Monday, December 14, 2015

Người Nga nói thật về Chiến tranh Việt Nam: Cuộc chiến tranh "bốn trong một"

Bài viết của chuyên gia quân sự, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga A.Khramchikhin để có thêm một cách nhìn từ người ngoài cuộc về cuộc kháng chiến của chúng ta (chính xác đến đâu ta không bàn tới ở đây). Tất cả các ảnh trong bài này là của tác giả A.Khramchikhin. 

 Máy bay tiêm kích F-4 “Phantom” Mỹ , Đà Nẵng , Việt Nam , ngày 23/4/1972 . Ảnh :AP 

Lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam

Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh mang tính chất thời đại. Chính cuộc chiến tranh này là một cái mốc đánh dấu giai đoạn chuyển từ các cuộc chiến tranh cổ điển quy mô lớn sang một hình thái chiến tranh hoàn toàn mới.
Đây thực sự là một cuộc chiến tranh “ bốn trong một”: cuộc chiến tranh công nghệ cao đầu tiên trong lịch sử (Bộ đội phòng không Bắc Việt chống lại Không quân Mỹ), “cuộc chiến tranh nổi dậy” (chiến tranh du kích trên lãnh thổ Nam Việt Nam chống Quân Mỹ và Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cùng một số đồng minh), cuộc chiến tranh cổ điển (Quân chính quy Bắc Việt Nam chống Quân chính quy Mỹ và Quân đội Việt Nam Cộng hòa), và một cuộc chiến tranh thông tin quy mô lớn. Đối với nhiều chuyên gia quân sự thì trong cuộc chiến tranh du kích câu hỏi ai thắng ai đang còn là một vấn đề cần tranh luận.
Trong các cuộc chiến tranh công nghệ cao và chiến tranh cổ điển thì có thể nói hai bên ở vào thế ngang ngửa (giằng co) chiến lược- có nghĩa là không bên nào có thể hạ đo ván đối phương. Tất nhiên, Mỹ đã có thể sử dụng bom nguyên tử nhưng hiểu rằng điều đó là không cần thiết vì rất nhiều lý do.
Nhưng trong cuộc chiến tranh thông tin thì Bắc Việt Nam đã chiến thắng một cách xuất sắc. Có lẽ chiến thắng trong cuộc chiến tranh thông tin đã giúp những người cộng sản Việt Nam giành chiến thắng trọn vẹn trong cả cuộc chiến tranh nói chung.
Các đơn vị Bắc Việt Nam đã xâm nhập Nam Việt Nam từ giữa năm 1959. Đến cuối năm sau (20/12/1960-ND), Mặt trận giải phóng Miền Nam Việt Nam được thành lập và ngay sau đó Mặt trận này đã thành lập Quân đội riêng của mình.
Để đối phó, đến mùa xuân năm 1961, những đơn vị Quân chính quy Mỹ đã được đưa tới Miền Nam Việt Nam để tăng cường cho các cố vấn quân sự Mỹ đã có mặt tại Nam Việt Nam đến thời điểm đó.
Bắt đầu một cuộc leo thang chiến tranh cổ điển, - tức là từ xung đột quy mô nhỏ biến thành một cuộc chiến tranh nổi dậy quy mô lớn trên lãnh thổ Nam Việt Nam. Những người cộng sản cả Bắc và Nam Việt Nam chiến đấu chống lại Quân đội Mỹ và Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Việc leo thang chiến tranh mở rộngg ra lãnh thổ Bắc Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian, bởi vì nếu không chia cắt được (cắt đứt chi viện) Nam Việt Nam với Bắc Việt Nam thì (Mỹ và Việt Nam Cộng hòa) không thể nào chiến thắng được quân giải phóng Nam Việt Nam. 

 Một trong hai chiếc máy bay lên thẳng H-21 bị bắn hạ trên lãnh thổ miền Nam VN, ngày 11/12/1962 . Ảnh Horst Faas/AP 

Và thời điểm đó đã đến – ngày 02/8/1964, một sự kiện nổi tiếng với tên gọi “ sự kiện Vịnh Bắc bộ ” đã xảy ra – các tàu phóng lôi Bắc Việt Nam tấn công các tàu khu trục Mỹ. Rất có thể là đã không hề xảy ra một cuộc tấn công nào trên thực tế. Chỉ đơn giản là vì hai bên đã không thể không đánh nhau được nữa.
Cho đến thời điểm xảy ra sự kiện “Vịnh Bắc bộ”, quân giải phóng Miền Nam đã kiểm soát 2/3 lãnh thổ và dân chúng Nam Việt Nam.
Nói chung, người Mỹ chỉ hạn chế ở việc sử dụng các đòn tấn công (Bắc Việt Nam) từ trên không. Quả thực, dùng từ “hạn chế” ở đây cũng không ổn lắm. Thực sự là đã không có bất kỳ một “hạn chế” nào (dĩ nhiên, ngoại trừ việc sử dụng vũ khí hạt nhân).
Việt Nam đã phải phải hứng chịu một khối lượng bom nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào trong toàn bộ cuộc chiến tranh (7,5 triệu tấn). Tất nhiên, về phía mình Không quân Mỹ cũng phải gánh những tổn thất không hề nhỏ một chút nào.

Liên Xô giúp đỡ những người cộng sản Việt Nam từ cuối những năm 40. Đã đóng góp đáng kể cho chiến thắng của người Việt Nam trước người Pháp. Chính vì thế mà Liên Xô không thể không giúp Việt Nam trong cuộc chiến với người Mỹ. Khi các cuộc tấn công của Không quân Mỹ bắt đầu tại Miền Bắc, Liên Xô triển khai cung cấp cho Hà Nội các phương tiện phòng không.
Đầu tiên là các máy may tiêm kích MiG-17 (chỉ được trang bị pháo), sau đó là các máy bay tiêm kích siêu âm MiG-21 mang tên lửa “không đối không” và các tổ hợp tên lửa phòng không S-75.
Mối quan hệ giữa Matxcova và Hà Nội cũng đã không hề đơn giản, bởi vì đứng giữa hai nước là Bắc Kinh, ở cả nghĩa đen (địa lý) lẫn nghĩa bóng (chính trị). Cả Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều giúp Bắc Việt Nam, nhưng đến khi cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt thì mối quan hệ giữa hai nước này hoàn toàn bị cắt đứt.
Tuy nhiên, Trung Quốc đơn giản là không thể cung cấp cho Việt Nam những trang bị kỹ thuật tác chiến cần thiết và với khối lượng cần thiết. Chính vì vậy mà sự xích lại gần nhau giữa Hà Nội và Matxcova là điều tất yếu.
Bắc Việt Nam vẫn tiếp tục khôn khéo “cơ động “ giữa Liên Xô và Trung Quốc (cho đến tận đầu những năm 70, khi Trung Quốc nhanh chóng “đi đêm” với Mỹ và vì thế sự bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Nam đã không còn thể “ chữa trị” – thậm chí còn dẫn đến chiến tranh năm 1979).
Còn về mối quạn hệ với các đồng chí Xô Viết thì đôi khi các đồng chí Việt Nam cũng cư xử hơi bất thường. Ví dụ, cố ý lưu các tàu Xô Viết ở cảng Hải Phòng, không những thế lại còn đặt các khẩu đội pháo cao xạ ngay cạnh các tàu.
Có lẽ với tính toán là Không quân Mỹ sẽ không dám mạo hiểm tấn công các tàu Xô Viết. Các phương tiện kỹ thuật quân sự chiến lợi phẩm thu được của Mỹ không phải lúc nào cũng được chia sẻ cho các đồng chí Xô Viết và nếu có thì cũng không gửi ngay lập tức. Mặc dù vậy, người Việt Nam cần phải có cái gì đó để đánh nhau với Mỹ, còn người Nga thì cũng cần phải “ nện” Mỹ và cũng nhân đó để thử nghiệm các loại vũ khí mới của mình.
Để có thể sử dụng vũ khí hiện đại thì trước tiên phải hướng dẫn người Việt Nam. Đây là một việc làm không dễ dàng nhưng rất có triển vọng (khác với những gì đã diễn ra ở phần lớn các nước Trung Đông, đặc biệt là các nước Châu Phi nhiệt đới – những nước tiếp nhận sự trợ giúp quân sự của Liên Xô). Những người Việt Nam dám đánh và biết đánh.
Đối với những loại vũ khí tương đối đơn giản thì người Việt Nam tiếp thu tốt và nhanh đến nỗi chỉ một thời gian ngắn sau đã có thể dạy lại cho các “thầy Xô Viết” cách sử dụng chúng trong chiến đấu như thế nào. Cụ thể là sử dụng pháo phòng không (2/3 số máy bay và máy bay lên thẳng bị bắn rơi trên bầu trời cả hai miền là công của pháo phòng không). 

Lính đặc nhiệm Mỹ đổ bộ từ máy bay lên thẳng H-21 , Nam Việt Nam, 04/01/1963. Ảnh: Horst Faas/ AP Photo  

Việc huấn luyện các phi công có phức tạp hơn. Thứ nhất, về mặt kỹ thuật – hiểu theo nghĩa đen – máy bay là phương tiện kỹ thuật phức tạp. Thứ hai, về thể lực. Phần lớn các phi công Việt Nam nhỏ người và có thể lực yếu hơn so với các đồng nghiệp Xô Viết, họ chịu lực quá tải kém hơn, ca bin máy bay cũng “hơi rộng “ so với khổ người của họ.
Có lẽ vì lý do này mà các phi công Việt Nam cho đến cuối chiến tranh vẫn thích MiG-17 cũ hơn là MiG-21 mới. MiG-17 dễ khai thác sử dụng, kích thước nhỏ hơn và tốc độ thấp hơn (vì thế phi công chịu lực quá tải ít hơn) nhưng lại rất cơ động. Mặc dù có khó khăn với MiG-21, người Việt Nam cũng đã chiến đấu với MiG-21 rất xuất sắc. 
Ngày 27/12/1972, phi công Phạm Tuân (nhà du hành vũ trụ Việt Nam sau đó) lái MiG-21 đã bắn rơi chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ. Cho đến tận hôm nay, không có bất kỳ một phi công nào khác có thể lặp lại chiến công như vậy.
Tháng 4/1972, các phi công Việt Nam còn chiến thắng trong cuộc tấn công các tàu chiến Mỹ, bắn hư hỏng nặng một tàu khu trục Mỹ, mặc dù MiG được thiết kế không phải để thực hiện những chức năng như vậy (cho đến tận hôm nay, đây là cuộc tấn công các tàu của Hải quân Mỹ thành công duy nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai).
 Lực lượng không quân khổng lồ, được huấn luyện và trang bị cực kỳ tốt của Mỹ đã không thể nào đánh sập được lực lượng không quân non trẻ và có vẻ thô sơ của Bắc Việt Nam.
Về tổn thất của các hai bên trong các cuộc không chiến, dĩ nhiên, có sự khác biệt rất đáng kể trong các số liệu mà hai phía đưa ra. Có lẽ Không quân Bắc Việt đã mất 70 phi công và 145 máy bay – 75 MiG- 17, 05 J-6 (nhái MiG-19 của Trung Quốc), 65 MiG—21.
Đại đa số các máy bay nói trên là bị F-4 “ Phantom” bắn hạ .Về phần mình, các MiG -17 của Việt Nam đã bắn hạ ít nhất 16 F-4, 13 F-105, 04 F-8, 02 A-4, 02 A-1, 01 RF-8A, 01 RC-47, 01 máy bay lên thẳng CH-3C. J-6 chỉ băn rơi 03 F-4D.
Thành tích xuất sắc nhất, dĩ nhiên là thuộc về các phi công MiG-21 – 02 chiếc B-52 (chiếc thứ hai bị tiêu diệt khi MiG-21 của phi công Vũ Xuân Thiều lao thẳng vào), 38 đến 44 chiếc F-4, 16 đến 24 F-105, 02 F-8, 01 F-102, 01 A-4 ( hoặc là A-7) , 01 hoặc 3 chiếc EB-66C, 01 hoặc 02 RF-101, 01 RA-5C, 01 máy bay lên thẳng HH-53. Ngoài ra, các phi công Bắc Triều Tiên cũng tham chiến với MiG-21 và họ đã bắn hạ 01 F-4B, 01 RF-4C, 01 F-105D.

Phi công Mỹ lắp vũ khí cho máy bay lên thẳng UH-1 chuẩn bị giao chiến với quân giải phóng tại tỉnh Vĩnh Long ,Nam Việt Nam, 18/3/1963 . Ảnh : Horst Faas/AP  

Mỹ chính thức thừa nhận là mất 114 máy bay trong các trận không chiến với Không quân Bắc Việt Nam, trong đó có 02 B-52, 59 “Con ma” (Phantom) - mỗi Phantom có 02 phi công và 03 máy bay lên thẳng.

Lê Hùng lược dịch (còn nữa)

2 comments:

  1. Về cuộc chiến tranh thông tin được nêu trong bài, tôi xin trích lại nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về "PERFECT SPY" Phạm Xuân Ẩn: "Giờ đây, chúng ta có mặt cả trong phòng tác chiến của Mỹ".
    Sau chiến tranh, Phạm Xuân Ẩn được phong quân hàm cấp tướng (chỉ có 2 sĩ quan tình báo được thăng cấp như vậy) cùng với việc tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ND.

    ReplyDelete
  2. Trần Trường Sơn: Lịch sử Việt nam đã ghi lại rất nhiều cuộc chiến., từ thời Nguyễn trở về trước thì là Việt nam chống ngoại xâm.
    Những cuộc chiến thời hiện đại thì khác.
    Sau lưng, bên cạnh bộ đội miền Bắc có các đồng minh Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức, Ba Lan,...
    Phía VNCH có Mỹ, Hàn Quốc, Philippines...
    Nhìn rõ ràng, họ đưa vũ khí, tranh thiết bị quân sự ... sang đất Việt, cho người Việt diệt nhau.

    ReplyDelete