Saturday, August 1, 2020

Hồ Chí Minh, một cuộc đời (1)

Tại Mỹ đã xuất bản cuốn sách nhan đề Hồ Chí Minh - Một cuộc đời (lần đầu tiên vào năm 1989), một cuốn tiểu sử dày 704 trang, được giới Việt Nam học và người đọc khen ngợi, đánh giá cao. Tác giả là William J. Duiker, một học giả hàng đầu về cuộc đời Hồ Chí Minh. Ông đã dành gần 30 nǎm để nghiên cứu viết nên cuốn sách này, với lời đề tặng: Kính tặng nhân dân Việt Nam.


Ho Chi Minh: A Life

Tôi bắt đầu say mê Hồ Chí Minh từ giữa những nǎm 1960 khi đang là một sĩ quan trẻ làm việc tại đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, tôi lấy làm khó hiểu trước việc các du kích Việt cộng chiến đấu trong rừng rậm tỏ ra có kỷ luật và động cơ cao hơn đội quân đồng minh. Khi thử tìm hiểu vấn đề, tôi được giải thích rằng đó là do vai trò của nhà khởi xướng và nhà chiến lược bậc thầy cách mạng Việt Nam – ông Hồ Chí Minh. Sau khi thôi phục vụ chính quyền Mỹ để theo đuổi sự nghiệp khoa học, tôi có ý định viết một cuốn tiểu sử về nhân vật hết sức phong phú này.

Hiện nay, hơn ba thập niên sau khi ông qua đời, Hồ Chí Minh vẫn được tôn kính ở Việt Nam. Đối với nhân dân Việt Nam, hình ảnh ông vẫn là thiêng liêng. Sự nghiệp mà ông khởi xướng và lãnh đạo đã tạo thành một thời điểm quyết định của thế kỷ 20, thể hiện đỉnh cao của kỷ nguyên giải phóng dân tộc trong Thế giới thứ ba và sự ghi nhận đầu tiên về những giới hạn trong chính sách ngǎn chặn chủ nghĩa cộng sản của Mỹ.

Là thành viên của phong trào cộng sản quốc tế, kiến trúc sư của thắng lợi cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh hẳn nhiên là một trong những nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20. Ông có một tính cách lãnh đạo riêng bằng thuyết phục và đồng tâm hơn là áp đặt ý chí quyền lực của mình cho người khác. Khác với những nhân vật cách mạng nổi tiếng khác, Hồ Chí Minh ít quan tâm tới hệ tư tưởng và các cuộc tranh luận ý thức mà tập trung toàn bộ suy nghĩ và hoạt động của mình vào các công việc thực tế nhằm giải phóng đất nước mình và các dân tộc thuộc địa khác thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc phương Tây.

Thật khó hình dung cuộc cách mạng Việt Nam mà thiếu sự tham gia tích cực của Hồ Chí Minh. Ông Hồ không chỉ là người sáng lập Đảng và về sau là Chủ tịch nước, ông còn là nhà chiến lược chính và là biểu tượng có sức cổ vũ nhất của đất nước ông. Là nhà tổ chức tài ba, nhà chiến lược sắc sảo và nhà lãnh đạo có sức thuyết phục, con người Hồ Chí Minh một nửa là Lênin, một nửa là Gandhi. Đó là một sự kết hợp nǎng động. Trong khi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam là một thực tế không tránh khỏi, vượt qua số phận của những cá nhân con người riêng lẻ nhưng nếu thiếu đi sự hiện diện của ông chắc nó đã diễn ra khác với những hậu quả khác.

Hồ Chí Minh, như vậy, là người tạo sự kiện (theo cách nói của nhà triết học Mỹ Sidney Hook), là đứa con của bước ngoặt, người kết hợp được trong cá nhân mình hai sức mạnh trung tâm của lịch sử Việt Nam hiện đại: khát vọng độc lập dân tộc và đòi hỏi công bằng xã hội và kinh tế. Do các sức mạnh này vượt ra ngoài biên giới nước mình, ông Hồ đã có thể truyền thông điệp của ông đến các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới và nói lên yêu cầu chung của họ về nhân phẩm và tự do thoát khỏi ách áp bức đế quốc. Ông đã có một vị trí trong ngôi đền các danh nhân cách mạng, những người đấu tranh kiên cường để đưa lại cho những người cùng khổ trên toàn thế giới tiếng nói trung thực của họ.

Đăng từ Việt Nam Hồ Chí Minh (22.03.2012)

1 comment:

  1. Anh hùng tuấn kiệt xưa nay biết bao người đã làm nên lịch sử nước nhà. Với tất cả lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi không muốn mình trở thành người sùng bái Cụ như một vị thánh, cũng không muốn xúc xiểm Cụ như một kẻ nhỏ nhen. Từ những gì mà Cụ đã làm cho đất nước này, cũng là phải hy sinh rất nhiều ham muốn cá nhân, tôi thừa nhận: Cụ là người kết tinh khí chất của người Việt, là kiến trúc sư của nhà nước Cộng hòa đầu tiên của Việt Nam - lãnh tụ huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

    Tôi không muốn buộc mình phải theo lề phải hay lề trái mà chỉ muốn nhìn nhận về Cụ theo dòng chính luận - vốn là lẽ thường tình khi cần thể hiện thái độ hoàn toàn trung thực của mình về bất cứ vấn đề gì. Theo cá nhân tôi, chuyện Cụ viết sách về mình, sống đơn sơ đến mức tối giản trong những nhu cầu thuộc về cá nhân... là chuyện phải ép mình vào thời cuộc. Là lãnh tụ trước hết phải là tấm gương của đồng bào, là ngọn cờ đoàn kết của dân tộc, là ngôi sao chỉ đường dẫn lối như bao bài ca đã viết về Cụ không sai.

    ReplyDelete