Sunday, August 16, 2020

Hồ Chí Minh – Một cuộc đời: Phần 14

 Giữa hai cuộc chiến

Ngày 9/10/1954, những đơn vị quân Pháp cuối cùng do đại tá D'Argence chỉ huy lầm lũi bước qua cầu Paul Dume (nay là cầu Long biên), nhường lại quyền quản lý Hà nội cho trung đoàn thủ đô của Giáp. Suốt 2 tuần trước đó, thành phố như đã chết. Dòng người di tản để lại những đường phố vắng lặng, các nhà hàng, cửa hiệu đóng cửa im ỉm. Ngày hôm sau, cả thành phố bừng tỉnh chào đón những nhà cai trị mới. Các đoàn diễu hành mang theo cờ hoa đi trên đường phố. Ngày 11/10, những đơn vị quân đội Việt minh tiến vào thành phố được đám đông chào đón bằng những khẩu hiệu "độc lập! độc lập!". Đối với nhiều thành viên của chính phủ, lần đầu tiên sau hơn 8 năm họ mới đặt chân trở lại thủ đô. HCM lẳng lặng trở về thành phố lúc nào không ai rõ, cho đến khi ông xuất hiện trong lễ đón thủ tướng Ấn độ Nehru ngày 17/10. Trong xã luận của báo Nhân dân đăng ngày hôm sau, H giải thích: "hiện tại, phát triển kinh tế và tiến tới thống nhất đất nước quan trọng hơn các nghi lễ chào đón". H kêu gọi các cán bộ đối xử đúng mực và nhân dân sẵn sàng để phê phán chính phủ, sinh viên, thầy giáo tiếp tục tới giảng đường, các thương gia tiếp tục buôn bán, người ngoại quốc hãy ở lại để tiếp tục công việc của mình. H từ chối ở trong Dinh thống sứ, cho rằng nó quá sang trọng với mình và quyết định ở một căn nhà trong vườn. Mặc dù vậy, chính phủ vẫn đổi tên dinh này thành Phủ Chủ tịch.

Trong quan hệ đối ngoại H tiếp tục thể hiện một đường lối hòa giải. Ông ủng hộ 5 nguyên tắc chung sống hòa bình và hứa với Nehru sẽ thiết lập quan hệ hữu hảo với chính phủ hoàng gia Lào và Campuchia. Ngày 18, trong cuộc gặp với đại diện Pháp tại DRV Jean Sainteny, H bày tỏ nguyện vọng bảo vệ sự có mặt về văn hóa và kinh tế của Pháp, thông báo với Sainteny rằng Việt nam sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước không cộng sản khác. Tuy nhiên ông nhấn mạnh quan hệ Pháp - Việt giờ đây phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng.

Ngược lại với phong thái ung dung của H, các đồng chí của ông suốt ngày bận rộn với việc: "tổ chức meeting, diễu hành, tuyên truyền nhồi sọ, hò hét các khẩu hiệu yêu nước...". Cộng đồng người nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ bị theo dõi chặt chẽ và chịu nhiều hạn chế. Báo chí suốt ngày đả kích Mỹ, ủy ban Việt minh địa phương ra tuyên bố không thừa nhận cơ quan lãnh sự Mỹ tại Hà nội. H cũng đổ thêm dầu vào lửa bằng những bài viết châm biếm ký tên C.B. Cuối cùng tòa lãnh sự Mỹ cũng bị buộc phải đóng cửa vào cuối năm, sau khi tổ chức lễ Tạ ơn lần cuối cho một nhúm các nhà ngoại giao phương Tây và thành viên của ủy ban giám sát quốc tế. 1

Ngày 3/11, H triệu tập phiên họp đầu tiên của chính phủ với những vấn đề nghị sự vô cùng cấp bách. DRV sẽ nhanh chóng cải cách phong kiến và xây dựng nền móng của xã hội chủ nghĩa hay sẽ tiến từ từ, tập trung cho việc phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân, vừa lấy lòng dân nghèo vừa không làm phật ý những tầng lớp thương gia? Chính phủ cũng sẽ làm thế nào để hiệp định Geneva được thực thi, nước nhà được thống nhất?

Để trả lời câu hỏi đầu tiên, Việt nam có thể học các đồng chí của mình. Ngay sau cuộc nội chiến ở Nga, Lenin đã thực thi chính sách kinh tế mới, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, cho đến tận những năm 1928 khi Stalin bắt đầu cuộc công nghiệp hóa của mình. Tại Trung quốc, sau khi dành được chính quyền, Đảng cũng áp dụng chính sách "dân chủ mới", tìm kiếm sự ủng hộ của tầng lớp trung gian, chuẩn bị cho cuộc cải cách xã hội chủ nghĩa giữa những năm 50. Vài ngày trước khi hiệp định Geneva được ký kết, tại Việt bắc, chính phủ cũng đã công bố nghị định 8 điểm cho thời hậu chiến. Nghị định này nói rõ, chính phủ chỉ quốc hữu hóa những tài sản của bọn thực dân, bán nước và tôn trọng sở hữu cá nhân của tất cả các thành phần khác. Những nhân viên của chế độ cũ sẽ được tiếp tục công việc của mình, trừ những kẻ trực tiếp dùng vũ khí chống lại kháng chiến hoặc có hành động phá hoại. Binh lính thuộc quân đội quốc gia (của Bảo đại) phải ra trình diện. Bảo đảm tự do tín ngưỡng cũng như an ninh của các công dân nước ngoài. Trong lời kêu gọi gửi nhân dân hồi tháng 9, Hồ viết: "chúng ta sẵn sàng thống nhất với tất cả những người chấp nhận hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ, bất kể trước đó họ đã hợp tác với ai. Bảo đảm quyền của các nhà tư bản trong nước và ngoại quốc được tiếp tục công việc hợp pháp của mình, và chào đón tất cả những nhân viên của chế độ cũ mong muốn làm việc cho nhân dân"

Đảng cũng có nhiều lý do để hòa giải với kẻ thù cũ. Đã có tổng cộng hơn 800,000 người di cư vào phía Nam. Trong đó có rất nhiều gia đình công giáo đi theo tiếng gọi của Đức mẹ đồng trinh, nghe đồn là cũng đã "chuyển vào Nam". Số dân di cư này đã giảm đáng kể cho Đảng những tiềm năng chống đối, tuy nhiên cũng làm mất đi một lực lượng lớn các nhà sản xuất, nhà buôn, thợ lành nghề và trí thức của các tỉnh phía Bắc. Một nhà quan sát đánh giá rằng vào tháng 10, cả chính phủ DRV chỉ có 50 người có bằng đại học và khoảng 200 có bằng tú tài. Hai mươi chín trong 30 nhà máy của Pháp ở Hải phòng bị đóng cửa. Xăng dầu khan hiếm và đường sắt không hoạt động. Đa số các hệ thống thủy lợi đã bị Pháp phá hoại, trên 10% đất canh tác của đồng bằng sông Hồng bị bỏ hoang do chính sách "Vùng được bắn tự do" của quân đội Pháp trước đó. Tháng 12 lại có một trận lụt lớn ở miền Trung đẩy vùng này đến bờ nạn đói.

Trong vài tháng sau khi cầm quyền, Đảng tập trung củng cố hệ thống hành chính cách mạng. Các ủy ban hành chính kháng chiến tại nông thôn được sửa đổi để tiếp tục công việc của mình (bỏ chữ kháng chiến) cho đến khi tổ chức bầu cử ra hội đồng nhân dân các cấp. Trong cuộc họp đầu tháng 9, bộ chính trị bắt đầu tính đến chuyện dài hơi sau khi đã củng cố được quyền lực. Ngày 2/9, HCM tuyên bố DRV là thể chế dân chủ tư sản về hình thức nhưng dân chủ nhân dân trên thực tế.

Một trong những lý do chính để Đảng chưa vội vã xây dựng CNXH tại phía Bắc là mong muốn thống nhất đất nước thông qua bầu cử như quy định trong Tuyên bố chính trị của hiệp định Geneva. Mặc dù các đồng chí phía Nam tỏ ra không thỏa mãn với thắng lợi nửa vời tại hội nghị, họ được thuyết phục là nếu bầu cử tự do, HCM sẽ dễ dàng thắng Bảo đại, vốn chẳng được nhiều người ưa. Để bảo đảm thắng cử, Đảng phải thể hiện một khuôn mặt ôn hòa, tránh gây phản cảm với các phần tử không cộng sản ở phía Nam và các quan sát viên trên thế giới. Theo một số cán bộ thân cận, HCM tỏ vẻ lạc quan về khả năng sức ép của dư luận thế giới sẽ buộc miền Nam phải thực thi hiệp định và bầu cử sẽ diễn ra. Nhưng không phải tất cả các đồng chí của H đều nghĩ như vậy. Ngay cả một người ôn hòa như Phạm Văn Đồng, cũng đã thừa nhận riêng tư với một quan sát viên: "anh cũng biết như tôi là sẽ không có bầu cử mà". Nếu như vậy, Đảng có thể sẽ lại phải quay về với chiến lược đấu tranh cách mạng. Tạm thời H cố gắng dùng tài năng của mình để thuyết phục các đồng chí dành cơ hội để thực thi hiệp định 2. Theo một số báo cáo, có khoảng từ 50 đến 90 nghìn cán bộ ủng hộ Việt minh (bao gồm cả con cái các vị cách mạng) tập kết ra Bắc. Khoảng 10-15000 ở lại và tham gia vào các hoạt động công khai, để ủng hộ bầu cử. Một số khác đi vào bí mật, chuẩn bị sẵn cơ sở, bộ máy để nếu cần có thể tái lập lại phong trào.

Trở ngại lớn nhất đối với kế hoạch của Đảng chính là thái độ của chính phủ Nam VN. Ngay từ khi hiệp định Geneva còn đang diễn ra, Bảo đại đã chỉ định Ngô Đình Diệm làm thủ tướng chính phủ của mình. Bảo đại hy vọng là thái độ chống cộng điên cuồng của Diệm sẽ làm vừa lòng một số "diều hâu" ở Washington. Diệm đã từng bị Việt minh bắt hồi tháng 8/1945, phải chạy trốn vào sứ quán Canada tại Hà nội. Sau đó ông này sang Mỹ và cố tìm cách lấy lòng chính phủ Eisenhower để quay lại với chính trị. Là kẻ sùng đạo, Diệm đã ở hàng tháng tại một tu viện ở New Jersey và tự lãnh lấy sứ mệnh cứu các đồng bào khỏi sự đe dọa của bọn cộng sản vô thần. Nhiều quan chức Mỹ không thích Diệm vì hay hoang tưởng và thiếu sự nghiêm túc cần thiết cho một lãnh đạo quốc gia. Một nhà quan sát Mỹ (Robert McClintock) còn ví von Diệm như "một thiên sứ thiếu thông điệp". Không chán nản, Diệm vẫn sấn đến các nhà ngoại giao và những bậc chức sắc trong giáo hội Mỹ, trong số đó có giáo chủ Spellman và cựu đại sứ Mỹ tại London Joseph Kennedy. Mặc dù có tin đồn là chính Mỹ gợi ý Bảo Đại bổ nhiệm Diệm, Washington chẳng biểu hiện thái độ gì về vụ việc này. Tại Sài gòn cũng ít người hào hứng. Các trí thức miền Nam e ngại một vị lãnh đạo Công giáo cuồng tín lại vốn có quan hệ chặt chẽ với triều đình Huế. Diệm cũng không ưa gì dân Nam bộ, nói họ quá dễ dãi để có thể chống được cộng sản. Bởi vậy chính phủ mới gồm đa số thành phần là dân Bắc và Trung 3. Từ khi mới được bầu, Diệm đã bày tỏ sự không hài lòng với những điều khoản của hiệp định Geneva. Ngay sau khi hội nghị kết thúc, Diệm công khai tuyên bố không có ý định đàm phán với cộng sản. Cảnh sát Sài gòn bắt đầu truy bắt những phần tử cảm tình với Việt minh, đóng cửa những điểm tuyên truyền cho bầu cử, đàn áp hai giáo phái Cao đài và Hòa hảo, thanh lọc những phần tử trung thành với Bảo đại vì Diệm cho ông này là tay chân của bọn thực dân Pháp. Thái độ hiếu chiến của Diệm làm nhiều quan chức Mỹ lúng túng. Tuy vậy, trên thực tế, Mỹ đã quyết định giữ một Nam Việt nam không cộng sản là quan trọng với những lợi ích an ninh của Mỹ ở khu vực. Mùa thu 1954, tổng thống E gửi tướng J Lawton Collins (có biệt danh là Joe "ánh chớp" nhờ tính quyết đoán từ trong chiến tranh thế giới thứ 2) sang làm cố vấn tổng thống điều phối các hoạt động của Mỹ tại Nam VN. Từ Sài gòn, Collins đã nhiều lần đề xuất thay Diệm bằng một nhân vật ôn hòa hơn để lấy lòng Pháp và người dân. Nhà trắng đã bắt đầu xem xét đề nghị này. Nhưng đến tháng 4/1955, Diệm đã thành công trong việc thanh lọc tất cả các đối thủ, đẩy Washington vào thế phải hết lòng ủng hộ Diệm. Eisenhower nói với Collins, cơ hội thành công của Mỹ tại Nam VN đã từ 10% lên đến 50%. Ngay sau đó, Diệm tuyên bố từ chối đề nghị của Hà nội tiến hành bầu cử.

Một báo cáo của CIA lúc đó đã khẳng định, nếu tiến hành bầu cử thì Việt minh sẽ thắng, không chỉ vì uy tín rộng lớn của H trong dân chúng mà DRV có kỹ thuật vận động chính trị tốt hơn hẳn chính quyền Diệm. Quan điểm quần chúng tại Mỹ cũng bắt đầu cho rằng Việt minh không chỉ là một nhóm yêu nước đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân mà là những đặc vụ cộng sản chính hiệu, nhất là sau khi được xem những thước phim hãi hùng về hàng ngàn người bỏ chạy vào Nam. Tuy nhiên Washington cũng cảm thấy bất tiện khi để Diệm công khai từ chối bầu cử, coi thường hiệp định. Họ đề nghị Diệm cứ đàm phán và đặt ra những điều kiện mà Việt minh chắc chắn sẽ không chấp nhận ví dụ như giám sát bầu cử quốc tế, sau đó đổ lỗi cho Hà nội. Tuy nhiên, được sự hậu thuẫn của một số quan chức Mỹ ở Sài gòn, Diệm đã bỏ ngoài tai những "góp ý" này. Mỹ đâm ra rơi vào thế khó xử, vì chính họ đã tuyên bố tại Geneva rằng: "Bất cứ việc xâm phạm hiệp định nào cũng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường". Liệu Mỹ có coi việc cộng sản tràn vào Nam là vi phạm nếu bản thân Diệm đã từ chối tuân thủ hiệp định? Nhưng cuối cùng Mỹ cũng phải nghe theo Diệm, ngoại trưởng Mỹ Dulles tuyên bố trong một cuộc họp báo, rằng mặc dù Mỹ không phản đối bầu cử tuy nhiên tại thời điểm này, các điều kiện là chưa chín muồi.

Hà nội hết sức ngạc nhiên trước việc Diệm nhanh chóng củng cố được quyền lực và được Mỹ ủng hộ, vì xưa nay vẫn đánh giá thấp những phần tử dân tộc không cộng sản. Trong cuộc họp Bộ chính trị cuối năm 54, H đã kêu gọi các đồng chí kiên trì, tìm cách hợp tác với Pháp, cô lập Mỹ và tay sai. Hội nghị trung ương tháng 3/1955 công bố sách lược chú trọng xây dựng miền Bắc và giải quyết vấn đề miền Nam thông qua con đường ngoại giao. Tháng 6/1955 H cùng với Trường Chinh đi thăm Bắc kinh và Matxcơva để kêu gọi các đồng minh gây sức ép lên Mỹ và Diệm. Tuy nhiên kết quả chuyến đi không được khả quan lắm. Cả Nga và TQ đều đang tìm cách giảm căng thẳng với Mỹ và không muốn để Việt nam trở thành trở ngại. Để bù lại, cả hai hứa sẽ tăng viện trợ kinh tế (TQ cho 200 triệu còn Nga cho 100 triệu đô), đồng thời cung cấp ngay lương thực chống lại nạn đói đang đe dọa miền Bắc. Ngày 22/7, trong bài phát biểu về nước, H đã cảm ơn sự giúp đỡ của Nga và TQ, tuy nhiên cũng cảnh báo nhân dân rằng Việt nam sẽ phải dựa vào chính sức mình để thống nhất đất nước. Hội nghị trung ương tháng 8 khẳng định lại chính sách thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình với khẩu hiệu "Xây dựng miền Bắc, hướng về miền Nam".

Quyết định này của Hà nội không giúp được gì mấy cho các đồng chí của mình ở phía Nam. Hè năm đó, Diệm tuyên bố mở chiến dịch "Diệt cộng" nhằm tiêu diệt hoàn toàn những lực lượng còn lại của Việt minh. Hàng ngàn người bị bắt giữ, đưa vào các trại tập trung, chuồng cọp và bị thủ tiêu. Một lão thành là Nguyễn Văn Linh nhớ lại đó là thời ác liệt nhất và họ phải chiến đấu cho sự sống còn của mình. Chính sách hòa hoãn của Hà nội đã làm nhiều cán bộ phía Nam không đồng tình. Một số xin ly khai. Số khác gia nhập các phe phái như Hòa Hảo, Cao Đài cùng chống lại Diệm.

Để tranh thủ sự hỗ trợ của đông đảo dân chúng, tháng 9/1955 Mặt trận Tổ quốc Việt nam được thành lập "liên kết tất cả mọi người Việt nam, không phân biệt tôn giáo, đảng phái,... thành tâm ủng hộ độc lập và thống nhất đất nước". Trong lĩnh vực kinh tế, Đảng theo đuổi chính sách "kinh tế mới" chấp nhận kinh tế tư nhân và các "chuyên gia tư sản", với mục tiêu trong một năm khôi phục kinh tế trở lại mức năm 1939. Nhà nước có can thiệp vào chính sách giá cả và phân phối hàng tiêu dùng chỉ với mục đích chống lạm phát và đầu cơ. Đường lối ôn hòa này không được các phần tử cấp tiến do Trung quốc đứng đằng sau ủng hộ. Một vũ khí của hội này là tìm cách đưa cuộc đấu tranh giai cấp vào nông thôn dưới danh nghĩa cải cách ruộng đất. Trong chiến tranh với Pháp, H đã luôn chống lại những biện pháp cực đoan, tuy nhiên cuối năm 1953, dưới sức ép của TQ, ông đã phải nhân nhượng để có thể động viên được dân nghèo cho chiến dịch Điện biên phủ. Bây giờ chiến tranh đã kết thúc, Đảng quyết tâm hoàn tất chương trình, chuẩn bị cho việc tập thể hóa tất cả ruộng đất ở nông thôn. Tháng 9/1954, H tuyên bố chính sách "người cày có ruộng". Tuy nhiên, ông cũng thổ lộ với một số cộng sự tin cậy là bản thân ông không thấy "cấp bách", chẳng qua là muốn làm vừa lòng Bắc kinh và các đồng chí quá khích như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt. Đảng muốn áp dụng mô hình tương tự như Mao đã làm tại TQ với các tòa án lưu động, xử những phần tử có "nợ máu" với dân. Từ năm 1952, Lê Đức Thọ đã phát biểu: "muốn nông dân đứng lên, phải khơi dậy lòng căm thù và giải quyết những quyền lợi thực tế của họ"

Chiến dịch bắt đầu từ mùa hè 1954, trong khoảng 50 xã ở Thái nguyên do Hoàng Quốc Việt trực tiếp lãnh đạo. Mặc dù diễn ra tương đối ôn hòa và chỉ có vài trường hợp bạo lực, một cơn sốc đã lan khắp nước, đe dọa chính sách hòa hợp của HCM công bố mùa thu 1954. Những đợt sóng cải cách liên tiếp diễn ra vào mùa đông và mùa xuân năm 1955. Mặc dù xã luận báo Nhân dân trong tháng hai đã cảnh cáo về bệnh "tả khuynh", rất nhiều các đội viên cải cách được chuyên gia Trung quốc tập huấn và gửi về nông thôn 3 cùng với nông dân. Các đội viên thường kích động dân làng phê phán những phần tử bóc lột. Rất nhiều người bị kết tội "chống lại nhân dân" và bị thủ tiêu.Trong một số trường hợp, dân làng đã lợi dụng để trả thù riêng. Hàng ngàn người đã từng hỗ trợ Việt minh, giờ bị quy là phản bội và xử lý. Các cán bộ "nòng cốt" tấn công những cựu binh vừa hoàn thành nhiệm vụ về quê. Kể cả những người có mối quan hệ cấp cao cũng không thoát. Có trường hợp, đích thân HCM đã can thiệp với địa phương mà gia đình cán bộ vẫn bị dân làng cô lập, đánh đập, mất hết cả nhà cửa đất đai, phải dựng một túp lều ngoài rìa làng, cầm cự qua ngày. Một người cháu của ông này tên là Dương Vân Mai Elliot đã kể lại: Mỗi khi bác tôi ra ngoài là bị trẻ con xúm vào ném đá, người lớn thì chửi rủa. Bác tôi cứ phải cúi đầu nhẫn nhục: "Con lạy các ông các bà tha cho...". Địa chủ trở thành chỗ cho dân nghèo trút cơn giận dữ vì cuộc sống khó khăn của họ. Một số thì muốn lấy lòng các đội viên cải cách đang nắm quyền, số khác thì chẳng qua vì ghen tức với tài sản của địa chủ" 4

Tất nhiên một phần bạo lực có nguồn gốc bột phát từ hận thù giai cấp và cá nhân đã được tích lũy bao đời nay trên những cánh đồng lúa. Hậu quả của những hành động này nhiều khi rất bi thảm, nhưng có thể nhìn nhận như những sản phẩm phụ không thể tránh khỏi của bất cứ cuộc cách mạng nào. Nhưng cũng có nhiều bằng chứng cho thấy các lãnh đạo Đảng đã trực tiếp cổ vũ cho bạo lực. Trường Chinh, một người thân Mao, đã công khai quan điểm ủng hộ "cuộc chiến tranh giai cấp tại nông thôn". Cùng ban lãnh đạo cải cách, ngoài Hoàng Quốc Việt, thứ trưởng bộ nông nghiệp Hồ Việt Thắng còn có Lê Văn Lương, trưởng ban bí thư. Lương thường xuyên kêu gọi nhân dịp này làm trong sạch Đảng. Cũng chính các vị này đã đặt ra chỉ số 5% dân số tại mỗi làng là kẻ thù giai cấp, bất chấp trên thực tế tại nhiều làng quê, ngay cả những người được coi là khá giả nhất cũng chỉ tạm sống được 5.

HCM có thể đã bị bất ngờ về mức độ bạo lực của cuộc cải cách ruộng đất. Mặc dù trên thực tế có vẻ như ông chia sẻ quan điểm phải tiến hành đấu tranh giai cấp tại nông thôn. Trên hội nghị cán bộ ở Thái nguyên vào cuối năm 1954, ông đã tuyên bố: Cần phải củng cố lại bộ máy tại làng xã: ủy ban hành chính, dân quân, hội nông dân, thanh niên, phụ nữ... Nếu còn những phần tử xấu trong các tổ chức đó, sẽ rất khó tiến hành cải cách như giảm thuế nông nghiệp. Phải có những biện pháp thích hợp với các phần tử này. Nếu giáo dục được, hãy giáo dục. Nếu cần cũng phải khai trừ, cách ly. Đó là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay.

Tuy nhiên H chống lại việc sử dụng cách đối xử không chọn lọc và phản đối các biện pháp bạo lực

Không thể nói cả một nhóm người hoặc đều tốt hoặc đều xấu. Ơ đâu cũng có người tốt, người xấu và phải dựa vào dân để xác định.... Một số đồng chí vẫn sai lầm ưa thích dùng tra tấn, biện pháp mà bọn thực dân, đế quốc đã làm. Chúng ta có chính nghĩa, tại sao phải làm như vậy?

Quan điểm của H không được hưởng ứng rộng rãi. Ngay tại Thái nguyên, một địa chủ đã từng che dấu Hoàng Quốc Việt và Trường Chinh trong kháng chiến, đã bị xử tội chết. Khi dân làng kéo đến phản đối, họ liền bị quy là tay sai của kẻ thù. Mãi đến khi H biết chuyện, rỉ tai Chinh, ông này mới được giảm tội chết. Nhưng đấy là trường hợp hiếm. Đến cuối năm 1956, đã có hàng ngàn người bị thủ tiêu và vô khối những người khác bị đánh đập, giam cầm, làm nhục. Chắc chắn là H biết về bạo lực tràn lan, nhưng bất lực vì sợ làm mất lòng Mao và các cán bộ Trung quốc lúc đó đang ỏ Việt nam. Tháng 3/1955, hội nghị trung ương họp tại Hà nội với chủ đề chính là cải cách ruộng đất. Mặc dù H và các đồng chí đã được báo cáo về tình trạng bạo lực, tại thời điểm đó, việc Mỹ thành lập khối SEATO, rồi thả các toán biệt kích ra quấy rối ở miền Bắc đang làm nhức đầu lãnh đạo và càng làm cho họ tin rằng cách mạng ở nông thôn là cần thiết. Hội nghị đã kêu gọi phải tiến hành cải cách một cách thận trọng, nhưng cũng đã ra tuyên bố là "hữu khuynh" (coi nhẹ việc cải cách XHCN, tập trung thống nhất đất nước) là nguy hiểm hơn "tả khuynh". H tỏ ra không hài lòng với sự chuẩn bị không cẩn thận của hội nghị và kêu gọi các đồng chí phải đoàn kết. Những làn sóng cải cách liên tiếp diễn ra sau đó. Hơn 20 ngàn cán bộ được gửi thêm về nông thôn. Đến giữa mùa hè thì việc Diệm sẽ không tham gia bầu cử đã trở nên quá rõ ràng, xóa bỏ mọi cố gắng thuyết phục hoãn cải cách cho đến khi nước nhà được thống nhất. Tháng 8, báo Nhân dân đăng xã luận đả kích quan điểm "của một số đồng chí cho rằng cần tập trung nỗ lực thống nhất đất nước và việc củng cố quyền lực ở miền Bắc là mâu thuẫn với cuộc đấu tranh thống nhất". Tại hội nghị toàn thể lần thứ 8, ủy ban Trung ương kêu gọi đẩy mạnh cải cách ruộng đất như một công cụ để tiêu diệt các phần tử phản cách mạng ở nông thôn. Giữa đỉnh cao của cuộc cải cách vào cuối năm, HCM vẫn tìm cách "giảm nhiệt", trong cuộc gặp mặt các cán bộ cải cách tại Hà bắc ngày 17/12, H đã ví CCRĐ như một bát súp nóng, chỉ có thể ngon nếu húp từ từ. Tuy nhiên những cố gắng của H lọt thỏm trong khí thế sôi sục lúc đó. UB đoàn kết nông dân gửi thư, liên kết trực tiếp những người có đất với những hành động phản cách mạng tại nông thôn. Ngày 14/12, UBTƯ đã gọi CCRĐ là "trận Điện biên phủ chống lại bọn phong kiến ở miền Bắc". Đến đầu xuân năm 1956 thì đã có rất nhiều quan chức đảng và chính phủ tại Hà nội có người thân và gia đình bị ảnh hưởng tại quê. Trên báo chí lác đác xuất hiện những bài bào phê phán. Thư ký riêng của H, ông Vũ Đình Huỳnh (người mà Trường Chinh luôn nghi ngờ và gọi là tay chân của bọn phản động) đã dũng cảm nhắc: "Máu của các đồng chí ta đang đổ, lẽ nào Bác lại ngồi yên?" H lại kêu gọi các đồng chí của mình thận trọng khi phân loại các địa chủ và gán cho họ mác phản cách mạng. Tháng 4, khi thăm một xóm chài, H nhấn mạnh không phải chủ thuyền nào cũng bóc lột và gian xảo. Con thuyền không những chỉ cần những tay chèo mà còn cần cả những người cầm lái. Giữa tháng 5, báo Nhân dân phê phán việc đối xử bất công với con em các địa chủ. Vài tuần sau, một bài báo khác chỉ trích một số cán bộ đã "thổi phồng nguy cơ về kẻ thù, quy kết vội vã từ một vài hiện tượng riêng biệt"6.

Gió có vẻ đã đổi chiều. Ngoài lý do có quá nhiều quan chức Việt minh không hài lòng vì trở thành nạn nhân, có một sự kiện xảy ra cách Hà nội hàng chục ngàn dặm đã ảnh hưởng đến cuộc CCRĐ. Tháng 2/1956, tại đại hội 20, đảng CSLX, Nikita Khrutsop bất ngờ lên án mạnh mẽ xếp cũ là Stalin. K kết tội Stalin tạo nên sự "sùng bái cá nhân", mâu thuẫn với những quan điểm dân chủ của Lê nin, và đàn áp dã man các đồng chí trong đảng không có cùng quan điểm. Thêm vào đó, ông này đã có một loạt những quyết định đối ngoại sai lầm trong chiến tranh thế giới thứ Hai dẫn đến những hậu quả nặng nề. K kêu gọi các đại biểu "tự kiểm điểm" để không bao giờ lặp lại những sai lầm đó. Bài phát biểu của K làm Bắc kinh cảnh giác vì sợ liên lụy đến Mao và uy tín của Đảng. Hà nội có vẻ tù mù hơn. Trường Chinh và Lê Đức Thọ dự đại hội cũng không có bình luận gì. Báo Nhân dân kêu gọi "nghiên cứu kỹ chủ nghĩa M-L và áp dụng một cách sáng tạo vào điều kiện Việt nam". Một số lãnh đạo Đảng, không hài lòng với sự tràn ngập hình ảnh của "Bác Hồ" trong công chúng, đương nhiên cảm thấy khoái trá thầm vì những phê phán sùng bái cá nhân tại Liên xô. Trường Chinh đã viết "chủ nghĩa xã hội và sự ca tụng cá nhân khác nhau như nước với lửa". Những sự kiện diễn ra ở Liên xô chắc chắn đã có ảnh hưởng tới Việt nam. Tại hội nghị mở rộng của Ban CHTƯ tháng 4, Đảng đã thừa nhận chưa có được sự dũng cảm thừa nhận khuyết điểm và tinh thần tự phê bình như đảng CSLX. Phát biểu tại hội nghị, H cho rằng những ảnh hưởng của thực dân và phong kiến trong các tổ chức đảng, có thể được khắc phục thông qua phê và tự phê. H cũng nhắc đến tệ sùng bái cá nhân, tuy chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng cản trở sự nhiệt tình và hết mình của các đảng viên khác. H kêu gọi tinh thần lãnh đạo tập thể tại tất cả các cấp của Đảng. Rõ ràng là bài phát biểu của K đã giúp H một công cụ thuyết phục các đồng chí mình đánh giá lại sách lược CCRĐ. Ngay sau hội nghị, nhiều cuộc họp tiếp theo được tổ chức khắp nơi để thảo luận các nghị quyết. Một số cá nhân bị bắt giam vì tội phản cách mạng được thả. Ngày 1/7, H gửi thư cho hội nghị cán bộ cải cách ruộng đất nêu rõ, cuộc cải cách đã cơ bản thành công nhưng những sai lầm nặng nề đã hạn chế kết quả của nó. Nhiều người trực tiếp tham gia chưa hoàn toàn nhất trí về độ nghiêm trọng của vấn đề. Trong một bài báo, Lê Văn Lương thừa nhận là có những sai lầm nhưng cho đó là cần thiết vì nhiều nơi chính quyền thực chất đã bị các phần tử cách mạng chiếm giữ. Ngày 17/8, H tuyên bố: "lãnh đạo cao cấp của đảng và Nhà nước đã có những sai lầm nghiêm trọng dẫn đến sự thất bại của CCRĐ trong việc tạo nên khối đoàn kết tại nông thôn" Đây cũng là chủ đề chính của hội nghị TƯ 10, tháng 9/1956. Tuyên bố của hội nghị nghiêm khắc một cách khác thường

Giai đoạn vừa qua có nhiều sai lầm và khuyết điểm. Đặc biệt là trong cuộc cải cách nông nghiệp và điều chỉnh tổ chức. Hội nghị TƯ lần thứ 10 đã phân tích chi tiết các khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân và thống nhất những biện pháp khắc phục. Hội nghị thừa nhận nguyên nhân của những khuyết điểm là sự yếu kém của bộ máy lãnh đạo. Vì thế Ban chấp hành TƯ nhận khuyết điểm của mình. Các ủy viên tham gia trực tiếp đã kiểm điểm trước TƯ theo tinh thần tự phê, và chấp nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Ban chấp hành TƯ đã cho thôi chức một loạt những nhân vật quan trọng trong đó có 4 thành viên chủ chốt của CCRĐ. Trường Chinh thôi giữ chức Tổng bí thư, Hồ Việt Thắng ra khỏi Ban chấp hành, Lê Văn Lương bị loại khỏi bộ chính trị và ban bí thư, Hoàng Quốc Việt cũng bị cách chức ủy viên Bộ chính trị. Vài ngày sau, Hội đồng bộ trưởng ra quyết định hủy các tòa án nhân dân tại mức xã, chuyển các ủy ban cải cách sang nhiệm vụ cố vấn, không có quyền thực thi. Những ai bị xử oan được ân xá, tài sản tịch thu một cách bất hợp pháp được trả lại.

Việc Tổng bí thư bị cách chức là một sự kiện vô tiền khoáng hậu với một đảng luôn tìm cách xoa dịu những cuộc đấu đá phe phái vốn rất đặc trưng cho đảng CS LX và TQ. Các đồng chí của Chinh vội vàng tìm người thay. Ứng cử viên số 1 hiển nhiên là Giáp, vốn đứng thứ 3 trong thang quyền lực (sau H và Chinh), lại đang rất nổi sau chiến thắng Điện biên phủ. Tuy nhiên cũng có lẽ vì Giáp quá nổi tiếng nên một số đồng chí tỏ ra e ngại, vả lại đảng cũng không ưa việc tập trung quyền lực đảng với quyền lực quân đội. Bởi thế H tạm thời giữ chức Tổng bí thư. HCM không trực tiếp tham gia thiết kế và triển khai chương trình CCRĐ, tuy nhiên cũng khó có thể nói là hoàn toàn vô can. Chính H đã phê duyệt sự ra đời của chương trình và đã tuyên bố là cuộc cải cách đã "thành công" mặc cho những sai lầm rành rành. Trong những lúc nói chuyện thân mật với các đồng chí của mình, H cũng đã thừa nhận: "Bác đã thiếu dân chủ, không nghe, không thấy. Bởi thế tất cả chúng ta phải tiến hành dân chủ. Bác thừa nhận khuyết điểm trong vụ này. Từ nay tất cả các lãnh đạo trung ương phải nghe, quan sát, suy nghĩ và hành động. Bài học này phải trở thành nguồn cổ vũ mới cho chúng ta" 7.

Đối với Chinh, vụ việc là một thất bại nặng nề. Hơi xa lạ, ông này không được các đồng chí yêu quý không phải vì sự tàn bạo mà vì sự lạnh lùng và hơi thiếu tình người. Khi thực hiện chương trình theo gợi ý của các chuyên gia TQ, Chinh không hề nghi ngờ sự đúng đắn của nó, theo các tiêu chuẩn về ý thức hệ của mình. Chinh đủ kiêu ngạo để không bao giờ tỏ ra thất bại trước công chúng, cũng không bao giờ nhắc đến chuyện này khi nói chuyện với các đồng chí. Chinh cũng sẵn sàng bảo vệ những quan điểm của mình. Vài tuần sau hội nghị 10, Chinh còn tuyên bố, mặc dù có những sai lầm, CCRĐ là một cuộc cách mạng và "chuyển giao quyền sử dụng đất một cách hòa bình chỉ có thể là ảo tưởng" Đảng đã phản ứng quá chậm để tránh được một cuộc bạo động đầu tiên của dân chúng kể từ khi chiến tranh kết thúc. Đáng buồn hơn nữa là vụ việc lại xảy ra tại Quỳnh Lưu, cách quê của H không bao xa. Đa số dân ở đây theo Thiên chúa và ủng hộ Việt minh chống Pháp, tuy nhiên quan hệ với chính quyền chưa bao giờ được coi là hoàn toàn tin cậy. Sau đình chiến, khoảng 600,000 tín đồ Thiên chúa giáo đã chạy vào Nam nhưng cũng còn khoảng 900,000 ở lại. Chính quyền cố gắng thuyết phục số này tin là họ sẽ không bị đối xử tàn tệ. Ủy ban công giáo yêu nước và yêu hòa bình được thành lập. H cũng thường xuyên tìm cơ hội phát biểu trước công chúng về quan điểm của chính phủ với tôn giáo. Các giáo chủ mới được bổ nhiệm, các trường dòng mở cửa trở lại và 6/1955 chính phủ chính thức công nhận quyền lực của Vatican mặc dù vẫn cấm các hoạt động tuyên truyền chống phá chính phủ. Tuy nhiên, CCRĐ đã phá hỏng tất cả. Các cán bộ cải cách với cái nhìn đầy nghi ngờ, thường quy cho các tín đồ công giáo là phản động. Trên thực tế, những người này cũng là những người có uy tín ở địa phương và hay phát biểu chống lại cải cách. Bản thân Nhà thờ, sở hữu khoảng 1.3% đất canh tác, cũng chẳng ưa gì cải cách. Vấn đề ở Quỳnh Lưu âm ỉ từ năm 1955 khi nhiều dân làng cho rằng chính quyền tìm cách ngăn cản họ vào Nam. Đến hè 1956 thì bùng lên do những cáo buộc về phân biệt tôn giáo và đàn áp trong CCRĐ. Tháng 11, phái đoàn của UBKTQT đến thanh sát, bạo lực đã nổ ra khi đám đông dân làng xô xát với cảnh sát địa phương để đưa bản tố cáo cho ủy ban. Ngày 13/11, hàng ngàn người trang bị vũ khí thô sơ tràn vào thị trấn Quỳnh lưu. Quân đội đã ra tay làm vài người thiệt mạng. Hôm sau, một sư đoàn quân chính quy được phái đến chiếm đóng toàn bộ khu vực, bắt giữ một số chủ mưu. Khi đoàn thanh tra của chính phủ đến, đa số những người này được thả và trả lại tài sản. Tuy nhiên quan điểm của Đảng chưa phải đã thống nhất, Trường Chinh, lúc đó là chủ tịch ủy ban CCRĐ, khi báo cáo về vụ việc đã cho rằng, "một số phần tử" nguy hiểm đã được tha một cách vô lý, Chinh còn kêu gọi tìm mọi cách để "bọn địa chủ" không thể trở lại thống trị nông thôn. Sự kiện Quỳnh Lưu, tuy có hơi hướng tôn giáo, và không phải là phổ biến trong CCRĐ đã là dấu hiệu rõ ràng cho thấy CCRĐ đã chia rẽ sâu sắc nội bộ lãnh đạo Đảng, làm giảm nghiêm trọng sự tin tưởng của nhân dân miền Bắc vào tính chất của Đảng. Vào cuối tháng 10/1956, Giáp đã phát biểu thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng, trước đám đông thân quyến của những gia đình bị hại, tụ tập trước cửa trụ sở ủy ban TƯ. Theo Giáp, Đảng đã thổi phồng số lượng địa chủ, đánh đồng tất cả họ là phản cách mạng vì thế đã phá vỡ khối đoàn kết dân tộc. Đảng cũng đã vi phạm những nguyên tắc tự do tôn giáo, và không đánh giá xứng đáng sự đóng góp của nhiều cựu chiến binh khi trở về làng. H giữ im lặng cho đến khi phát biểu trước cuộc họp quốc hội tháng 2/1957. Mặc dù xác nhận những sai lầm, H vẫn bảo vệ mục đích của chương trình nhằm giải phóng nông dân khỏi nghèo đói và sự bóc lột của địa chủ. H đã khóc khi nhắc đến những người phải chịu nhiều đau khổ trong chương trình.

H không phải không có lý. Khoảng hơn 2 triệu mẫu ruộng đã được chia cho khoảng 2 triệu gia đình nông dân nghèo, bằng một nửa lao động tại nông thôn thời đó. Tại các làng xã, sự thống trị đời đời của giai cấp địa chủ bị phá vỡ, nhường chỗ cho một chính quyền mới của người nghèo và trung nông. Nhưng cái giá phải trả cũng rất đắt. Theo những thống kê ưu ái nhất, cũng phải có đến 3000-5000 người bị xử bắn, thường là ngay sau khi bị tòa án xã kết tội. Khoảng 12000-15000 bị tống giam oan ức, và không biết bao nhiêu người nữa bị đàn áp, xua đuổi vì có quan hệ với nạn nhân. Tổ chức đảng tại địa phương cũng chịu tổn thất nặng nề. Một nghiên cứu vào năm 1980 cho rằng, hơn 30% số chi bộ tại địa phương đã phải giải tán vì mất người. Tại Bắc ninh, chỉ còn 21 bí thư chi bộ trong số 76 xã còn tại vị khi cơn bão cải cách lắng xuống.

Tại thành thị cũng cảm nhận rõ ràng hậu quả xã hội của CCRĐ đối với các thành phần trí thức, những người đã hết lòng ủng hộ chương trình của Việt minh gắn chặt độc lập dân tộc với những cải cách ôn hòa. Uy tín của Đảng đối với những phần tử này thực chất đã bắt đầu giảm sút từ những năm 1951, khi TQ khuyến khích phong trào chỉnh huấn. Nhhiều người trong số họ cảm thấy bị sỉ nhục khi bị bắt buộc dung hòa tinh thần yêu nước với những tiêu chuẩn đạo đức cách mạng của Mao. Một số đã rời bỏ hàng ngũ, số khác thì tìm cách biện minh rằng cuộc kháng chiến gian khổ đòi hỏi sự hy sinh của cá nhân. Nhà văn Phan Khôi đã nhận xét, vị ngọt của tinh thần yêu nước, như đường trong cafe, đã pha nhạt vị đắng của lãnh đạo Đảng và cứu rỗi nhân cách của người trí thức. Sau hiệp định Geneva, những ngụy biện như vậy bắt đầu bị lung lay, khi vấn đề độc lập dân tộc bị lấn lướt bởi nhu cầu xác định vai trò của Đảng. Câu chuyện về nhà văn trẻ Trần Dần có thể nói rất đặc trưng cho nhiều trí thức trong giai đoạn đó. Là cựu binh tại Điện biên phủ, Dần đã viết một truyện ngắn về chiến trường theo phong cách thời thượng lúc đó là hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hòa bình lập lại, Dần được cử sang TQ tu nghiệp và viết kịch bản phim dựa trên truyện của mình. Tại đây Dần gặp Hồ Phong, một nhà văn luôn kêu gọi tự do sáng tác. Trở về nước, Dần viết lại câu chuyện của mình, thay thế việc miêu tả chủ nghĩa anh hùng và tinh thần hy sinh bằng một câu chuyện thực hơn về những gian khổ của người lính trong cuộc chiến tranh ác liệt. Mùa đông 1954-1955, Dần và một số đồng nghiệp cùng chí hướng trong ban tuyên huấn quân đội soạn thảo một bức thư dự kiến gửi Ban chấp hành TƯ có tiêu đề: "Những đề xuất về văn hóa chính trị", kêu gọi tự do hơn cho các nghệ sĩ khi phản ánh sự thật về cuộc chiến đã qua. Đầu tiên có vẻ như bức thư được sự tán đồng của một số quan chức chính trị. Sau đó, các chiến sĩ tư tưởng cảm thấy có vấn đề không ổn và ra tayhành động. Lãnh đạo cuộc chiến làm trong sạch hóa tư tưởng là Tố Hữu, người rất nổi tiếng vì những bài thơ phổ biến thời trước cách mạng và trong kháng chiến, bây giờ được giao trách nhiệm canh gác tâm hồn cho Đảng. Từ năm 1949, như nhà cổ súy cho "nghệ thuật vị nhân sinh", TH đã kêu gọi loại bỏ những ảnh hưởng phản động của phong kiến và tư bản trong nền văn hóa cách mạng Việt nam non trẻ. Ngoài việc bị kết tội đòi thoát khỏi sự kiểm soát về tư tưởng của Đảng, Dần còn bị cáo buộc là có "cách sống tư sản" và bị tống giam trong thành. Trong tù, Dần viết: "Tôi chẳng thấy gì, ngoài mưa rơi trên cờ đỏ" 8. Nhưng những men thay đổi từ bức thư của Dần, với việc bạo lực của CCRĐ gây bất mãn nặng nề, cộng thêm ảnh hưởng của bài phát biểu của Khrutxop đã kích động các trí thức khác. Mùa xuân năm 1956, tạp chí Giai phẩm ra đời, có một số bài phê phán đường lối của chính phủ. Tuy có ý kiến phản đối, nhưng Giai phẩm vẫn ra được những số tiếp theo trong mùa hè, khuyến khích sự ra đời của tạp chí nữa có tên là Nhân văn. Các nhà văn Việt nam được tiếp sức bởi phong trào Trăm hoa đua nở tuy ngắn ngủi nhưng đã kêu gọi toàn dân góp ý cho Đảng CSTQ. Hoàng Cầm đã viết một bài tố cáo chính quyền đàn áp Trần Dần và bảo vệ những quan điểm của Dần. Nhiều bài khác nói về những đau khổ của nhân dân trong cải cách ruộng đất cũng như đả kích chính quyền quan liêu. Các phần tử tả khuynh nghe ngóng tình hình, chưa vội hành động ngay. Thậm chí hội nghị TƯ lần thứ 10 hồi tháng 9 còn kêu gọi mở rộng quyền tự do dân chủ. Tháng 12, chủ tịch nước ra sắc lệnh xác nhận quyền tự do (tuy còn hạn chế) của báo chí.

Những sự kiện ở Quỳnh lưu đã đánh động Đảng. Trường Chinh đăng đàn diễn thuyết về văn hóa mới của Việt nam mang nội dung xã hội chủ nghĩa trong hình thức dân tộc. Mặc dù chẳng ai hiểu Chinh nói thế nghĩa là gì. Khi một trí thức kêu ca vì không được tự do ngôn luận, Chinh đã "ngạc nhiên" trả lời: "thế à, nhưng các anh chẳng được thoải mái phê phán chủ nghĩa đế quốc sao?" Cuối tháng 12, cả Nhân văn lẫn Giai phẩm đều bị đóng cửa. Một số trí thức được đưa đi học lại về Max-Lenin. Lão thành Phan Khôi bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, tống giam và chết trong tù trước khi bị xét xử. Trần Dần bị khai trừ khỏi Đảng, mặc dù Dần vẫn trung thành với những tư tưởng không tưởng của mình, Dần tuyên bố mình là "người cộng sản không đảng" a name="t9" href="#n9">9.

Không dễ dàng đánh giá vai trò của H trong cả hai vụ CCRĐ và đàn áp trí thức. Những người ủng hộ cho rằng H không trực tiếp tham gia và thường xuyên nhắc nhở các đồng chí của mình không nóng vội và phải biết phân biệt đâu là những phần tử phản cách mạng đích thực. Phe đả kích thì cho rằng, dù không trực tiếp cầm dao thì ít ra H cũng đã tạo điều kiện cho những đao phủ. Thêm nữa, khi sự việc đã xảy ra, H đã không dùng uy tín tuyệt đối của mình để hạn chế hậu quả của nó. Rõ ràng là mặc dù cá nhân không ưa dùng những biện pháp bạo lực đối với đối thủ, H sẵn sàng chấp nhận (theo thời gian) để các trợ thủ của mình hành động vì những lợi ích lớn hơn của sự nghiệp. Trong một số trường hợp, do H quen biết cá nhân với rất nhiều nhà trí thức, H có can thiệp nhưng thường là không có kết quả. Người trong gia đình của một nạn nhân đã trực tiếp nói với tác giả (WD) rằng, H đã cố gắng thay đổi chế độ đối xử trong tù của vị trí thức đó. Có thể nói H trở thành tù binh của chính hệ thống do mình dựng nên, một con ruồi ở trong chai, không có khả năng thoát khỏi logic nghiệt ngã của hệ thống sẵn sàng "hy sinh" cá nhân cho "những mục đích cao cả" của kế hoạch lớn.

Mặc dù Hà nội chỉ quan tâm nhiều đến bài phát biểu chống Stalin của Khrutxop, đại hội 20 Đảng CSLX còn có những nghị quyết quan trọng về chiến lược "chung sống hòa bình". Kh cho rằng đó là cách duy nhất để tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể làm thiệt mạng hàng triệu người ở hai bên chiến tuyến tư tưởng. Vì vậy Moscow có thể sẽ không hứng thú lắm với việc Hà nội tiếp tục cuộc đấu tranh cách mạng để thống nhất đất nước. Tại thời điểm đó, chiến lược này phù hợp với quan điểm của VWP cũng là tìm kiếm thống nhất đất nước qua con đường hòa bình. Tuy nhiên tình hình có thể thay đổi. Cuối đông năm 1956, Văn Tiến Dũng được cử vào Nam để thảo luận với Lê Duẩn, bí thư Trung ương cục từ 1951 (thay Nguyễn Bính), bàn cách xây dựng lại các căn cứ cách mạng và liên kết với hai phái chống đối khác.

Khác với đa số các lãnh đạo khác của đảng, vốn xuất thân từ tầng lớp nho giáo, Duẩn là con trai của một thợ mộc ở Quảng trị. Không có học vấn và truyền thống gia đình, dáng vẻ mảnh khảnh, điệu bộ cứng nhắc, nhưng Duẩn lại thừa tự tin. Ông được coi là nhà tổ chức tài và người phát ngôn cho quyền lợi của miền Nam. Trong anh em, nhiều người không thích Duẩn vì ít khi chịu lắng nghe ý kiến người khác. Duẩn là người toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp thống nhất đất nước, nhưng ông cũng rất thực tế và sẵn sàng kỳ công thuyết phục các đồng chí miền Nam cần phải tính đến các điều kiện quốc tế để có được những sách lược khả thi. Duẩn cho rằng các lực lượng vũ trang chưa sẵn sàng để tiến hành chiến tranh như hồi chống Pháp, nhưng cũng rất bi quan về giải pháp hòa bình. Theo ông, những động thái chính trị phải được hỗ trợ bằng các chiến thắng quân sự "của một quân đội đã từng thắng trận Điện biên phủ" . Tháng 3/1956, Duẩn trình bày với Dũng kế hoạch chuẩn bị để quay trở lại cuộc đấu tranh vũ trang. Sau khi các vị khách ra về, Trung ương Cục quyết định thành lập 20 tiểu đoàn quân chính quy và các đội du kích địa phương.

Tháng 4/1956, lần đầu tiên một quan chức cao cấp của Liên xô, phó thủ tướng Mikoan sang thăm Việt nam và được đón tiếp nồng nhiệt. Hai tuần sau khi ông này về nước, Hội nghị TƯ9 đã ra nghị quyết ủng hộ những quyết định của Đại hội 20 Đảng CSLX, bao gồm cả chiến lược chung sống hòa bình. Tuy nhiên, không phải tất cả lãnh đạo VWP đều chia sẻ quan điểm này. Trường Chinh, khi đó vẫn là Tổng bí thư đã viết: "nhiều đồng chí không tin vào cương lĩnh chính trị mới cũng như việc thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình, cho rằng đó là ảo tưởng và cải lương" 10.

Không biết có phải Chinh ngụ ý Lê Duẩn không nhưng H cũng có vẻ có chung quan điểm. Mặc dù thường xuyên công khai kêu gọi các đồng chí của mình quan tâm đến giải pháp hòa bình, chưa bao giờ H từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc là quan trong nhất và sẵn sàng sử dụng bạo lực cách mạng nếu cần thiết để thống nhất đất nước. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị 9, H nêu rõ "tầm quan trọng" của những nghị quyết tại Moscow và sự lớn mạnh của các lực lượng hòa bình thế giới, nhưng kết luận: "Chừng nào còn chủ nghĩa đế quốc thì còn nguy cơ chiến tranh" . Hội nghị 9 có thể đã tạm thời làm chậm lại đề xuất quân sự hóa của Duẩn, nhưng không thể kết thúc được những tranh luận trong Đảng về sách lược đối với miền Nam. Giữa tháng 7/1956, báo Nhân dân đăng xã luận dài nhận xét nhiều người vẫn còn "ảo tưởng". Một số thì đơn giản hóa, nghĩ rằng sẽ có bầu cử, bây giờ đâm ra bi quan chán nản. Số khác "e ngại đấu tranh trường kỳ gian khổ" vẫn hy vọng có thể thống nhất bằng con đường hòa bình. Những người thất vọng nhất chính là những cán bộ tập kết. Để xoa dịu số này, H đã gửi một lá thư ngỏ tháng 6/1956 giải thích lý do chưa thể chuyển sang đấu tranh vũ trang. H viết, cuộc đấu tranh sẽ kéo dài và rất gian khổ, chỉ có thể thắng lợi nếu miền Bắc mạnh lên để có thể đảm nhận vai trò hậu phương lớn. "Cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa và sẽ nhất định thắng lợi. Nhưng để xây được một ngôi nhà tốt, cần phải xây một nền móng tốt".

Quan điểm của H về tập trung xây dựng kinh tế tại miền Bắc có vẻ phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Miền Bắc đang thiếu lương thực và đội ngũ thợ lành nghề một cách trầm trọng. Trung quốc hứa giúp đỡ xây dựng công nghiệp nhẹ, nhưng trước tiên phải kiếm cái ăn đã. Một nhà thơ thời đó đã viết:

Tôi đã đi qua bao làng mạc Kiến An và Hồng Quảng

Nơi biển rút đi chỉ để lại muối trắng

Nơi đã hai năm không có hạt lúa nào mọc lên

Và tay người đỏ vì móc rễ khoai

Tôi đã gặp bao trẻ còi xương

Ăn rễ cây nhiều hơn gạo 11

Tháng 6/1956, Bộ Chính trị đã ra chỉ thị "Tình hình và Nhiệm vụ cách mạng miền Nam". Văn bản này nêu rõ, trên thực tế Nam Việt nam đã trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, bởi thế phải sẵn sàng đấu tranh vũ trang để tự bảo vệ. Tuy nhiên hiện tại, cần tập trung cho đấu tranh chính trị. Là thành viên của bộ chính trị, chắc chắn Duẩn phải tuyên truyền chỉ thị này cho các đồng chí phía Nam. Không lâu sau đó, Duẩn viết tập sách "Con đường cách mạng miền Nam", trình bày quan điểm riêng của mình. Trên bề mặt có vẻ như Duẩn đồng ý với chính sách hòa bình trong Đảng. Duẩn tuyên bố hiện tại Đảng có hai nhiệm vụ quan trọng: xây dựng CNXH ở miền Bắc và giải phóng miền Nam. Chiến lược đấu tranh chính trị hiện nay là phù hợp với tình hình thực tế khi cơ sở Đảng tại chỗ còn quá yếu, cũng như phù hợp với tình hình chính trị thế giới. Tuy nhiên Duẩn nêu rõ sự khác nhau căn bản trong các hiểu "đấu tranh chính trị". Có một số kẻ cố tình hiểu đó là "đấu tranh pháp lý và nghị trường", trong khi đó nhiệm vụ chủ yếu phải là xây dựng lực lượng quần chúng cả về chính trị và quân sự, chuẩn bị sẵn sàng để dành chính quyền, như kinh nghiệm Cách mạng tháng Tám đã chỉ ra.

Đến cuối năm 56, quan điểm của TQ và Liên xô bắt đầu chia rẽ. TQ cảm thấy rất khó chịu khi LX mạnh tay đưa quân vào Hung và Ba lan, vi phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các đảng anh em. Bắc kinh còn cho rằng, chính bài phát biểu xét lại của Khrutxop đã cổ vũ trực tiếp cho những cuộc nổi dậy đó. Ngày 18/11 Chu Ân Lai đến Hà nội thăm chính thức Việt nam. Chu hứa hẹn sẽ ủng hộ cuộc đấu tranh thống nhất đất nước nhưng khá tù mù trước đòi hỏi của Việt nam về việc gây sức ép để thực hiện hiệp định Geneva. Chu tìm kiếm sự ủng hộ của Vietnam trong cuộc đấu khẩu với LX, phê phán chủ nghĩa "Sô vanh nước lớn" và nhấn mạnh 5 nguyên tắc cùng tồn tại. Quan điểm của Chu được một số lãnh đạo DRV đồng điệu nhưng H đã can thiệp để giữ vững cân bằng. Trong tuyên bố cuối cùng, không có nội dung nào đả kích trực tiếp các chính sách của LX.

Hội nghị 11 họp ngay trong tháng 12, sau chuyến thăm của Chu. Quan điểm gần đây của Hà nội là "Con đường cách mạng miền Nam" được coi là có ý nghĩa then chốt lúc đó. Bởi thế chắc văn bản này đã gây ra thảo luận sôi nổi tại Hội nghị và Duẩn đã phải vất vả bảo vệ những quan điểm của mình. Tuy nhiên Hội nghị không đưa ra thay đổi đường lối chính thức nào. Xã luận của tạp chí Học tập ra vài ngày sau hội nghị vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng miền Bắc. Quan điểm của H trong cuộc tranh luận này không rõ ràng. Tháng giêng 1957, phát biểu trước Quốc hội, H nhắc lại lời kêu gọi tập trung xây dựng để biến miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước tuy gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Mặc dù H không bao giờ ủng hộ khủng bố, Ban chấp hành TƯ đã chấp thuận một chiến dịch trừ gian có chọn lọc. Mặc dù đối tượng của chiến dịch này được coi là bọn quan lại tham nhũng, địa chủ bóc lột hoặc phản bội, cũng có khá nhiều nhân vật có uy tín được lòng dân chúng bị tiêu diệt. Có vẻ Đảng đã cảm thấy nguy hiểm khi chính phủ Sài gòn càng ngày càng củng cố được quyền lực. Dấu hiệu rõ ràng nhất về một thời đại mới là việc Lê Duẩn được bầu làm quyền Tổng bí thư Ban chấp hành TƯ Đảng. Sau khi Chinh bị hạ bệ, H tạm thời nắm chức này, tuy nhiên H chưa bao giờ quan tâm đến điều hành công việc hàng ngày mà chỉ tập trung vào chính sách đối ngoại cũng như các vấn đề thống nhất đất nước. Có rất nhiều cuộc tranh luận xung quanh lý do Duẩn được thăng chức. Có thể là vì những phẩm chất của Duẩn như tính tổ chức, tận tụy và tầm nhìn chiến lược, nhờ nó mà có khi Duẩn được gọi là "Cụ Hồ miền Nam". Một số khác coi đó là biểu hiện của việc thừa nhận tầm quan trọng của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Như một người miền Nam, Duẩn đại diện cho tất cả nhân dân sống phía Nam khu phi quân sự. Có ý kiến nhận xét Duẩn ở xa khó có thể đe dọa ảnh hưởng quyền lực trong bộ chính trị của những người như H và Chinh. Lại có ý kiến Duẩn được ưu tiên hơn Giáp vì đã có vài năm trong nhà tù Pháp, vốn được coi là "trường học lớn" của Đảng, trong khi đó Giáp không những thoát cảnh tù tội mà lại còn xin được học bổng đi học ở Pháp. Vì lý do gì đi chăng nữa thì chắc chắn Duẩn cũng phải được sự ủng hộ của H, người bây giờ đã có thể yên tâm là đệ tử của mình sẽ toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Sau 12 năm, cuối cùng H quyết định chính thức tiết lộ danh tánh mình là Nguyễn Ái Quốc. Tháng 6/1957, H về thăm quê sau hơn 50 năm lưu lạc.

Trong lúc các nhà lãnh đạo Hà nội đang cố gắng ngăn cản sự chia cách vĩnh viễn đất nước thì Sài gòn lại làm tất cả để biến điều đó thành sự đã rồi. Đầu năm 1957, Liên xô, không tham khảo ý kiến Hà nội, bất ngờ đưa ra đề xuất kết nạp cả hai miền Việt nam vào Liên hiệp quốc. DRV phản ứng kịch liệt. Không lâu sau đó, Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu kết nạp Nam Việt nam. Phạm Văn Đồng viết thư phản đối đến đồng chủ tịch của Hội nghị Genevơ là LX và Anh. Vụ việc được "kính chuyển" sang Hội đồng Bảo an và chưa ngã ngũ thì giữa tháng Năm, chủ tịch Xô viết tối cao,bạn cũ của Lenin là Vorosilop đến thăm Hà nội sau khi dừng chân thoải mái ở Trung quốc và Indonexia. Có nhiều đồn đại về lý do của chuyến đi này. Hà nội chắc là muốn tìm hiểu quan điểm của LX về việc thống nhất đất nước, còn LX rõ ràng là muốn thuyết phục Hà nội không manh động, đi theo chính sách "thống nhất trong hòa bình", tránh cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Trong tình hình như vậy, dễ hiểu là Voroshilop không được chào đón trọng thể lắm. Một loạt các sự kiện được hủy để tránh lộ sự bất đồng trước công chúng. Để làm yên lòng chủ nhà, LX hứa sẽ tăng viện trợ kinh tế và không ủng hộ Nam Việt nam đơn phương gia nhập LHQ (tháng 9 cùng năm, LX đã dùng quyền phủ quyết để thực hiện việc này). Báo chí Hà nội tỏ ý hoan nghênh "thái độ đúng mực" này 12.

Hà nội không thể đánh mất sự hỗ trợ ngoại giao và tài chính của Moscow. Tháng 7, H đi thăm LX. Trên đường, H có ghé vào tư vấn với Mao và được khuyên hãy thư thư việc thống nhất. Sau đó H đi thăm một số nước Đông Âu và Bắc Triều. Lúc về, H tuyên bố đã đạt được "quan điểm thống nhất" của khối các nước XHCN 13. Nhưng tình hình có vẻ không hoàn toàn như vậy. Tháng 11, H lại dẫn đoàn gồm cả Lê Duẩn và Phạm Hùng đi Moscow, lần này là để tham gia Hội nghị các Đảng CS. Việc cả Duẩn và cấp phó là Hùng cùng đi chứng tỏ vấn đề miền Nam được rất coi trọng. Mục tiêu của hội nghị là thống nhất quan điểm tiến lên XHCN bằng con đường hòa bình. TQ phản đối quan điểm này vì muốn giải quyết vấn đề Đài loan. TQ sợ LX sẽ phản bội lại lợi ích của cách mạng thế giới dưới chiêu bài "cùng tồn tại hòa bình", vì thế đích thân Mao lãnh đội. Đây là lần đầu tiên Mao rời đất nước kể từ năm 1949. Theo Mao, những thành tựu công nghệ của LX chứng tỏ sự ưu việt của CNXH ("gió đông thổi bạt gió tây") và LX cần phải máu hơn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc toàn cầu. Cuối cùng hội nghị đã thỏa hiệp đưa ra tuyên bố: "trong trường hợp giai cấp bóc lột sử dụng bạo lực chống lại nhân dân, cần phải xem xét con đường không hòa bình. Lenin đã dạy và lịch sử xác nhận, giai cấp thống trị không bao giờ tự nguyện rời bỏ quyền lực của mình". Các báo cáo của đoàn Italia và Đức cho rằng, chủ yếu là LX và TQ cãi nhau, các đảng khác không tham gia được gì. Tuy nhiên, câu trích trên quá giống với bài phát biểu của H tại hội nghị TƯ 9, nên có thể giả thiết là H đã đóng vai trò quan trọng trong việc thỏa hiệp giữa hai ông anh lớn. Các nguồn Việt nam khẳng định đoàn Việt nam đã làm rõ với Moscow quan điểm của mình là "bạo lực cách mạng" là phổ biến và chỉ có vài trường hợp cá biệt mới có thể tiến lên CNXH bằng con đường hòa bình. Sau hội nghị, H còn ở lại thêm một thời gian, chắc là để tìm cách hàn gắn sự bất đồng quan điểm cũng như tranh chấp quyền lãnh đạo giữa LX và TQ bởi điều này sẽ có ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến tình hình cách mạng ở Việt nam.

Hội nghị TƯ mở rộng lần thứ 13 họp vào tháng 12/1957 có hai nhiệm vụ: đánh giá kết quả của Hội nghị Matxcova và thảo luận kế hoạch 3 năm tại miền Bắc. Sau khi nghe Duẩn báo cáo, các lãnh đạo Đảng bày tỏ tin tưởng vào sự đoàn kết của các nước XHCN. Không rõ các nước anh em có đoàn kết thật hay không, nhưng mâu thuẫn trong lãnh đạo Đảng tại Việt nam xung quanh ưu tiên của hai nhiệm vụ thống nhất và xây dựng CNXH là sự thật. Suốt 3 năm qua, Đảng đã duy trì một sự đồng thuận mong manh về việc tạm hoãn những cải cách XHCN để củng cố quyền lực và đợi tình hình thống nhất đất nước trở nên rõ ràng hơn. Giờ đây khi vấn đề thống nhất bị hoãn vô thời hạn, phe Trường Chinh yêu cầu tiến hành ngay các cuộc cách mạng XHCN ở cả nông thôn và thành thị miền Bắc trước cuối thập kỷ. Hội nghị đã thông qua kế hoạch 3 năm nhưng rõ ràng là không phải "hoàn toàn nhất trí". Vài tuần sau đó, một số lãnh đạo tiến hành chiến dịch giải thích để chấm dứt: "những tư tưởng rắm rối về mối quan hệ gần gũi giữa cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam". Nguyên nhân chính của các cuộc tranh luận là vai trò mới của Duẩn. So với người tiền nhiệm của mình là H thì Duẩn chỉ như cậu học trò mới lớn. Có thể Chinh quyết tâm thông qua kế hoạch 3 năm để dằn mặt Duẩn. Giáp cũng không thích thú gì vì Duẩn "qua mặt" khi trực tiếp đưa ra sách lược chiến tại tranh miền Nam. Giáp cũng e ngại với khát vọng sôi sục đẩy nhanh chiến tranh ở miền Nam, có thể buộc Quân đội Nhân dân Việt nam (PAVN) phải trực tiếp tham chiến khi chưa được chuẩn bị cẩn thận. Có tin đồn là Duẩn cho đăng xã luận báo Nhân dân đầu tháng 11: "một số đồng chí cần phải hiểu rằng Đảng lãnh đạo quân đội một cách toàn diện" chủ yếu là để "nhắn nhủ" Giáp.

Không thấy H đóng vai trò gì trong cuộc tranh luận này. Thậm chí H còn không dự Hội nghị, trên đường trở về từ Matxcova, H đã ở lại Bắc kinh nghỉ ngơi và chữa bệnh. Thật đáng ngạc nhiên là H cố tình không dự Hội nghị 13 vào thời điểm dự kiến là sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến DRV. Một số đồn rằng H bị sốc sau những sự kiện vừa qua, thậm chí đã chết ở LX. Số khác cho rằng đó là cách để H buộc các đồng chí phải nghe lời khuyên của mình. Ngay sau khi trở về ngày 24/12, H đã phê duyệt các nghị quyết của Hội nghị, kết thúc giai đoạn phục hồi kinh tế ở miền Bắc để chuyển sang phát triển một cách có kế hoạch. Năm ngày sau, báo Nhân dân tuyên bố, Việt nam hiện có 2 cuộc cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân chủ dân tộc ở miền Nam. Để xóa tan mọi nghi ngờ, tháng 3/1958 tại cuộc gặp đại diện Mặt trận tổ quốc, Trường Chinh phàn nàn là một số đồng chí không chịu hiểu tầm quan trọng của xây dựng CNXH ở miền Bắc là một bước chuẩn bị giải phóng miền Nam. Phạm Văn Đồng, khi đó là vây cánh của Chinh cũng khẳng định: "Miền Bắc mạnh hơn sẽ làm cho Việt nam mạnh hơn trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Và con đường làm cho miền Bắc mạnh hơn chính là con đường XHCN".

Mặc dù hơi bị Chinh qua mặt trong cuộc tranh luận về chính sách tại Hội nghị 13, Duẩn cũng đã lợi dụng thời gian để củng cố ảnh hưởng của mình trong bộ máy Đảng và thay thế các nhân vật bị coi là thân Chinh và H. Chiến hữu của Duẩn là Lê Đức Thọ được bầu làm trưởng Ban tổ chức Trung ương, một công cụ hữu hiệu để điều tra và kiểm soát các đảng viên. Thọ (tên thật là Phan Đình Khải) sinh năm 1911 tại ngoại ô Hà nội trong một gia đình nhà nho. Tham gia cách mạng vào cuối những năm 1920, sau đó bị bắt và mất gần 20 năm trong tù. Được tha năm 1945, Thọ được cử vào Nam với bí danh là Sáu, làm phó cho Duẩn. Suy nghĩ nhỏ nhặt, phong cách ranh mãnh và hình ảnh khắc khổ trong con mắt người ngoài, Thọ nhanh chóng được tặng biệt danh là "Sáu Búa" vì cách xử rắn với các đồng chí. Một người khác có thể so sánh được với Thọ về cách làm cho các đồng chí phải run sợ là Trần Quốc Hoàn. Sinh năm 1910 tại Quảng ngãi, thăng tiến trong cuộc chiến với Pháp, Hoàn trở thành Bộ trưởng an ninh DRV năm 1953. Vừa thiếu văn hóa vừa thiếu trí tuệ, lúc nào cũng làm ra vẻ bí mật, xun xoe với cấp trên, Hoàn nổi lên như "Beria của Việt nam". Hoàn là nhân vật chính trong một câu chuyện lâm ly bi thương nhất của DRV. Năm 1955, có một cô gái Cao bằng tên là Xuân đến Hà nội. Lúc nào cũng tươi như hoa, cô lọt vào mắt xanh của vị chủ tịch già và được cho vào làm phục vụ. Sau đó cô gái này có một đứa con trai, được thư ký của H là Vũ Kỳ nhận làm con nuôi. Một ngày đẹp trời năm 1957, người ta tìm thấy thi thể của Xuân bên đường, trông như nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông. Hai cô gái ở cùng phòng với Xuân ngay sau đó cũng mất tích một cách khó hiểu. Đầu tiên, cũng chẳng ai chú ý. Nhưng vài năm sau, chồng chưa cưới của một cô gái đã tố cáo với Quốc hội là Xuân bị Hoàn hiếp và thủ tiêu. Hai cô bạn cũng bị cùng chung một số phận để bịt đầu mối. Mặc dù vụ việc bị cho "chìm xuồng" và Hoàn không bị hình phạt nào, tất cả các đảng viên hiểu biết của Hà nội đều biết chuyện này. Không rõ H có nắm được chi tiết của bi kịch không, nhưng không bao giờ thấy H nhắc đến.cxl

Những bước cải cách nông nghiệp đầu tiên được tiến hành từ thời Đại Nhảy Vọt của Trung quốc. Sau vài năm đầu tập thể hóa dần dần không thực sự thành công, Mao quyết định đánh bài lớn, thành lập những "công xã nhân dân" hàng chục ngàn người với đủ các cấu trúc hành chính và kinh tế. Theo luận thuyết của M-L, đây là mô hình lý tưởng, tuy nhiên ngay cả LX cũng chưa dám thử nghiệm. Khi ở Bắc kinh cuối năm 1957, H cũng viết một số bài ca ngợi Đại Nhảy Vọt đăng trên các báo của TQ với bút danh TL. Tuy nhiên ý đồ chắc chỉ để làm vừa lòng mấy ông bạn lớn vì ngay khi về nước H đã căn dặn các đồng chí phải cẩn trọng, tuyệt đối không sao chép mù quáng mô hình các nước anh em. Duẩn là đồng minh của H trong vụ này, cảnh cáo những hành động phiêu lưu, lo sợ tập trung cải cách miền Bắc sẽ chiếm mất những nguồn lực của đảng lẽ ra có thể dành cho giải phóng miền Nam. Duẩn hay trích Lưu Thiếu Kỳ, hãy dùng những gợn sóng nhỏ thay cho những cơn sóng dữ, để mang đến thay đổi. Phạm Văn Đồng cũng phát biểu nhấn mạnh mục đích của kế hoạch 3 năm là nâng cao sản lượng lương thực chứ không phải thay đổi ý thức hệ tại nông thôn theo quan điểm của Mao. Ngay cả Trường Chinh cũng phải thừa nhận là cải cách nông nghiệp cần được tiến hành từng bước. Các đồng chí Việt nam đã học được cách không nhập khẩu nguyên kiện mô hình TQ, qua những thất bại cay đắng trong quá khứ.

Trong suốt năm 1958, chủ đề thống nhất đất nước không được nhắc đến nhiều. Phần lớn là do tập trung chú ý vào những vấn đề nội bộ của miền Bắc. Nhưng cũng có phần không nhỏ phụ thuộc vào thái độ của hai nhà bảo trợ cho DRV. Quan điểm của Kh thì đã rõ như ở trên đã nhắc đến. Mao cũng giữ thái độ tương tự. Mao khuyên các đồng chí Việt nam cần chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh trường kỳ "Nếu 10 năm không đủ, thì sẵn sàng mất 100 năm" . DRV cần tìm kiếm thêm sự ủng hộ ngoại giao cho sự nghiệp của mình. Tháng 2/1958, H dẫn đoàn đại biểu đi thăm India và Miến điện. Mục tiêu của chuyến đi là cân bằng cán cân sau khi India công nhận ngoại giao chính phủ Nam Việt Nam. Trong những cuộc hội đàm cá nhân, H đã thuyết phục được Nehru ủng hộ cho quan điểm Việt nam thống nhất, nhưng Nehru từ chối công kích công khai NVN và Mỹ trong việc phá hoại bầu cử. Rangoon cũng giữ lập trường tương tự 14.

Đến lúc này, vai trò của H càng ngày càng bị hạn chế trong việc hoạch định các chính sách đối ngoại cũng như xây dựng hình ảnh vị "Cha già dân tộc", linh hồn của cách mạng Việt nam. Hình ảnh "Bác Hồ" giản dị được H xây dựng đến mức hoàn hảo. H tiếp tục tránh xa những cạm bẫy xa hoa của chức Chủ tịch. Năm 1958, H chuyển vào ở trong căn nhà sàn bằng gỗ gợi nhớ đến những ngày ở Việt bắc, chỉ cách khu biệt thự vườn của Phủ Chủ tịch có vài bước chân.

Không lâu sau khi kết thúc Hội nghị 14, Duẩn lên đường vào Nam để trực tiếp đánh giá tình hình. Giữa tháng Giêng 1959, Duẩn trở ra và báo cáo trước Bộ chính trị. Duẩn tuyên bố: tình hình đang nguy cấp, kẻ thù quyết tâm dìm cách mạng vào biển máu. Tính mạng của các đồng chí và quần chúng miền Nam bị đe dọa. Nhân dân đang căm ghét chế độ đến cùng cực. Tất nhiên là Duẩn cũng có cường điệu thêm đôi chút vì mục đích chính trị của mình, nhưng tình hình thực tế ở miền Nam lúc đó là hết sức căng thẳng. Để đáp lại chiến dịch khủng bố, ám sát của DRV năm 1957, Diệm thực thi chính sách "làng nông nghiệp", thực chất là dồn dân vào những khu tập trung, có hào bao quanh, trên đắp thành đất, cắm dây thép gai. Dân làng được tổ chức thành những đội tự vệ có vũ trang để chống thâm nhập. Đội ngũ mật vụ, chỉ điểm lục tìm những gia đình có cảm tình với Việt minh, chẳng may để lộ ra trong và sau hiệp định Geneva. Một tài liệu bí mật của Đảng đã thừa nhận rằng Diệm đã thành công trong việc ổn định tình hình và hạn chế tối đa hiệu quả của những hoạt động cách mạng:

Kẻ thù đã hoàn thiện bộ máy cai trị từ trung ương đến địa phương, xây dựng mạng lưới gián điệp và lực lượng dân phòng đến tận từng xã. Chúng còn kiểm soát đến từng gia đình thông qua cơ chế "tự quản" theo từng đơn vị 5 gia đình, trong đó mỗi hộ phải chịu trách nhiệm về sự trung thành của những gia đình hàng xóm. Phong trào xuống thấp đến mức, ngay cả những phản kháng nhỏ như đòi cho vay để trồng trọt cũng bị gán cho là "hoạt động Việt cộng" và bị tra tấn, đe dọa. Cùng lúc đó, chính sách "làng nông nghiệp" dồn dân đến gần những trung tâm thương mại hoặc nơi thuận tiện giao thông thủy bộ để dễ bề kiểm soát.

Mặc dù vẫn tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, nhưng nhân dân vẫn hoang mang giao động. Càng ngày càng xuất hiện nhiều nghi ngờ về phương pháp đấu tranh hòa bình và những quan điểm cũ. "Đòi dân chủ và dân quyền chỉ dẫn đến nhà tù hoặc nghĩa địa", "Đấu tranh thế này thì cuối cùng sẽ chết hết". Tại nhiều nơi, nhân dân đòi hỏi đảng phải đứng lên cầm vũ khí để bảo vệ mình.

Từ năm 1957 đến 1959 hơn 2000 nghi can cộng sản bị tử hình trên những chiếc máy chém được kéo lê qua khắp các làng xã. Hàng chục nghìn người khác bị tình nghi có cảm tình với cách mạng bị bắt và tống giam. Theo một thống kê, số đảng viên đã giảm từ hơn 5000 đầu năm 1957 xuống còn chưa đến 1/3 vào cuối năm. Trần Văn Giàu, nhà sử học của đảng đã viết: "đó là những giờ phút đen tối nhất của sự nghiệp cách mạng" Cũng may, ngoài Việt cộng, chế độ Diệm còn tự tạo ra những kẻ thù cho chính mình. Theo đòi hỏi của Mỹ, Diệm phải thông qua hiến pháp năm 1956, thừa nhận chính phủ do tổng thống và nghị viện bầu ra, bảo vệ các quyền tối thiểu của con người. Tuy nhiên Diệm chưa bao giờ là nhà dân chủ. Thô kệch trong xử sự, rất sợ xuất hiện trước đám đông, Diệm không thể hòa đồng với các công dân của mình. Vốn rất nghi ngờ người miền Nam, Diệm lựa chọn tay chân toàn những kẻ tị nạn từ miền Trung, theo công giáo và ghét cộng sản. Diệm để em là Nhu lập ra Đảng cần lao nhân vị. Các đảng đối lập bị đóng cửa, những kẻ lên tiếng phê phán chế độ bị trừng trị thẳng tay. Thất bại lớn nhất của Diệm là không đáp ứng được nhu cầu thực sự của nông dân, chiếm đến hơn 80% dân số. Sau hiệp định, có đến hơn một nửa diện tích đất canh tác chỉ do khoảng 1% dân số sở hữu. Bị Mỹ thúc ép, Diệm phải tiến hành cải cách ruộng đất. Tuy nhiên để làm vừa lòng những nhà địa chủ ủng hộ chính quyền, thực tế chỉ có chưa đến 10% nông dân nhận được dù chỉ là một mảnh đất. Thậm chí trong các vùng Việt minh cũ, nông dân còn bị ép buộc phải trả lại đất đã được chia trong kháng chiến. Đối với nông dân, cuộc sống mới chẳng hơn gì so với thời thực dân. Có thể nói, đến cuối những năm 1950, nông thôn miền Nam đã sẵn sàng cho những thay đổi lớn.

Sau cuộc họp của Duẩn cho Bộ chính trị, Trung ưong triệu tập hội nghị lần thứ 15. Duẩn đọc báo cáo, chỉ rõ sự bất mãn dâng cao với chính quyền Diệm đang tạo ra một cơ hội vàng để tiến tới thống nhất đất nước. Tất nhiên là lãnh đạo đảng không quyết định được dễ dàng. Theo một tài liệu của Nam Việt nam thu được sau đó, có rất nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau trong hội nghị 15. Một số cho rằng đương nhiên là phải cứu phong trào và các đồng chí ở miền Nam, trên thực tế là đang đấu tranh cho sự sống còn của mình. Số khác e ngại việc đẩy mạnh hoạt động vũ trang sẽ làm các đại ca LX, TQ tức giận và quan trọng nhất là có thể dẫn đến Mỹ trực tiếp can thiệp. Phe của Chinh thì cho rằng làm như thế thì lấy sức đâu mà xây dựng CNXH ở miền Bắc để hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất miền Nam.

H là người phát biểu mạnh mẽ nhất cho quan điểm thận trọng. H cho rằng không thể chỉ sử dụng đấu tranh vũ trang, chắc chắn sẽ tạo cớ cho Mỹ can thiệp. Theo H, cách mạng Việt nam phải được xét trong quan hệ với cách mạng thế giới. Đế quốc Mỹ đang mạnh nhưng sẽ suy yếu, bởi thế chúng ta phải có chiến lược từng bước. Các lực lượng cách mạng ở miền Nam chắc chắn sẽ giành được những thắng lợi to lớn, nhưng trước mắt cần phải thỏa mãn với những thắng lợi nhỏ.

Với sự can thiệp của H, hội nghị đã đạt được thỏa hiệp, phê chuẩn chiến lược chiến tranh cách mạng để thống nhất đất nước. Tuy nhiên mức độ kết hợp giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị được để ngỏ. Nghị quyết nêu rõ:

Con đường đấu tranh cơ bản của cách mạng miền Nam là bạo lực cách mạng. Tùy theo rình hình cụ thể và những nhu cầu hiện tại của cách mạng mà phối hợp giữa sức mạnh chính trị của quần chúng và sức mạnh quân sự để lật đổ quyền lực của phong kiến và đế quốc thiết lập chính quyền của nhân dân.

Cuộc tranh luận về quyết định của Hội nghị 15 không chỉ có ý nghĩa học thuật. Nếu quyết định leo thang bạo lực ở miền Nam chỉ là do những đồng chí miền Nam quyết tâm đề xuất, cuộc chiến về cơ bản có thể coi là một phong trào kháng chiến nội bộ chống lại một chính quyền thối nát và Bắc Việt có thể được coi như một nhà quan sát bị động. Ngược lại, nếu các lãnh đạo miền Bắc khởi xướng, cuộc chiến chứng tỏ tham vọng thống trị toàn đất nước của Hà nội. Thực tế chắc là nằm đâu đó ở giữa. HCM và các đồng chí của mình đã quyết định phải tổ chức lại sự bất bình ầm ĩ nhưng thiếu tập trung chống lại chính quyền miền Nam.

Nghị quyết của Hội nghị 15 không được phổ biến ngay. Trong vài tháng sau đó, Giáp được giao nhiệm vụ đánh giá lại tình hình một cách toàn diện, trong khi HCM được cử ra nước ngoài để thăm dò ý kiến các đồng minh. Đã gần 70 tuổi, H vẫn miệt mài thực hiện ước mơ thống nhất đất nước dưới chế độ XHCN của mình. H đến Bắc kinh vào giữa tháng 1/1959, sau đó đi dự đại hội ĐCSLX tại Moscow. Trên đường về, H lại ghé qua Bắc kinh và về đến Việt nam vào ngày 14/2/1959. Không rõ H đã thảo luận gì với các đồng minh của mình trong chuyến đi này. Tháng 5/1959, nghị quyết hội nghị 15 được chính thức phê chuẩn.

--------------------------------

1 J Sainteny: Ho Chi Minh and his Vietnam. Cũng theo S, quân Việt minh đóng ngoài tòa nhà đã ghi lại biển số xe của tất cả các vị khách đến dự lễ này.

2 Về sự tự tin của H vào bầu cử, xem Đêm giữa ban ngày" của Vũ Thư Hiên.

3 Chỉ có 6 trong số 17 thành viên nội các là người Nam. Một điều thú vị, là theo báo cáo của Sứ quán Mỹ tại Sàigon cho Bộ ngoại giao ngày 10/10/1950, các nguồn Việt minh đã dự đoán là Mỹ sẽ thay Bảo đại bằng Diệm.

4 Xem thêm Dương Vân Mai Elliot Sacred Willow: Four generations in the Life of Vietnamese Family Newyork 1999.

5 Về quan điểm của Lương, xem "Vì sao phải chỉnh Đảng" trong Cuộc kháng chiến thần thánh tập 3, 293-302. Lương là em trai của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Có thể tham khảo thêm Moise Land Reform.

6 Lời của H được trích trong "Bài nói chuyện với các cán bộ cải cách miền biển". Chi tiết về Vũ Đình Huỳnh được nhắc đến trong "Đêm giữa ban ngày".

7 Xem thêm Elliot Sacred Willow p343-344 để biết ý kiến của một dân thường về trách nhiệm của HCM trong vụ này.

8 Nguyễn Mạnh Tường, Un excommunie. Hanoi 1954-1991: Process d'un intellectuel (Paris, Que me, 1992) p9.

9 Boudarel Cent Fleurs p 143. Xem thêm Hirohide Kurihara p 143. Xem thêm Hirohide Kurihara 1958. Về những nhận xét của Chinh về tự do ngôn luận, xem Nguyễn Văn Trân Viết cho mẹ và Quốc hội (Wesminster, Calif.: Van nghe, 1996) p.275.

10 Theo nhà sử học Nga Ilia Gaiduk., bản thân Chinh là một trong những người nghi ngờ. Từ năm 1955, Chinh đã nhận định bi quan với một quan chức Liên xô về một giải pháp hòa bình cho việc thống nhất Việt nam. Xem thêm "Developing an Alliance: The Soviet Union and Vietnam, 1954:1975".

11 Xem Hoàng Văn Chi "Collectivization and Production of Rice", in China Quarterly Jan-Mar 1962, p 96.

12 Gerard Tongas, L'Enfer communiste au Nord Vietnam (Paris, Nouvelles Editions Delmesse, 1960) pp 85-86. Nhiều nhà quan sát không tin tưởng lắm vào những nhận định của Tongas, tuy nhiên dưới ánh sáng của những thông tin mới, có vẻ như có nhiều phần sự thật. Tuy thế, Tongas lại cho rằng thời gian của chuyến thăm là tháng 9/1957. Trong hồ sơ lưu trữ chỉ có một chuyến thăm vào tháng 5.

13 H đưa ra ý này trong bài phát biểu nhân dịp Quốc khánh. Cùng đi trong đoàn có Bộ trưởng văn hóa Hoàng Minh Giám, cựu đại sứ tại TQ Hoàng Văn Hoan và thứ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch cxl Câu chuyện như cổ tích này được kể trong Đêm giữa ban ngày của Vũ Thu Hiên. Bức thư của người chồng chưa cưới có thể tìm trong "Letters de larmes et de sang", Chronique Vietnamién (Fall 1997) pp 8-11.

14 Theo Carlyle Thayer War by Other Means, pp 166-167, India cũng đón tiếp Ngô Đình Diệm rầm rộ như đón H. Thái độ của Ấn trong cuộc chiến này là tương đối phức tạp. Rõ ràng là Nehru coi thường Bảo đại và ủng hộViệt minh trong cuộc chiến với Pháp. Tuy nhiên trong các cuộc nói chuyện riêng với những quan chức Mỹ hoặc phương Tây, ông này tỏ ra lo ngại về viễn cảnh một Việt nam thống nhất bị cộng sản Hà nội cai trị. Bởi thế, thái độ của Ân có thể tóm tắt là ủng hộ DRV trên công chúng, nhưng thực tế chẳng làm gì.

No comments:

Post a Comment