Friday, August 14, 2020

Hồ Chí Minh – Một cuộc đời: Phần 12

 Hổ và Voi

Ba ngày sau s ự biến ở Hà nội, ngày 22/12, chính phủ Việt nam ra thông báo, cuộc chiến sẽ được tiến hành qua 3 giai đoạn: phòng ngự, cầm cự và tổng phản công và Pháp sẽ phải chịu những hậu quả cay đắng. Các cơ sở của chính quyền được rút lên Việt bắc. Những đơn vị chiến đấu vẫn tiếp tục bám trụ tại khu phố cổ và kháng cự quyết liệt. Valluy đã đề xuất ném bom huỷ diệt nhưng Morlieres đã phản đối và vẫn quyết định dùng bộ binh. Phải đến tận giữa tháng 1/1947, quân Pháp mới đến được chợ Đồng xuân. Các đơn vị Việt minh rút lên phía bắc qua chân cầu Long biên, để lại những dòng chữ viết bằng than trên tường: "Chúng tôi sẽ quay lại". Trong hồi ký của mình, lãnh sự Mỹ O'Sullivan đã ghi nhận "Sự dũng cảm và ngoan cường chưa từng thấy của quân Việt nam", chẳng khác gì quân Nhật trong cuộc chiến Thái bình dương. Khoảng 100 lính Pháp và 40 thường dân châu Âu chết, hai trăm người khác mất tích. Tại các khu vực khác, tình hình cũng tương tự, Việt minh tìm cách kìm chân quân Pháp trong thành phố để rút lực lượng về nông thôn. Khi Pháp bắt đầu tiến ra ngoại ô sẽ gặp phải cảnh "vườn không, nhà trống". Tuy nhiên, có vẻ như H chưa muốn từ bỏ những nỗ lực tìm kiếm hoà bình. Ngay trong ngày đánh nhau đầu tiên, Việt minh đã rải truyền đơn thông báo với "nhân dân Pháp" về nguyện vọng của chính phủ được sống hoà bình trong khối liên hiệp Pháp. Cuộc chiến đã xảy ra vì "những tên thực dân phản động đã đánh mất danh dự nước Pháp, chia rẽ hai dân tộc". Chỉ cần Pháp công nhận Việt nam độc lập và thống nhất, sự hợp tác sẽ được khôi phục ngay lập tức. Ngày hôm sau, đài Việt minh kêu gọi nối lại đàm phán. Ngày 23/12, H viết thư cho Moutet và Leclerc đề nghị hai bên gặp nhau, khi hai vị này vừa lên đường sang Đông dương để thị sát tình hình. Mấy ngày sau, H chính thức đề nghị ngừng bắn và tổ chức hội nghị hoà bình mới tại Paris trên tinh thần hiệp định Ho-Sainteny tháng 3/1946. Pháp thì chưa vội kết thúc đánh nhau. Ngày 23, thủ tướng Blum phát biểu trước quốc hội: "Chúng ta đang phải đối mặt với việc dẹp loạn. Tôi tuyên bố, binh lính Pháp đang chiến đấu, kiều dân Pháp đang sinh sống và các bạn bè Pháp ở Đông dương có thể yên tâm vào sự kiên quyết của chính phủ". Kết luận, Blum để ngỏ khả năng đàm phán: "chúng tôi sẽ khôi phục lại cuộc đàm phán bị phá vỡ để có được một nước Việt nam tự do trong liên bang Đông dương tự do trong Liên hiệp Pháp. Nhưng đầu tiên, trật tự phải được khôi phục". Ngay cả một người được coi là "sứ giả hoà binh" như Moutet cũng phát biểu với báo chí hôm Noel khi ông ta đến Sài gòn: "cần phải có chiến thắng quân sự trước khi có bất cứ cuộc đàm phán nào. Tôi rất tiếc nhưng những gì mà Việt minh đã làm phải bị trừng trị". Moutet cũng không tìm cách liên lạc với người bạn cũ là H mà suốt ngày chỉ trò chuyện với các quan chức Pháp ở Lào và Cambodia. Về phần mình, ngày 3/1, H đã viết thư cho Moutet, nhưng bức thư đã không đến được nơi. Tướng Leclerc có quan điểm mềm dẻo hơn. Một mặt ông cho rằng một đòn giáng trả đối với cuộc tấn công của Việt minh là cần thiết, nhưng giải pháp cuối cùng phải là giải pháp chính trị. Pháp không thể khuất phục dân tộc 24 triệu dân với tinh thần dân tộc ngất trời bằng vũ lực. Leclerc lo ngại về việc Moutet không chịu gặp H. Trước khi rời VN ngày 9/1, L nhận xét: "Có quá nhiều người tưởng là có thể xây chiếc cầu nối giữa Việt nam và Pháp bằng súng đạn". Tuy nhiên L cho rằng cần phải thay chủ nghĩa dân tộc quá khích của Việt minh bằng một hình thức ôn hoà hơn. Muốn vậy, vị thế của quân Pháp trên chiến trường càng mạnh càng tốt.

Quan điểm của L tương đối trùng với Blum. Vì thế khi trở lại Pháp, Blum đã đề nghị L làm tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông dương thay D'A quá cứng và bị cho là góp phần gây nên tình trạng hỗn loạn hiện nay. Trong lúc L còn đang suy nghĩ thì Blum bị Ramadier thay thế. Thủ tướng mới lên lưỡng lự chưa dám quyết việc tăng quân cho Đông dương, lại thêm De Gaul rỉ tai, nên L đã quyết định từ chối. Ramadier bổ nhiệm Emile Bollaert, được một nhà ngoại giao Mỹ miêu tả là "năng động và có năng lực nhưng chưa được nhiều người biết đến".

Bollaert đến Đông dương vào đầu tháng 3 và ngay lập tức rơi vào tình huống khó xử. Được sự ủng hộ của D'A, các quan chức thực dân địa phương đáng ráo riết tìm cách qua mặt Việt minh và thoả thuận với Bảo đại, lúc đó đang ở Hồng kong đánh bạc và chơi gái. Mặc dù chưa có kết quả cụ thể nhưng phương án này cũng có một số người hâm mộ tại cả Đông dương và Pháp. Trong khi đó Việt minh vẫn được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng, và H được thừa nhận như nhà lãnh đạo của dân tộc. Trước khi rời Paris, Leclerc cũng đã tư vấn B "đàm phán bằng mọi giá". Đám tay chân của B gồm chánh văn phòng Pierre Messmer và cố vấn Paul Mus, cũng tán đồng việc đàm phán với Việt minh. Tuy nhiên với hơn 1000 quân Pháp đã chết hoặc mất tích, tâm lý của dân Pháp Đông dương là chống Việt minh. Bảo đại coi như là phương án khả dĩ nhất. Nhưng Bảo đại khó đối trọng được với HCM trong lòng dân. Mặc dù có một số quan chức cũ ủng hộ, đại đa số nhân dân không ưa gì lối sống của ông Cựu hoàng này. Càng nghi ngờ về khả năng của ông có thể thống nhất được những lực lượng đối lập manh mún.

HCM vẫn kiên trì duy trì quan hệ mong manh với Pháp. Ngày 23/4, bộ trưởng ngoại giao Giám chuyển cho Bollaert thư của H đề nghị ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán để vãn hồi hoà bình. Đang nghi hoặc, lại được một số quân sư thông báo rằng quân Pháp đang kiểm soát tình hình trên chiến trường, Bollaert đưa ra một loạt các điều kiện mà thực chất là đòi Việt minh đầu hàng trước khi đàm phán. Paul Mus được giao nhiệm vụ này nhờ mối quan hệ cũ với H. Ngày 12/5, Mus đã gặp Giám ở ngoại ô Hà nội sau đó là gặp H gần Thái nguyên. H lắng nghe rất lịch sự rồi trả lời: "Trong khối Liên hiệp Pháp, không có chỗ cho kẻ hèn nhát. Nếu tôi chấp nhận những điều kiện này, tôi sẽ là một người như vậy". H hiểu rằng Pháp không thể nuốt trôi việc phải từ bỏ các thuộc địa của mình. Cuối tháng, H ra lời kêu gọi kháng chiến mới, tuyên bố Pháp đưa ra những điều kiện không thể chấp nhận được cho hoà bình.

Hy vọng đàm phán của H bây giờ chỉ có thể dựa vào sự can thiệp của Mỹ (mà H và các đồng chí của mình không hề có thông tin). Trên thực tế, ngay sau khi sự kiện Hà nội, thứ trưởng Dean Archeson đã gọi đại sứ Pháp Henry Bonnet lên bày tỏ sự không hài lòng và đưa ra đề nghị Mỹ có thể trung gian hoà giải. Pháp thẳng thừng từ chối, nói dẹp loạn xong mới có thể đàm phán. Vài tuần sau, George Marshall được điều từ Trung quốc về thay James Byrnes ở chức ngoại trưởng. Marshall đã ra sức tìm cách hoà giải Quốc - Cộng nhưng thất bại, cuối năm 1946, nội chiến vẫn đã nổ ra. Marshall đã gửi một bức điện bày tỏ quan điểm chính thức đầu tiên của Washington cho đại sứ Caffery tại Paris. Mỹ công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông dương và không muốn can thiệp, nhưng "chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ, các bằng chứng cho thấy Pháp (chủ yếu ở Sài gòn) ít hiểu biết về đối phương, vẫn còn cố bám lấy mô hình và cách suy nghĩ thực dân lạc hậu". Ngay sau đó, M lại cho thấy sự lưỡng lự: "Chúng ta không quên rằng H có những mối quan hệ trực tiếp với cộng sản và không muốn mô hình thực dân lại được thay thế bằng một tổ chức mới do Kremlin kiểm soát". Cuối cùng M cũng chẳng đưa được ra giải pháp nào, ngoài việc khuyên Pháp nên để ngỏ quan hệ và "hào phóng" hơn trong việc tìm giải pháp. Đó cũng là thái độ điển hình của Mỹ cho đến khi Truman rời nhiệm sở.

Cuối tháng 2, Marshall chỉ thị cho Sullivan tìm gặp các lãnh đạo Việt minh nếu có điều kiện. Chẳng phải đợi lâu, tháng 4, lãnh đạo Thanh niên tiền phong là Phạm Ngọc Thạch, mới được thăng chức thứ trưởng ngoại giao, đã liên lạc với cộng đồng doanh nhân Mỹ tại Thái. Thạch còn bí mật gặp gỡ đại tá William Law, tham tán quân sự tại đại sứ quán Mỹ. Thạch cũng trả lời bằng văn bản một số câu hỏi của Law và đại sứ F. Stanton. Về mặt chính trị, Thạch nói, mục đích của chính phủ là dân tộc chứ không phải cách mạng thế giới. Về kinh tế, chính phủ sẽ "tôn trọng việc phát triển quyền tự trị của tư bản cũng như kêu gọi đầu tư nước ngoài để tái thiết đất nước". Thạch cũng dự đoán, nếu không thoả thuận được VN sẽ sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh du kích có thể kéo dài đến 6 năm. Cùng thời điểm, H trả lời phỏng vấn một nhà báo Mỹ phủ nhận chính phủ của ông ta theo những nguyên lý của Marx. H còn hỏi, tại sao không thể áp dụng mô hình Philippin và ấn độ cho Việt nam 1

Các động thái này của Việt nam, cùng với việc Giám được bổ nhiệm làm ngoại trưởng đã làm các quan chức bộ ngoại giao Mỹ chú ý. Sullivan đề nghị được trực tiếp gặp Thạch ở Băng kok vì cho rằng H là người "rất giả dối". Marshall đồng ý, giao luôn nhiệm vụ tìm hiểu ảnh hưởng của Moscow đến Việt nam sâu đến mức nào. Nhưng cuộc gặp đã không bao giờ diễn ra. Stanton thông báo Thạch bất ngờ rời BK, 2 ngày sau Marshall cũng đề nghị huỷ vì Thạch đã đi mất và sợ phản ứng của Pháp. Ngày 8/5, Giám chính thức kêu gọi Mỹ công nhận chính phủ Việt nam để "nâng cao uy tín của mình và ổn định tình hình trong khu vực". Thạch gửi một thông điệp nữa đề nghị giúp đỡ về chính trị, kinh tế, văn hoá và trung gian hoà bình. Marshall đặt câu hỏi cho bộ máy ngoại giao của mình ở Hà nội, Sài gòn và Paris: quan điểm thực sự của H là gì? Những nhân vật hiếu chiến đáng ngờ như Chinh, Việt liệu sẽ có vai trò gì trong một chính thể Việt nam độc lập? Các phần tử không cộng sản có biết về thiên hướng cộng sản của Việt minh không? Họ có làm việc được cùng nhau không? Và cuối cùng là DRV liệu có chấp nhận "quyền tự do bày tỏ chính kiến một cách hợp lý"? Sullivan đánh giá một cách thận trọng "tuy có ảnh hưởng cộng sản nhưng khó đủ để lái Việt nam vào phía Liên xô, mặc dù hiển nhiên là có xu hướng như vậy". Sullivan nhấn mạnh việc H ngần ngừ không công nhận mình là NAQ vì H muốn thương thảo với phương Tây. Sullivan kết luận: H mong muốn nhận được hỗ trợ và sẽ lái các chính sách của mình theo nguồn hỗ trợ đó. Các nhận xét khác thì bi quan hơn. Charles Reed miêu tả H là một tay "cơ hội" và "sẵn sàng xây dựng một quốc gia cộng sản, kể cả khi nhân dân không mấy người quan tâm đến cộng sản là gì". Đại sứ Mỹ tại Paris Caffery cũng cho rằng, tuy nhân dân Việt nam không ưa lắm chủ nghĩa cộng sản, "ít nghi ngờ là H có những quan hệ mật thiết với cộng sản".

Bollaert đã khá chân thành khi đề nghị các điều kiện hoà bình với Việt minh, bởi vậy khi bị từ chối, ông này vẫn tiếp tục tìm kiếm các phương án khác. Lúc đó, bộ trưởng chiến tranh Paul Coste-Floret vừa tuyên bố sau chuyến thị sát Đông dương: "vấn đề quân sự ở VN đã chấm dứt, chúng ta đã kiểm soát hoàn toàn tình hình". Được cổ vũ bởi tình hình chiến trường, B bắt đầu xem Việt minh chỉ là một trong nhiều những nhóm Việt nam đòi độc lập mà ông ta cần đàm phán. Nhận xét của Coste-Floret không phải không có lý. Việt minh không giữ được lâu thế trận họ có hồi đầu chiến tranh do ham đánh chính quy dẫn đến tổn thất lớn, thiếu vũ khí, thiếu phương pháp lãnh đạo chiến tranh du kích, đánh giá sai sự ủng hộ của nông dân. Các chính sách tàn bạo của Nguyễn Bình ở Nam bộ đã đẩy cả Cao đài và Hoà hảo sang phía Pháp.

Thừa thắng Valluy đề nghị tấn công vào sào huyệt của Việt minh, bắt sống HCM và chỉ khi đó mới bắt đầu đàm phán. Valluy đề nghị tăng quân lên đến trên 100,000 quân. Tại Paris lúc đó cũng không có phong trào phản chiến nào đáng kể. Có điều mọi người đều cho rằng cuộc chiến Đông dương chẳng qua cũng là cuộc cãi vã vớ vẩn ở góc nào đó của thế giới. Chính phủ Pháp đang nhức đầu với Madagascar và chỉ đồng ý tăng viện tí chút cho Valluy. Ông này phải chấp nhận lập kế hoạch tấn công với ít quân hơn rất nhiều so với yêu cầu.

Tháng 8, Việt minh gửi một thông điệp hoà bình rõ ràng bằng cách thay 2 vị trí bộ trưởng quan trọng: nội vụ và quốc phòng của Tôn Đức Thắng và Võ Nguyên Giáp bằng những phần tử ôn hoà hơn. Valluy và Bollaert được triệu về Paris để tư vấn. Tháng 9, Bollaert đưa ra đề nghị Việt nam thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp nhưng không nhắc gì đến độc lập hoàn toàn. Ngày 15/9, Giám trả lời: không thể có tự do nếu không nền độc lập hoàn toàn. Ba ngày sau, Bảo đại tuyên bố chấp nhận đàm phán với Pháp nhưng cũng đặt điều kiện là phải có độc lập và thống nhất. Mặt trận dân tộc thống nhất mới được thành lập ở HK, cũng vội vã tuyên bố không chấp nhận đề nghị của Bollaert. Dân Sài gòn đồn ầm lên là H đi đêm với Bảo đại.

7/10/1947, quân Pháp mở cuộc tấn công lên Việt bắc. Do thiếu quân nên thay vì đánh cả từ hai phía bắc và nam, Pháp sẽ tấn công vào trung tâm và giành quyền kiểm soát toàn bộ thung lũng sông Hồng từ Hà nội đến Lao cai. Chiến dịch mang tên Léa do Salan chỉ huy, dự kiến sẽ tiến hành trong 3 tuần. Đầu tiên quân Pháp nhảy dù xuống Bắc cạn chiếm chỉ huy sở. Hai cánh quân một từ phía bắc, một sử dụng chiến xa từ phía tây Lạng sơn sẽ kẹp Việt minh ở giữa và hội quân ở Bắc cạn. Quân Pháp tiến nhanh nhưng H và các đồng chí đã kịp chạy vào rừng đến một căn cứ khác. Trên bàn làm việc của H còn điếu thuốc đang cháy dở và một số văn bản trình ký cho H. Quân Pháp tiếp tục càn quét khu vực nhưng rất ít khi gặp Việt minh. Salan tuyên bố đã hoàn thành nhiệm vụ, làm chủ đường lên Cao bằng, tuyến phòng thủ cuối cùng của Việt minh đã bị phá huỷ. Việt minh bây giờ chỉ còn là: "những nhóm thổ phỉ bị cô lập, chỉ có thể tiến hành những hoạt động khủng bố". Có lẽ đây là một trong những nhận định sai lầm nhất trong toàn bộ cuộc chiến. Vì thực ra cuộc chiến mới chỉ bắt đầu. Không nghi ngờ gì là Việt minh đã phải rút lui nhưng các lãnh đạo Việt minh đã thay đổi chiến lược chiến tranh. Họ giải tán những đơn vị chính quy của mình thành những nhóm tuyên truyền vũ trang theo mô hình trước cách mạng tháng 8, từ bỏ những trận đánh "thông thường" tập trung vào chiến tranh du kích, thành lập những uỷ ban hành chính kháng chiến tại mỗi làng biến làng xã thành đơn vị phòng thủ và chỉ cung cấp quân cho trung ương khi cần thiết.

Từ khi quay lại Việt bắc tháng 12/46, H lại trở lại với nếp sống cũ tưởng đã kết thúc khi lên làm chủ tịch tháng 9/45. H có 8 người giúp việc, bao gồm cả vệ sĩ, giao liên và cấp dưỡng, ở trong một căn nhà sàn được chia làm 2. một bên là phòng của H, bên kia vừa là bàn họp, phòng ăn và ký túc xá. Cả hội nuôi một con chó săn, nhưng sau đó bị hổ vồ mất. H ăn uống đơn giản, cơm rau chấm nước mắm, thỉnh thoảng được bổ sung thêm thịt băm xào với ớt, muối, sả, gọi đùa là "thịt Việt minh". Nhiều khi thiếu lương thực, cả nhóm phải tự đào khoai, trồng sắn, trồng rau trên triền núi. Giường ngủ của H chỉ là cái màn và mấy bộ quần áo để sẵn. Khi có lệnh phải di chuyển, chỉ trong mấy phút là tất cả đã sẵn sàng. H mang mấy quyển sách và tài liệu trong một cái cặp, một đệ tử được phân chuyên trách chiếc máy chữ. H luôn dành thời gian để rèn luyện sức khoẻ, đặc biệt thích chơi bóng chuyền. Khi đội bạn lợi dụng cứ nhằm chỗ H mà bỏ nhỏ thì ông thường rất khoái trá: "các chú đánh được bác rồi". Khi vượt suối, luôn có người bên cạnh H. Tuy nhiên, theo một kẻ đào ngũ kể lại thì sức chịu đựng và dẻo dai của H hơn đa số các đồng đội trẻ của ông. H thường đùa: "bác là máy bay bà già cổ lỗ, còn các chú là phản lực". Cuộc sống dần dần ổn định hơn, quanh nhà có vườn hoa, vườn rau, sân bóng chuyền, xà kép, xà đơn. H còn mua các dụng cụ âm nhạc của đồng bào điạ phương và thỉnh thoảng tổ chức những đêm liên hoan văn nghệ cho dân địa phương, giảng giải cho họ về cuộc sống dưới xuôi, phát thuốc chữa bệnh. Cuộc sống bình yên kết thúc mùa thu 1947, khi chiến dịch Léa bắt H phải sơ tán.

Sau chiến dịch Léa, cuộc xung đột rơi vào giai đoạn mà một nhà bình luận quân sự Pháp miêu tả là "sa lầy". Do ít quân, Valluy đành tập trung ở khu vực châu thổ để Việt minh có cơ hội lập khu giải phóng ở miền Trung kéo dài 200 dặm từ Faifo (Hội an) tới Mũi Varella (Phan thiết???). Tại Nam bộ, quân của Nguyễn Bình bị đẩy tít vào rừng sâu. Quân Pháp tiếp tục hành quân bình định những khu vực mới chiếm đóng để cô lập đối phương. Việt minh còn phải đương đầu ở phía Nam với một số nhóm du kích muốn trở thành "lực lượng thứ ba" giữa Việt minh và Pháp.

Trong bối cảnh, chiến dịch Léa không "đánh giập đầu" được Việt minh, các phần tử dân tộc quan tâm đến mặt trận chính trị và vai trò của Bảo đại. Tháng 12, Bảo đại gặp Bollaert tại Hạ long, không được kết quả lắm vì Bollaert không chịu làm rõ những quyền gì sẽ được chuyển giao cho nước Việt nam tương lai. Bảo đại ngần ngừ đã định ký vào tuyên bố chung, nhưng lại thôi vì thấy Mặt trận dân tộc thống nhất phản đối mạnh quá. Tháng 3/1948, Bảo gặp đại diện Mặt trận tại HK và đồng ý chỉ định Nguyễn Văn Xuân, người Nam bộ, công dân Pháp làm thủ tướng cho chính phủ lưu vong để có thêm con bài mặc cả với Pháp. Sau một hồi suy nghĩ, Bollaert đồng ý đàm phán với chính phủ tạm thời này. Tháng 6, hai bên gặp lại tại Hạ long và thống nhất thành lập Quốc gia liên hiệp Việt nam, trên nguyên tắc độc lập và thống nhất của Việt nam trong khối liên hiệp Pháp. Tuy nhiên cũng chẳng có gì quy định rõ ràng ý nghĩa của chữ "độc lập" cũng như quyền hạn của quốc gia này. Cũng không rõ việc thành lập Quốc gia này có thể ảnh hưởng gì đến cuộc chiến Việt minh - Pháp hiện tại.

Đối với Pháp, thoả thuận này là cái cớ tốt để tiếp tục xin viện trợ Mỹ. Mặc dù không hài lòng với cách giải quyết mâu thuẫn của Pháp, Mỹ cũng không có nhiều lựa chọn trước sự đe doạbành trướng của cộng sản Trung quốc và quan hệ càng ngày càng xấu đi với Matxcova. Marshall đã ra lệnh cho các viên chức Mỹ ở Đông dương làm tất cả những gì có thể để thổi "các nhóm dân tộc chủ nghĩa" làm suy yếu Việt minh. Mặc dù không ưa gì Bảo đại, Mỹ cũng coi thoả thuận này là một "bước tiến" và cảnh báo nếu Pháp "không thực thi độc lập và thống nhất cho Việt nam thì có thể mất cả Đông dương", ngược lại Mỹ sẽ xem xét lại chính sách để có thể viện trợ trực tiếp cho Pháp ở Đông dương. Tháng 1/1949, cuối cùng Pháp nhượng bộ để Bảo đại ghép Nam bộ và trong Quốc gia liên hiệp và ngày 9/3 tại Paris hai bên đã ký hiệp định. Pháp công nhận Việt nam độc lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp. Quốc gia mới sẽ có ngoại giao, tài chính và quân đội riêng. Một số quy định hạn chế là hiệp định phải được quốc hội Pháp thông qua, các điều kiện của thành viên Liên hiệp và tình hình chiến tranh ở Việt nam. Những trở ngại này hoá ra là quá lớn.

Tháng 1/1948, Việt minh tuyên bố kết thúc giai đoạn "phòng ngự" để chuyển sang "cầm cự ". Lãnh đạo Đảng cho rằng cần phải huy động nhân dân Lào, Cambodia vào cuộc chiến để phân tán quân Pháp. Một tài liệu của Đảng đã viết: "Nếu người Anh coi sông Ranh là tuyến phòng ngự thứ nhất của họ trong thế chiến 2 thì Việt nam cũng coi Mekong ở vị trí tương tự". Trường Chinh đã viết trong một bài báo năm 1947: "Nếu địch đánh phía trên, ta sẽ đánh chúng từ phía dưới. Nếu chúng đánh ở miền Bắc, ta sẽ trả lời ở miền Trung hoặc Lào, Cambodia. Nếu địch thò chân vào căn cứ , ta sẽ đánh vào thắt lưng và hậu phương chúng cắt đường tiếp viện". Các cán bộ đảng ở địa phương được chỉ thị liên lạc với Lao Issara và Khme Issarak và tìm cách lái các tổ chức này theo Việt nam. Tuy nhiên, chỉ thị nói tiếp, cần phải rất cẩn thận, không để cho bạn bất mãn vì sự thống trị của Việt nam.

Bóng mây đen duy nhất che phủ hy vọng của Việt minh là việc Mỹ sẽ nhảy vào cuộc chiến thông qua viện trợ trực tiếp cho Pháp ở Đông dương nếu Hiệp định Elysee được phê chuẩn. Vietminh cần phải có đồng minh mới có thể đứng vững được. Nga thì ở xa và có vẻ không quan tâm gì, có vẻ như Trung cộng là lựa chọn duy nhất. Quan hệ với CCP mới được khởi động lại từ mùa xuân 1947. H và Chu An Lai có điện qua điện lại cho nhau, trao đổi thông tin. Tại vùng biên giới, các đơn vị của hai bên cũng đã hợp tác với nhau lập ra Trung đoàn độc lập, chủ yếu là người Tày, Nùng, đánh Pháp ở vùng biên giới. Tại Trung quốc, Bát lộ quân đang thắng thế và tiến xuống phía Nam. Pháp lo lắng. Salan (thay Valluy chỉ huy quân viễn chinh ở Đông dương FEF) đề nghị mở các cuộc tấn công để củng cố biên giới trước khi cộng sản thắng thế ở Trung quốc.

Trong đề nghị xin quân để mở cuộc tiến công mới, Salan đã không tiếc lời chỉ trích chính phủ thờ ơ. Ngay lập tức tháng 4 năm đó, lấy cớ Salan còn trẻ và thiếu kinh nghiệm Paris đã cử tướng Blaizot sang thay. Leon Pignon cũng được cử sang thay Bollaert. Hai ông này không thống nhất được với nhau về kế hoạch quân sự tấn công lên Việt bắc. Để hoà giải, tháng 5/1949 Paris cử tướng Revers sang thị sát. Ông này có ý kiến khá bi quan về cả 2 lĩnh vực quân sự lẫn chính trị, không tin tưởng gì chính phủ tham nhũng của Bảo đại. Revers cũng đề nghị chức danh Cao uỷ Pháp phải quyết cả chính trị lẫn quân sự. Nhưng ông cũng nghi ngờ về thắng lợi quân sự, theo ông khả thi nhất là cải thiện tình hình để dễ đạt được thoả thuận. Revers gợi ý quân Pháp củng cố vùng Bắc bộ cho đến khi Mỹ đưa quân tham chiến trực tiếp. Do không đủ quân rải khắp biên giới, Revers đề xuất chỉ bảo vệ đoạn từ Lạng sơn đến Thất khê và rút quân khỏi các vùng biên giới khác. Mùa xuân 1949, PLA vượt sông Dương tử, tiến về phía Nam. Cộng sản chuẩn bị lập chính phủ ở Bắc kinh. Tưởng đang lập kế hoạch di tản sang đảo Đài loan. Các nguồn tình báo bắt đầu thông báo về sự có mặt của PLA tại biên giới. Có tin cho rằng, PLA đã chiếm Móng Cái vào cuối tháng 3, sau đó mới rút đi. Cũng có tin cho rằng Giáp đã ký thoả thuận về hợp quân tại vùng biên giới vào tháng 4. Một nguồn tin Mỹ nói đài phát thanh của Việt minh thông báo PLA đã đến biên giới và đang hỗ trợ "một cách quan trọng" cho Việt minh. Tại một cuộc họp gần Vinh vào thời điểm này, H đã tuyên bố chuẩn bị để mở cuộc tấn công trên biên giới thông đường với Trung quốc. Việc Trung cộng thắng thế hiển nhiên là tin tức tốt lành cho Việt minh. Nhưng H cũng thừa hiểu rằng, bất kỳ một sự "a dua" công khai nào với Trung quốc sẽ tạo cớ để Mỹ can thiệp trực tiếp vào Việt nam và làm lợi cho những lực lượng đối lập thù địch. Tháng 3/1949, H phủ nhận là đã có một thoả thuận với Trung quốc, nói rằng đó là "tin đồn của bọn thực dân". Khi trả lời một phóng viên Mỹ cũng trong tháng đó, H nói Việt nam sẽ tự giành được độc lập, còn luận điệu cộng sản đảng "khống chế Việt minh" là "trò tuyên truyền của Pháp". Tháng 8/1949, H tuyên bố, mặc dù có nhiều điểm tương đồng nhưng dân chủ mới của TQ là TQ, dân chủ mới ở VN sẽ là của VN. Việc Pháp công nhận Quốc gia Liên hiệp của Bảo đại cũng là thách thức mới. Washington bây giờ không còn phải đoán ý Pháp nữa và sẽ có thể quyết định dính líu trực tiếp tới chiến tranh Đông dương. Tháng 6/49, H thừa nhận với một phóng viên Indonesia là Việt minh có thể vẫn muốn đàm phán với Pháp trên cơ sở độc lập và thống nhất dân tộc. Tuy nhiên những thắng lợi cuối cùng của Bát lộ quân vào mùa hè năm đó đã thuyết phục các lãnh đạo Đảng là có thể thành công bằng con đường quân sự. Ngày 9/7, Phạm Ngọc Thạch tuyên bố Bảo đại là "bù nhìn của bọn xâm lược". Tình báo Pháp thu nhặt được một số thông tin về việc Giáp ra lệnh cho quân sĩ chuẩn bị chuyển sang Tổng phản công.

Giữa tháng 8, chính phủ Việt minh chính thức kêu gọi chính quyền mới ở TQ giúp đuổi quân Pháp. H cử hai đại diện đi Bắc kinh để chào mừng Mao và nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến thắng này đối với nhân dân châu á. Sau đó ít lâu, H quyết định đích thân sẽ đi Bắc kinh để thắt chặt mối quan hệ. Hai đại biểu Việt minh đến vào giữa tháng 10. Chính phủ mới ra mắt vào ngày 1/10 tại quảng trường Thiên An Môn và đang suy nghĩ về vai trò tương lai của mình trên trường quốc tế. Mặc dù Mao tuyên bố "sẽ nghiêng" về Liên xô nhưng Mỹ vẫn còn đại diện ngoại giao và vẫn hy vọng tránh được cuộc khủng hoảng ngoại giao. Quan điểm chính thống của TQ được Lưu Thiếu Kỳ phát biểu tại đại hội Công đoàn toàn quốc vào tháng 10. Lưu nói, TQ sẽ giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc tại châu á, đặc biệt là Đông dương và Malaysia. Ngày 25/11, báo chí TQ đăng "Việt nam và Trung quốc trên tuyến đầu chống chủ nghĩa đế quốc". Đến lúc đó, tất cả các nước cộng sản đều đã công nhận ngoại giao TQ. Tháng 12/1949, dưới ảnh Stalin, Mao, và H, Trường Chinh đã đọc báo cáo tại hội nghị công đoàn, tuyên bố Việt nam đi theo chế độ mới của TQ về chính trị và tư tưởng. H gửi thư đến hội nghị nhấn mạnh "công nhân sẽ là giai cấp lãnh đạo xã hội"

Giữa tháng 12, Mao lên đường đi Matxcova, mà chưa có kế hoạch gì cụ thể với đề nghị của Việt minh ngoài việc Lưu đã nói chuyện để gửi Luo Quibo, một cán bộ bộ tổng tham mưu sang VN 3 tháng để nắm tình hình. Ngày 24/12, khoảng 1 tuần sau khi Mao đi, Lưu triệu tập bộ chính trị để bàn về tình hình Đông dương và đưa ra chiến lược. Ngày hôm sau, Lưu điện cho lãnh đạo Việt nam là sẽ gửi đoàn đại biểu sang đánh giá tình hình và cũng mời chính thức phía Việt nam sang thăm Trung quốc. Trước khi Lưu nhận được điện trả lời, đoàn VN đã lên đường đi bộ xuyên rừng. Mặc dù Bắc kinh được thông báo trưởng đoàn là cục trưởng hậu cần Trần Đăng Ninh, thực chất H chính là người dẫn đầu đoàn. H vẫn mặc bộ kaki thường ngày, sử dụng bí danh là Định. Đoàn rời Tuyên quang ngày 30/12, đến Jingxi ngày 16/1/1950 và được PLA hộ tống đến Nam ninh. Tại đây, H được tin Trung quốc đã công nhận ngoại giao Việt nam dân chủ cộng hoà, 4 ngày sau khi DRV tuyên bố tại Băng kok là đại diện duy nhất của nhân dân Việt nam. Nghỉ ngơi một chút, cả đoàn lên tàu đến cảng Vũ hán trên sông Dương tử. Vài ngày sau, đoàn đến Bắc kinh và được xếp ở Trung Nam Hải, khu biệt thự ở phía tây cấm thành. H được gặp lại bạn cũ là Hoàng Văn Hoan, từ châu Âu đến dự Đại hội công đoàn nhưng bị muộn. Trưởng đoàn đón tiếp H là tướng Chu Đức, chiến hữu của Mao, để bàn về các nội dung quân sự chắc chắn sẽ được đề cập đến. M cũng gửi điện về hỏi thăm và chúc mừng DRV gia nhập hệ thống XHCN. Trong bữa tiệc chiêu đãi đoàn, Lưu đề nghị với đại sứ Nga Roshin là H cần được gặp trực tiếp Stalin để báo cáo tình hình. Không ngờ S đồng ý. Ngày 3/2, H cùng với Ninh và Chu Ân Lai lên tàu đi Matxcova. Hoan ở lại để chuẩn bị mở đại sứ quán 2.

Từ cuối thế chiến 2, Nga xô có vẻ như chẳng quan tâm gì lắm đến số phận của cách mạng Việt nam. Trong một phát biểu nổi tiếng tháng 9/1947, một thân cận của Stalin là Andrey Zhdanov đã tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống lại chủ nghĩa đế quốc, ngụ ý là Nga ủng hộ tất cả các lực lượng dân tộc tư sản đấu tranh đòi độc lập tại các thuộc địa. Nhưng sang đầu 1948, Nga lại thay đổi thái độ, tỏ ra cực đoan hơn. Trong tuyên bố của mình tại Hội nghị thanh niên Calcuta, Nga đã chỉ thị cho các đảng cộng sản từ bỏ liên hiệp với các đảng dân tộc, để tự giành chính quyền. Chính sách thiển cận này đã trở thành thảm hoạ tại Đông ấn thuộc Hà lan khi cuộc khởi nghĩa của cộng sản bị dìm trong máu. Các đảng dân tộc trong khu vực cũng thẳng tay loại cộng sản ra khỏi các mặt trận liên hiệp. Chính sách thù địch đối với các lực lượng tư sản dân tộc này chính là quan điểm của Stalin, qua những bài học rút ra từ cuộc hợp tác Quốc-Cộng tại Trung quốc. Từ lâu Stalin cũng đã nghi ngờ sự trung thành của H, nhất là thái độ cầu thân của H với Mỹ trong những tháng sau cuộc chiến Thái bình dương. Stalin càng nghi ngờ hơn khi ICP đùng đùng tuyên bố tự giải tán. Năm 1947, Nga công nhận ngoại giao Indonesia của Sukarno nhưng lờ đi Việt nam vì cho rằng VN khó có thể thắng được Pháp. Trong những năm đầu của cuộc chiến, VM cũng chẳng có quan hệ trực tiếp gì với Nga. Cho đến năm 1949, đoàn đại biểu cộng sản Pháp, được cho là do Nga chỉ đạo, đến thăm Đông dương để đánh giá tình hình. Tháng 8 năm đó, H gửi thư trực tiếp cho Stalin, cám ơn Nga đã giúp đỡ CCP và hỗ trợ cho Liên đoàn lao động quốc tế 3. Thái độ của Stalin được thể hiện rõ trong chuyến thăm của H. Trong hồi ký của mình, Nikita Khrushchev, miêu tả thái độ của Stalin với H là "khiêu khích và xúc phạm". Ngày 14/2, H tham dự lễ ký hiệp ước hữu nghị Nga - Trung và đề nghị Stalin ký hiệp ước tương tự với Việt nam. Stalin chối phắt, lấy cớ là chuyến đi của H là chuyến đi bí mật. Khi H đề nghị kiếm một chiếc trực thăng lượn vài vòng rồi hạ xuống đâu đó với nghi lễ đàng hoàng, Stalin đã trả lời: "người phương đông các ông thật giàu trí tưởng tượng!". HCM đã làm mọi cách để lấy lòng vị chủ nhà độc đoán. Tan một cuộc họp, H đã tiến tới xin chữ ký của Stalin trên cuốn tạp chí "Liên xô đang xây dựng", Stalin đã ký, nhưng sau đó lại ra lệnh cho đệ tử thu hồi lại vì lỡ ký nhầm. Khi đã thu lại được cuốn tạp chí, Stalin đã đem ra đùa với các đồng hữu: "H chắc vẫn đang đi tìm cuốn tạp chí, nhưng ông ta làm sao tìm được". Dù sao những cố gắng của H cũng có được kết quả, ngày 30/1/1950, Nga xô tuyên bố công nhận ngoại giao với DRV. Tuy nhiên Stalin chưa bao giờ hết nghi ngờ về tư tưởng chính thống của H. Nhiều nguồn tin Việt nam kể rằng trong một cuộc gặp gỡ giữa hai bên năm 1952, Stalin đã đưa ra 2 chiếc ghế và nói: "đồng chí H, một chiếc là dành cho người dân tộc chủ nghĩa, một cho người quốc tế chủ nghĩa, đồng chí sẽ ngồi ghế nào?", H đã trả lời: "Tôi muốn ngồi trên cả hai" 4.

Tại sao Stalin lại quyết định công nhận DRV mặc dù vẫn còn nghi ngờ H? Theo các nguồn Trung quốc, cuộc đàm phán với Mao là nguyên nhân chính. Sau hiệp định Yalta, Nga chiếm một vùng lớn đất đai của TQ mà Mao rất muốn đòi lại. Stalin sợ rằng TQ có thể vì tức giận mà đi theo Mỹ nên tìm cách xúi giục TQ theo đường lối cực đoan gây gổ với Mỹ, chặt đường quan hệ Trung Mỹ. Trong một cuộc gặp tay ba tại Matxcova, Stalin đã khuyến khích Mao cầm đầu cách mạng tại châu á. Stalin hứa với H: "sẽ quan tâm đến Việt nam như TQ. Các đồng chí có thể tin vào chúng tôi, đặc biệt bây giờ, sau chiến tranh, chúng tôi có vô khối nhu yếu phẩm, phương tiện và sẽ chuyển cho các đồng chí qua đường TQ. Tuy nhiên vì điều kiện địa lý tự nhiên, TQ mới là người đỡ đầu chính. TQ thiếu gì, chúng tôi sẽ cung cấp". Mao hùa theo: "Cái gì TQ có mà VN cần, chúng tôi sẽ cung cấp" 5.

Ngày 17/2 H cùng với Chu và Mao lên tàu về Bắc kinh. Cả hai đều đã giành được một phần lợi ích, nhưng không phải dễ dàng. Sau này Mao kể lại: "lấy được cái gì đó từ Stalin chẳng khác gì giằng miếng thịt ra khỏi miệng hổ" . Ngày 3/3 tàu về đến BK. Mao mở tiệc chiêu đãi H tại Trung Nam Hải với tất cả các quan chức cao cấp của TQ tham dự. Trong cuộc đàm phán chính thức sau đó, PRC đồng ý đảm nhận an ninh tại biên giới và cho phép VN mở lãnh sự tại Nam ninh và Côn minh. H chỉ định Hoàng Văn Hoan làm đại sứ đầu tiên tại TQ và quyết định chuyển trụ sở hải ngoại của Đảng đang ở Bangkok về TQ. Ngày 11/3, H lên đường về nước.

H có thể hài lòng về chuyến đi của mình. Ông đã giành được sự công nhận ngoại giao của hai cường quốc XHCN chính và lời hứa sẽ giúp đỡ về quân sự và kinh tế. Việt minh sẽ không phải chiến đấu đơn độc. TQ cũng có lợi. Mao rất tin rằng chiến tranh với Mỹ là không thể tránh khỏi và có thể xảy ra bất cứ lúc nào dọc biên giới TQ không chỉ ở Triều tiên. Có được VN làm lá chắn phía nam là cực kỳ quan trọng.

H đã không nhầm khi lo rằng việc chơi thân với Nga và TQ sẽ làm cho Mỹ điên lên. Liên tiếp hai sự kiện TQ và Nga công nhận ngoại giao DRV đã ảnh hưởng lớn đến chính sách của Mỹ. Trước đó năm 1949, quyết định của Pháp lựa chọn Bảo đại để đối trọng với Việt minh làm Mỹ không hài lòng. Các quan chức Mỹ cho rằng vị cựu hoàng này không có cá tính và không được nhân dân ủng hộ. Có tin đồn là Mỹ đã tiếp cận môi giới HCM liên minh với Bảo đại, thậm chí là hai bên đã gặp nhau. H lập tức lợi dụng luôn, trả lời phỏng vấn của phóng viên Mỹ Harold Isaacs: tôi đã bảo tôi không phải là cộng sản, DRV không phải là vệ tinh của Nga xô mà là chính phủ đoàn kết dân tộc rộng rãi. Chắc là những tin đồn này có ít phần sự thật. Mặc dù Dean Archeson không ưa gì Bảo đại, nhưng ông này còn nghi H hơn, nhất là thái độ "cộng sản dân tộc" kiểu Tito. Dean nói: "cộng sản hay dân tộc chủ nghĩa chỉ có ý nghĩa hàn lâm. Tại các nước thuộc địa, tất cả cộng sản đều là những người dân tộc. Khi lên nắm chính quyền, những quan điểm cực đoan Stalin của họ mới lộ ra". Cuộc cãi vã trong bộ ngoại giao Mỹ về việc có công nhận Bảo đại hay không kéo dài cho đến cuối năm 1949. Dean Archison, vốn là một người châu Âu, không muốn làm Pháp giận dữ. Raymond Fosdick, thành viên chủ chốt của nhóm cố vấn tổng thống về chính sách châu á thì cho rằng thí nghiệm Bảo đại không có nhiều cơ may thành công. Tuy H cũng không phải là lựa chọn hấp dẫn, nhưng nếu nhìn vào quan hệ lịch sử phức tạp giữa TQ và VN, có cơ may là Mỹ sẽ có lợi thế hơn bây giờ. Quan điểm của Fosdick tất nhiên là chìm ngỉm ở một thành phố mà chiến tranh lạnh đã gõ cửa. Sau khi PRC ra đời, Truman bị đả kịch liệt vì không làm gì để ngăn chặn làn sóng đỏ. Tháng cuối cùng năm 1949, Mỹ vẫn chưa quyết hy vọng là Pháp sẽ trao nhiều quyền tự quyết hơn cho Việt nam. Nhưng đầu năm 1950, tình hình biến chuyểni, TQ chính thức giúp đỡ Việt nam đã làm thay đổi cán cân lực lượng. Đầu tháng 2, Mỹ công nhận chính phủ Bảo đại. Anh và một số nước châu Âu theo đuôi ngay nhưng đa số các nước châu á lại đứng ngoài. Ngày 10/3 Truman quyết định viện trợ quân sự $15m cho Đông dương và $10m cho Thái lan. Nhà trắng cũng bắt đầu lên kế hoạch cử đoàn cố vấn sang Đông dương để xác định làm thế nào có thể quản lý chương trình một cách hữu hiệu.

Đoàn đại biểu TQ do Luo Guibo đến biên giới Việt nam ngày 26/2/1950 và được Giáp cùng với Hoàng Văn Thái nghênh đón và đưa về căn cứ địa Việt bắc. Trường Chinh, lãnh đạo đảng khi H đi vắng cũng đã tiếp đoàn 6. Ba tuần sau khi H lên đường, Chinh đã chủ trì Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 để bàn kế hoạch tổng phản công. Chinh phấn khích tuyên bố, với sự thành lập của nước Trung hoa mới "chúng ta đã không bị cô lập, đã mở được đưòng ra thế giới. Đằng sau chúng ta là một đồng minh hùng mạnh". Ngày 21/2, đảng kêu gọi tổng động viên: tất cả ra tiền tuyến, tất cả cho chiến tranh nhân dân, tất cả cho chiến thắng. Giáp cũng có bài phát biểu dài tại hội nghị. Giáp nhấn mạnh mặc dù tình hình thế giới đang diễn biến có lợi cho ta và ta nhất định sẽ thắng, nhưng quân Pháp vẫn chiếm ưu thế trên toàn cục. Cuộc tổng phản công sẽ không phải là một chiến dịch đơn lẻ mà là một chuỗi các trận tấn công trên nhiều điểm khác nhau của Đông dương, đẩy cán cân lực lượng dần dần nghiêng về Việt minh.

TQ bắt đầu viện trợ thiết bị quân sự cho Việt nam vài tháng sau đó. Đoàn cố vấn Trung quốc (CMAG) do tướng Vi Quốc Thanh chỉ huy cũng đã đến Việt bắc và bắt đầu huấn luyện chiến lược, chiến thuật cho VLA. Trước khi đi, đoàn đã được Lưu Thiếu Kỳ dặn dò: "nếu các đồng chí không giúp được đuổi kẻ thù ra khỏi Đông dương, thì TQ cũng sẽ gay go". Những đơn vị chính quy đầu tiên của Việt nam cũng được gửi sang Vân nam huấn luyện vào tháng 4/1950. Thiết bị quân sự, chủ yếu là chiến lợi phẩm của Nhật và Mỹ được chở theo đường biển từ cảng Yulin, phía nam đảo Hải nam. Hai bên thoả thuận là TQ sẽ không đưa quân tham chiến trực tiếp trừ khi Việt minh bị đe doạ tiêu diệt. Bắc kinh cũng yêu cầu giữ kín để tránh làm xấu quan hệ với Pháp. Nhưng lo lắng này bằng thừa vì Pháp đã được thông tin đầy đủ về chuyến đi của H và những hậu quả của nó. Đến tháng 9/1950 đã có khoảng 20,000 quân được huấn luyện và trang bị ở TQ. Đa số họ được biên chế vào sư đoàn 308. Hai trường chính trị được mở tại Nam ninh và Kaiyuan ở Vân nam, mỗi khoá 6 tháng. Luo và Vi thường xuyên gặp gỡ với lãnh đạo Việt minh. Việt minh cũng không che dấu tầm quan trọng của mối quan hệ với TQ. Tháng 8, khi trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Andrew Roth, H thừa nhận ảnh hưởng của TQ và phong trào giải phóng Việt nam đang chuyển mình theo mô hình của TQ. Phong trào học tập kinh nghiệm kháng Nhật, chống Tưởng của PLA được phát động rộng khắp ở Việt bắc. Tài liệu được dịch, in và phân phối cho tất cả sĩ quan, binh lính. Các lớp học được mở thường xuyên để thảo luận làm cách nào áp dụng những kinh nghiệm đó vào điều kiện Việt nam. Tất nhiên là Việt minh chỉ giả vờ là mới "bất ngờ" phát hiện ra sự hay ho của Trung cộng. Ngay từ lời kêu gọi kháng chiến năm 1946, H đã xác nhận là Việt nam sẽ áp dụng đường lối chiến tranh nhân dân của Mao. Đầu năm sau, Trường Chinh đã viết bài ngắn Kháng chiến nhất định thắng lợi , trích dẫn rất nhiều từ những bài viết của Mao về chiến tranh du kích. Bản thân bút danh của Chinh cũng thể hiện sự ngưỡng mộ cách mạng Trung quốc (tên của một chiến dịch nổi tiếng của Bát lộ quân). Tuy nhiên Chinh cũng đã chỉ ra một số điểm không thể áp dụng: Việt nam nhỏ hơn và không có khả năng xây dựng vùng giải phóng rộng lớn ở phía bắc TQ trong cuộc chiến kháng Nhật. Việt nam cũng sẽ phải đặc biệt chú trọng đến mặt trận ngoại giao mà các đồng chí TQ hoàn toàn không quan tâm.

Nhưng ảnh hưởng TQ không dừng lại ở lĩnh vực quân sự mà lan sang các vấn đề đối nội và tổ chức đảng. Từ hội nghị 8 tại Pacbo năm 1941, đảng chủ trương ưu tiên đấu tranh chống đế quốc theo kế hoạch mà H đã du nhập từ những năm 1920. Giai đoạn đầu là giải phóng dân tộc, đảng sẽ phải thu mình để đoàn kết dân tộc và tránh sự can thiệp của các thế lực chống cộng bên ngoài. Sau đó mới dần chuyển sang cách mạng XHCN. Bây giờ, các đồng chí Trung quốc nghĩ khác và tư vấn tổ chức lại đảng theo mô hình TQ, khi mà giai đoạn một sẽ chuyển ngay sang giai đoạn hai là cách mạng xã hội phản phong. Những ảnh hưởng của quá trình này thể hiện rõ nét trong Hội nghị toàn quốc lần thứ 3, khi đảng quyết định sẽ nhấn mạnh hơn vấn đề giai cấp trong mặt trận thống nhất, cũng như đưa đảng trở lại công khai. Hành động này sẽ gộp DRV vào cùng một phe với chính phủ mới của TQ cũng như những "nền dân chủ nhân dân" ở Đông Âu, tuy nhiên chắc chắn sẽ làm việc đạt được thoả thuận với Pháp trở nên phức tạp cũng như giúp Mỹ có cớ can thiệp trực tiếp.

Vai trò của H trong việc chuẩn y thay đổi đường lối này đến đâu là một câu hỏi lớn? Đặc biệt trong bối cảnh H vắng mặt tại Hội nghị 3. Từ những năm 20, quan điểm rõ ràng của H là cách mạng hai giai đoạn. Trong giới cộng sản quốc tế và ngay cả giữa các đồng nghiệp cũng luôn luôn có sự nghi ngờ về lòng trung thành của H với những quan điểm giáo điều của Bắc kinh và Matxcova. Suốt mùa đông 1949-1950, nhiều bài báo dựa trên thông tin của bọn đào ngũ đã đưa tin về việc Stalin ra lệnh thay thế H bằng Chinh vì H không chịu tuân lệnh Matxcova. Cũng có tin đồn là đoàn đảng CS Pháp do Léo Figueres đến Việt bắc tháng 3/1950 để khôi phục lại vai trò lãnh đạo của đảng như đội tiên phong của cách mạng Việt nam 7. Có thể cho rằng H không hào hứng lắm trong việc chấp nhận đường lối mới, nhưng H thừa hiểu rằng sự can thiệp của Mỹ là không thể tránh khỏi và chỉ có dựa vào Nga xô và Trung cộng, Việt minh mới có thể chiến thắng. Như mọi khi, H sẵn sàng điều chỉnh và biến hoàn cảnh mới thành có lợi cho mình. Với nghệ thuật "lay động" các ân nhân bằng cách như nuốt lấy từng lời khuyên cũng như kinh nghiệm của họ, H đã gửi thư ca ngợi chính phủ mới ở TQ và thừa nhận là đảng và chính phủ mình chẳng có cách nào khác là học theo mô hình các đồng chí TQ. Không phải ngẫu nhiên mà H bắt đầu thử nghiệm tập thể hoá nông nghiệp vào cuối năm 1950. Từ mùa xuân năm 49, các nhà chiến lược của đảng đã chỉ ra rằng phải kiểm soát được biên giới, mở đường tiếp tế từ TQ mới có thể nói đến chuyện tổng phản công. Về phần mình tướng Pháp là Blaizot quyết định bỏ phía bắc Lạng sơn và tập trung kiểm soát vùng từ Lạng sơn đến vịnh Bắc bộ. Tuy nhiên cho đến hè năm 50, kế hoạch này cũng chưa được triển khai đến nơi đến chốn. Kết quả là quân Pháp bị căng ra trên một tuyến những đồn cô lập dọc đường 4 từ Móng cái đến Cao bằng.

Vào tháng 4/49 VM quyết định sẽ tấn công cánh tây trước, nhưng đến tháng 7/50, ban thường vụ lại quyết định chuyển sang cánh phía đông, có đường thâm nhập đồng bằng sông Hồng dễ dàng hơn. H phát biểu, chỗ này "dễ giữ khi rút, dễ đánh khi tấn công". Giáp được bổ nhiệm chỉ huy chiến dịch. TQ cử tướng Trần Canh, chuyên gia gỡ rối của Bát lộ quân đến Việt bắc để giúp Việt minh lên kế hoạch. H dặn Giáp "chiến dịch này cực kỳ quan trọng. Chúng ta không được thua!" và hứa sẽ trực tiếp thị sát chiến trường cùng với Trần Canh. Giữa tháng 9, hơn 8000 quân Việt minh tấn công Đông khê. Tình báo Pháp kinh ngạc thấy VM lần đầu tiên được tổ chức thành trung đoàn, có sử dụng bazoka, súng phóng lựu và tiểu liên. Quân Pháp rối loạn và rút chạy để lại hàng trăm xác chết và hàng chục ngàn tấn vũ khí. Quân ứng viện từ Cao bằng lên cũng chịu số phận tương tự. Tướng Marcel Carpentier chỉ huy quân Pháp trên mặt trận đã ra lệnh rút khỏi tất cả các đồn dọc tuyến biên giới, trừ Móng cái. Tại Hà nội, cao uỷ Léon Pinon rất phẫn nộ và miêu tả Carpentier là "bị động và chỉ biết phòng thủ...rõ ràng là không có khả năng lãnh đạo tối cao" và thay thế ông này. Tuy nhiên mọi việc đã quá muộn. Đến cuối tháng 10, toàn bộ khu biên giới rộng lớn phía bắc châu thổ sông Hồng đã về tay Việt minh. Người Pháp hoảng loạn, thông báo hơn nửa dân Hà nội theo Việt minh và chuẩn bị sơ tán anh em bà con khỏi Hà nội. Các tướng Pháp không bao giờ có thể lừa dối mình về chiến thắng quân sự cuối cùng được nữa. Donal Heath, vừa mới đến Sài gòn với tư cách đại diện của Mỹ tại Quốc gia liên hiệp cũng cảnh báo rằng tình hình ở Bắc bộ là bi đát. Ông này cho rằng, chính phủ liên hiệp thì vừa lười biếng vừa không được dân ủng hộ, Bảo đại thì thiếu động cơ và cũng không có khả năng lãnh đạo. Heath cũng dự báo là TQ sẽ không can thiệp trực tiếp trừ khi Việt minh bị đe doạ tiêu diệt.

Vai trò của cố vấn TQ trong chiến dịch biên giới cũng gây tranh cãi sau này. Hoàng Văn Hoan cho rằng, chính Trần Canh đã tư vấn H đánh Đông khê và chỉ bao vây Cao bằng, cố vấn TQ cũng được H bố trí vào tất cả các đơn vị từ cấp tiểu đoàn trở lên. Giáp thì kiên quyết rằng chính ông đã tự lực đi đến quyết định đánh Đông khê, và sau đó cả Trần Canh lẫn H đều đã phê duyệt kế hoạch này. Dù sự thật thế nào đi nữa, sau chiến dịch, Trần Canh được rút về và điều sang mặt trận Triều tiên. Trước khi về, Canh đã viết một báo cáo phê phán khá gay gắt khả năng chiến đấu của Việt minh. Theo Canh, lính VM thì không có kỷ luật, không có kinh nghiệm chiến đấu và chưa sẵn sàng cho những trận đánh lớn, chỉ huy VM thì không nắm được khả năng của lính, hay giấu những tin tức xấu. Các nhà chiến lược của VM thì đang phấn khởi với kết quả tốt hơn mong đợi của chiến dịch biên giới và bàn đến việc tổng phản công vào trung tâm của châu thổ sông Hồng. Mặc dù H vẫn thận trọng phê phán mấy viên tướng nóng đầu là tổng phản công, cũng như phụ nữ có mang, phải đủ ngày đủ tháng mới có thể tiến hành, không khí lạc quan bao trùm. Giáp dự kiến trong năm sau sẽ tấn công tại 3 điểm đồng bằng: phía bắc tại Vĩnh Yên, phía đông tại Mạo kê và phía nam dọc theo sông Đáy. Nếu thành công sẽ bắt đầu giai đoạn 2 tấn công thẳng vào thủ đô. Đài phát thanh Việt minh dự báo năm sau H sẽ ăn Tết tại Hà nội. TQ hứa sẽ cung cấp đầy đủ vũ khí và các phương tiện chiến tranh. Nếu đảng không lạc quan tếu trong những dự báo của mình, có vẻ như cuộc chiến đã đến hồi kết.

--------------------------------

1 Phóng viên phỏng vấn H là Harrie Jackson của AP. Những phiêu lưu của Thạch ở BK được ghi chép trong cuốn "Improbable Opportunity: America and DRV's 1947 initiative" của Mark Bradley. Trong báo cáo ngày 17/4 Stanton nói đã nhận được của Thạch 2 bức thư. Bức thứ nhất gửi ngày 12, miêu tả cuộc xung đột Đông dương và được copy cho Sullivan. Ngày 24, Stanton thông báo, Thạch thừa nhận với Law rằng Việt minh rất thất vọng về các đồng chí ở FCP đã ủng hộ Pháp khởi chiến. Thạch miêu tả Mỹ như người bảo vệ Hiến chương Đại tây dương và khả dĩ nhất có thể mang lại hoà bình.

2 Theo Luo Guibo "Lishi" p 151-53, thông tin giữa hai chính phủ chủ yếu do giao liên thực hiện. Cũng có thực hiện điện báo vài lần nhưng rất hay trục trặc. Theo Gras Histoire de la guerre, quân TQ đi hộ tống đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra Định chính là H, và đã vội vàng báo về TƯ.

3 Bức thư của H được đài phát thanh Matxcova phát ngày 29/8/1949. Theo cuốn Autobiographie của Georges Boudarel, một quan chức ngoại giao Mỹ kể lại khi dự một bài giảng tại Nga ngày 23/2/1950, ông này được giảng viên thông báo, đảng Việt nam là một đảng kiểu mới và đang trên đường trở thành đảng Marxist.

4 Phỏng vấn Đỗ Quang Hưng tại Hà nội, 15/12/1990.

5 Theo Guibo "Lishi", p161, Stalin giải thích quan điểm của mình là do Nga xô quá bận bịu với Đông Âu. Theo Võ Nguyên Giáp Đường tôi, pp 14-15, H đã yêu cầu Stalin trang bị cho 10 sư đoàn bộ binh và 1 trung đoàn pháo binh.

6 Như mọi khi, H luôn quan tâm đến ăn ở của các vị khách. H đã dặn thư ký Vũ Đình Huỳnh phải chuẩn bị tươm tất để đón Luo: "với bác thế nào cũng được, nhưng với các vị khách phải đàng hoàng. Họ rất quan tâm đến điều đó". Xem Vũ Thu Hiên, Đêm giữa ban ngày, p 108.

7 Theo một kẻ đào ngũ có vị trí cao trong phong trào, từ sau chuyến đi của H, Chinh lãnh trách nhiệm chính về việc xây dựng các chính sách đối nội. Xem Declaration sur la vie. Theo tạp chí Pháp Aux Ecoutes, Matxcova đã cảnh cáo H rằng mục tiêu của cách mạng không phải là độc lập dân tộc mà là chủ nghĩa cộng sản toàn thếgiới. Matxcova cũng yêu cầu H lắng nghe những lời khuyên của các đồng chí TQ.

No comments:

Post a Comment