Saturday, August 15, 2020

Hồ Chí Minh – Một cuộc đời: Phần 13

 Nơi đó, Điện biên phủ

Có vẻ như HCM không thể ăn Tết ở Hà nội. Mặc dù VM đã có những khởi đầu khá thuận lợi. Những đơn vị Việt minh chân đất từ trong rừng đã tràn vào Vĩnh yên theo chiến thuật "biển người" của TQ. Nhưng tướng Jean de Lattre de Tassigny, được bổ nhiệm 19/12/1950 làm cao uỷ kiêm tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông dương không phải là người dễ bị bắt nạt. Như một anh hùng thời chiến và là người cực tự tin, De Lattre lập tức hành động. Ông này ngay lập tức huỷ lệnh sơ tán thân nhân Pháp ra khỏi Hà nội, tập trung quân dự bị và ra lệnh cho các phi cơ ném bom napalm của Mỹ xuống Vĩnh yên. Những người lính VM lần đầu tiên chứng kiến những hiệu quả khủng khiếp của napalm đã hoảng hốt bỏ chạy. Một người trong số họ kể lại

Sư đoàn của chúng tôi bắt đầu tấn công từ sáng. Từ xa xuất hiện 3 con chim én. Đến gần thì ra 3 chiếc máy bay. Chúng nghiêng cánh và mở ra cánh cửa địa ngục. Ngọn lửa khủng khiếp lan xa hàng trăm mét trùm lên đội hình. Lửa napalm rơi từ trên trời xuống. Một chiếc máy bay nữa xà tới. Một quả bom rơi ngay sau lưng và tôi cảm thấy hơi nóng chạy khắp người. Tất cả bỏ chạy và tôi không thể ngăn họ. Lửa ăn tất cả mọi thứ xung quanh, không để bất cứ một chỗ nào cho ai trốn. 1

Theo báo cáo của tình báo Mỹ, khoảng 3500 đến 4000 quân Việt minh bị giết trong tổng số 10,000 quân tấn công. Pháp mất khoảng 400 lính và 1200 bị thương. Các cuộc tấn công Mạo khê và sông Đáy còn ít có hiệu quả hơn và cuối cùng Việt minh đành phải rút quân về núi. Sức ép lên Hà nội đã giảm đáng kể. De Lattre thú nhận là quyết định "ngừng di tản Hà nội" của ông ta là quyết định mò mẫm và chỉ có mục đích lấy lại tinh thần quân lính. Thay vì mở đường đến Hà nội, cuộc tiến công đã trở thành một thất bại cá nhân thảm hại cho nhà chiến lược quân sự của H là Võ Nguyên Giáp. Tại hội nghị lãnh đạo đảng vào giữa tháng 4, H đã đề nghị tự kiểm điểm và rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho trận đánh mới. Các nguồn tin chính thức ngừng sử dụng khẩu hiệu: "chuẩn bị chuyển sang tổng phản công". Đài phát thanh của VM nhắc đi nhắc lại là chỉ đánh lớn khi chắc thắng. H cũng nhấn mạnh việc phải sử dụng các kỹ năng chiến tranh du kích để trường kỳ kháng chiến. Các cố vấn TQ tỏ thái độ vô can "không phải tôi", bằng cách báo cáo kêu ca lên thượng cấp (sau khi sự việc đã diễn ra), rằng quân VM thiếu kinh nghiệm cho những trận đánh lớn như vậy. Giáp thừa nhận khuyết điểm khi đưa quân thiếu kinh nghiệm ra đối đấu với quân đội được trang bị tốt hơn trong những trận đánh cổ điển. Chưa kể quân VM nhiều lúc còn chưa thật kiên quyết và dũng cảm 2.

TQ không chỉ gây ảnh hưởng đến chiến lược chiến tranh. Những cán bộ mặc áo đại cán kiểu Mao, luôn mồm khẩu hiệu cách mạng bắt đầu ồ ạt kéo vào, tư vấn cho Việt minh cách cai trị cũng như phương thức cư xử hợp lý. Mặc dù Lưu Thiếu Kỳ đã không ngừng dặn dò các đồng chí của mình trước khi đi là không được áp đặt các phương pháp TQ, không phải cán bộ nào cũng tuân theo lời khuyên đó. Các sĩ quan và cán bộ VN vốn luôn cảnh giác với những láng giềng phương Bắc của mình, tất nhiên là chẳng thích thú gì. Đáng kể nhất là phong trào "chỉnh huấn, chỉnh phong", đào tạo lại về tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Những cuộc tự phê bình thường xuyên trở thành làm nhục và xúc phạm. Nhiều cán bộ VM, vốn chưa hiểu biết nhiều về Max, tham gia kháng chiến vì lòng yêu nước chứ không phải vì tư tưởng, trở thành đối tượng cho các cuộc đấu tranh giai cấp của các đồng chí ngèo hơn của mình. Georges Baoudarel, đảng viên cộng sản Pháp, hoạt động trong Việt minh lúc đó, miêu tả không khí tại một số đơn vị căng thẳng đến mức phải thu dao cạo râu và để đèn suốt đêm vì sợ số cán bộ này tự tử. Tất cả các đơn vị đều có thêm chức danh chính trị viên, trong trường hợp mâu thuẫn với chỉ huy, anh này có quyền quyết định 3.

Những chính sách cực đoan thân Mao này có hai hiệu quả xấu: trước mắt là mất các cán bộ ôn hoà, gây chia rẽ trong Đảng, lâu dài sự sợ hãi sẽ giết chết tính sáng tạo của các nhà văn và nghệ sĩ. Pháp cũng nhận được vô số tài liệu nói về sự mâu thuẫn giữa VN và các cố vấn Tàu. Nhiều kẻ đào ngũ đã thừa nhận ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao là nguyên nhân khiến họ rời bỏ hàng ngũ. Nhiều cán bộ trung và cao cấp bị thanh trừng theo yêu cầu của TQ. Theo một nguồn tin của Pháp, tướng Nguyễn Bình, chỉ huy quân VM tại Nam bộ đã phản ứng quyết liệt với sự can thiệp của Tàu và đã bị điều ra Trung ương để "cải tạo". Việt minh nói Bình bị quân Hoàng gia Khơ me giết tại biên giới Campuchia trên đường ra Việt bắc. Cũng có tin rằng thực ra ông này bị bắt và đã lựa chọn "chết trên chiến trường" thay vì bị xử tại hậu phương 4

Mao cũng bắt đầu có ảnh hưởng tại nông thôn. Trước đây, chính sách nông nghiệp của H chủ yếu tập trung vào việc giảm tô và chỉ tịch thu đất của những người cộng tác với Pháp và Bảo đại, lôi kéo tầng lớp địa chủ ủng hộ kháng chiến. Chính sách mới đặt mục đích thủ tiêu những ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của địa chủ tại các làng, xã. Lãnh đạo Đảng như Trường Chinh cho rằng nếu không động viên được sự ủng hộ của dân nghèo, mục đích của cách mạng khó mà đạt được. Các cố vấn Tàu sẵn kinh nghiệm còn nóng hổi của cuộc cải cách ở TQ cũng ép VN phải "làm việc" với các phần tử phong kiến ở làng quê một cách kiên quyết hơn.

Sự kiện quan trọng nhất đánh dấu sự dịch chuyển thiên tả của chính phủ là Đại hội 2 của đảng được tiến hành vào giữa tháng hai năm 1951 tại Tuyên quang. Hơn 200 đại biểu đại diện cho khoảng nửa triệu đảng viên đã về dự. Đại hội đã công khai thừa nhận sự ảnh hưởng của Tàu. Trường Chinh phát biểu: Việt nam sẽ áp dụng "chuyên chính dân chủ nhân dân" của Tàu chứ không phải "chuyên chính vô sản" của Nga. Việt minh, được thành lập từ năm 1941, được đổi tên thành Mặt trận Liên Việt và thừa nhận sự lãnh đạo của đảng cộng sản. ICP cũng được đổi tên thành Đảng lao động Việt nam. Đảng thừa nhận sự khác biệt trong tình hình 3 nước đông dương và mỗi nước có thể có con đường khác nhau. Hai nước còn lại sẽ thành lập Đảng nhân dân cách mạng và sẽ lập liên minh với VWP. Mặc dù nguồn tin của Đảng sau này nói rằng, quan điểm Liên bang Đông dương được nêu lên từ đại hội I năm 1935 bị chính thức xoá sổ tại Đại hội này, một tài liệu chính thức của Đại hội đã viết: "Sau này nếu điều kiện cho phép, 3 đảng cách mạng sẽ tập hợp thành một đảng duy nhất, đảng của Liên bang Việt-Lào-Miên". Dấu ấn của H là tương đối rõ qua việc nhấn mạnh tầm quan trọng của phản đế so với phản phong, cách mạng hai giai đoạn (dù thời gian trung chuyển có thể rất ngắn), và áp dụng tư tưởng cách mạng trong những điều kiện cụ thể của từng nước. Việc đảng được gắn tên với Việt nam cũng thể hiện quan điểm dân tộc mà H theo đuổi từ giữa những năm 20. Tuy nhiên cũng khó phủ nhận là những kết quả chính của đại hội là chịu ảnh hưởng của Bắc kinh. Thuật ngữ "dân chủ mới" cũng chính là cái mà TQ áp dụng cho chính thể của mình. Đưa đảng ra công khai và chấp nhận "grow over" từ cách mạng dân tộc sang cách mạng XHCN hiển nhiên là để giải toả những nghi ngờ của Tàu và Nga về màu sắc Max của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt nam.

Tất nhiên là ít người ở VN hiểu Mao và các đồng chí của ông ta hơn H. H cần sự ủng hộ của TQ để có thể hoàn thành sự nghiệp cách mạng của mình. Nhưng H cũng thừa hiểu là những kỹ thuật kiểu tập trung quyền lực của đảng, cải tạo tư tưởng và đàn áp tàn bạo các phần tử chống đối chưa chắc đã thành công dưới ánh nắng mặt trời của Đông dương thuộc Pháp. Linh tính chắc chắn cũng mách bảo H chống lại những chính sách có thể đẩy hàng loạt cán bộ nòng cốt của VM sang tay kẻ thù. Giới quan sát bấy giờ hiển nhiên không bỏ qua những lo lắng của H. Tin đồn lan nhanh là mặc dù vẫn được bầu là chủ tịch Đảng, đại hội đánh dấu sự thất bại của H và ảnh hưởng của ông đối với cách mạng VN. Một báo Sài gòn còn đưa tin là Giáp đã ra lệnh thủ tiêu H. Ban chấp hành TƯ có 29 thành viên (chủ yếu là thành viên cũ từ trước WWII). Bắt chước mô hình Nga xô, đại hội bầu ra Bộ chính trị gồm 7 thành viên và một thành viên dự khuyết. Chinh, Đồng, Giáp và HCM được coi là "Tứ trụ" của Đảng. Báo Nhân dân ra tháng 3 đã đăng tiểu sử sơ bộ của các cán bộ và gọi Chinh là kiến trúc sư và xếp lớn, còn HCM là linh hồn của cách mạng Việt nam.

Sau thất bại tại chiến dịch đồng bằng sông Hồng của Giáp, tình hình chiến trường trở nên giằng co. Đến năm 1951 thì các trận đánh chỉ chủ yếu ở phía Bắc. Tại miền Nam, sau cuộc tiến công dở chừng mùa hè 1950, Việt minh thay đổi chiến thuật. Lợi dụng điều kiện kinh tế khó khăn, Bình tổ chức những cuộc biểu tình lớn chống chiến tranh tại Sài gòn còn được gọi là "Những ngày đỏ". Tuy nhiên nhiều thành phần ôn hoà đã không tham dự vì những bạo lực thái quá của đoàn biểu tình. Thủ tướng mới của Bảo đại là Nguyễn Văn Tâm vốn có biệt danh là "hổ Mái Lai" khi còn phụ trách cảnh sát, đã đàn áp dữ dội. Đến tháng 8 thì có thể nói bộ máy VM tại Sài gòn đã bị tan rã. BCH Trung ương VWP quyết định thành lập TƯ Cục miền Nam (COSVN) để chỉ đạo cuộc chiến. Giáp và các chiến hữu của mình cũng bắt đầu gây sức ép ở Lào, Campuchia và vùng miền núi Tây bắc, kéo căng lực lượng Pháp để tìm điểm tiến công. Hoà Bình là một thị xã phía Nam châu thổ sông Hồng và quân Pháp tin rằng đây là điểm nối giữa Việt bắc và các vùng phía nam cung cấp quân lương cho trung ương. HCM đã từng nói: "Những cánh đồng lúa chính là chiến trường". Các đơn vị Pháp đã chiếm Hoà bình tháng 11/1951 và ngay lập tức chịu sự tấn công ác liệt của Việt minh. Nhà sử học Bernard Fall đã gọi đây là những cái "cối xay thịt". Tháng 2/1952 quân Phâp bắt đầu rút lui. Trong khi trận đánh đang diễn ra, De Lattre phải về Pháp chữa bệnh và đã chết vì ung thư vào tháng Giêng. Bao nhiêu lạc quan gắn với sự năng động của viên tướng này tan biến. Đại sứ quán Mỹ ở Sài gòn thông báo, các phần tử dân tộc càng ngày càng tin rằng Việt minh sẽ chiếm Hà nội vào mùa hè. Chuỗi lô cốt phòng thủ được xây theo lệnh của De Lattre nhanh chóng trở thành phòng tuyến Maginot. VM hoặc là đi vòng qua hoặc chiếm từng cái một. Cuối năm 1952, các đơn vị Việt minh đã có thể di chuyển tự do trên những cánh đồng xung quanh Hà nội. Hơn một nửa số làng tại châu thổ đã có chính quyền kháng chiến. Cũng mùa thu năm đó, VM mở mặt trận sâu trong vùng Tây bắc, nơi có những thung lũng hẹp lọt thỏm trong những dãy núi trập trùng. Pháp đã chiếm vùng này từ những ngày đầu cuộc chiến. Kế hoạch của VM được hình thành từ mùa xuân, do các chuyên gia Trung quốc đề xuất, nhằm mục tiêu tạo thế để đánh vào Thượng Lào. Tháng 9, HCM bí mật đi Bắc kinh để tư vấn với TQ và đi Matx dự Đại hội 19 đảng CS Liên xô. Kế hoạch tấn công Nghĩa lộ được phê duyệt vào cuối tháng 9. H quay về Việt nam vào tháng 12. Giữa tháng 10, 3 sư đoàn VM tấn công Nghĩa lộ. Quân Pháp bỏ luôn Sơn la và lùi về cố thủ tại Nà sản và Lai châu. VM tập trung tấn công Nà sản nhưng chịu thất bại nặng nề và bỏ cuộc. Đầu năm sau, VM tiến sang Bắc Lào, giải phóng Sầm nưa và uy hiếp Luang Prabang, tiếp tục kéo dãn quân Pháp rồi quay về Việt bắc.

Từ năm 1947, trong suốt thời gian kháng chiến, hành tung của H tỏ ra khá bí ẩn đối với thế giới bên ngoài. Một số tin rằng H đã chết vì những bệnh kinh niên mắc từ trước đó. Có kẻ lại đồn H đã bị đưa đi đày ở TQ vì chống lại sự ảnh hưởng của PLA. Mãi đến tháng 7/1952, mật thám Pháp mới tin là H vẫn còn sống qua tấm ảnh của báo Humanite. Cuối cùng tháng 3/1953, phóng viên tờ Daily Worker là Joseph Starobin đã gặp và phỏng vấn H tại một địa điểm bí mật và thông báo cho toàn thế giới biết 5.

Trong vùng giải phóng, ngược lại, người ta thấy H ở khắp nơi. Trên chốt tiền tiêu, trên cánh đồng, trong các cuộc họp... H không mệt mỏi động viên khích lệ nhân dân hy sinh để kháng chiến. Mặc dù đã trên 60, mỗi ngày H đều có thể đi bộ được hơn 30 dặm đường rừng. Theo thông tin của một số kẻ đào ngũ thì tinh thần trong khu giải phóng có vẻ đi xuống. Việt minh bắt buộc phải đưa ra chế độ lao động công cộng cưỡng bức. Trí thức thì bất mãn vì những đợt tự phê bình và tẩy não, thuế cao và bom đạn thường xuyên của Pháp cũng làm cho dân nơm nớp lo sợ. Tuy đa số cơ chấp nhận tất cả những khó khăn đó như cái giá phải trả để giành lại độc lập từ Pháp, chiến tranh kéo dài ngốn rất nhiều nhân lực và vật lực. Trong khi các cơ sở ở thành phố hầu như không còn hoạt động. Đảng quyết định phải giành lại dân nghèo nông thôn.

Tháng 3/1953, học tập kinh nghiệm Trung cộng trong cao trào của cuộc nội chiến, VM ra nghị quyết cải cách ruộng đất: giảm tô và tịch thu ruộng đất của những địa chủ bất hợp tác. Các toà án xã, do những nông dân quá khích lập ra, tổ chức đấu tố và phân phối lại ruộng đất. Trong một số trường hợp, kẻ bị kết tội "phản bội" nhân dân bị thủ tiêu ngay tại chỗ. Dương Văn Mai Elliott đã miêu tả lại bi kịch của chính gia đình mình: Họ tổ chức các phiên toà kiểu Kangaroo, khéo léo ngụy trang dưới cái gọi là "nguyện vọng của dân". Chừng một chục những kẻ nghèo nhất, chịu đựng nhiều nhất, căm thù địa chủ nhất được chọn sẵn và huấn luyện trước những điều cần phải tố cáo trước toà. Trong lúc đó, đám đông đứng sau kích động "đả đảo bọn địa chủ"... để tăng không khí thù địch. Nếu bị kết tội chết, địa chủ sẽ bị xử ngay tại chỗ, nếu không sẽ bị dẫn đi. Toàn bộ tài sản, ruộng đất, nhà cửa, đồ đạc, công cụ sẽ bị tịch thu và chia lại cho những người nghèo.

Đảng hy vọng là sẽ lùa được nhiều nông dân nghèo tham gia vào kháng chiến thông qua những chính sách như vậy. Đài VM suốt ngày trích đọc bức thư của một bà lão nông dân gửi H: "Trước đây, tôi và các con không có cơm ăn, áo mặc... từ cuối năm 1952, nông dân đã vùng lên chống lại bọn địa chủ bẩn thỉu. Chúng tôi không bao giờ quên ơn cụ". Tuy nhiên, đối với một số đồng chí quân sự cực đoan, có vẻ các biện pháp mạnh vẫn chưa đủ để cho dân nghèo không ruộng đất (khoảng 15% dân số) ra trận. Tháng 11/1953, tại Hội nghị Nông nghiệp toàn quốc, Trường Chinh đã đề xuất luật cải cách mới, thực chất là tịch thu tài sản và ruộng đất của toàn bộ giai cấp địa chủ. Chắc chắn là H sẽ chống lại tất cả những biện pháp nào quá cứng rắn làm mất sự ủng hộ của kháng chiến của những người ôn hoà. Nhưng nhu cầu cấp bách về nhân lực tham gia kháng chiến đã thắng. Tại kỳ họp quốc hội kháng chiến vài tuần sau Hội nghị nông nghiệp, H phát biểu, chính phủ đã quá nuông chiều địa chủ mà quên mất quyền lợi của nông dân nghèo. Luật cải cách mới được thông qua quy định ngặt nghèo về giảm tô cũng như tịch thu của cải của tất cả địa chủ. Những địa chủ được coi là tiến bộ sẽ được bồi thường bằng trái phiếu chính phủ. Những kẻ được coi là bóc lột sẽ bị trừng phạt. Lần đầu tiên từ sau Xô viết Nghệ - Tĩnh, Đảng quyết định phát động đấu tranh giai cấp ở nông thôn, quyết tâm tiêu diệt giai cấp phong kiến, hòng giành sự ủng hộ của nông dân 6.

Tháng Giêng 1953, tổng thống thứ 34 của Mỹ Dwight D. Eisenhower (Ike) tuyên thệ nhậm chức. Ông này thắng cử trên cương lĩnh "giải thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản" cho rằng đảng Dân chủ nhu nhược dẫn đến mất TQ và giằng co ở Triều tiên. Tuy nhiên Ike không quan tâm nhiều đến Đông dương, chỉ nhắc đến đôi chút trong thông điệp Liên bang, cho rằng chiến tranh Triều tiên "là một phần của cuộc xâm lăng đã được tính toán của kẻ thù mà hiện cũng đang gây sức ép tại Đông dương, Malaixia và quần đảo Formosa". Khi gặp thủ tướng Pháp là Rene Mayer cuối tháng 3, Ike chỉ đồng ý tăng viện trợ nếu Pháp quyết tâm giành thắng lợi toàn diện cuối cùng.

Về phía Pháp, sau khi tướng Salan thay de Tassigni, hy vọng vào thắng lợi quân sự đã tan biến. Pháp cần viện trợ Mỹ để cải thiện tình hình chiến trường trước khi bước vào đàm phán. Nhiệm vụ thuyết phục Washington được giao cho Henry Navarre, nguyên tham mưu trưởng quân đội Pháp ở NATO, mới được bổ nhiệm làm chỉ huy quân viễn chinh tại Đông dương. Việc đầu tiên ông này làm là vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng (Kế hoạch Navarre) nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường tại Đông dương. Mỹ thì luôn nghi ngờ và Navarre bị cho là quá cẩn thận và thậm chí không quyết đoán. Đầu tháng 8/1953 tạp chí Life đăng bài phê phán kịch liệt những nỗ lực của Pháp và kết luận: cuộc chiến coi như là tàn. Tuy nhiên Mỹ cũng chẳng có nhiều cửa để lựa chọn và Eisenhower đã ký hiệp định viện trợ cho quân viễn chinh Pháp FEF tháng 9/1953. Tại Paris , cũng không có nhiều người ủng hộ Navarre. Dân chúng thì la ó, cho rằng chính phủ đã đổi máu Pháp lấy đô la Mỹ. Bản thân chính phủ cũng từ chối chuyển 11 tiểu đoàn từ châu Âu sang Đông dương theo yêu cầu của Navarre.

Tháng 11/1953, Navarre cho quân nhảy dù chiếm lại Điện biên phủ làm bàn đạp chống lại các cuộc tấn công của Việt minh vào Thượng Lào và Luangprabang. Tin này đến đúng lúc các tướng Việt minh đang chuẩn bị trình bản kế hoạch tấn công Lai châu, cách ĐBP 30 dặm về phía Bắc. Trước đó, hồi đầu năm, các nhà hoạch định chính sách của Đảng đã yêu cầu giới quân sự tìm kiếm những điểm yếu trong tuyến phòng ngự của Pháp tại Lào, Campuchia và Tây bắc. Giáp cũng đã từng đề xuất tấn công tại vùng châu thổ nhưng đã bị các cố vấn TQ được HCM ủng hộ, gạt đi. Cú mạo hiểm của Navarre mở ra cơ hội cho VM tái chiếm ĐBP sẽ trực tiếp tác động đến tinh thấn quân Pháp, tạo tiền đề cho những cuộc tấn công khác. Mặt khác VM sẽ lần đầu tiên bị đặt vào thế phải tấn công trực diện một cứ điểm cố thủ của quân Pháp. Ngày 6/12, được những cố vấn TQ khích lệ, lãnh đạo Việt minh quyết định chuyển hướng tấn công sang ĐBP. Ba sư đoàn mới được thành lập được chuyển đến trận địa, trong khi các đơn vị khác tấn công nghi binh ở Bắc Lào, kéo dãn quân Pháp 7.

Tại sao các lãnh đạo TQ lại khuyến khích đồng minh của mình nhảy vào một trận đánh hứa hẹn sẽ là một cuộc đụng độ lớn? Mặc dù TQ có những lợi ích riêng của mình như bảo vệ vùng biên giới phía nam, cuộc chiến ở ĐBP chắc chắn sẽ đòi hỏi một khối lượng viện trợ quân sự lớn cả về chất lẫn về lượng. Và chưa rõ liệu pháo binh VM có thể hạn chế hoặc cắt hẳn đường tiếp tế không vận của Pháp? Trong bối cảnh quốc tế lúc đó, có vẻ như TQ đang thay đổi quan điểm. Tiếp theo hiệp định ngừng bắn tại Triều tiên tháng 7/1953, giới lãnh đạo không muốn đẩy cao căng thẳng với phương Tây, dành nguồn lực cho kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế. Mao có vẻ như lờ đi dự báo của chính mình về cuộc chiến tranh tất yếu với chủ nghĩa đế quốc. Đến tháng 10, Chu Ân Lai đã phát biểu với đoàn đại biểu India những ý tưởng đầu tiên của "5 nguyên tắc chung sống hoà bình" sau này. Ngoại trưởng Hoa kỳ, Jhon Foster Dulles cũng đã tỏ ra mềm mỏng khi đề nghị đàm phán để giải quyết vấn đề Đông dương trong phát biểu trước American Legion vào tháng 9. Nga cũng sốt sắng, thủ tướng mới lên hồi tháng 3 Malenkov đề nghị triệu tập hội nghị 5 cường quốc để giảm căng thẳng quốc tế. TQ đồng ý ngay.

Có vẻ như TQ quyết định đánh bạc. Chiến thắng của Việt minh tại ĐBP có thể sẽ đẩy cao căng thẳng, dẫn đến nguy cơ Mỹ can thiệp trực tiếp. Mặt khác, chiến thắng cũng sẽ kích động phong trào phản chiến tại Pháp, đặt tiền đề cho đàm phán hoà bình theo những điều kiện có lợi cho Việt minh và Trung quốc.

HCM và các đồng chí của mình phản ứng thận trọng trước thái độ của các nước lớn. Hồi đầu kháng chiến, khi VM rõ ràng là yếu hơn rất nhiều so với quân Pháp, H luôn luôn kêu gọi đàm phán.Khi đã rõ ràng là Pháp không thể giành chiến thắng quân sự, các lãnh đạo VM tỏ ra không mấy mặn mà với hoà giải. Tháng 3/1950, khi nói chuyện với đảng viên Pháp Leo Figueres, H nhấn mạnh "lãnh đạo Đảng tìm kiếm những giải pháp chính trị nhưng chắc chắn sẽ không thoả hiệp". Trường Chinh còn hung hơn, phát biểu trong dịp kỷ niệm thành lập DRV năm đó, ông này cho rằng: "cần phải đả phá những tư tưởng thoả hiệp về việc đàm phán hoà bình với kẻ thù". Cuối năm 1952, DRV lờ đi những tín hiệu hoà giải của Paris. Đến tận tháng 9/1953, hãng TASS còn dẫn lời H cho rằng hoà bình chỉ có thể đạt được bằng thắng lợi hoàn toàn.

Vậy mà, mấy tuần sau, lãnh đạo Đảng đã thay đổi thái độ, chuyển sang đồng tình với Nga và TQ. H trả lời phỏng vấn tạp chí Expresen là chính phủ của mình sẵn sàng tham gia hội nghị quốc tế về hoà bình và sẽ xem xét các đề nghị của Pháp. Theo các nhà ngoại giao Mỹ ở Sài gòn, sự thay đổi đột ngột này làm cho những phần tử dân tộc không cộng sản ở Sài gòn hết sức "lúng túng, thậm chí sợ hãi" 8.

Tại hội nghị Berlin đầu năm 1954, các cường quốc đã quyết định triệu tập Hội nghị hoà bình Geneva vào tháng 4, và mặc dù Eisenhower không ưa, chương trình nghị sự bao gồm cả vấn đề Đông dương. Tháng 3, phái đoàn Việt nam sang Bắc kinh để tham khảo ý kiến. Ngay sau đó, H đích thân đi BK và Matxcova để thảo luận chiến lược thương thuyết chung. Từ kinh nghiệm đàm phán về Triều tiên, TQ cảnh báo các đồng chí Việt nam phải "thực tế" trong những đòi hỏi của mình.

Hai ngày sau khi hội nghị Geneva được công bố, mật thám Pháp phát hiện các đơn vị Việt minh ở Thượng lào đang tiến về Điện biên phủ. Đến đầu tháng 3 thì Pháp đã không còn nghi ngờ gì về một trận đánh lớn sẽ xảy ra ở đây. Để có thể những điều kiện thuận lợi trên bàn đàm phán, viện trợ quân sự của TQ được đổ vào ào ạt trong vài tháng. Khoảng 200 xe tải, 10000 thùng dầu, 1700 tấn lương thực, 3000 khẩu súng, 60,000 viên đạn đại bác. (Theo một nguồn tin khác từ TQ, trong suốt giai đoạn 1951-1954, TQ đã đổ vào Việt nam 116.000 khẩu súng bộ binh, 4.630 khẩu đại bác, trang bị cho 5 sư đoàn bộ binh, một sư đoàn công binh, một trung đoàn phòng không, một trung đoàn cận vệ). Chu Ân Lai gửi thư cho các cố vấn TQ: "Chúng ta phải có những chiến thắng ấn tượng trước khi bước vào đàm phán, tương tự như ở Triều tiên". HCM cũng ra lời kêu gọi: "Đây là chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà còn về chính trị, không những ảnh hưởng trong nước mà còn tác động đến tình hình thế giới. Toàn đảng, toàn quân, toàn dân phải đoàn kết dành thắng lợi cuối cùng".

Để chống lại 16.000 quân Pháp tại ĐBP, Việt minh đã tập hợp được 33 tiểu đoàn gồm khoảng 50.000 quân, chiếm lĩnh các sườn núi bao quanh thung lũng. Việt minh còn có lực lượng hậu cần 55.000 người và gần 100.000 dân công. Lực lượng dân công này chủ yếu là nữ từ các tỉnh miền Trung , vượt qua vùng đồng bằng sông Hồng. Mỗi người mang khoảng 30 pounds lội bộ 10 dặm mỗi đêm trên các con đường rừng. Hàng hoá chủ yếu là lương thực và đạn được. Ngoài ra còn có các khẩu pháo lớn do Nga viện trợ, được tháo ra và khênh tay về từ biên giới cách đó hơn 200 dặm.

Trong giai đoạn thăm dò, VM áp dụng chính sách "biển người" của TQ và chịu thương vong quá lớn. Cuối tháng Giêng, bộ tư lệnh Việt minh sau khi tham khảo với BK, đã quyết định chuyển sang chiến thuật "đánh chắc, thắng chắc". Quân VM đào hàng trăm km giao thông hào tiến từ từ nhưng vững chắc bao vây các cứ điểm Pháp. Trên những sườn đồi bao quanh thung lũng, các khẩu sơn pháo được tháo và vận chuyển bằng tay từ biên giới, có thể di chuyển theo các đường hầm dần dần kiểm soát hoàn toàn sân bay. Các đồ tiếp tế Pháp được thả dù bay lung tung cả sang bên Việt minh, đa số quân tăng viện chết trước khi tiếp đất. Giữa tháng 3, Pháp quay sang kêu cứu Mỹ. Tướng Paul Ely bay đi Washington đề nghị Mỹ tăng cường khẩn cấp hỏa lực không quân. Tham mưu trưởng liên quân, đô đốc Arthur Radford và phó tổng thống Nixon tỏ vẻ ủng hộ ý tưởng này của Pháp. Tuy nhiên tổng thống Eisenhower, đã quá ngán ngẩm vì tình trạng giằng co trong cuộc chiến Triều tiên, không muốn tham chiến một mình Ông này đòi hỏi tìm kiếm liên minh quốc tế và đặt điều kiện Pháp phải trao trả lại độc lập cho 3 nước Đông dương. Ngoại trưởng Dulles được phái sang London và Paris, nhưng chẳng nơi nào chấp nhận các điều kiện của Mỹ.

Đầu tháng Năm, quân Việt minh đã tiến sát những căn cứ cuối cùng. Theo nguồn tin Trung quốc, các nhà hoạch định chiến lược Việt nam không dám mở trận tấn công cuối cùng vì sợ Mỹ can thiệp và thương vong quá lớn, phải nhờ Bắc kinh động viên họ mới dám quyết định tấn công vào ngày 6/5. Ngày 7/5, tướng Giáp miêu tả "quân ta tấn công từ mọi hướng, chiếm chỉ huy sở và bắt sống toàn bộ quân Pháp tại Điện biên phủ". Pháp đã thất bại toàn diện, 1500 quân chết, 4000 bị thương, còn lại bị bắt sống, chỉ có 70 lính Pháp chạy thoát. Việt minh mất khoảng 25,000 người, trong đó 10,000 trực tiếp trong các trận đánh.

Một ngày sau Điện biên phủ thất thủ, hội nghị hòa bình về Đông dương được khai mạc tại Geneva với sự tham gia của Pháp, DRV, Anh, Liên xô, Trung quốc, Mỹ, đại diện của chính phủ Bảo đại và chính quyền Hoàng gia Lào, Campuchia. Lãnh đạo đoàn DRV, được H cảnh báo là sẽ không có đàm phán dễ dàng, có vẻ hơi run, tuy nhiên họ cũng cảm thấy đây là cơ hội cho "bước ngoặt của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước" Đoàn Pháp mở đầu hội nghị kêu gọi thỏa thuận và tập kết quân đội hai bên tại những địa điểm do ủy ban quốc tế kiểm soát. Cũng như năm 1946, Phạm Văn Đồng cầm đầu đoàn Việt nam. Đồng chấp nhận ngừng bắn trước khi có một giải pháp chính trị. Nhưng bộ chính trị đòi hỏi hơn thế. Đồng yêu cầu công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông dương, rút hết quân Pháp và tiến hành bầu cử tự do. Việt minh còn đòi hỏi các lực lượng kháng chiến là Pathet Lào và Khơ me đỏ cũng phải được tham gia hội nghị. Như một cử chỉ hữu nghị, Đồng nhất trí xem xét về khả năng tham gia khối liên hiệp Pháp trên cơ sở tự nguyện và xác nhận các quyền lợi kinh tế và chính trị của Pháp tại 3 nước Đông dương.

Người Pháp không có nhiều thế để đàm phán. Các nguồn tin tình báo cho rằng Hà nội sẽ thất thủ. Người Mỹ cũng bi quan, tại hội nghị của Hội đồng An ninh quốc gia, giám đốc CIA Allen Dulles cho rằng Việt minh có thể dùng 5000 chiến xa để chở quân từ Điện biên phủ về Hà nội trong 2 đến 3 tuần 9. Tuy nhiên Việt minh lại có vấn đề với các đồng minh của mình. Mặc dù đã họp trước để thống nhất chiến lược đàm phán, cả LX và Trung quốc đều cho thấy sẽ không ủng hộ vô điều kiện những đòi hỏi của Việt minh cũng như không muốn tài trợ để Việt minh tiếp tục cuộc chiến. Cả hai đều lo ngại sẽ dây vào việc đối đầu với Mỹ. Chu Ân Lai và Molotov thống nhất với nhau là nên chia Việt nam thành 2 vùng, một do VM kiểm soát, vùng kia cho quân của Bảo đại và những nhà tài trợ. Chu cũng đề nghị không mời Pathet Lào và Khơ me đỏ, khuyến cáo Việt minh nên chấp nhận chính phủ Hoàng gia trung lập tại những nước này. Để thuyết phục Đồng đồng ý, Chu thỏa hiệp cho Pathet Lào cũng được tập kết cùng với Việt minh.

Nhiều năm sau này, Việt nam cho rằng TQ cố tình thiết kế để lùa Lào và Campuchia vào vòng ảnh hưởng của mình. Mặc dù không có bằng chứng cụ thể nào, cũng có thể đoán được là TQ chẳng thích có một liên bang Đông dương. Tuy nhiên, nhiều khả năng, mong muốn chính của Chu lúc đó là đề phòng đàm phán đổ vỡ và Mỹ có thể thành lập các căn cứ quân sự tại Lào và Campuchia. Được Nga ủng hộ, Chu thuyết phục được Đồng gật đầu dù là miễn cưỡng.

Xong việc Lào, Campuchia, cả hội quay ra mổ xẻ những chi tiết liên quan đến Việt nam. Trong cuộc đàm phán quân sự riêng với Pháp, Việt minh muốn vùng tập kết của mình phải ít nhất bao gồm toàn bộ châu thổ sông Hồng và Hà nội, Hải phòng. Pháp thì không muốn mất Hà nội nhưng biết cũng chẳng thể nào giữ được tìm cách đổi chác lấy quyền kiểm soát ở miền nam và thời gian để di tản khỏi Bắc bộ. Còn lại việc lớn là xác định đường ranh giới tập kết và làm thế nào có thể kiểm soát việc thực thi hiệp định. Việt minh muốn vĩ tuyến 13, Pháp thì muốn đẩy lên sát với Bắc bộ. Việt minh chỉ muốn các bên tự dàn xếp, Pháp (được Mỹ thầy dùi) thì muốn có ủy ban kiểm soát quốc tế dưới danh nghĩa Liên hợp quốc.

Khi VM và Pháp đang tranh luận câu chữ thì Chu bay về Bắc kinh để tư vấn Mao và chính phủ. Trên đường đi, Chu ghé thăm Nehru. Ông này đang cảm giác bất ổn khi thấy khả năng cả Đông dương sẽ rơi vào tay cộng sản và như thế sẽ chịu ảnh hưởng của Bắc kinh. Chu phải thuyết phục Nehru là Lào, Campuchia sẽ trung lập, còn Việt nam sẽ chia làm 2 miền, và chủ nghĩa cộng sản không phải là thứ để "xuất khẩu". Cuối cùng cả hai nhất trí ủng hộ 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình là cơ sở cho các quan hệ quốc tế ở châu Á và thế giới. Chu còn dừng lại ở Rangoon để gặp thủ tướng Myanma U Nu, rồi bay thẳng đến Lưu châu gặp Hồ và Giáp tại trụ sở cũ của tướng Trương Phát Khuê. Chu thuyết phục được H nhượng bộ tại Geneva để tránh việc Mỹ can thiệp trực tiếp. Hai bên thống nhất chọn vĩ tuyến 16 và chấp nhận chế độ trung lập ở Lào, Campuchia nếu có vùng tập kết riêng cho Pathet Lào. Đổi lại Chu cam kết sẽ viện trợ thương mại và kinh tế cho DRV thông qua hiệp định ký ngày 7/7. Các nguồn chính thức của Việt nam đưa tin rất hai mặt. Báo Nhân dân viết: "hòa bình ở Đông dương không thể chỉ do một bên quyết định"

Sau khi báo cáo tình hình tại Bắc kinh, Chu quay trở về Geneva để thống nhất chi tiết. Khó khăn nhất vẫn là đường giới tuyến. Phương án cuối cùng là vĩ tuyến 17. Để thuyết phục Đồng, Chu đã phải dỗ dành, cần phải giữ thể diện cho thủ tướng Pháp Mendes, còn "khi quân Pháp rút hết, toàn bộ Việt nam là của các đồng chí". Hiệp định cuối cùng được ký ngày 21/7. Hiệp định sẽ do ủy ban quốc tế gồm Ba lan, ấn độ, Canada giám sát. Ngoài ra còn có Tuyên bố chính trị kêu gọi hợp tác giữa chính phủ hai miền và tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước sau 2 năm.

Ngay sau lễ ký kết, đã có nhiều việc diễn tiến không thuận lợi cho H và các đồng chí. Mỹ không chấp nhận những điều khoản của hiệp định và Tuyên bố chính trị, sợ rằng nếu tổng tuyển cử sẽ dẫn đến khả năng cộng sản thắng lợi hoàn toàn. Bảo đại cũng không nhất trí, viện cớ việc chia cắt đất nước đi ngược với ý nguyện của nhân dân. Vài ngày sau khi hội nghị kết thúc, ngoại trưởng Mỹ Dulles họp báo tuyên bố Mỹ ủng hộ việc xây dựng các quốc gia không cộng sản tại Nam Việt nam, Lào và Campuchia. Nhiều thành viên của phái đoàn Việt nam cũng hậm hực vì cho rằng các đồng minh Nga, Trung đã phản bội họ nếu không thì đã có thể "một phát thống nhất ngay đất nước". Tâm trạng này lan rộng cả ở trong nước, đến nỗi H phải viết trong báo cáo chính trị cho trung ương:

Một số đồng chí, đang say chiến thắng, muốn đánh nhau bằng mọi giá, đến cùng. Họ không thấy cây mà không thấy rừng. Thấy Pháp rút quân mà không thấy Mỹ đang đến. Họ chỉ biết quân sự mà coi nhẹ ngoại giao. Họ không biết rằng muốn đạt được mục đích, chúng ta phải chiến đấu cả trên chiến trường và trên bàn hội nghị.

Hồ cho rằng, cuộc kháng chiến của cả 3 dân tộc đã đạt được những thành tựu đáng kể. Bây giờ là lúc phải thay đổi chiến lược vì Mỹ đang tìm cách phá hiệp định và tìm cớ để can thiệp. Khẩu hiệu "kháng chiến đến cùng" phải được thay bằng "hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ" để cô lập Mỹ (đang trở thành kẻ thù chính của các nước Đông dương) trên trường quốc tế. Hồ thừa nhận rằng, chia cắt đất nước là cái giá phải trả để đổi lấy hòa bình, nhưng cho rằng vùng tập kết chỉ là tạm thời:

Vì phải phi quân sự và thay đổi miền, một số vùng tự do sẽ lại rơi vào tay giặc. Nhân dân ở đấy sẽ bất mãn, một số sẽ thất vọng và theo kẻ thù. Chúng ta phải nói với nhân dân rằng, những thử thách mà họ đang phải gánh chịu là vì lợi ích chung lâu dài của đất nước. Đến vinh quang cuối cùng, cả dân tộc sẽ biết ơn họ.

Việc chấp nhận thỏa hiệp đương nhiên là có ảnh hưởng của Chu qua cuộc hội kiến ở Lưu châu. Tuy nhiên nó cũng thống nhất với những gì Hồ đã thể hiện trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Thái bình dương. Hồ hiểu rằng, độc lập và thống nhất của Việt nam không thể thực hiện riêng rẽ mà phải xét đến những thay đổi phức tạp đang diễn ra trên trường quốc tế.

--------------------------------

1 Ngô Văn Chiêu, Nhật ký một chiến sĩ Việt minh (Journal d'un combattant Vietminh) , Paris 1957.

2 Theo báo cáo Saigon 1580 cho Ngoại trưởng Mỹ, 10/3/1951, các tạp chí địa phương đã đưa tin Giáp tự tử.

3 Theo Boudarel, cuốn sách giáo khoa của chương trình "Đổi mới phương pháp làm việc" chính là bản dịch của cuốn "Về Đảng" của Lưu Thiếu Kỳ.

4 Theo một số tin từ Hà nội, Lê Duẩn có chân trong đoàn với Bình ra Việt bắc.

5 J Starobin, Eyewitness in Indochina, (NewYork, Cameron & Kahn, 1954).

6 Xem thêm Bernard Fall Vietminh regime: Government and Administration in DRV. Muốn có thông tin phê phán, xin tham khảo Hoàng Văn Chi, Từ thuộc địa tới cộng sản: Trường hợp lịch sử của Bắc Việt (NY, Praeger, 1964). Trong trang 182-83, Chi đã trích dẫn HCM khi quan sát muốn uốn thẳng 1 thanh tre cong, cần phải bẻ nó theo chiều ngược lại và giữ một lúc. Sau đó nó sẽ từ từ thẳng lại. Cũng có thể tìm hiểu Edwin E. Moise Land reform in China and Vietnam: consolidating the revolution at village level (Chapel Hill. N.C. University of North Carolina Press, 1983).

7 Theo Zhongquo junshi p90, tác giả Han Huazhi, Dangdai, vol 1 p350, các cố vấn TQ đã tư vấn cho Giáp đánh ĐBP vì tin rằng chiến thắng sẽ có một ý nghĩa chính trị và quốc tế lớn. Xem thêm bài của Hoàng Văn Thái trong Vietnam courrier, 3/1984 và cuốn People War, People Army (Newyork, Praeger, 1962) p 148.

8 Ban biên tập tạp chí Expresen thì nghi ngờ vào sự chân thành của H, trong phần bình luận của bài phỏng vấn H, họ cho rằng bài báo bị Matxcova "ảnh hưởng".

9 Theo điện báo của sứ quán Mỹ tại Sài gòn ngày 10/5/1954, khoảng 9 tiểu đoàn Việt minh có thể di chuyển về đồng bằng trong 10 ngày, tất cả 25 tiểu đoàn cần khoảng 3 tuần. Cộng với 16 tiểu đoàn đang có sẵn. Tuy nhiên một số sĩ quan Pháp tỏ vẻ lạc quan hơn. Tướng Cônhi cho rằng Việt minh không thể tấn công trước tháng 10 và ông ta hoàn toàn có thể đứng vững nếu có tiếp viện. Việt minh sau này cũng thừa nhận là khó có thể tấn công thành công trước năm 1955.

No comments:

Post a Comment