Saturday, December 26, 2015

Cuộc chiến tranh Việt Nam qua điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn (8)

Giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh

Đợt tấn công có kế hoạch tiếp theo cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân bắt đầu từ ngày 4/5/1968. Đây là 1 cuộc tấn công vào 119 cơ sở, thị trấn, thị xã và thành phố miền Nam. Các đơn vị đặc công và pháo hạng nặng đã đánh vào các mục tiêu như Dinh Tổng thống, nhà riêng của Đại sứ Mỹ, Văn phòng Đại sứ quán Mỹ. William Tuohy viết: "Chính phủ đã có một thời kỳ rất khó khăn trong tháng năm mà không nhổ được hết rễ của Việt Cộng. Việt Cộng đã cắm được một lá cờ của họ trên cầu chữ Y". Loạt tấn công lần này có đặc điểm là đột nhập thành công vào khu vực Chợ Lớn.
Một kế hoạch chặn đường tiếp viện của Hà Nội vào miền Nam VN đã được vạch ra từ tháng 11/1970. Theo kế hoạch, cuộc tấn công này phải được bắt đầu trước mùa mưa nhằm làm gián đoạn việc sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh trong 1 thời gian dài hơn nhiều so với sự gián đoạn bình thường của mùa mưa.
Ngày 8/2/1971, 20.000 quân VNCH vượt biên giới sang vùng cán xoong của Lào. Cuộc hành quân này mang bí danh "Lam Sơn 719". Mục tiêu trước mắt của cuộc hành quân này là 1 thị trấn nhỏ của Lào mang tên Sêpôn, cách biên giới với VN khoảng 30km. Nó nằm kề Đường 9, mọi nhánh của đường mòn Hồ Chí Minh đều đi qua vùng này.
Phạm Xuân Ẩn đã gửi báo cáo về kế hoạch "Lam Sơn 719" cho Trung ương Cục miền Nam. Lập tức, mọi công việc chuẩn bị đối phó với cuộc hành quân này được tiến hành.
Sau đó, Đại tướng Cao Văn Viên và Trung tướng Đồng Văn Khuyên đã đánh giá: "Đối phương đã không bất ngờ về trận Lam Sơn 719 và họ đã chuẩn bị đầy đủ để đối đầu với các lực lượng của chúng ta".
Trong trận này, quân Bắc VN mất hơn 20.000 quân, nhưng quân đội Sài Gòn trong lần ra quân lớn đầu tiên không có cố vấn Mỹ và lính Mỹ, đã mất hơn một nửa lực lượng. Phía Mỹ mất 108 máy bay trực thăng cùng với 618 chiếc khác bị phá hỏng.

Ngày 3/10/1971, 87% của 7 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu ở miền Nam VN đã đi bầu cho 1 ứng cử viên duy nhất. Nguyễn Văn Thiệu thu được 94% số phiếu. Trước đó, Phạm Xuân Ẩn nói với Tướng Dương Văn Minh, tức Minh "Lớn", một thủ lĩnh phái trung lập được ưa thích nhất trong số các nhà lãnh đạo của miền Nam VN, rằng: nếu Minh "Lớn" ra tranh cử với Nguyễn Văn Thiệu thì chỉ đóng vai trò như 1 tấm thảm đỏ của người Mỹ thôi. Họ chỉ cần Minh "Lớn" tham gia để cuộc bầu cử có vẻ dân chủ. Người Mỹ cần Nguyễn Văn Thiệu thắng cử. Nguyễn Văn Thiệu là người của Mỹ. Vì thế, Minh "Lớn" đã ra tranh cử nhưng đến phút chót thì bỏ cuộc.

Ngày 30/3/1972, những người CSVN bắt đầu mở đợt tổng tấn công mới. Đây là trận đánh lớn nhất trong suốt thời kỳ Chiến tranh VN do quân đội Bắc VN tiến hành, kéo dài 6 tháng. Cuộc tấn công này nhằm giáng 1 đòn chí mạng vào các lực lượng Quân đội VNCH. Đại tướng Võ Nguyên Giáp hy vọng sử dụng các làn sóng quân đội ào ạt tấn công chiếm giữ lãnh thổ, kể cả những thành phố lớn ở miền Nam như Huế, Đà Nẵng. Điều này giúp cho quân đội Bắc VN có nhiều lợi thế khi tấn công vào Sài Gòn.
Nixon tin rằng Hà Nội đã tự cam kết là mở chiến dịch "được ăn cả, ngã về không" trong năm 1972.
Các máy bay ném bom đã không kích, mở đường tạo sự hỗ trợ tầm gần cho bộ binh của quân đội Sài Gòn. Kết quả cuối cùng là quân đội Bắc VN bị mất 50.000 quân và ước tính khoảng 225 xe tăng và trọng pháo bị phá hủy.
Cuộc tổng tấn công năm 1972, về mặt ngắn hạn, rõ ràng là 1 thất bại về quân sự của miền Bắc VN. Bằng việc dàn quân ra ba mặt trận và tấn công ào ạt trong nhiều đợt, quân đội miền Bắc VN bị căng ra quá mỏng. Thực tế đã cho thấy họ không đủ hỏa lực để dội vào bất kỳ 1 điểm nào để giành được vùng lãnh thổ lớn. Vì nhịp độ nhanh của các cuộc tấn công thông thường, một số đơn vị của quân đội Bắc VN bị thương vong nhiều (một số tiểu đoàn bị rút quân số xuống còn 50 người). Điều này khiến họ chiến đấu kém hiệu quả trong thời gian gần 2 năm. Thực tế về những kết quả đáng thất vọng của cuộc tấn công này đã buộc Hà Nội phải đi đến quyết định tìm kiếm 1 cách giải quyết thông qua thương lượng. Họ đã đánh giá sai Nixon và cho rằng giờ đây, dường như Richard Nixon đang tiến tới thắng lợi tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Đảng CS vẫn giữ được quyết tâm, không nao núng. Họ đã thấy cơ hội xuất hiện đó là việc Quân đội VNCH đang thực hiện kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ. Điều này ngẫu nhiên trùng hợp với thời kỳ bầu cử tổng thống ở Mỹ, mà trong cuộc bầu cử này, tất cả không thể đoán trước được điều gì. Đó là lý do tại sao họ chấp nhận rủi ro khi mở đợt tấn công.
Ngày 1/4, Richard Nixon ra lệnh ném bom miền Bắc VN trong phạm vi 40km của khu phi quân sự.
Ngày 14/4, Nixon ra lệnh ném bom đến vĩ tuyến 20.
Hội nghị Paris bị ngừng lại. Tại 1 cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc Gia, Nixon nói: "Miền Bắc VN sắp phải bị ném bom với mức độ ác liệt chưa từng thấy". Sau lời tuyên bố này là những trận tấn công bằng không quân thành công nhất trong thời gian chiến tranh với bom điều khiển bằng tia laser và 1 chiến dịch ném bom lớn nhất trong lịch sử thế giới mang tên "Cuộc hành quân Linebacker I" (Operation Linebacker I) kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1972. Lúc này, Hội nghị Paris hoàn toàn bế tắc và đổ vỡ do 2 phía Việt Nam DCCH và Mỹ bất đồng về các điều khoản trong hiệp định.
Về Hội nghị Paris, nơi đối đầu chủ yếu giữa phái đoàn Việt Nam DCCH và Mỹ, các cuộc đấu trí giữa Lê Đức Thọ và Henry Kissinger đã trở thành những giai thoại trong lịch sử ngoại giao thế giới. Ngay tại cuộc gặp nhau đầu tiên ở Paris ngày 20/2/1970, ông Lê Đức Thọ đã thách thức Ngoại trưởng Mỹ bằng 1 bài phát biểu cùng 1 kiểu với bài diễn văn khi ông kết nạp đảng viên mới Phạm Xuân Ẩn ở rừng U Minh ngày trước: "Nếu thế hệ chúng tôi chưa giành được thắng lợi, thì thế hệ các con, các cháu của chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh. Chúng tôi thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ một lần nữa. Đây là ý chí gang thép của chúng tôi. Chúng tôi đã từng đấu tranh hai mươi lăm năm chống lại Pháp và Mỹ. Các ông muốn dập tắt tinh thần của chúng tôi bằng bom đạn. Nhưng các ông không thể bắt buộc được chúng tôi phải khuất phục... Các ông đe dọa chúng tôi. Tổng thống Nixon đe dọa chúng tôi. Nhưng nếu các ông từng đọc lịch sử của chúng tôi thì biết, chúng tôi đã đấu tranh chống Pháp trong chín năm. Khi đó chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Như tôi đây này, tôi tham gia kháng chiến chống Pháp mà chẳng biết gì về quân sự. Thế mà chúng tôi vẫn thắng... Đây không phải là một sự thách thức. Tôi nói thật đấy. Chúng tôi là một dân tộc nhỏ. Chúng tôi không thách thức được ai. Chúng tôi đã từng bị đô hộ trong nhiều năm... Tôi tin rằng chúng tôi sẽ thắng".
Và Nixon đã quyết định thực hiện điều chưa từng thấy trong cuộc chiến tranh VN để bẻ gãy ý chí của những người lãnh đạo CSVN. Lần này, ý định của Mỹ là dùng sức mạnh và biện pháp không hạn chế, tấn công dồn dập bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 đánh thẳng vào các trung tâm đầu não ở miền Bắc VN. Trong Cuộc hành quân  mang tên "Linebacker II" này, Mỹ đã sử dụng lực lượng không quân chiến lược với B-52 làm nòng cốt ném bom rải thảm hủy diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác trong 12 ngày đêm liên tục. Đây là 1 chiến dịch ném bom dữ dội nhất trong Chiến tranh VN và là 1 trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Trong 12 ngày, từ 18/12 đến 30/12/1972, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá số lượng bom đã ném trong toàn bộ thời gian từ 1969 đến 1971.
Mặc dù gây ra những tổn thất nặng nề cho miền Bắc VN, nhưng Mỹ vẫn không thể thay đổi được lập trường của Hà Nội. Hơn nữa, cuộc không kích đã gây 1 làn sóng bất bình của người Mỹ và dư luận trên thế giới trong đó có cả những đồng minh của Mỹ, uy tín của chính phủ Mỹ bị xuống thấp cùng với sự thiệt hại của lực lượng không quân chiến lược do vấp phải sự chống trả quyết liệt của đối phương. Trước tình hình đó, Tổng thống Richard Nixon đã phải ra lệnh chấm dứt chiến dịch vào ngày 30/12, đề nghị nối lại đàm phán tại Paris và cuối cùng nhanh chóng ký kết Hiệp định Paris trên cơ sở dự thảo mà phía Mỹ trước đó đã từ chối ký, đây là bản đã được ký tắt vào tháng 10/1972.
(còn nữa)

Ghi lại từ cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman

3 comments:

  1. Trong giai đoạn này, Phạm Xuân Ẩn đã đánh giá chính xác về chiến lược của CS khi cung cấp cho Shaplen, người bạn phóng viên của ông làm việc cho "New Yorker" tại Hong Kong, như sau: "Giờ đây không có quân Mỹ tham chiến cùng Quân đội Viêt Nam Cộng hòa, tất nhiên là một sự thay đổi sống còn. Năm 1965, họ đã phải chuẩn bị để đánh nhau với 200.000 quân Mỹ và họ đã hình dung ra tình thế này, nhưng giờ đây... Tháng 5 và tháng 8/1968 được thiết kế để buộc chúng ta phải vào bàn đàm phán và ngừng ném bom. Thậm chí vì những lý do ngoại giao, họ đã phải chấp nhận hy sinh nhiều người, buộc chúng ta phải xuống thang. Về mặt chiến lược, họ thắng chúng ta, tuy nhiên, về sách lược họ thua, nhưng là thua xứng đáng... Mặt trận Tổ quốc đã phải tổ chức đánh giá lại. Đảng Cộng sản đã nhận ra rất nhanh. Mỹ đã tìm cách câu giờ cho Chính quyền Sài Gòn, nhưng chính việc thiếu sự lãnh đạo đã không cho phép Chính quyền Sài Gòn tận dụng được lợi thế của thời gian mang lại. Do đó, sự lãnh đạo chính trị, chứ không phải là các nhà lãnh đạo, vẫn còn là một vấn đề then chốt".

    ReplyDelete
  2. Các trận không kích Linebacker còn được coi là 1 thông điệp cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rằng CS sẽ phải chịu sự trừng phạt không khoan nhượng như vậy, nếu họ vi phạm bất cứ điều khoản nào của Hiệp định Paris... Nguyễn Văn Thiệu từng được cho biết bóng gió rằng Kissinger dự định sẽ ký 1 hiệp định vào tháng 1/1973. Sự lựa chọn của Nguyễn Văn Thiêu là chấp nhận. Ông ta đành phải chấp nhận trước lời hứa của Nixon rằng Mỹ sẽ đưa máy bay B-52 tới ném bom ngay từ khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên CS vi phạm. Nếu không chấp nhận, Thiệu sẽ phải đứng trước tình trạng quân đội không được hỗ trợ gì.
    Dựa vào những lời đảm bảo riêng của Nixon rằng miền Nam VN sẽ không bao giờ bị bỏ rơi, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bớt nghiêm khắc hơn với những lực lượng đối lập với mình. (Điệp viên hoàn hảo, tr.333)

    ReplyDelete
  3. - Từ đầu năm 1972, để đánh lừa dư luận Mỹ trước bầu cử rằng chính quyền Nixon đang sắp đạt được một giải pháp chính trị cho chiến tranh ở Việt Nam, tại Paris, phía Mỹ đồng ý cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi vào đàm phán “bí mật”. Cuộc đấu trí lịch sử giữa đồng chí Lê Đức Thọ và Kissinger bắt đầu. Đến lúc này, cả trên hai mặt trận quân sự và ngoại giao đều vào hồi quyết liệt.

    Ở trong nước, chiến tranh lên đến đỉnh cao ở cả hai miền. Đường mòn Hồ Chí Minh bị bắn phá 24/24 giờ mỗi ngày. Các cảng ở miền Bắc bị thả thủy lôi bao vây. Tháng 3/1972, quân dân ta bắt đầu cuộc tiến công lớn ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Quảng Trị - Thừa Thiên. Chiến dịch ở Quảng Trị kéo dài đến tháng 9/1972 là một trong những chiến dịch ác liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam. Ở Paris, chúng tôi từng giờ hướng về Quảng Trị, đặc biệt về cuộc chiến đấu ở Thành cổ nổi tiếng.
    - Trong tháng 9-10/1972, giữa đồng chí cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy và ông Henry Kissinger, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nixon, có những cuộc tranh cãi “nảy lửa” xung quanh bản Dự thảo Hiệp định Paris. Đến đầu tháng 10/1972, hai bên đã thỏa thuận cơ bản một bản dự thảo và dự định đến ngày 30/10 sẽ ký Hiệp định Paris nhằm chấm dứt chiến tranh.

    Những ngày này hai đoàn đàm phán chúng tôi hoạt động rất nhộn nhịp. Đoàn miền Nam tăng cường các cuộc tiếp xúc để làm rõ thêm lập trường của ta, tố cáo địch ngoan cố muốn kéo dài chiến tranh. Nhiều đại biểu các nước muốn biết kết quả của các cuộc tiếp xúc “bí mật”. Chúng tôi vừa phấn khởi, vừa lo lắng...

    Quả nhiên đầu tháng 11/1972, khi Nixon thắng cử, thì ông ta liền lật lọng, đòi sửa lại nội dung Hiệp định. Và để buộc Việt Nam chấp nhận, ông ta đã tiến hành cuộc không kích tội ác liên tục 12 ngày đêm, từ ngày 18-31/12/1972 bằng B52 xuống Hà Nội, Hải Phòng. Chúng tôi vô cùng lo lắng và hồi hộp theo dõi tình hình trong nước. Đến khi nghe tin chiếc máy bay B52 đầu tiên bị bắn rơi ở Hải Phòng, rồi Hà Nội, liên tiếp bắn rơi một, hai, ba máy bay B52... chúng tôi vui mừng khôn xiết, tin rằng cuộc oanh kích cực kỳ dã man này của kẻ thù nhất định bị quân đội và nhân dân anh hùng của chúng ta đánh bại. Sau này, tôi được biết từ những năm 1960, Bác Hồ đã tiên đoán: “Kinh nghiệm ở Triều Tiên, Mỹ cuối cùng sẽ dùng B52 để đe dọa chúng ta. Mỹ sẽ chỉ chịu thua sau khi đã thua trên bầu trời Hà Nội”.

    Và theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc Phòng, từ đó quân đội ta đã nghiên cứu cách hạ máy bay B52. Quả là Bác đã nhìn xa và quân đội ta thật anh hùng, thông minh. Chính thắng lợi quyết định của Hà Nội đã buộc Mỹ phải ký vào bản Hiệp định Hòa bình Paris.
    (Bà Nguyễn Thị Bình,2013, trong bài "Ngày không thể quên trong cuộc đời" trả lời báo VH & TT)

    ReplyDelete