Sunday, August 9, 2020

Hồ Chí Minh – Một cuộc đời: Phần 7

 Mất hút

Năm 1931 là năm các chính quyền thuộc địa tại Đông Á ra tay ngăn chặn làn sóng cộng sản đang dấy lên. Tháng 6, cảnh sát Singapore bắt Serge Lefranc, đặc vụ của QTCS đang đi tour khu vực Đông Nam A theo chỉ thị của văn phòng Thượng hải. Ngày 5/6, phái viên của ICP tại FEB Lê Quang Đạt bị bắt tại nhượng địa Pháp ở Thượng hải. Sáng hôm sau, NAQ và đồng chí của mình là Lý Sâm bị bắt tại Hồng kông. Vài ngày sau đến lượt Hilaire Noulens và vợ. Ông này tự khai là công dân Bỉ nhưng đã bị nhanh chóng vạch trần khi lận theo người đến mấy quyển hộ chiếu khác nhau và lãnh sự Bỉ từ chối xác nhận. Mặc dù chẳng có thể gán được cho Noulens tội gì rõ ràng, các quan chức thuộc địa tin chắc rằng ông này là cộng sản gộc và chuyển giao cho chính quyền Quốc dân đảng tại Giang tây. Tại đây Noulens bị kết án chung thân, sau Liên xô thông qua tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế đã can thiệp để đưa về Matxcova.

NAQ (dưới bí danh là phóng viên Trung quốc Tống Mãn Châu) bị bắt mà không có trát của toà do cảnh sát nghi ngờ là có những hoạt động liên quan đến QTCS. Mặc dù Q chẳng phạm tội gì của HK, chính sách của Anh lúc đó là không cho phép sử dụng lãnh thổ mình để tiến hành các hoạt động lật đổ. Chính quyền sở tại tin chắc ông là NAQ và hy vọng có thể tìm cách để trục xuất Q sang Đông dương. Tuy nhiên do lúc đó giữa Pháp và Anh chưa có thoả thuận về dẫn độ tội phạm chính trị, cách duy nhất mà chính quyền có thể làm là đề nghị toà ra lệnh trục xuất Q ra khỏi HK trên một con tàu và đến một địa điểm đã chỉ định sẵn. 1

Do không có hộ chiếu và Q kiên quyết khẳng định mình là người Hoa chứ không phải người Việt nam, toà phải mở phiên điều trần vào ngày 10/7/1931. Tại phiên điều trần này, Q chỉ dùng tiếng Anh, khai mình sinh ở Đông hưng (thành phố thuộc Quảng đông gần biên giới với Đông dương). Ông thừa nhận mình đã sang Pháp, nhưng chưa hề tới Nga và càng không liên quan gì đến QTCS. Ông cũng phủ nhận mình có quen biết Lefranc mặc dù công nhận là mình đã ký vào bưu thiếp tìm thấy trong túi của Lefranc. Cuối cùng Q đề nghị được dẫn độ sang Anh chứ không phải trục xuất sang Đông dương. Gần cuối phiên điều trần, Q bất ngờ nhận được sự trợ giúp về pháp luật từ bên ngoài. Cho đến nay vẫn chưa rõ là làm thế nào mà luật sư Frank Loseby lại trở thành một nhân vật quan trọng của vụ án này? Có nguồn tin cho rằng ông ta có một trợ lý người Việt, anh này đã kể lại với ông chủ về Q. HCM thì nói rằng mình và Loseby có chung một người bạn giấu tên ở HK. Theo thông tin chính thức của Hà nội, Loseby được Tổ chức cứu trợ Đỏ quốc tế và Mặt trận phản đế (một công cụ của Moscow để cứu giúp các đồng chí của mình bị sa cơ) thuê 2. Loseby lập tức phản đối việc trục xuất Q theo những thủ tục bình thường vì điều đó sẽ gây nguy hiểm cho Q và Lý Sâm (cô gái cùng bị bắt với Q). Lý do đơn giản là chính quyền Pháp ở Đông dương đang theo dõi sát sao vụ này và đã đề nghị chinh quyền HK thông báo địa điểm và thời gian trục xuất. Loseby muốn các thân chủ của mình phải được rời HK theo sự sắp xếp của chính họ. Thống đốc HK lưỡng lự nhưng cũng đồng ý. Ngày 24/7 ông này điện cho Bộ Thuộc địa ở London đề nghị thả tự do cho Q và buộc phải rời HK trong 7 ngày. Theo ông nếu trục xuất Q sang Đông dương thì chẳng khác gì dẫn độ và "mâu thuẫn với những nguyên tắc của nước Anh". Tuy nhiên, sự việc diễn ra không đơn giản. Jules Cambon, đại sứ Pháp tại London chính thức lên tiếng phản đối quyết định thả Q. Ông ta cho rằng Q là một sự nguy hiểm quốc tế và cần phải bị kiềm chế. Mặc dù Pháp không có đủ thẩm quyền pháp lý để đòi hỏi dẫn độ Q, chính phủ Pháp muốn chính phủ Anh hiểu rõ quan điểm của mình. Ông này cũng nhắc lại đề nghị của tổng lãnh sự Pháp tại HK đề nghị trục xuất Q sang Đông dương. Bộ Ngoại giao Anh, muốn lấy lòng Pháp trong việc chung sức chống lại các hoạt động lật đổ đã đồng ý với quan điểm này 3.

Yêu cầu của Bộ ngoại giao đã gây ra cãi nhau to trong Bộ thuộc địa. Mặc dù có nhiều quan chức phản đối cho rằng làm thế khác gì dí cổ Q vào lưỡi dao của Pháp, cũng có những quan chức đồng tình với Bộ ngoại giao. Bài phát biểu sau có thể làm rõ quan điểm đó:

Cá nhân tôi nhát trí với quan điểm của Bộ ngoại giao là trả lại tay này về Đông dương. Hắn là một tay kích động xấu xa bị bắt cùng một rọ với Le Franc ở Thượng hải. Chúng ta quả là không may vì không tìm được đủ chứng cớ để tống cổ hắn vào tù ở HK. Có vẻ các vị cảm thấy là nhân đạo khi cho hắn sang Nga thay vì đẩy vào tay kẻ thù của hắn. Nhưng hãy để ý rằng, các hoạt động cách mạng ở Đông dương là bẩn thỉu, phần nhiều liên quan đến giết người, đốt nhà hoặc tra tấn dã man. Tuy không trực tiếp nhúng tay, nhưng đa phần các vụ này đều do Nguyễn chịu trách nhiệm. Nếu hắn ta được tự do, hắn lại tiếp tục những hành động như vậy. Bởi thế tôi đồng ý quan điểm của chính phủ Pháp là các thế lực Thuộc địa cần đoàn kết với nhau để dập tắt những ổ dịch cách mạng lây lan nhanh chóng này bảo vệ lợi ích của văn minh ở phương Đông.

Trước sức ép của Bộ ngoại giao, cuối cùng thống đốc HK đã ra lệnh trục xuất Q sang Đông dương. Đoán trước được ý định đó, Loseby đã sử dụng lên đình quyền giam giữ yêu cầu mở phiên toà công khai để xem xét tính pháp lý của vấn đề. Ngày 14/8, toà tối cao HK đã mở phiên xét xử kéo dài trong mấy tuần. Tại phiên toà, Loseby đã chứng minh là chính quyền đã vi phạm pháp luật khi đặt những câu hỏi có nội dung chính trị, không liên quan gì đến vụ việc, trong lần thẩm vấn Q trước đó. Cảm thấy quan toà Ngài Joseph Kemp có thể huỷ bỏ lệnh trục xuất hiện tại, các quan chức HK vội vàng thảo một lệnh theo một chương khác của Pháp lệnh về trục xuất năm 1917. Toà đã chấp nhận lệnh mới, nhấn mạnh rằng mặc dù việc trục xuất có thể dẫn đến những hậu quả tương đương như dẫn độ, nhưng cũng chẳng có gì trái với luật pháp nước Anh cả. Lý Sâm được trả tự do, còn Q lại đối mặt với nguy cơ bị đưa về Đông dương 4.

Ngay lập tức Loseby chống án lên Hội đồng cơ mật tại London, cho rằng chính quyền đã lạm dụng quyền lực. Được Hội đồng chấp nhận đơn, Q có cơ hội thay đổi không khí vì ít nhất là cũng vài tháng sau vụ việc mới được xem xét. Ông được chuyển sang bệnh viện Đường Bowen vì lý do sức khỏe. Mặc dù không có biểu hiện bệnh tật rõ ràng, Q bị kiệt sức và trông hốc hác. Trong hồi ký của mình, Q miêu tả giai đoạn này khá tăm tối, bị ngược đãi, ăn cơm hẩm, cá thiu và thú vui duy nhất là săn rận. Tuy nhiên một số nguồn thông tin khác cho rằng, trong thời gian ở bệnh viện, Q sống khá thoải mái, thường xuyên được vợ chồng một quan chức thuộc địa (bạn Loseby) và một số người châu Âu khác viếng thăm. Loseby cũng bố trí cơm nước cho Q từ một nhà hàng cạnh bệnh viện. Q dành thời gian rỗi để đọc và thậm chí đã hoàn thành một cuốn sách bằng tiếng Anh. Đáng tiếc là Loseby đã đánh mất nó trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Như thường lệ, Q cũng không bỏ lỡ cơ hội để tiến hành tuyên truyền cho những tư tưởng cách mạng của mình. Trong một câu chuyện của mình, Q kể:

Một hôm, có một cô hộ lýTQ thì thầm hỏi: "Bác ơi, chủ nghĩa cộng sản là gi ạ, bác có phải là người cộng sản không, bác đã làm gì mà bị bắt?" Cô ấy biết rằng, những người cộng sản không phải là trộm cướp, buôn lậu, giết người, cho nên không hiểu vì sao họ lại bị bắt. "Thế này, cháu ạ, nói một cách đơn giản, những người cộng sản muốn xây dựng một chế độ mà các hộ lý Trung quốc không phải phục tùng các quan lớn người Anh nữa"

Bức thư đầu tiên mà Q gửi từ trong tù là cho Lâm Đức Thụ, thông báo đã ở tù 3 tuần. Q nói "rất xấu hổ và không có ai để chứng thực cho sự vô tội" của mình. Q đề nghị Thụ làm hết sức mình để được tự do và hứa sẽ biết ơn đời đời. Tất nhiên là chẳng có ích gì. Mặc dù biết rõ quan hệ tay đôi của người đồng chí cũ của mình, Q vẫn giữ liên lạc và đề nghị Thụ đừng đến thăm vì sợ bị liên luỵ. Sau đó vài tháng Thụ đã báo cho chỉ huy người Pháp của mình là Q đã xin 1000 đô HK để được đưa sang châu Âu. Khi Thụ nói không có tiền, Q đã đề nghị vợ Thụ bán đi một số đồ trang sức 5.

Đây chắc cũng là một giai đoạn cô đơn của Q. Người tình mới Nguyễn Thị Minh Khai thì ở trong tù, cha mới chết trước đó 2 năm tại Nam bộ, không một xu dính túi. Thỉnh thoảng Q mới có liên lạc với các anh chị. Anh Khiêm, từng bị bắt vì tạo phản năm 1914, được tha năm 20, sống ở Huế, chủ yếu làm thuốc và xem địa lý để tiếp tục hoạt động nhưng cũng rất túng thiếu. Năm 1926, Q đã nhờ Phan Bội Châu gửi cho anh mình một ít tiền. Chị Thanh cũng đầy tai tiếng với chính quyền, bị bắt năm 1918 vì tội tàng trữ vũ khí, được tha năm 22, cũng sống và làm thuốc ở Huế, sau khi cha chết năm 1929, chị có về Kim liên để thắp hương cho bà con 6.

Trong lúc đó, các cơ quan chức năng tiếp tục tranh cãi. Bộ thuộc địa thì đồng ý với chính quyền HK về việc trục xuất và để cho Q tuỳ nghi di tản. Bộ ngoại giao thì sợ Pháp phật ý, lại muốn tham khảo chính quyền Pháp về các hình phạt có thể áp dụng với Q. Tuy nhiên cả hai đều đồng ý chưa có hành động nào trứơc khi Hội đồng cơ mật ở London đưa ra quyết định cuối cùng. Ngày 22/12, Đại sứ Pháp tại London, Jaques Truelle đã trả lời yêu cầu của Anh về các tội Q đang bị xử ở Đông dương. Theo ông này, Q đích thị là đặc vụ của QTCS tại Đông Nam Á trong đó có nhiệm vụ trợ giúp cả Đảng cộng sản Malay, đang là thuộc địa của Anh. Truelle cũng xác nhận toà án Nam triều đã kết án Q tử hình về tội mưu toan lật đổ. Tháng 10/1929, bản án này đã được xem xét lại và hạ xuống khổ sai chung thân. Truelle thông báo là Q sẽ được xét xử lại, bản án sẽ được Toàn quyền Đông dương phê duyệt, và mặc dù tội danh vẫn không thay đổi, Pháp bảo đảm sẽ không kết án tử hình Q. Cuối năm 1931, đơn khiếu kiện của Q được Hội đồng cơ mật đưa ra xem xét. Quyền lợi của Q được luật sư D.N Pritt (hãng Light và Futon) bảo vệ. Đảng viên Đảng Lao động Stafford Cripps đại diện cho chính quyền HK. Ông này, một mặt sợ mất mặt chính quyền HK, mặt khác được mấy người bạn ở Bộ thuộc địa có tư tưởng thân cách mạng khuyên bảo, đã đề nghị thoả hiệp. Ngày 27/6/1932, chính phủ Anh đồng ý trả tiền khiếu nại và hỗ trợ Q đi đến bất cứ nơi nào Q muốn. Cũng có tin đồn là Q được tha vì đồng ý nhận làm điệp viên cho Anh 7. Đầu tiên Q được thông báo là chính phủ Anh đồng ý cho tị nạn chính trị, tuy nhiên chẳng có đường nào đến Anh mà lại tránh được cảnh sát Pháp. Nếu qua kênh Suez, Q có thể bị bắt ở Port Said (Ai cập). Qua Nam Phi hoặc Úc thì các chính phủ này lại không đồng ý. Buồn cười nhất là cuối cùng hoá ra chính phủ Anh cũng không đồng ý nhận. Không hiểu sao chữ "không" trong từ "không đồng ý" trong bức điện của London gửi HK lại bị ai đó xoá đi mất.

Chính quyền đã bắt đầu sốt ruột với vị khách rắc rối này. Ngày 28/12/1932, Q được thả ra khỏi bệnh viện và phải rời HK trong vòng 21 ngày. Trước đó, để đánh lừa Pháp, ông Loseby đã tung tin Q bị chết vì lao phổi. Tờ "Công nhân hàng ngày" của QTCS tại London đã đưa tin về cái chết của ông trong số ngày 11/8/1932. Q phải đóng giả một ông đồ nho, sống tại khách sạn YMCA tại Cửu long vài ngày rồi lên tàu đi Singapore. Rủi thay, cơ quan nhập cảnh Sing lại tống cổ Q trở lại HK trên tàu Ho Sang. Đến HK, cảnh sát lại bắt Q vì tội thiếu giấy tờ. Tuy nhiên chính quyền HK đã can thiệp, trả tự do cho Q ngày 22/1 và cho 3 ngày để tìm đường thoát khỏi thuộc địa. Nhờ sự giúp đỡ của Loseby, tối ngày 25, cảnh sát mặc thường phục đã dùng xuồng máy đưa Q ra ngoài khơi đến một con tàu Trung quốc đang nhổ neo đi Hạ môn 8.

Q và người phiên dịch xuống Hạ môn vào sáng hôm sau (thành phố này lúc đó được phương Tây gọi là Amoy) và nhận phòng tại YMCA ở khu Trung quốc. Nhờ một người Hoa địa phương giàu có, bạn của Loseby chu cấp, Q chơi bời nghỉ ngơi vài tuần qua Tết ở Hạ môn trước khi lên tàu đi Thượng Hải trong vai một thương nhân người Hoa. Lúc này cảnh sát Pháp đã đánh hơi được Q đang ở đâu đó Nam Trung quốc và tăng cường truy nã. Các đảng viên CCP thì đã phải rút hết vào bí mật từ sau vụ tàn sát 1927. May mắn cho Q, đúng lúc đó có đoàn đại biểu chống chiến tranh của Quốc hội Pháp do bạn ông từ thời FCP, Paul Couturier dẫn đầu đang ở thăm Thượng hải. Q quyết định dùng con bài cuối cùng: vợ goá của Tôn Trung Sơn, bà Tống Khánh Linh. Anh thuê một xe taxi, liều mạng phi đến biệt thự của bà này tại Rue Moliere nhượng địa Pháp để bỏ một bức thư vào hộp thư. Trên đường về, nhờ chiếc xe trông quá xịn, Q đã thoát được một cuộc vây bắt của cảnh sát Pháp. Madam Tống đã giúp Q gặp được Couturier, ông này liên lạc với CCP và bố trí đưa Q lên một chiếc tàu Liên xô chuẩn bị đến Vladivostok. Q đến Matxcova mùa xuân năm 1934. Nước Nga xô viết đang ở trong ánh hào quang của giai đoạn công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đối với các khách du lịch ngắn ngày và không đi quá xa ra khỏi Mat, Len và các thành phố lớn, tình hình quả là được cải thiện đáng kể so với thập kỷ trước. Nhà viết kịch Bernard Shaw đã miêu tả những điều nhìn thấy như một "Cuộc thử nghiệm xã hội vĩ đại". Tuy nhiên đối với nhiều triệu người dân Xô viết tình hình lại không được khả quan như vậy. Giai cấp trung nông, tiếng Nga gọi là Culac (có nghĩa là nắm đấm) bị tiêu diệt trong công cuộc tập thể hoá nông nghiệp. Của cải của nông dân bị tước đoạt để trang hoàng cho các quầy tạp hoá ở đô thị. Những kẻ chống đối hoặc bị giết hoặc bị đưa đi đày ở Siberia. Hàng ngàn người bị bắt lao động khổ sai tại những công trình thế kỷ như kênh đào Kareli nối vịnh Phần lan với Bạch hải. Nạn đói đã nổ ra tại Ucrain năm 1932, trong 2 năm sau đó, ước tính đã có từ 5-7 triệu người chết đói. Khoảng giữa những năm 30, phong trào chống đối kế hoạch hoang tưởng của Stalin trong đảng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên Stalin đã ra tay, Trosky bị đẩy đi lưu vong. Kamenev và Zinoviev bị cô lập. Ngôi sao đang lên Kirov bị ám sát. Một cuộc thanh trừng tập thể được tiến hành nhằm vào tầng lớp Bolsevic cũ đã từng cùng với Lenin tiến hành khởi nghĩa. Trong năm 1935, hơn 100,000 người đã bị bắt với tội danh "kẻ thù của quốc gia" chỉ riêng ở Leningrat.

Trên danh nghĩa, những biến động đó chẳng ảnh hưởng đến cá nhân Q. Anh được tiếp đón trọng vọng ở văn phòng Dalburo (lúc đó đang do một người cộng sản Phần lan Otto Kuusinen lãnh đạo). Q lập tức được phân quản lý 144 sinh viên Việt nam đang học tại học viện Stalin (lúc đó đã được đổi tên thành Học viện các vấn đề Dân tộc và Thuộc địa). Cần phải nhắc lại rằng, các sinh viên VN ở đây đã từng tổ chức lễ truy điệu Q và Trần Phú trước đó. Ông Nguyễn Khánh Toàn, một cựu sinh viên kể lại về giai đoạn này: Bác Hồ cực kỳ gần gũi với các sinh viên Việt nam. Thông thường Bác hay đến buổi tối để chia sẻ các kinh nghiệm hoạt động của mình liên quan đến đạo đức của người cách mạng và tình đoàn kết. Có một số học viên trẻ kiêu ngạo hoặc tự ái hay cãi nhau những chuyện lặt vặt, Bác lại là người đứng ra phân xử. Bác nói: "Nếu chúng ta không giữ được đoàn kết trong một nhóm nhỏ thế này, làm sao có thể nghĩ đến chuyện thống nhất quần chúng để lật đổ chế độ thuộc địa khi về nước" 9

Q cũng như các học viên học viện được sống khá dễ thở trong chế độ bao cấp: ăn, ở và dịch vụ y tế miến phí. Hè được đi nghỉ ở Crum. Mỗi tháng lĩnh 140 rub tiêu vặt. Bởi thế cũng dễ hiểu là Q có thể chẳng biết gì về những bi kịch đang diễn ra trong xã hội xô-viết. Sức khỏe Q không được tốt. Tháng 9/1934, Q đi dưỡng bệnh vài tuần ở Crưm, sau đó anh nhập học một khoá 6 tháng ở Trường Đại học Lenin, chuyên việc đào tạo cán bộ cho các Đảng cộng sản anh em. Không có nhiều thông tin lắm về những tháng đầu tiên Q tới Nga. Chỉ biết rằng, Q rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tranh cãi bảo vệ quyền lợi cho các đồng chí Việt nam và cách mạng Việt nam. Ở nhà, anh chịu khó tập thể dục để phục hồi sức khoẻ. Quan điểm trước đây của các nhà sử học là Q may mắn đứng ngoài rìa những cuộc thanh trừng tập thể đang diễn ra lúc đó. Những thông tin mới được tiết lộ gần đây nhất ở Moscow cho thấy thực tế không phải như vậy. Có vẻ như Q đã bị một toà án gồm có ông bạn cũ Manuilsky, chiến binh đa mưu của CCP - Khang Sinh và bà Valeria Vasilieva xét hỏi. Không rõ tội danh của Q là gì, tuy nhiên chỉ riêng việc ông có những quan điểm trái ngược với đường lối của Đại hội QTCS lần 6 về cách mạng dân tộc, thêm vào đó lại là bạn thân của Borodin đang bị xét xử cũng đã quá đủ để Stalin nghi ngờ. Việc Anh thả Q tháng 12/1932 cũng làm dấy lên một số nghi vấn là ông đã nhận làm gián điệp để đổi lấy tự do. Chắc là nhờ sự bảo trợ của Manuilsky và đặc biệt là Vasilieva, Q đã thoát tội. Bà này đại diện cho bộ máy của QTCS trong việc tiếp xúc với các sinh viên Việt nam và rất nhiệt tình bảo vệ Q cho rằng lỗi duy nhất của ông là thiếu kinh nghiệm. Trong một bức thư gửi cho lãnh đạo của ICP tại Nam Trung quốc, bà đã viết: "liên quan đến NAQ, anh ta cần phải học thật tốt trong 2 năm tới và không làm gì khác. Sau khi anh ta học xong, chúng tôi sẽ có kế hoạch sử dụng"

Trong khi Q đang ở Moscow, các chiến hữu ở trong nước đang ra sức khôi phục lại bộ máy của Đảng sau khi các lãnh đạo cao cấp bị bắt từ tháng 4/1931 tại Nam bộ. Để giúp đỡ ICP, QTCS đã kêu gọi tất cả các đảng CS lên tiếng ủng hộ cuộc "khởi nghĩa" của công nhân ở Đông dương. Hơn 30 học sinh VN tại Moscow được lệnh hồi hương để giúp đỡ các đồng chí của mình. Mặc dù đa số bị Pháp bắt hoặc đào ngũ (một nguồn tin nói 22 trong số 35 người đã bị vô hiệu hoá), một số cũng đến được đích. Trong đó có Lê Hồng Phong, đệ tử cũ của Q ở Tâm tâm xã. Phong học lái máy bay ở Leningrad, sau đó chuyển đến trường Stalin năm 1929, rời Liên xô năm 1931. Tháng 4/1932, Phong về đến Long châu, một thành phố nhỏ ở biên giới Quảng tây và VN. Sau đó cùng với 2 đồng môn Phùng Chí Kiên và Hà Huy Tập, Phong chuyển đến Nam ninh và lập ra Ban chỉ huy hải ngoại có nhiệm vụ làm cầu nối giữa QTCS và bộ máy đảng ở trong nước. Đảng cũng chia ra theo các vùng để dễ bề khôi phục. Đến giữa những năm 30, dân số Việt nam vào khoảng 18 triệu, trong đó 4 triệu ở Nam bộ, 5 triệu ở Trung bộ, còn lại ở Bắc bộ. Một cựu học viên của trường Stalin, ông Trần Văn Giàu, chịu trách nhiệm khôi phục lại bộ máy ở Nam bộ. ông này về Sài gòn đầu năm 1933. Đường lối của Moscow lúc đó là chỉ chiêu nạp đảng viên trong tầng lớp công nhân thành thị. Tuy nhiên mặc dù thất nghiệp tràn lan do cuộc đại khủng hoảng, công nhân vẫn có vẻ thờ ơ với chính trị. Đảng có ảnh hưởng sâu rộng hơn nhiều trong nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu long vốn chẳng ưa gì tầng lớp địa chủ và quan lại tham nhũng. Lợi dụng chính sách có vẻ "thoáng" hơn của chính quyền, một số thành viên theo trường phái Trosky đã xuất bản tạp chí La Lutte. Thậm chí có cán bộ Đảng còn đăng ký chạy đua vào hội đồng thành phố. Giữa năm 1933, xứ ủy Nam kỳ được thành lập với 2 tiểu ban phụ trách các tỉnh miền đông và miền tây và một trường đào tạo cán bộ. Phòng Nhì Pháp bất lực vì không được lệnh ra tay. Trần Văn Giàu đã bị bắt nhưng lại được tha vì không có chứng cớ. Chỉ có tay ám sát chuyên nghiệp Lê Hồng Sơn, sau một hồi lẩn trốn, cuối cùng cũng bị bắt tại nhượng địa Pháp ở Thượng hải. Sau đó Sơn bị dẫn độ về VN và bị triều đình xử tử vào 2/1933 tại Vinh. Tình hình ở các vùng khác không được khả quan lắm. Tại Annam, một số đảng viên từ Xiêm về tìm cách kết hợp với các đảng viên bị bắt trong đợt Xô viết Nghệ tĩnh mới được tha để phục hồi lại cơ sở đảng. Tuy nhiên có sự nghi kỵ đối với các đảng viên đã từng ở tù. Tỉnh uỷ Nghệ an còn ra tuyên bố: "trong 100 đảng viên cộng sản cú, chỉ có một có khả năng trung thành với các học thuyết của đảng". Dù sao, đến giữa năm 1934, ba khu uỷ đã được thành lập, mỗi uỷ ban phụ trách từ 5-7 tỉnh. Tonkin là vùng trắng cho đến năm 1934 khi một số đảng viên bắt đầu hoạt động lại ở Việt bắc. Sau đó nhờ có sự móc nối của Lê Hồng Phong, xứ uỷ Bắc kỳ mới được thành lập lại. Cũng vào khoảng thời gian đó, một số đảng viên do Q gây dựng từ những năm trước đã thành lập ủy ban trung ương lâm thời tại cao nguyên Khorat để tuyển mộ và đào tạo thành viên cho các hoạt động trong nước. Uỷ ban này sau đó đã tự xưng là văn phòng liên lạc của xứ uỷ Nam kỳ và Trung kỳ với thế giới bên ngoài. Các uỷ ban tương tự cũng được thành lập ở Lào và Campuchia.

Vấn đề quan trọng của đảng là xem xét lại chiến lược của mình sau những tổn thất lớn lao trong XVNT. Khoảng giữa năm 1932, Lê Hồng Phong cùng với một số đồng chí nữa đã dự thảo cương lĩnh mới. Cương lĩnh này hiển nhiên chịu ảnh hưởng của xu thế chính trị lúc đó tại Matxcova nên mang nặng tính bè phái và thiên tả. Cương lĩnh nhấn mạnh tầm quan trọng của cách mạng phản phong so với cuộc đấu tranh phản đế và hết sức nghi ngờ các đảng phái có tính dân tộc. Tờ Bolsevic, cơ quan của uỷ ban hải ngoại cũng tập trung vào những luận điểm tương tự. Các bài báo được cho là của Hà Huy Tập đã phê phán những quan điểm "tiểu tư sản" như "cách mạng dân tộc phải xảy ra trước cách mạng XHCN". Tập cũng chỉ trích các cơ sở đảng trong nước quá chú trọng trong việc huy động nông dân và yêu cầu họ tuyển mộ nhiều công nhân hơn nữa. Theo Tập, nông dân "tham lam sở hữu, không chính kiến, không đoàn kết, chậm hiểu biết các tư tưởng mới và không thể trở thành lực lượng cách mạng". Tuy những lời phê phán không nhằm vào ai cụ thể, rõ ràng mục tiêu của ban biên tập là những luận điểm và chính sách của NAQ. Một bài báo, sau khi đề cập việc "một số đồng chí trong nước cho rằng địa chủ và tư sản dân tộc cũng có tinh thần chống đế quốc và như vậy có thể trở thành một phần của cách mạng" đã nói toẹt rằng đó chính là những quan điểm của NAQ tại đại hội thống nhất tháng 2/1930, nhưng sau đó đã bị các lãnh đạo mới của đảng loại bỏ. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân chứ không phải của tất cả quần chúng. Bài báo viết: "Đảng cộng sản lánh đạo cuộc đấu tranh giai cấp chứ không phải đấu tranh dân tộc. Bởi vì đây là đảng của giai cấp công nhân, trên tinh thần vô sản quốc tế, đảng phải kiên quyết chống lại những tư tưởng dân tộc và những tuyên truyền sáo rỗng kiểu: khôi phục đất nước của những con rồng, cháu tiên. Chúng ta chống lại thực dân Pháp, nhưng không có nghĩa là chúng ta ủng hộ các tư tưởng dân tộc."

Hà Huy Tập còn chỉ trích gay gắt hơn

"Chúng ta chịu ơn NAQ, nhưng các đồng chí không được quên bản chất dân tộc của NAQ và những chỉ đạo sai lầm của ông về các vấn đề cách mạng tư sản dân tộc, cũng như những lý thuyết có tính cơ hội mà ông đã gieo rắc trong các thành viên Thanh niên Hội và Tân Việt...Ông không chịu tuân theo những chỉ thị của QTCS trong việc sát nhập. Bản cương lĩnh chính trị tháng 2/30 cũng như đảng thống nhất mới đã không tuân thủ những nguyên tắc của QTCS. NAQ còn lớn tiếng ửng hộ những chiến thuật sai lầm và thoả hiệp như "trung lập với giai cấp tư sản và địa chủ, liên kết với các trung nông và nông dân". Do đó từ tháng 1 đến 10/30, ICP đã tiến hành một đường lối đối lập với QTCS. Mặc dù đảng đã hăng hái lãnh đạo quần chúng vùng lên, các xô viết trong XVNT cũng đã không làm theo các đường lối chính trị đúng đắn" 10.

Tháng 6/1934 Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập đã triệu tập hội nghị tại Makao để bàn về đường lối tương lai cũng như chuẩn bị cho Đại hội đảng lần thứ nhất. Nghị quyết của hội nghị này đã phê phán các nhà cải lương dân tộc như Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh. Nghị quyết cho rằng hội này rất nguy hiểm vì "giả danh bảo vệ các tầng lớp lao động, chống lại chính quyền, đòi hỏi các cải cách hiến pháp, thống nhất giai cấp chỉ nhằm mục đích đưa nhân dân khỏi con đường cách mạng". Bởi thế nhiệm vụ quan trọng của đảng là chống lại sự ảnh hưởng của những nhóm tương tự, cũng như những tư tưởng rơi rớt từ Thanh niên Hội và Tân Việt 11.

Hội nghị cũng quyết định triệu tập Đại hội lần thứ nhất tại Hồng kông vào tháng Giêng 1935. Tuy nhiên theo nguồn của mật thám Pháp, QTCS đã đề nghị chuyển sang tháng 3. Địa điểm cũng được quyết định lại là Macao. Từ cuối mùa hè năm 34, các lãnh đạo đảng đã dự thảo những văn kiện sẽ thảo luận tại đại hội. Giấy mời cũng được gửi đi các nơi, yêu cầu tập trung vào ngày 15/3. Ban lãnh đạo rất hy vọng là Moscow sẽ cử đoàn đại biểu chính thức tham dự. Khoảng đầu tháng 8, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai (mới được thả ở Quảng châu, lấy tên là Vân) và Hoàng Văn Nón (đảng viên từ Cao bằng) lên đường đi dự đại hội 7 QTCS dự kiến sẽ tổ chức ở Moscow hè năm sau 12. Hà Huy Tập đương nhiên nhận trách nhiệm chuẩn bị đại hội Đảng. Tập sinh ở Nghệ an, đầu tiên tham gia Tân việt, sau đó trốn sang Thanh niên Hội. Khi học ở trường Stalin, Tập tỏ ra rất nhạy bén về lý thuyết và lớn tiếng phê phán những thiếu sót về tư tưởng của Hội. Trong con mắt của mật thám Pháp, Tập là người kiêu ngạo, gian giảo và đa nghi đến cực điểm. Tập thường xuyên gây vấn đề với các đồng chí của mình và được gọi là "Ông Lùn" vì tầm vóc thấp bé của mình. Quan hệ căng thẳng nhất là với Trần Văn Giàu. Ông này đến Macao từ Nam bộ vào tháng 9/1934, một mặt để báo cáo tình hình, mặt khác tham gia vào quá trình chuẩn bị đại hội. Giàu chắc chắn coi Tập là chíp hôi. Còn Tập thì nghi ngờ vì sự ngạo mạn và độc lập của Giàu. Thậm chí Tập còn nghi Giàu là mật thám Pháp và viết thư mách về Moscow. Mãi sau này, khi có tin về việc Pháp lục soát khám xét nhà Giàu, Tập mới thừa nhận là mình không có cơ sở.

Kẻ phá hoại hoá ra nằm ở chỗ khác. Ngay trước thềm đại hội, một đảng viên kiêm nấu bếp tên là Nguyễn Văn Trâm đã cuỗm toàn bộ tiền quỹ của đảng và trốn sang HK 13. Vì Trầm nằm trong thành phần đi chọn địa điểm đại hội, ban lãnh đạo quyết định phải thay đổi địa điểm. Tập còn nghi một thành viên nữa là Nguyễn Hữu Cần có thể đã báo tin cho cảnh sát Pháp. Tập định lừa mật thám bằng cách ngầm cho Cần này biết là do khó khăn nên đại hội đảng có thể không tổ chức được. Trần Văn Giàu được phái về Nam bộ để xây dựng bộ máy. Cuối cùng thì đại hội cũng được tổ chức vào 27/3. Có Tập, Hoàng Đình Gióng, Phùng Chí Kiên và độ mươi đại biểu khác. Không có đoàn nào từ QTCS và cũng chẳng có đại diện của đảng cộng sản nào. Thời điểm đó, đảng có khoảng 800 đảng viên ở Đông dương và Xiêm. Đa số là người Kinh và ở quãng tuổi 20-30. Sự có mặt của Minh Khai, người tình một thời của NAQ trong bộ máy lãnh đạo chứng tỏ không có sự phân biệt nam nữ đáng kể. Mặc dù ở Moscow, gió đã có vẻ đổi chiều, đại hội vẫn thông qua nghị quyết giữ nguyên đường lối cũ, xây dựng mặt trận thống nhất trong phạm vi hẹp, thâm nhập các đảng dân tộc để lùa các thành viên sang bên ta. Uỷ ban trung ương gồm 9 thành viên do Hà Huy Tập làm tổng bí thư sẽ đóng trụ sở tại Sài gòn. Ban liên lạc hải ngoại của Phong được chuyển sang Thượng hải. Trong báo cáo gửi QTCS ngày 31/3, Tập còn tranh thủ đả NAQ mấy phát nữa. Tập viết: toàn đảng đang tiến hành cuộc chiến chóng lại những tư tưởng "cách mạng dân tộc rơi rớt từ thời Thanh niên Hội dưới sự lãnh đạo của NAQ. Những tư tưởng đó là trở ngại chính cho chủ nghĩa cộng sản". Tập còn đề xuất NAQ phải viết bản tự kiểm điểm. Vài tuần sau, Tập lại tấn công tiếp, dẫn lời một số đại biểu đại hội đã quy một phần trách nhiệm cho Quốc trong việc hàng trăm đảng viên ICP bị bắt. Tập buộc tội Quốc đã tiếp tục dùng Lâm Đức Thụ mặc dù biết rõ tay này là mật thám Pháp, Q còn bắt các học viên trường thanh niên Quảng châu nộp ảnh và khai tên tuổi họ hàng. Những thông tin này sau bị rơi vào tay Pháp. Cuối cùng Tập kết luận "NAQ không thể chối bỏ trách nhiệm trong những vụ việc này"

Q chắc chắn là được đọc hết những bài viết này của Tập. Không rõ ông nghĩ gì về các phê phán của Tập đối với mình. Chỉ thấy Q phàn nàn trong thư gửi Dalburo thâng 1/1935 là trình độ lý luận của một số sinh viên Việt nam trong trường Stalin quá thấp: nhiều người không hiểu thế nào là cách mạng dân chủ tư sản, cũng chẳng hiểu cách mạng ruộng đất có liên quan gì đến sự nghiệp chống đế quốc. Q cho rằng mặc dù các vấn đề này có từ những năm 1930-31 nhưng gần đây đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng do các đồng chí lãnh đạo còn quá trẻ. Không hiểu là ông định ám chỉ Tập hay kẻ đã chết là Trần Phú. Đại hội lần thứ 7 của QTCS được khai mạc ngày 25/7/1935 tại Nhà Công đoàn đầy ngóc ngách. Trong khi khẩu hiệu trên hội trường thông báo về chiến thắng đang đến gần của giai cấp vô sản, bên ngoài đại hội là không khi rất căng thẳng của vụ xử tử hai lãnh tụ cũ là Kamenev và Zinoviev. Các đại biểu bị tập trung cả vào khách sạn Lux và bị cấm ra vào điện Kremlin. Đoàn Việt nam có ba đại biểu: Lê Hồng Phong (còn có các tên khác là Litvinov, Hải An, Chajan, Chayan); Nguyễn Thị Minh Khai (Vân hay Phan Lan) và Hoàng Văn Nón. Hai đại biểu nữa cũng đã xuất phát từ Việt nam nhưng không bao giờ đến nơi. Cả ba đều đã đăng đàn phát biểu. Minh Khai nói về sự bóc lột phụ nữ và tầm quan trọng của phụ nữ trong cách mạng; Nón phát biểu về các phương pháp huy động quần chúng. Bài phát biểu chính của Phong nói về những sai lầm đã qua và nhiệm vụ hiện tại của Đảng. Các bài phát biểu đều đã không "gãi" đúng vào mục đích của đại hội 7, nhằm xác định chiến lược mới cho các đảng cộng sản. Chiến lược này gần với các ý tưởng của Q thời Thanh niên hội hơn là chiến lược cực tả của đại hội Sáu. Nguyên nhân chính dẫn đến thay đổi là sự lớn mạnh nhanh chóng và nguy hiểm của Hitler và chủ nghĩa phát xít. Stalin đã tin rằng sự lên ngôi của Hitler tại Đức năm 1933 đã phản ánh giai đoạn sụp đổ của chủ nghĩa tư bản dẫn đến chính quyền của đảng CS. Tuy nhiên sau đó ông đã thay đổi quan điểm và coi chủ nghĩa phát xít như hiểm hoạ trực tiếp và quan trọng nhất của Liên xô. Thư ký mới của QTCS, ông Dimitrov, đã lờ đi nhiệm vụ cách mạng vô sản và chính quyền xô viết do đại hội Sáu đề ra. Ông nhấn mạnh sự nguy hiểm của chủ nghĩa phát xít và kêu gọi các đảng CS huy động hoặc tham gia vào các phong trào tiến bộ, nhằm thành lập mặt trận rộng rãi chống chủ nghĩa phát xít Đức và quân phiệt Nhật. Cuối đại hội, ICP được kết nạp vào QTCS và Phong được bầu lên chủ tịch đoàn. Q tham gia đại hội với tư cách quan sát viên từ Dalburo với mật danh là Linov. Mặc dù không phát biểu chính thức nhưng chắc chắn là Q rất tích cực sau hậu trường, la cà trò chuyện. Q cũng tham gia vào bữa tiệc chào mừng việc kết nạp ICP do Maurice Thorez, một lãnh đạo đảng CS Pháp tổ chức. Tuy chiến lược mới làm Q hài lòng vì nó phù hợp với tư tưởng mặt trận rộng rãi mà ông đã đặt ra cho Thanh niên Hội và vẫn giữ vai trò là người phát ngôn chủ yếu cho Đông Nam á tại Ban chấp hành QTCS, chắc hẳn là Q không dễ chịu khi phải ngồi ngoài lề đại hội và nhìn LHP xuất hiện trong hào quang như một nhà lãnh đạo của ICP mới. Tệ hơn nữa, mối tình với Minh Khai cũng đi đên hồi kết. Chẳng mấy chốc sau khi đại hội kết thúc Minh Khai và Phong làm lễ kết hôn tại Matxcova. Trong khi đó, tất cả các tài liệu của lãnh đạo ICP gửi đi từ Makao cho QTCS trước đại hội đều nhấn mạnh là "vợ đ/c Quốc" (Le femme de Quoc) tức Minh Khai (MK) sẽ có mặt trong thành phần đoàn. Chỉ có khả năng là Phong đã cưa đổ MK trên đường đi dự đại hội. Sao lại đến nông nỗi vậy? Có nguồn cho rằng chẳng qua Q và MK đã bị xa nhau quá lâu. Cũng có nguồn cho rằng QTCS đã cấp cho Q "một người vợ tạm thời". Lại có tin đồn là Q đã có con gái với một cô bạn người Nga.

Quan hệ giữa Q và MK là một trong những vấn đề gây bối rối nhất trong cuộc đời ông. Mặc dù Q không bao giờ nhắc đến chuyện này, các nguồn tin chính thức của đảng đều phủ nhận, tuy nhiên các bằng chứng cho thấy họ đã có quan hệ khá khăng khít. Ít nhất là các đồng chí của họ đều coi họ là vợ chồng. Tuy nhiên nếu nói như một nhà sử học nào đó là Q đã bị "thất bại kép": mất cả vợ và chức lãnh đạo đảng vào tay LHP thì cũng chưa thực sự ổn lắm. Thực tế cuộc đời Q đã cho thấy ông ưa chuộng những mối quan hệ ngẫu hứng để khỏi ảnh hưởng đến các mục đích chính trị của mình. Có thể ngay từ đầu Q đã coi mối quan hệ với MK là tạm thời.

Sau khi cưới xong, Phong ngay lập tức trở về TQ để báo cáo tình hình. Mãi đến hè năm 1936, MK và Hoàng Văn Nón mới rời Matxcova đi Pháp trong vai một cặp vợ chồng nhà buôn người Hoa giàu có đi nghỉ mát. Sau đó hai người qua Hồng kông, Thượng hải. Tại đây MK tái ngộ LHP và cùng trở về Sài gòn. MK được bầu làm uỷ viên trung ương xứ uỷ Nam kỳ. MK và Phong chắc không biết được rằng số mệnh đã giao cho họ trở thành cặp liệt sĩ quan trọng nhất của cách mạng Việt nam 14. Trước khi rời Moscow, MK và Nón có đến gặp Q. Tình hình lúc đó đã có một số thay đổi theo đường lối mới của đại hội 7. Tại Pháp, Mặt trận bình dân thắng cử và thành lập chính phủ mới được FCP ủng hộ. Chính phủ kêu gọi chống phát xít, hỗ trợ Liên xô, cải cách tại các thuộc địa. Q viết cho các đồng chí mình:

Thắng lợi của MTBD tại Pháp là cơ hội hiếm có mà chúng ta phải sử dụng. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là sự thống nhất của Đảng, đặc biệt giữa các cơ sở trong và ngoài nước. Khi về đến Sài gòn, hãy nói với đồng chí LHP 3 điều:

1. Uỷ ban hải ngoại phải ngay lập tức trở về Việt nam để đảm nhận vai trò lãnh đạo phong trào, chỉ để lại vài đồng chí giữ quan hệ với thế giới bên ngoài.

2. Đảng phải kiên quyết tách xa khỏi bọn Troskist đang phản bội lợi ích của cách mạng

3. Tập trung hết sức lực để xây dựng mặt trận rộng rãi chống phát xít và chiến tranh. Đoàn kết các lực lượng yêu nước cứu nước nhưng kiên quyết duy trì sự lãnh đạo của đảng và giai cấp lao động

Chiến lược xây dựng mặt trận rộng rãi nhưng kiên quyết giữ vững sự lãnh đạo đã từng được Q áp dụng trong việc xây dựng Thanh niên Hội. Q chắc bị áp lực khi chỉ đạo bài xích các phần tử Troskist. Lúc đó Stalin đang phải vất vả chiến đấu với các thế lực theo Troski trong phong trào cách mạng thế giới. Mặc dù Q không đồng tình với lý thuyết phi thực tế "cách mạng liên tục và khắp nơi" của Troski, hẳn là ông thừa hiểu rằng những người Troskist còn tốt hơn khối lần các kẻ thù thực sự của cách mạng. Nếu được tự do lựa chọn, Q sẽ tìm cách thuyết phục họ chấp nhận sự lãnh đạo của ICP.

Sau khi các đồng chí về hết, Q càng cảm thấy vô dụng. Từ năm 1935, Q đã nói với nhà báo xô viết Ilia Erenburg rằng ước muốn duy nhất của mình là được về nước hoạt động càng sớm càng tốt. Sau khi đại hội 7 kết thúc, Q đã chính thức xin phép về nước nhưng bị từ chối với lý do là tình hình Đông dương rất phức tạp. Mùa hè năm 1936, Q lại xin phép hồi hương qua đường Berlin và Paris. Giấy tờ đang được chuẩn bị thì chuyến đi bị huỷ do cuộc nội chiến Tây ban nha và sự khủng bố ở Pháp. Trong lúc chờ đợi, Q đăng ký vào học tại Học viện các vấn đề dân tộc và thuộc địa (trường Stalin cũ) và chuyển đến một căn hộ độc thân ở phố Bolsaia Bronaia. Trong lúc rảnh rỗi Q dịch các tác phẩm: Tuyên ngôn đảng cộng sản của Marx và Bệnh ấu trí tả khuynh của Lenin ra tiếng Việt. Ông còn viết bản khoá luận về "Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam á". Đối với một nhà hoạt động tích cực và ít quan tâm đến các lý thuyết giáo điều như Q, phải ngồi nhai giáo án khô khốc, dịch tác phẩm lý luận của những danh nhân hẳn phải là một cực hình. Tháng 6/1938 Q viết một lá thư tuyệt vọng cho Trung ương QTCS: "Làm gì với tôi thì làm, cho tôi ở đâu thì ở, nhưng đừng bắt tôi bất lực và ở ngoài đảng" . Với sự giúp đỡ của Vassilieva, cuối cùng Q được cho phép về Trung quốc qua Trung Á. Ngày 29/9/1938, Q ra khỏi trường. Hồ sơ của trường ngày 30/9 chính thức xác nhận sinh viên số 19 mang tên Lin được giải phóng.

Nếu không có thêm hồ sơ mật giai đoạn những năm 30 được Matxcova cho phép sử dụng, rất khó lý giải tại sao cuối cùng Matxcova lại giải phóng Q khỏi giai đoạn cải tạo nhiều năm vì bị nghi ngờ là đồng ý cung cấp thông tin cho Anh để đổi lấy tự do trong phiên toà ở HK. Cũng có vẻ như không phải là Stalin không ưa chuộng những quan điểm dị giáo của Q trước đây. Bởi nếu vậy, sau đại hội 7, Q đã bị phái đi ngay để thực thi những chiến lược mới. Tình hình TQ lúc đó đang thay đổi nhanh chóng: trước sức ép to lớn của Tưởng, Mao phải từ bỏ căn cứ phía nam sông Dương tử tiến hành cuộc Trường chinh đến Di An. Có thể dự đoán Matxcova cần người nắm vững thông tin về TQ. Đối với Q đây là cơ hội để ông chung sức cùng các đồng chí của mình bước vào giai đoạn mới của cách mạng Việt nam.

--------------------------------

1 Tài liệu tốt nhất về vụ bắt NAQ là cuốn "HCM in HK" của Ducanson.

2 Theo T. Lan, "Vừa đi đường vừa kể chuyện", Hồ Tùng Mậu đã kể chuyện Q bị bắt với L, ông này rõ ràng là có quan hệ với cộng sản.

3 Thư của Howard Smith, Bộ Ngoại giao gửi thư ký Bộ Thuộc địa, 28/7/1931.

4 HK Weekly Press, 28-8-1931: NAQ được bồi thường HKD 7500 vì những sai sót trong quá trình thẩm vấn. Cô gái trẻ có cái tên trong hồ sơ của Pháp là Lê ứng Thuần được thả khỏi nhà tù Victoria ngày 20-8. Sau đó, trong tháng 9 cô ta đến Nam Kinh ở nhà bố chồng là Hồ Học Lâm - một sĩ quan quốc dân đảng có cảm tình với ICP. Chính Phan Bội Châu cũng đã ở nhà Lâm ở Hàng Châu trước khi bị Pháp bắt. Trước khi ra tù, cô gái đã đến gặp Q trong nhà tù và hứa sẽ thực hiện những chỉ thị của ông.

5 Thư trao đổi với Phát Chân (Lâm Đức Thụ). Các nguồn tin Pháp cho rằng Q đã tìm cách nhờ các đồng chí trong CCP hoạt động ở HK giúp đỡ nhưng không có kết quả.

6 Theo "Những mẩu chuyện niên thiếu", bà Thanh đã buộc chính quyền Pháp từ bỏ ý định triệt hạ làng Kim liên sau XVNT. Bà cũng được phép đi thăm bố đang hấp hối và mang hài cốt của ông vềề 110). Có những báo cáo khác nhau về Tăng Tuyết Minh, vợ Q. Một đồng chí của Q tại Thượng hải, Lê Quang Đạt đã khai với mật thám Pháp là Q nói với ông này rằng vợ ông không đến thăm chồng vào mùa đông 1929-1930. Lâm Đức Thụ lại báo với Noel là bà này có đến thăm, thậm chí sau khi Q bị bắt, còn liên lạc với Luseby để biết tin chồng. (Báo cáo của Noel, No 660, 23/5/1932).

7 Xem hồi ký của Pritt tại Bảo tàng HCM. Về xu hướng chính trị của Cripps, xem thêm cuốn "HCM ở HK" của Duncanson. Cripps sau này trở thành đại sứ Anh tại USSR. Nguồn tin Q là điệp viên của Anh được trích dẫn từ cuốn "Từ chủ nghĩa thực dân đến chủ nghĩa CS" của Hoàng Văn Chi - NewYork, Praeger, 1964, tr. 50. Ông này chắc đã lấy tin từ nguồn của cảnh sát Pháp , dossier CAEO/2b.

8 Theo hồ sơ của cảnh sát HK, quyết định thả Q của chính quyền đã làm cảnh sát HK và Singapore rất bực mình.

9 Xem Nguyễn Khánh Toàn "ở Liên xô với Bác Hồ", tạp chí Souvernir, tr 143-145.

10 Hà Huy Tập viết dưới bút danh Hồng Thế Cộng ("Đỏ sẽ mang lại chủ nghĩa cộng sản"). Nhiều năm sau, tác giả đã phỏng vấn em của Tập là Hà Huy Giáp. Ông này thừa nhận anh mình đã sai khi tách rời vấn đề dân tộc.

11 Nguyễn An Ninh được đưa vào danh sách này là điều hơi lạ vì ông này đã bắt đầu cộng tác với ICP ở Saigon. Theo tài liệu của mật thám Pháp, tham dự hội nghị còn có Nguyen Van Dut, Tran Van Chan và Nguyen Van Than.

12 Note periodique, second quarter 1935, pp 21, 58. Đại hội ICP dự kiến sẽ được tổ chức tại căn hộ của Hà Huy Tập tại Macao. Đoàn đại biểu QTCS được phân 1 giường. Xem thêm Nguyễn Văn Khoan, Triều Hiên "Lê Hồng Phong" p 10.

13 Theo một số nguồn từ ICP, trước khi trốn Trâm đã hãm hiếp một nữ đảng viên khác. Cô này sau đó bị chết vì các vết thương quá nặng.

14 Có một số tranh luận về ngày rời Matxcova của MK. Sophie Quinn-Judge cho là vào khoảng tháng 2/1937 còn Tôn Quang Duyệt lại tin rằng đó là năm 1936. Thông tin về đám cưới MK+LHP, xem Kobelev, pp 116,118. Con gái của Vasileva sau này có kể lại rằng Q có vài lần đến thăm mẹ bà ta với một phụ nữ trẻ tự xưng là Phan Lan - xem Quinn-Judge: Hồ Chí Minh. Tin đồn về vợ "tạm" và con, xem Hoàng Văn Chi, Từ chủ nghĩa thực dân, p. 51 Bảo Đại Con rồng An nam (Paris: plon, 1980 p 134, hoặc China New Analysis, 12/12/1969).

No comments:

Post a Comment