Tổng tấn công Tết Mậu Thân
Cuối năm 1967, Thiếu tá Tư Cang, 40 tuổi, tổ trưởng mạng lưới tình báo quân sự cụm H.63 đến Sài Gòn. Trước đó vài tháng, BCT Trung ương Đảng ở Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức một cuộc tổng tiến công và nổi dậy đánh vào "trung ương thần kinh của chính phủ bù nhìn miền Nam". Mục tiêu chính là Sài Gòn!
Bản Nghị quyết được các giao liên chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh, đến tháng 9/1967 mới tới được Trung ương Cục miền Nam. Ngày hành động được ấn định vào Tết Mậu Thân, tức ngày 31/1/1968. Nghị quyết này chỉ dành chưa đầy 3 tháng để thu thập tin tức tình báo và lên kế hoạch chiến lược cho trận tấn công vào thành phố đàu não của miền Nam.
Ông Trần Văn Trà, Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng ở miền Nam từ năm 1963, lãnh trách nhiệm về các hoạt động chiến thuật và chiến lược trong cuộc tổng tiến công. Ông Trần Văn Trà tin chắc rằng, nếu kế hoạch này được thực hiện thành công, chính quyền Sài Gòn do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu sẽ sụp đổ. Phương pháp hướng dẫn cơ bản là kết hợp giữa tấn công của các đơn vị quân đội với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đô thị, kết hợp giữa tấn công từ bên trong các thành phố với bên ngoài thành phố, và giữa hoạt động quân sự ở nông thôn với hoạt động quân sự ở các trung tâm đô thị. Cuộc tổng tiến công sẽ là chuỗi liên hoàn đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cuối cùng đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ở Sài Gòn, Tướng Trần Văn Trà chọn 5 mục tiêu chính gồm: Dinh Tổng thống, phi trường Tân Sơn Nhất, Tổng nha Cảnh sát quốc gia, Bộ Chỉ huy các lực lượng đặc biệt Sài Gòn, và Trụ sở cơ quan Bộ Tổng tham mưu. Nhóm mục tiêu thứ hai gồm Đài phát thanh Sài Gòn, Bưu điện thành phố, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân, cùng các bến cảng, nhà kho, bốt điện, các cơ sở hậu cần và các cơ quan chính phủ khác.
Sáng sớm ngày 31/1/1968, khoảng 80.000 lính chính quy quân đội Bắc VN và các du kích đã đồng loạt tấn công vào hơn 100 thành phố và đô thị trên toàn miền Nam. Bốn tuần trước khi diễn ra cuộc Tổng tiến công, các lực lượng quân Giải phóng đã mặc thường phục thâm nhập Sài Gòn chuẩn bị cho chiến dịch được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Mục đích là để chứng tỏ rằng không chỉ ở nông thôn không thể bình định được, mà cả ở các đô thị, kể cả Sài Gòn, cũng không còn là nơi an toàn.
Trên trang nhất báo New York Times đăng tấm ảnh chụp tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đang bị tấn công. Lực lượng tấn công gồm các biệt động thành phố đã mở được đường lọt vào bên trong và chiếm 1 phần khuôn viên tòa Đại sứ trong suốt gần 6 giờ liền. Tất cả 19 du kích quân đều thiệt mạng cùng với 4 quân cảnh, 1 lính thủy đánh bộ, 1 nhân viên người VN làm việc trong Đại sứ quán.
Trận tấn công vào Dinh Độc lập vốn được xây dựng vững chắc như 1 pháo đài do ông Tư Cang chỉ huy. Khi cuộc tấn công bị đẩy lùi, Tư Cang nhận thấy mình đang ở trong 1 tòa nhà đối diện với Dinh Độc lập. Ông kể: "Từ chỗ tôi đang ẩn náu, tôi nhìn thấy rõ bên tòa nhà đối diện với tôi anh em bộ đội đặc công của chúng tôi đang chống cự". Ngày 1/2, Walter Cronkite của Đài truyền hình Mỹ CBS đã dành thời lượng 1 phút để nói về trận chiến tại Dinh Độc lập.
Lực lượng tiến công Tết Mậu Thân đã phải chịu nhiều tổn thất. Về điều này ông Trần Văn Trà phải chịu 1 phần trách nhiệm. Ông viết: "Điểm yếu và thiếu sót của chúng ta là ở chỗ chúng ta không có khả năng tiêu diệt được nhiều lực lượng và các nhà lãnh đạo tối cao của đối phương. Các cuộc hành quân đã chưa đủ hiệu quả để làm đòn bẩy cho sự nổi dậy của quần chúng nhân dân... Tuy nhiên, các cuộc tấn công của chúng ta đã tác động đến hệ thống thần kinh trung ương của địch, làm mất ổn định các cơ sở kinh tế, chính trị và quân sự của địch trên toàn miền Nam Việt Nam".
Don Oberdorfer cho rằng, trong trận Tổng tấn công này, phía Việt Cộng mất một nửa lực lượng tham chiến và có lẽ tương đương với một phần tư toàn bộ lực lượng chính quy của họ. Chắc phải mất nhiều năm họ mới có thể phục hồi được như trước. Don Oberdorfer nói: "Việt Cộng đã mất một thế hệ quân kháng chiến, và sau Tết, miền Bắc Việt Nam đã phải đưa vào Nam số lượng quân tăng lên rất nhiều để bù đắp vào chỗ thiếu hụt. Cuộc chiến tranh ngày càng phát triển thành một cuộc chiến tranh thông thường và ít dần những cuộc nổi dậy".
Tuy nhiên, cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân còn mở đầu 1 chuỗi sự kiện đáng kể, bao gồm các cuộc thảo luận như có nên dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Khe Sanh hay không? Vì tại Khe Sanh, các trận đánh vu hồi ác liệt vẫn thường diễn ra. Vào thời điểm đó, Tướng Westmoreland đề nghị bổ sung 6.000 quân. Để đáp ứng được nhu cầu của ông ta, Mỹ phải cam kết đưa vào VN số quân lên tới 750.000 người, thế mà Sài Gòn vẫn chưa an toàn tránh khỏi các cuộc tấn công. Quy mô của cuộc chiến tranh và khả năng duy trì cuộc chiến tranh đó được kiểm soát không phải là do sự vượt trội về kỹ thuật của Mỹ, mà là do đối phương. Trong ý chí tiếp tục cuộc chiến tranh của đối phương không hề có 1 điểm dao động hay suy sụp mơ hồ nào. Ngay từ tối ngày 27/2, Walter Kronkite của Đài Truyền hình CBS đã nói với khán giả Mỹ rằng, cuộc chiến tranh đang đi tới 1 sự kết thúc trong bế tắc. "Chúng ta đã từng quá nhiều lần thất vọng bởi sự lạc quan của các nhà lãnh đạo Mỹ cả ở Nam Việt Nam lẫn Washington, nên không còn tin rằng có thể tìm thấy cái may trong cái rủi tồi tệ nhất nữa. Giờ đây, tình hình càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết rằng cuộc thí nghiệm đẫm máu ở Nam Việt Nam sắp kết thúc trong bế tắc. Nói rằng chúng ta đã sa vào vũng bùn bế tắc, có lẽ đó mới là một kết luận thực tế, tuy chưa làm chúng ta hài lòng".
Trên thực tế, Phạm Xuân Ẩn đã được dự tất cả những cuộc thông báo tin tức quân sự về tình hình an ninh ở Sài Gòn, diễn biến trận đánh, và phản ứng của Mỹ. "Tôi là người duy nhất viết báo cáo rằng chúng ta đã giành được thắng lợi về tâm lý, rằng chúng ta mất mát về người, nhưng chúng ta thắng. Tôi cần phải giải thích tại sao lại như vậy. Báo cáo của tôi có bi quan ở một đoạn tôi nói về việc quân ta không tràn được sang phía bên kia và rằng chúng ta đã mất rất nhiều quân. Tôi cũng báo cáo rằng các chỉ huy Lữ đoàn của ta đã thể hiện tốt vai trò của họ. Xét về mặt chiến thuật, chúng ta không thắng, nhưng về mặt chính trị, chúng ta thắng."
Phạm Xuân Ẩn có được tư duy như vậy là do ông nắm bắt được tâm tư của người bạn ông, Tướng Trần Văn Đôn của Quân đội VNCH cùng 1 số người khác. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại: "Tôi có thể nói rằng tinh thần của Quân đội Việt Nam Cộng hòa sau Tết Mậu Thân xuống rất thấp. Người ta bắt đầu đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc liệu Mỹ có rời bỏ Nam Việt Nam hay không. Thật buồn cười, tôi nhớ rất rõ là sau Tết mậu Thân, Tướng Trần Văn Đôn trở nên lo sợ rằng người Mỹ sẽ phải sớm rút đi vì áp lực của dư luận ở Mỹ. Trần Văn Đôn đến gặp tôi và tôi đã làm cho ông ta yên lòng bằng những thông tin giống như tôi đã gửi vào "rừng" rằng: Đừng lo, các ông đã giành được thắng lợi về mặt quân sự trong trận Tổng tấn công này. Rất nhiều người đã bị chết và sẽ không còn nổi dậy đồng loạt nữa. Người Mỹ sẽ không đi đâu. Tôi đảm bảo rằng họ sẽ ở lại trong nhiều năm, nhiều năm nữa." Phạm Xuân Ẩn nói tiếp: "Tôi cũng đã báo cáo với cấp trên của tôi cùng nội dung như vậy. Chỉ có điều, trong báo cáo gửi cho cấp trên, tôi thêm phần đánh giá yếu tố tâm lý, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng dư luận Mỹ sẽ giúp chúng ta về lâu dài".
Ông Tư Cang nói: "Phạm Xuân Ẩn đã thực sự đóng góp vào những thay đổi lớn lao bắt nguồn từ kết quả của cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Chẳng bao lâu sau, Tướng Westmoreland bị thay thế, Tổng thống Lyndon Johnson phải về vườn và Mỹ phải bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Tất cả những điều này đang thay đổi theo hướng có lợi cho phía chúng tôi. Phạm Xuân Ẩn đã góp phần vào việc lần ra manh mối về toàn bộ kế hoạch chiến tranh của Mỹ. Những báo cáo của Phạm Xuân Ẩn là một chìa khóa để hiểu việc Johnson phải đi tới Paris tìm kiếm hòa bình".
Hậu quả của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy là Mỹ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Sau đó, Johnson được đề nghị cho tăng thêm 206.000 quân Mỹ vào Nam VN. Trước khi đưa ra lời cam kết chính thức, Johnson lập 1 đội công tác chuyên trách đưới sự chỉ đạo trực tiếp của tân Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford. Johnson chỉ thị cho Clifford tìm cách giảm bớt số lính Mỹ bị chết ở VN. Sau đó, Johnson triệu tập 1 cuộc họp với các cố vấn của ông về chính sách đối ngoại để thảo luận về báo cáo. Clifford đi đầu trong việc cố gắng thuyết phục Tổng thống rằng chính sách hiện nay của ông không thể giúp đạt mục đích duy trì hòa bình ở miền Nam VN. "Chúng ta hình như đang có một cái thùng không đáy. Chúng ta càng đổ thêm quân vào thì đối phương cũng tăng quân. Tôi chỉ thấy càng giao tranh nhiều, thì càng gây ra nhiều thương vong hơn cho phía Mỹ và đó là điều sẽ liên tục diễn ra tiếp nối nhau không bao giờ ngừng".
Phát biểu trước toàn thể nhân dân Mỹ ngày 31/3, Johnson nói về 1 nền hòa bình sắp đạt được thông qua thương lượng và kêu gọi ngừng ném bom từng phần. Tổng thống Johnson đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh hãy cùng với ông làm việc nhằm đạt được 1 nền hòa bình thông qua thương lượng. Mỹ đã "sẵn sàng cử các đại diện của mình tới bất kỳ diễn đàn nào, bất kỳ lúc nào để thảo luận các biện pháp nhằm đưa cuộc chiến tranh xấu xí này đến hồi kết".
Tiếp đó, trong 1 cử chỉ phô diễn tỏ ra vì sự đoàn kết dân tộc, Tổng thống đã tuyên bố từ bỏ cơ hội tái cử của mình: "Tôi sẽ không tìm kiếm và sẽ không chấp nhận việc đề cử của đảng tôi cho một nhiệm kỳ nữa với tư cách là tổng thống của các bạn".
Tháng 1/1969, khi Richard Nixon nhậm chức Tổng thống, lực lượng Mỹ ở VN đã vượt quá con số 540.000 quân, phần lớn là lính bộ binh. Hơn 30.000 người Mỹ đã thiệt mạng và cuộc chiến tranh đã nuốt 30 tỷ USD trong năm tài chính 1969. Chỉ riêng năm 1968 đã có 14.500 lính Mỹ bị thiệt mạng. Nixon nêu quyết tâm không để cho cuộc chiến tranh VN làm hỏng nhiệm kỳ tổng thống của ông. Khoảng tháng 3/1969, Nixon đưa ra 1 kế hoạch hành động. Theo đó, Mỹ sẽ bắt đầu thu hẹp vai trò của mình, tìm kiếm những điều kiện để đạt được 1 giải pháp trên cơ sở thương lượng, hai bên đều rút quân đội của mình khỏi miền Nam VN. Kế hoạch của Nixon thực chất là sự phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh, thay vào đó là VN hóa chiến tranh. Như vậy, quân đội VNCH được xây dựng mạnh hơn để có thể gánh vác được vai trò của mình. Mỹ sẽ viện trợ ồ ạt vũ khí và thiết bị quân sự cho VNCH. Có lẽ điều quan trọng nhất lúc này là Nixon thay đổi mục tiêu chính trị trong quá trình can thiệp của Mỹ. Từ chỗ Mỹ gánh trách nhiệm bảo đảm cho miền Nam VN được tự do và độc lập, đến chỗ Mỹ chỉ tạo cơ hội để miền Nam VN tự quyết định tương lai chính trị của mình. VN hóa chiến tranh và thương lượng là 2 trụ cột được sản sinh ra cùng 1 lúc nhằm đạt được điều mà Nixon gọi là "Hòa bình trong danh dự".
(còn nữa)
Ghi lại từ cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman
No comments:
Post a Comment