Các bạn trở lại phần trước ở đây
Peter Ross Range - "burô", sếp của Phạm Xuân Ẩn khi làm cho tờ Time (trong thời kỳ ở VN) đã nghĩ ra hẳn tên cho một cuốn sách để khuyến khích ông viết lại cuộc đời mình vì "Nếu không có câu chuyện của anh, một mảng quan trọng của lịch sử sẽ bị thiếu" - Peter viết. ("Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời", Nguyễn Thị Ngọc Hải)
Thâm nhập vào báo chí và nước Mỹ: Đại học Orange Coast Costa Mesa, California
Đây là ngôi trường mà Phạm Xuân Ẩn bắt đầu học báo chí từ năm 1957 với sự giúp đỡ trực tiếp của Mills Brandes, người đang thi hành một nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong lĩnh vực thủy điện (mà chỉ là "tấm bình phong" của ông ta). Brandes trên thực tế đang bí mật giúp đỡ chính quyền Ngô Đình Diệm trong việc chống lại các hoạt động nổi dậy của CS.
Sứ mạng của Phạm Xuân Ẩn lúc này là tìm hiểu về người Mỹ và văn hóa của họ, để trở về VN hoạt động dưới vỏ bọc của một nhà báo. Các Ủy viên BCT ở Hà Nội đang theo dõi sát sao các nguồn tin từ Mỹ chuẩn bị được tung vào VN khi Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ năm 1954. Không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ có một cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ. Trước khi rời VN, Phạm Xuân Ẩn được chỉ thị phải luôn cố gắng làm cho mình hòa nhập được cách viết, cách nghĩ của người Mỹ. Ông Mười Hương, một cấp trên của Phạm Xuân Ẩn nói: "Nếu không làm được như vậy, anh sẽ không thành công."
Ngay từ khi tiếp xúc với người Mỹ ở VN, Phạm Xuân Ẩn đã khâm phục những người Mỹ và nhân dân Mỹ, những giá trị của văn hóa Mỹ.
Sau chiến tranh Thế giới thứ 2, nước Mỹ nổi lên như 1 cường quốc trên thế giới. VN nhanh chóng trở thành một con tốt đen trên ván cờ chiến tranh lạnh mới. Những nhà hoạch định chính sách đã cố tình quên một thực tế rằng Cụ Hồ đã nhận bản dịch Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ từ tay Arrchimedes Patti làm việc tại Phòng Công tác Chiến lược/Office of Strategic Services (OSS); rằng Cụ Hồ đã giúp cứu các phi công Mỹ, cung cấp các thông tin tình báo về hoạt động của Nhật Bản, vì thế người ta đã mở riêng một hồ sơ số 19 với bí số Lucius; và rằng Việt Minh đã tham gia với đội Con Nai (Deer team) để huấn luyện và tập trận gần biên giới với TQ.
Cuối năm 1945, lần cuối cùng Hồ Chủ tịch tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ bằng cách viết thư cho Tổng thống Harry S. Truman và Ngoại trưởng James Byrmes. Thư nói rằng nền độc lập của Philippines đã tạo ra một kiểu mẫu: "Với niềm tin vững chắc đó chúng tôi đề nghị Hoa Kỳ với tư cách là người bảo vệ và những nhà quán quân về công lý trên thế giới hãy có bước đi mang tính chất quyết định để ủng hộ nền độc lập của chúng tôi. Điều mà chúng tôi đề nghị chính là điều mà Hoa Kỳ đã giành cho Philippines. Giống như Philippines, mục đích của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác hoàn toàn với Hoa Kỳ".
Đề nghị này của Hồ Chủ tịch đã không được đáp ứng.
Phạm Xuân Ẩn và một thế hệ người VN đã tham gia cách mạng để chống lại những nỗ lực cuối cùng trong tuyệt vọng của Pháp nhằm vớt vát ánh hào quang của chủ nghĩa thực dân. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại, khi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, ông nói: "Tôi đã rất phấn khởi. Tôi muốn tham gia và vì đất nước tôi mà chiến đấu đánh bại thực dân Pháp. Tôi chỉ là một trong số rất nhiều người Việt Nam như vậy. Và đó cũng là sự đáp lại một cách tự nhiên thôi".
Tháng 10/1945, Phạm Xuân Ẩn bỏ học ở Cần Thơ để gia nhập một đơn vị Việt Minh. Tháng 11/1946, khi các tàu chiến Pháp nã đại bác vào Hải Phòng thì cuộc chiến tranh toàn diện giữa Việt Minh và Pháp bùng nổ.
Ngày 19/12/1946, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi đồng bào cả nước: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ."
Phạm Xuân Ẩn không được dùng súng hoặc gậy gộc trong trận chiến này. Ông phải trở lại Sài Gòn năm 1947 để chăm sóc cha ông bị bệnh lao rất nặng. Tại đây ông trở thành người tổ chức các cuộc phản đối của sinh viên chống Pháp và sau này là chống Mỹ. Ông còn nhớ vào 1 ngày tháng 3/1950, tàu Mỹ USS Richard B. Anderson cập cảng Sài Gòn chở hàng tiếp viện cho quân Pháp chống lại Việt Minh. Ông là 1 trong những người tổ chức các cuộc biểu tình đường phố chống lại việc con tàu Mỹ cập cảng Sài Gòn.
Việc lãnh đạo các cuộc biểu tình của Phạm Xuân Ẩn nhanh chóng chấm dứt khi người chỉ huy trực tiếp của ông là BS Phạm Ngọc Thạch (1 phụ tá thân thiết từ rất sớm của Hồ Chủ tịch) ra lệnh cho Phạm Xuân Ẩn không tham gia các hoạt động đường phố để giảm nguy cơ bị bắt hoặc gây chú ý không cần thiết. Sau đó BS Phạm Ngọc Thạch đã thông báo cho Phạm Xuân Ẩn rằng ông đã được giao nhiệm vụ tham gia lớp tình báo chiến lược đầu tiên của VN.
Một trong những mối quan tâm đầu tiên của Phạm Xuân Ẩn là các nỗ lực xây dựng và huấn luyện 1 lực lượng khung mới cho quân đội miền Nam VN. Phái đoàn cố vấn và viện trợ quân sự (MAAG) ở Sài Gòn được thành lập năm 1950 để giám sát việc thực hiện dự án 10 triệu USD thiết bị quân sự hỗ trợ lính lê dương Pháp chiến đấu với các lực lượng Việt Minh.
Về trách nhiệm cải tổ các đơn vị quân đội miền Nam VN, 1 đội ngũ bên trong MAAG được lập ra với sự tham gia của 2 quốc gia gọi tắt theo tiếng Anh là TRIM với mục đích chuyên về huấn luyện. Một trong những trách nhiệm của TRIM là trợ giúp và cố vấn cho các cơ quan quân sự Nam VN trong việc xây dựng lại các lực lượng vũ trang. Lúc đó TRIM gồm 209 sĩ quan Pháp và 68 sĩ quan Mỹ (sẽ được bổ sung 121 sĩ quan Mỹ sau khi các sĩ quan Pháp rút đi). Nhờ quá trình học tiếng Anh từ các cha đạo (thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng) và sau đó làm bạn với nhà ngoại giao Webster của sứ quán Anh ở Sài Gòn, tiếp đó là với sự giúp đỡ của ông Newell nên khi chuyển sang TRIM, Phạm Xuân Ẩn đã là 1 trong những người VN nổi bật nhất (các sĩ quan Mỹ không nói được tiếng Việt và chưa đầy 10 người nói được tiếng Pháp). Điều này giúp Phạm Xuân Ẩn sớm chứng tỏ mình là nhân vật có giá trị đối với cả người Mỹ và người VN.
Năm 1954 là giai đoạn đánh dấu nhiều chuyển biến với sự kiện Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ và ký kết Hiệp định Geneva chia cắt VN bằng giới tuyến tạm thời tại vĩ tuyến 17. Theo Hiệp định, trong thời gian chuẩn bị thực hiện tổng tuyển cử (1956), bất cứ người dân nào cũng được phép di cư giữa 2 miền Nam và Bắc trước ngày 18/5/1955. Trong thời gian này, đã có 90.000 cán bộ Việt Minh tập kết ra Bắc, đồng thời gần 1 triệu tín đồ Thiên Chúa giáo di cư từ Bắc vào Nam.
Tháng 2/1956, Phạm Xuân Ẩn tham gia Sư đoàn 25 hoạt động ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông nói: "Trên thực tế, tôi phục vụ cho cả ba quân đội. Đó là quân đội Pháp thời kỳ chuyển tiếp; quân đội Nam VN khi tôi giúp họ lập ra Sư đoàn bộ binh nhẹ; và các lưc lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng". Thực ra thì ông có vai trò với 5 quân đội của Mặt trận DTGP, quân đội Việt Minh, Pháp, Mỹ và quân đội Sài Gòn.
Từ tháng 4/1956, tổ chức Huấn luyện vũ khí Tổng hợp (CATO) đã thay thế TRIM và có nhiệm vụ tham mưu cho MAAG - cơ quan kiểm soát tất cả những đơn vị độc lập trên chiến trường - để giao nhiệm vụ cho các trường đào tạo và chỉ huy sở của phía VN. Phạm Xuân Ẩn được chuyển từ TRIM sang CATO với trách nhiệm xử lý hồ sơ, phỏng vấn các sĩ quan trước khi được chọn/cử sang Mỹ huấn luyện về chỉ huy. Điều này giúp ông quen biết với nhiều sĩ quan mà sau đó trở thành những mối quan hệ không thể thiếu được trong nhiệm vụ tình báo của ông, trong số họ có trung tá Nguyễn Văn Thiệu (sau này trở thành Tổng thống VNCH); thiếu tá Cao Văn Viên (sau này trở thành Tổng tham mưu trưởng liên quân); Nguyễn Chánh Thi (sau này trở thành tướng Chỉ huy trưởng Quân đoàn I); đại úy Lê Nguyên Khang (sau này trở thành Chỉ huy trưởng Thủy quân lục chiến).
Phạm Xuân Ẩn bắt đầu làm quen với Đại tá Edward Lansdale với mục đích để bảo vệ vỏ bọc đồng thời có điều kiện nhìn sâu vào cách tư duy của người Mỹ. Lansdale là Giám đốc Phái đoàn quân sự ở Sài Gòn (SMM), một đơn vị CIA tách khỏi cơ quan thông thường. Lansdale đã có mặt ở Sài Gòn từ 1954. SMM phụ trách các hoạt động của lính dù dưới vỏ bọc và thực thi các nhiệm vụ của MAAG ở Đông Dương. Nhóm CIA thứ hai dưới sự chỉ huy của trưởng trung tâm chịu trách nhiệm về các hoạt động tình báo thông thường và làm việc dưới vỏ bọc là những nhà ngoại giao trực thuộc Đại sứ quán Mỹ. Lansdale là nhân vật huyền thoại trong vai trò đánh bại những người CS Huk ở Philippines. Dưới vỏ bọc Trợ lý Tùy viên Không quân, Lansdale có nhiệm vụ chính là tạo ra một chính phủ phi CS ở miền Nam VN. Lansdale coi Phạm Xuân Ẩn là 1 tiềm năng để có thể tuyển dụng với mục đích phục vụ cho cuộc chiến tranh chống lại chủ nghĩa CS và muốn ông học ở Trường hạ sĩ quan tình báo và tâm lý chiến (NCO). Nhưng Mười Hương đã chỉ đạo Phạm Xuân Ẩn nên tránh việc này vì quá mạo hiểm. Nếu ông gia nhập lực lượng này thì khả năng sang Mỹ học ngành báo chí khó thực hiện được. Ông Mai Chí Thọ nói: "Phạm Xuân Ẩn là điệp viên duy nhất mà chúng tôi cử sang Mỹ...". Mai Chí Thọ khi đó là người đứng đầu bộ phận tình báo ở miền Nam đã cùng những người khác làm tất cả mọi điều chỉ để đảm bảo chắc chắn rằng Phạm Xuân Ẩn được Mỹ đào tạo bài bản và được bảo vệ tuyệt đối nhằm thực hiện được nhiệm vụ của ông được tổ chức giao phó.
Ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc với Lansdale, Phạm Xuân Ẩn đã gây ấn tượng và làm Lansdale rất thích ông với nhận xét bằng câu nói đùa mà Lansdale hay dùng mỗi khi gặp nhau: "Ẩn, anh có thể trở thành một điệp viên dễ sợ đấy". Khi Phạm Xuân Ẩn nói với Lansdale rằng ông muốn được học báo chí, Lansdale lập tức đề nghị được đứng ra bảo trợ cho ông đồng thời liên hệ ngay với Quỹ Á châu. Quỹ này thành lập năm 1954 với ngân sách hoạt động vào thời gian đó là gần 8 triệu USD và là công cụ độc quyền của CIA thực hiện các hoạt động văn hóa, giáo dục... thay mặt cho chính phủ Mỹ.
Còn với Rufus Philips, 1 điệp viên từng được nhận Huy chương tình báo danh dự của CIA vì những công trạng đối với Phái bộ quân sự Mỹ ở Sài Gòn, thì Phạm Xuân Ẩn là người "sắc sảo và giữ được sự cân bằng nhất (trong số tất cả những người VN mà Philips từng gặp) với tư cách một nhà quan sát đối với cả Mỹ và Việt Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh lâu dài".
"Trong cuộc đời, tôi thực sự được hưởng trọn hai năm yên bình khi tôi ở California"
Phạm Xuân Ẩn đã viết như vậy trong thư gửi Rosann và Rich Martin ngày 13/12/1969
Tối thứ bảy ngày 12/10/1957, chàng trai 30 tuổi Phạm Xuân Ẩn đặt chân xuống California.
Do một sự trục trặc về giấy tờ từ cơ quan xuất nhập cảnh của VNCH, Phạm Xuân Ẩn đã phải điện thoại cho Ngô Đình Cẩn yêu cầu giúp đỡ. Và hồ sơ của Phạm Xuân Ẩn được chuyển tới BS Trần Kim Tuyến để kiểm tra với phía Mỹ về tính cách và lòng trung thành của Phạm Xuân Ẩn. Chỉ riêng lời khuyến nghị của Lansdale cũng đã đủ để Trần Kim Tuyến duyệt ngay thủ tục của Phạm Xuân Ẩn, giúp ông kịp thực hiện được chuyến đi Mỹ. Từ lúc đó, cuộc đời của điệp viên CS Phạm Xuân Ẩn và cuộc đời của kẻ chống Cộng khét tiếng Trần Kim Tuyến được đan dệt vào nhau mãi mãi.
Trần Kim Tuyến là Trưởng phòng nghiên cứu chính trị - xã hội (SEPES - Service d'Etudes Politiques et Sociales), làm việc trong khuôn viên Phủ Tổng thống và báo cáo trực tiếp cho Ngô Đình Nhu, cơ quan này quan hệ chặt chẽ với CIA và chỉ sử dụng các nhân viên trung thành với Nhu và Tuyến. Cơ quan an ninh và tình báo Phủ Tổng thống này là 1 đơn vị cảnh sát mật có vòi bạch tuộc vươn tới mọi ngóc ngách của xã hội Nam VN.
Và như thế, Phạm Xuân Ẩn đã nhập học chậm vài tuần sau khi lớp học của ông đã khai giảng. Ông có nhiều kỷ niệm với ngôi trường này và 1 lần trong số đó đã xảy ra vào buổi khiêu vũ vào ngày cuối tuần đầu tiên. Tối hôm đó, đang hy vọng mình chỉ là người thừa đứng ngoài xem thôi, nào ngờ 1 bạn nữ sinh viên đến mời Phạm Xuân Ẩn ra nhảy cùng. Phạm Xuân Ẩn hoàn toàn bối rối. Nói đúng theo nghĩa đen thì lúc đó, ông như bị đóng băng tại chỗ vì xưa nay ở VN ông chưa hề khiêu vũ, cũng chưa từng nắm tay 1 người phụ nữ nào. Cô nữ sinh viên vừa mời vừa ép buộc Phạm Xuân Ẩn ra nhảy, nói rằng cầm tay khi khiêu vũ thì OK. Cuối buổi tối hôm đó, cô nữ sinh gợi ý Phạm Xuân Ẩn nên đăng ký học một lớp khiêu vũ thay cho môn thể dục. Tám tháng sau, Phạm Xuân Ẩn trở thành 1 tay nhảy cừ. Khi tổng kết năm học đầu tiên, trong 1 bài viết để đăng trên tờ báo của trường "the Barnacle", Phạm Xuân Ẩn viết rằng: "Lớp học khiêu vũ giải trí đã giúp tôi khắc phục được sự ngượng ngùng cao độ của mình chỉ vì sự khác biệt về văn hóa".
Một trong những mặt nổi bật của Phạm Xuân Ẩn trong thời gian ở California là mức độ ông học được tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống ở trường. Nói một cách nôm na là ông đã thấm vào nền văn hóa Mỹ. Trong khi nhiều điệp viên phải chấp nhận mình luôn ở 1 vị trí không nổi bật, thì Phạm Xuân Ẩn lại chọn cách thâm nhập vào cuộc sống để tạo thêm vỏ bọc cho mình.
Hai năm sống và học tập ở Mỹ rồi cũng trôi qua. Việc phải nói lời chia tay với đất nước này khó khăn hơn nhiều so với khi nói lời chào gặp mặt. Phạm Xuân Ẩn thổ lộ với bạn bè của mình ở trường như sau: "Mặc dù tôi rất mong trở về để được nhìn thấy Tổ quốc của mình nhưng sao ý nghĩ về việc phải xa Trường Orange Coast College, nơi khởi nguồn việc học của tôi ở Hoa Kỳ, đã gợi một nỗi buồn không thể tả nổi trong tâm trí tôi".
Quỹ Á châu đã thu xếp 1 học bổng cho Phạm Xuân Ẩn và ông chuẩn bị 1 giai đoạn thực tập tại báo Sacramento Bee. Ở đây, với khả năng viết lách của mình, Phạm xuân Ẩn đã trở thành 1 người nổi tiếng ở Sacramento. Sau đó ông tiếp tục đi thực tập nghề báo dưới danh nghĩa phóng viên báo Sacramento Bee ở trụ sở Liên hợp quốc. Tại đây, Phạm Xuân Ẩn đã chứng kiến nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrusev phát biểu trước đại hội đồng LHQ. Khi vẫn còn mải mê thực tập thì Phạm Xuân Ẩn được tin Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa III) họp tại Hà Nội đã ra Nghị quyết về việc bắt đầu cuộc chiến tranh du kích ở miền Nam VN. "Khi tôi được tin về những người CS trở lại chiến tranh, tôi đã biết tôi phải trở về quê hương". Phạm Xuân Ẩn đã quyết định như vậy. Ông bán chiếc xe hơi của mình tại New York và trở về California dự các cuộc họp với Quỹ Á châu để chuẩn bị cho cuộc trở về VN của ông. Ông hoàn toàn có thể tiếp tục ở lại Mỹ vì cho tới lúc đó, Phạm Xuân Ẩn chưa hề nhận được chỉ thị nào về việc ông phải trở về VN.
Các bạn xem tiếp ở đây
Ghi lại từ cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman
Khi Lansdale giới thiệu Phạm Xuân Ẩn (PXA) với Tiến sĩ Elon E. Hildreth, Trưởng phòng giáo dục thuộc Phái bộ Tác chiến Hoa Kỳ (sau này là cố vấn trưởng cho Bộ Giáo dục Chính phủ VNCH từ 1956-1958), Hildreth nhận thấy đây là 1 ứng cử viên hoàn hảo vì PXA nói được tiếng Anh, thông minh, lại được sự thông qua của Lansdale, 1 chuyên gia hàng đầu của Mỹ về chống Cộng nên đã liên lạc với bạn thân của mình là Tiến sĩ Basil Peterson, Chủ tịch Trường Đại học Orange Coast, để PXA có thể học tại đây.
ReplyDelete..."không một ai trong số những người bạn của Phạm Xuân Ẩn thù ghét ông khi họ được biết ông là một tình báo viên Cộng sản. Phạm Xuân Ẩn phải là người như thế nào thì mới có thể xây dựng được những tình bạn bền lâu trên một nền tảng giả dối, mà khi sự giả dối đó bị bóc trần vẫn không ai trong số những người bạn ấy cảm thấy bị phản bội?"
ReplyDelete...
Phạm Xuân Ẩn có niềm tin rằng ông không bao giờ tham gia vào bất cứ hành động nào phản bội lại nhân dân Mỹ." (Larry Berman)
Về những ngày đi học ở Mỹ, Phạm Xuân Ẩn kể: "Chính người Mỹ dạy tôi nhiều bài học bổ ích. Tôi còn nhớ, trước khi đi, bên nhà dặn tôi phải ráng học cho xuất sắc. Tôi vâng lời. Một hôm, bà giáo dạy môn Anh văn hỏi: Tôi thấy môn này anh đã giỏi rồi, đâu cần học nữa. Tôi nghi anh qua đây không phải để học mà làm chuyện khác. Giật mình, tôi ráng trả lời một cách bình thản: Nước tôi nghèo, nên tôi phải ráng học, học bất cứ cái gì có thể để về phụng sự quê hương tôi. Bà đáp: Ừ, bây giờ thì tôi tin anh... Anh bạn học chung lớp cũng thắc mắc tại sao tôi phải cố học cho giỏi. Hắn nói: Mày học xong sẽ về hay ở lại? Nếu ở lại, tao khuyên mày nên đi chơi nhiều hơn. Người Mỹ không thích học quá giỏi, vì học giỏi khó kiếm được việc làm hơn người học trung bình. Người thuê lao động nếu mướn người có học lực khá, họ yêu cầu phải làm việc gấp rưỡi hoặc gấp hai người thường. Và họ cũng không thích mướn những người học giỏi làm chung với người học bình thường. Từ dạo ấy, tôi bắt dầu mê chơi. Một bài học khác. Khi học môn nói chuyện trước công chúng, tôi không hiểu sao bài của mình luôn bị điểm C dù đã gắng hết sức. Tức quá, tôi hỏi chị bạn ngồi kế bên. Chị nói: Vị giáo sư là người không ưa Cộng sản. Mà tôi thì thấy anh ưa dùng từ kiểu Cộng sản. Anh không được điểm cao là phải. Hóa ra là khi ở Việt Nam, tôi hay đọc sách báo Cách mạng viết bằng tiếng Anh. Tôi quen vốn từ vựng Cách mạng và sử dụng nó trong bài kiểm tra mà không biết. Về sau, mỗi lần làm bài, tôi lại nhờ chị sửa giúp từ vựng. Và bài đạt điểm B. Mặt khác, khi về nước tôi không dám giao hảo với nhiều người Việt. Tôi làm báo nhưng làng báo Việt Nam tôi hầu như không quen ai, trừ một vài chủ bút. Ngay cả trong tình cảm riêng cũng phải đè nén lại. Hồi ở Mỹ, tôi có yêu một cô gái và định cưới cô ấy. Nhưng tôi cưới vợ Mỹ thì công việc của tôi sẽ càng rắc rối thêm. Vậy là chúng tôi chia tay nhau." ("Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời", Nguyễn Thị Ngọc Hải)
ReplyDelete