thành tựu được cả thế giới biết đến. Hồ Chí Minh do bị chi phối bởi tư tưởng đối đầu thời kỳ chiến tranh lạnh, chưa có điều kiện tìm hiểu, nên chưa biết đến những thành tựu này của chủ nghĩa xã hội dân chủ.
Tuy sinh thời, Hồ Chí Minh từng nói: Việt Nam chúng ta không giống với Liên Xô và Trung Quốc, ta cần thiết phải tìm ra con đường khác để đi lên chủ nghĩa xã hội. Song đây chỉ có ý nhấn mạnh là phải biết xuất phát từ đặc điểm riêng của mỗi nước, chưa phải do đã nhận thức được những nhược điểm, sai lầm, khuyết tật trong mô hình chủ nghĩa xã hội cực quyền của Staline – cái mà ngày nay chúng ta gọi là “những lỗi của hệ thống”! Vì vậy, trong các phát biểu, cả trong Di chúc, chưa thấy Cụ Hồ có cảnh báo nào phải đề phòng, để tránh không mắc vào những khuyết tật ấy. (Di chúc có nói đến “phải chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, nhưng chưa đề cập tới hai chữ “đổi mới” với hàm nghĩa như là phải cải tổ).
Nhận thức về vai trò và sức mạnh của khoa học và công nghệ:
Nếu so sánh có thể thấy: sinh thời Marx còn chưa biết đến đèn điện, thời Engels chưa có máy bay, thời Lênin đã có điện ảnh, vô tuyến điện, nhưng chưa có vô tuyến truyền hình,… sinh thời Hồ Chí Minh đã được chứng kiến những thành tựu khoa học-công nghệ làm thay đổi thời đại: sức mạnh năng lượng nguyên tử, máy điện toán, công nghệ thông tin, công nghệ biến đổi gien, con người đã bay vào vũ trụ,… Tuy nhiên, Hồ Chí Minh còn ít nói về vai trò và sức mạnh của khoa học-công nghệ, có nói, nhưng chưa đủ, chưa đến độ, nhất là chưa ráo riết trong tổ chức, đào tạo, nghiên cứu, vận dụng, phát triển khoa học-công nghệ , để nhanh chóng đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
Có thể đổ tại hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt,…nhưng nếu so với Bắc Triều Tiên cùng hoàn cảnh như ta, mà từ lâu họ đã chế tạo được vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo, đã có nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, khiến cho các cường quốc láng giềng phải vì nể. Trong khi đó, đến nay ta vẫn chưa có một nền công nghiệp cơ khí chế tạo đủ sức tự sản xuất hoàn chỉnh một chiếc ôtô, một cái máy chuyên dùng cho công nghiệp hay nông nghiệp,… thế mà cứ “hồn nhiên, vô tư” nói rằng đến năm 2020 (tức là chỉ 5 năm nữa) nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại!
Hiện nay, ta đã có hai viện hàn lâm khoa học nhưng lại không có những “viện sĩ” đúng nghĩa; có nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng lại không có phát minh, sáng chế được quốc tế biết đến và công nhận,…Đó không phải là lỗi của cá nhân mà thuộc lỗi của đường lối, của tầm nhìn lãnh đạo, chưa vạch ra được một chiến lược quốc gia về phát triển khoa học-công nghệ với những định hướng mục tiêu cơ bản cần đạt trong các kế hoạch trung hạn và dài hạn.
Con người Việt Nam vốn thông minh, năng động, khéo tay nhưng cũng mang những hạn chế của một cư dân nông nghiệp sản xuất nhỏ (giỏi bắt chước nhưng kém độc lập, sáng tạo) lại cộng thêm di chứng của Nho giáo, trọng danh hơn trọng thực, nên mới có tình trạng thừa thầy mà thiếu thợ, thừa quan chức mà thiếu chuyên gia, như Cụ Hồ nói: thừa người đi tuyên truyền mà thiếu người giỏi quản trị hành chính; sính làm thơ, sáng tác “văn chương” hơn là say mê, tìm tòi, phát minh khoa học-kỹ thuật,…(Vì vậy, đã có người phải loa lên rằng “Toàn dân yêu thơ, sơn hà nguy biến!). Trong hoàn cảnh đó, những anh “Hai Lúa” chế ra được máy bay trực thăng, tàu ngầm mini, cải tiến xe bọc thép,…đáng phong anh hùng lao động sáng tạo, lại không được Nhà nước tuyên truyền, đề cao, nên ta mới chỉ có loại anh hùng “sao văn tế”!
Khoa học-công nghệ của ta muốn phát triển, giáo dục-đào tạo phải khắc phục được những nhược điểm cố hữu nói trên của con người Việt Nam, nhất là Nhà nước phải tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế, chính sách đang là rào cản sự phát triển của khoa học-công nghệ hiện nay:
– một là, lựa chọn, cắt cử người lãnh đạo khoa học-công nghệ phải là những nhà khoa học tâm huyết, có thực tài, có khát vọng sáng tạo, tìm tòi cái mới và truyền được khát vọng đó cho đồng nghiệp và học trò (như thế hệ các giáo sư Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu,… thời Cụ Hồ ngày xưa). Muốn thế, phải biết quý, biết trọng những người có bộ óc lỗi lạc, có tầm vóc khoa học, chứ không phải coi họ như những “sai nha” quen xun xoe, nịnh hót quanh mình.
– hai là, phải hình thành đồng bộ một đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành có trí tuệ, có sức sáng tạo mạnh, có công trình nghiên cứu được thế giới biết đến, có quan hệ rộng rãi với các nhà khoa học nước ngoài, có khả năng đào tạo được các nhà khoa học trẻ, đảm bảo tính kế thừa và phát triển tiếp nối ở mỗi chuyên ngành nghiên cứu. Đáng tiếc, ở ta hiện nay đang có sự đứt gãy, hụt hẫng giữa các thế hệ, lớp sau không kế thừa được lớp trước.
– ba là, phải làm trong sạch môi trường học thuật đang bị ô nhiễm nặng: các chuẩn mực khoa học không được triệt để tôn trọng; nạn “học giả, bằng thật”, nạn mua bằng, bán điểm; nạn lũng đoạn, tham nhũng đáng xấu hổ trong việc giành giật các chương trình, đề tài nghiên cứu, …Muốn thế, phải trả lương cho các nhà khoa học đủ sống để họ có thể theo đuổi lý tưởng sáng tạo khoa học, biết đứng cao hơn mọi cám dỗ vật chất, danh vị, tiền tài; phải tiến tới xóa bỏ “nền khoa học bao cấp”, bỏ “cơ chế xin cho” trong nghiên cứu khoa học!
Không coi trọng chỉ đạo và đầu tư tương xứng cho khoa học-công nghệ, tức là không quán triệt trong thực tế quan điểm coi cách mạng khoa học-công nghệ là then chốt, đó là lỗi của Đảng và Nhà nước, trong đó có phần nào trách nhiệm của người đặt nền móng, là Cụ Hồ.
*
Lịch sử dân tộc ta đã ghi lại không ít tên tuổi sáng chói của những anh hùng cứu nước, chống ngoại xâm, như hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,…GS Hoàng Xuân Hãn, trong một thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có đoạn viết: tuy nước ta có nhiều cuộcchiến thắng ngoại xâm, nhưng “chỉ có hai cuộc giải phóng mà thôi: thời 1416-1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi và thời 1945-1975 với Bác Hồ cùng các Anh” [16] . Ý GS Hãn muốn nói: cần phân biệt giữa chiến thắng chống ngoại xâm với sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, một bên có sẵn một hệ thống nhà nước với quân đội hùng hậu được trang bị và tổ chức chặt chẽ, được nhân dân cả nước sẵn sàng góp người, góp của để bảo vệ Tổ quốc; với bên kia là cuộc đấu tranh giải phóng đất nước (đang bị ngoại bang thống trị với hệ thống cảnh sát, máy chém, nhà tù), phải khởi sự từ hai bàn tay trắng, phải bí mật nhen nhóm, thức tỉnh lòng yêu nước và căm thù của nhân dân, phải rất giỏi tổ chức quần chúng, từ nhen từng đốm lửa nhỏ đến đốt cháy cả đồng cỏ rộng…Muốn thế, người lãnh tụ phải có đạo đức rất cao mới hấp dẫn được quần chúng đi theo mình; lại phải rất trí tuệ, rất tài năng trong phân tích tình hình, khéo liên minh, liên kết, biết thêm bạn, bớt thù, giỏi nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ để giành lấy thắng lợi cuối cùng.
Nếu kể từ ngày Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, đến 1941 trở về gây dựng và làm cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, rồi lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm, kết thúc vẻ vang với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, là gần trọn 45 năm! Đó là một sự nghiệp vô cùng gian nan, cực khổ nhưng cũng vô cùng vinh quang.Vào nửa đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam không một nhân vật lịch sử nào có thể so sánh với tầm vóc của Cụ được!
Lịch sử rất công minh trong phán xét ai là kẻ có tội, ai là người có công. Chúng ta vững tin rằng năm tháng qua đi, hận thù được xóa bỏ, dân tộc hòa hợp lại, lịch sử sẽ đánh giá đúng công lao, sự nghiệp của Hồ Chí Minh: “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà yêu nước vĩ đại, chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX”./.
LÊ KỲ SƠN
Tháng 5-2015

Nguồn: 

No comments:

Post a Comment