Nhằm ghi nhớ lại những từ mà ngày xưa
người Saigon hay dùng như: Mèn ơi, Nghen, Hén, Hen, Tà Tà, Thềm ba, Cà
rịch cà tang, tàn tàn,…., và những câu thường dùng như : Kêu gì như kêu
đò Thủ Thiêm, làm nư, cứng đầu cứng cổ, tháng mười mưa thúi đất, cái
thằng trời đánh thánh đâm…v…v…
Xin nhờ mấy Anh Chị comment những từ nào
còn nhớ để Trường góp nhặt ngỏ hầu lưu lại những tiếng gọi, câu nói
thân thương của người Saigon và miền Nam trước đây, e rằng một ngày nào
đó nó sẽ mai một…
Giọng nói, sự pha trộn của ngôn ngữ miền
Bắc di cư vào những năm 1950 hòa cùng ngôn ngữ Saigon, miền Tây đã tạo
nên thêm một phong cách, giai điệu mới … và bài “Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ“,
hình ảnh cô gái chạy xe chậm rãi tỏ ra bất cần mấy anh chàng theo sau
năn nỉ làm quen không biết đã bao nhiêu lần làm bâng khuâng xao xuyến
lòng người nghe. Nhất là cái giọng người Bắc khi vào Nam đã thay đổi nó
nhẹ nhàng, ngang ngang như giọng miền Nam thì tiếng lóng miền Nam càng
phát triển. Dễ nghe thấy, người Bắc nhập cư nói từ “Xạo ke” dễ hơn là
nói “Ba xạo”, chính điều dó đã làm tăng thêm một số từ mới phù hợp với
chất giọng hơn. Chất giọng đó rất dễ nhận diện qua những MC như Nam Lộc,
Nguyễn Ngọc Ngạn mà các Anh Chị đã từng nghe trên các Video chương
trình Ca nhạc, kể chuyện, ….
Đặc biệt trong dịch thuật, nếu không am
hiểu văn nói của Saigon miền Nam nếu dùng google dịch thì “qua biểu hổng
qua qua qua đây cũng dzậy” (câu gốc: Hôm qua qua nói qua qua mà qua hỏng qua, hôm nay qua nói qua hỏng qua mà qua qua)nó dịch ra như vầy “through through through through this gaping expression too”
Ông Tây đọc hiểu được ý thì chịu chết… Hay như câu “giỏi dữ hôn” thì
google dịch cũng ngất ngư con lạc đà… Trong văn nói, người Miền Nam hay
dùng điệp từ cùng nguyên âm, hay phụ âm, hoặc dùng hình tượng một con
vật đễ tăng cấp độ nhấn mạnh: như bá láp bá xàm, cà chớn cà cháo, sai
bét bèng beng (từ bèng beng không có nghĩa),… sai đứt đuôi con nòng nọc,… Phong cách sử dụng ghép từ như vậy Trường mong sẽ có một dịp nào đó viết một bài về nó.
Hay và lạ hơn, cách dùng những tựa hay
lời bài hát để thành một câu nói thông dụng có lẽ phong cách này trên
thế giới cũng là một dạng hiếm, riêng Miền Nam thì nhiều vô kể ví dụ :
Khi nghe ai nói chuyện lập đi lập lại mà không chán thì người nghe ca
một đoạn: ” Nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi!”, hoặc khi
sắp chia tay thì lại hỏi : “Đêm nay ai đưa em về !” người ngoại quốc ai
không biết cứ tưởng là người đó đang ca chứ hổng phải đang hỏi mình, như
khi nghe ai nói chuyên mà chuyện này ai cũng biết rồi thì lại nói: “Xưa
rồi diễm….” với cái giọng Iễm kéo dài tha thướt .
Tuy nhiên, do những từ này được trình
bày bằng chữ nghĩa nên cách xài nhấn âm, lên giọng của người Miền Nam
không thể biểu lộ hết cái hay của nó, ví dụ như riêng câu: “thằng cha
mầy, làm gì mà mồ hôi đổ ướt hết áo dậy?” cụm từ “thằng cha mầy” kéo dài
hơi lại có nghĩa là gọi yêu thương chứ không phải la mắng, tương tự khi
mấy cô gái nguýt (nói): ” Xí! Hổng chịu đâu”,”Xí! Cha già dịch nè !”, ”
Sức mấy!, “Ông nói gì tui ưa hổng nổi nha!”, “Cha già khó ưa! ” với
cách nhấn giọng thì nghe rất dễ thương và dịu dàng nhưng khó gần lắm à
nghen, nhưng đến khi nghe câu ” tui nói lần cuối, tui hổng giỡn chơi với
Ông nữa đâu đó nghen! ” thì coi chừng … liệu hồn đó.
Thật ra không phải người Saigon ai cũng
xài hết mấy từ này, chỉ có người bình-dân mới dám xài từ như Mả cha, Tổ
mẹ để kèm theo câu nói mà thôi. Dân nhà trí thức ít ai được Ba Má cho
nói, nói ra là vả miệng không kịp ngáp luôn, giáo dục ngày xưa trong gia
đình rất là khó, nhất là mấy người làm bên nghề giáo dạy con càng khó
dữ nữa. Ra đường nghe mấy đứa con nít nói “DM” thậm chí còn không hiểu
nó nói gì, về nhà hỏi lại chữ đó là gì, chưa gì đã bị cấm tiệt không
được bắt chước, lúc đó chỉ nghe Ba Má trả lời: “Đó là nói bậy không
được bắt chước đó nghen!”. Chưa kể tới chuyện người lớn đang ngồi nói
chuyện mà chạy vô xầm xập hỏi thì cũng bị la rầy liền : “Chổ người lớn
nói chuyện không được chen vô nhớ chưa?”. Đến năm 1980 thì giáo dục cũng
khác hẳn ngôn ngữ bắt đầu đảo lộn ở cấp tiểu học… tiếng Saigon dần dần
bị thay đổi, đến nay trên các chương trình Game Show chỉ còn nghe giọng
miền Nam với câu nói: “Mời anh trả lời ạ” “các bạn có thấy đúng không
ạ”, ạ… ạ …ạ… cái gì cũng ạ….làm tui thấy lạ. Thêm nữa, bây giờ mà xem
phim Việt Nam thì hình như không còn dùng những từ ngữ này khi kịch bản
phim, hay tiểu thuyết đặt bối cảnh vào thời điểm xưa mà dùng ngôn ngữ
hiện đại lồng vào, nên khi coi phim thấy nó lạ lạ làm sao đâu …
Mong rằng các Anh Chị khi đọc những từ này sẽ hồi tưởng lại âm hưởng của Saigon một trời thương nhớ!
Chân thành cám ơn những đóng góp của các Anh Chị,
Trân trọng,
Nguyễn Cao Trường
- À nha = thường đi cuối câu mệnh lệnh dặn dò, ngăn cấm (không chơi nữa à nha)
- Áo thun ba lá = Áo May Ô
- Ăn coi nồi, ngồi coi hướng = Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
- Âm binh = phá phách (mấy thằng âm binh = mấy đứa nhỏ phá phách)
- Ba đía : xạo
- Bà chằn lữa = người dữ dằn (dữ như bà chằn)
- Ba ke, Ba xạo
- Bá Láp Bá Xàm
- Bá chấy bù chét
- Bà tám = nhiều chuyện (thôi đi bà tám = đừng có nhiều chuyện nữa, đừng nói nữa)
- Bang ra đường = chạy ra ngoài đường lộ mà không coi xe cộ, hoặc chạy ra đường đột ngột, hoặc chạy nghênh ngang ra đường
- Banh ta lông = như hết chuyện (gốc từ cái talon của vỏ xe)
- Bạt mạng = bất cần, không nghĩ tới hậu quả (ăn chơi bạt mạng)
- Bặc co tay đôi = đánh nhau tay đôi
- Bặm trợn = trông dữ tợn, dữ dằn
- Bất thình lình = đột ngột
- Bầy hầy : bê bối, ở dơ
- Bẹo = chưng ra (gốc từ cây Bẹo gắn trên ghe để bán hàng ở chợ nổi ngày xưa)
- Bẹo gan = chọc cho ai nổi điên
- Bề hội đồng = hiếp dâm tập thể
- Bển = bên đó, bên ấy (tụi nó đang chờ con bên bển đó!)
- Biết đâu nà, biết đâu nè = biết đâu đấy
- Biệt tung biệt tích = không thấy hiện diện
- Biểu (ai biểu hổng chịu nghe tui mần chi! – lời trách nhẹ nhàng) = bảo
- Bít bùng
- Bình thủy = phích nước
- Bình-dân = bình thường
- Bo bo xì = nghỉ chơi không quen nữa (động tác lấy tay đập đập vào miệng vừa nói của con nít)
- Bỏ qua đi tám = cho qua mọi chuyện đừng quan tâm nữa (chỉ nói khi người đó nhỏ vai vế hơn mình)
- Bỏ thí = bỏ
- Bồn binh = vòng xoay
- Bội phần = gấp nhiều lần
- Buồn xo = rất buồn ( làm gì mà coi cái mặt buồn xo dậy? )
- Buột = cột
- Bữa = buổi/từ đó tới nay (ăn bữa cơm rồi về/bữa giờ đi đâu mà hổng thấy qua chơi?)
- Cà chớn cà cháo = không ra gì
- Cà chớn chống xâm lăng. Cù lần ra khói lửa.
- Cà kê dê ngỗng = dài dòng.
- Cà Na Xí Muội
- Cà nhõng = rãnh rỗi không việc gì để làm (đi cà nhõng tối ngày)
- Cà giựt : lăng xăng, lộn xộn
- Cà nghinh cà ngang = nghênh ngang
- Cà rem = kem
- Cà rịt cà tang = chậm chạp.
- Cà tàng = bình thường, quê mùa,….
- Cái thằng trời đánh thánh đâm
- Càm ràm = nói tùm lum không đâu vào đâu/nói nhây
- Coi được hông?
- Cù lần, cù lần lữa = từ gốc từ con cù lần chậm chạp, lề mề, chỉ người quá chậm lụt trong ứng đối với chung quanh … (thằng này cù lần quá!)
- Cụng = chạm
- Cứng đầu cứng cổ
- Chà bá , tổ chảng, chà bá lữa = to lớn, bự
- Chàng hãng chê hê = banh chân ra ngồi ( Con gái con đứa gì mà ngồi chàng hãng chê hê hà, khép chưn lại cái coi! )
- Cha chả = gần như từ cảm thán “trời ơi! ” (Cha chả! hổm rày đi đâu biệt tích dzậy ông?)
- Chả = không ( Nói chả hiểu gì hết trơn hết trọi á ! )
- Chạy u đi
- Chậm lụt = chậm chạp, khờ
- Chém vè (dè)= trốn trốn cuộc hẹn trước
- Chén = bát
- Chèn đét ơi, mèn đét ơi, chèn ơi, Mèn ơi = ngạc nhiên
- Chết cha mày chưa! có chiện gì dậy? = một cách hỏi thăm xem ai đó có bị chuyện gì làm rắc rối không
- Chì = giỏi (anh ấy học “chì” lắm đó).
- Chiên = rán
- Chịu = thích, ưa, đồng ý ( Hổng chịu đâu nha, nè! chịu thằng đó không tao gả luôn)
- Chỏ = xía, xen vào chuyện người khác
- Chỏng mông = mệt bở hơi tai (làm chỏng mông luôn đây nè)
- Chổ làm, Sở làm = hãng xưỡng, cơ quan công tác
- Chơi chỏi = chơi trội, chơi qua mặt
- Chùm hum = ngồi bó gối hoặc ngồi lâu một chổ không nhúc nhích, không quan tâm đến ai (có gì buồn hay sao mà ngồi chùm hum một chổ dậy? )
- Chưn = chân
- Chưng ra = trưng bày
- Còn khuya
- Có chi hông? = có chuyện gì không?
- Dạ, Ừa (ừa/ừ chỉ dùng khi nói với người ngang hàng) = Vâng, Ạ
- Dạo này = thường/nhiều ngày trước đây đến nay (Dạo này hay đi trễ lắm nghen! /thường)
- Dấm da dấm dẵng
- Dây, không có dây dzô nó nghe chưa = không được dính dáng đến người đó
- Dễ tào = dễ sợ
- Dì ghẻ = mẹ kế
- Dĩa = Đĩa
- Diễn hành, Diễn Binh= diễu hành, diễu binh (chữ diễu bây giờ dùng không chính xác, thật ra là “diễn” mới đúng)
- Diễu dỡ =????
- Dỏm (dởm), dỏm đời, dỏm thúi, đồ lô (sau 1975, khi hàng hóa bị làm giả nhiều, người mua hàng nhầm hàng giả thì gọi là hàng dởm, đồ “lô” từ chữ local=nội địa)
- Dô diên (vô duyên) = không có duyên (Người đâu mà vô diên thúi vậy đó hà – chữ “thúi’ chỉ để tăng mức độ chứ không có nghĩa là hôi thúi)
- Du ngoạn = tham quan
- Dù = Ô
- Dục (vụt) đi = vất bỏ đi (giọng miền nam đọc Vụt = Dục âm cờ ít đọc thành âm tờ, giống như chữ “buồn” giọng miền nam đọc thành “buồng”)
- Dùng dằng = ương bướng
- Dữ hôn và …dữ …hôn…= rất ( giỏi dữ hén cũng có nghĩa là khen tặng nhưng cũng có nghĩa là đang răn đe trách móc nhẹ nhàng tùy theo ngữ cảnh và cách diễn đạt của người nói ví dụ: “Dữ hôn! lâu quá mới chịu ghé qua nhà tui nhen”, nhưng “mày muốn làm dữ phải hôn” thì lại có ý răn đe nặng hơn )
- Dzìa, dề = về (thôi dzìa nghen- câu này cũng có thể là câu hỏi hoặc câu chào tùy ngữ điệu lên xuống người nói)
- Dzừa dzừa (vừa) thôi nhen = đừng làm quá
- Đá cá lăn dưa = lưu manh
- Đa đi hia = đi chổ khác.
- Đài phát thanh = đài tiếng nói
- Đàng = đường
- Đặng = được (Qua tính vậy em coi có đặng hông?)
- Đen như chà dà (và) = đen thui, đen thùi lùi = rất là đen
- Đêm nay ai đưa em dìa = hôm nay về làm sao, khi nào mới về (một cách hỏi) – từ bài hát Đêm nay ai đưa em về của NA9
- Đi bang bang = đi nghênh ngang
- Đi cầu = đi đại tiện, đi nhà xí
- Đi mần = đi làm
- Đó = đấy , nó nói đó = nó nói đấy
- Đồ già dịch = chê người mất nết
- Đồ mắc dịch = xấu nết tuy nhiên, đối với câu Mắc dịch hông nè! có khi lại là câu nguýt – khi bị ai đó chòng ghẹo
- Đờn = đàn
- Đùm xe = Mai-ơ
- Đừng có mơ,
- Được hem (hôn/hơm) ? = được không ? chữ hông đọc trại thành hôn, hem hoặc hơm
- Gần xịt = thiệt là gần
- Ghẹo, chòng ghẹo = chọc quê
- Ghê = rất – hay ghê há tùy theo ngữ cảnh và âm điệu thì nó mang ý nghĩa là khen hoặc chê
- Gớm ghiết = nhìn thấy ghê, không thích
- Giục giặc, hục hặc = đang gây gổ, không thèm nói chuyện với nhau (hai đứa nó đang hục hặc! )
- Hãng, Sở = công ty, xí nghiệp
- Hay như = hoặc là
- Hầm bà lằng (gốc tiếng Quảng Đông);
- Hậu đậu = làm việc gì cũng không tới nơi tới chốn
- Héo queo
- Hết = chưa, hoặc chỉ nâng cao mức độ nhấn mạnh (chưa làm gì hết)
- Hết trơn hết trọi = chẳng, không – “Hết Trọi” thường đi kèm thêm cuối câu để diễn tả mức độ (Ở nhà mà hổng dọn dẹp phụ tui gì hết trơn (hết trọi) á! )
- Hồi nảo hồi nào = xưa ơi là xưa
- Hổm rày, mấy rày = từ mấy ngày nay
- Hổng có chi! = không sao đâu
- Hổng chịu đâu
- Hổng thích à nhen!
- Hột = hạt (hột đậu đen, đỏ) miền nam ghép cả Trứng hột vịt thay vì chỉ nói Trứng vịt như người đàng ngoài
- Hợp gu = cùng sở thích
- Ì xèo = tùm lum, …
- năn nỉ ỉ ôi
- Kẻo = coi chừng
- Kể cho nghe nè! = nói cho nghe
- Kêu gì như kêu đò thủ thiêm = kêu lớn tiếng, kêu um trời,….
- Lanh chanh
- Lạnh xương sống
- Làm (mần) cái con khỉ khô = không thèm làm
- Làm (mần) dzậy coi được hông?
- Làm dzậy coi có dễ ưa không? = một câu cảm thán tỏ ý không thích/thích tùy theo ngữ cảnh
- Làm gì mà toành hoanh hết zậy
- Làm nư = lì lợm, Làm cho lợi gan
- Làm um lên: làm lớn chuyện
- Lặc lìa = muốn rớt ra, rời ra nhưng vẫn còn dính với nhau chút xíu
- Lặc lìa lặc lọi = ?
- Lần = tìm kiếm (biết đâu mà lần = biết tìm từ chổ nào)
- Lần mò = tìm kiếm, cũng có nghĩa là làm chậm chạm (thằng tám nó lần mò cái gì trong đó dậy bây?)
- Lắm à nhen = nhiều, rất (thường nằm ở cuối câu vd: thương lắm à nhen)
- Lẹt đẹt = ở phía sau, thua kém ai ( đi lẹt đẹt! Lảm gì (làm cái gì) mà cứ lẹt đẹt hoài vậy)
- Lao-tổn (cách dùng từ của Ông Nguyễn Văn Vĩnh có gạch nối ở giữa)
- Lao-cần (cách dùng từ của Ông Nguyễn Văn Vĩnh có gạch nối ở giữa)
- Lên hơi, lấy hơi lên = bực tức (Nghe ông nói tui muốn lên hơi (lấy hơi lên) rồi đó nha!
- Liệu = tính toán
- Liệu hồn = coi chừng
- Lô = đồ giả, đồ dỡ, đồ xấu (gốc từ chữ local do một thời đồ trong nước sản xuất bị chê vì xài không tốt)
- Lộn = nhầm (nói lộn nói lại)
- Lộn xộn = làm rối
- Lụi hụi = ???? (Lụi hụi một hồi cũng tới rồi nè!)
- Lùm xùm = rối rắm,
- Lụt đục = không hòa thuận (gia đình nó lụt đục quài)
- Má = Mẹ
- Ma lanh, Ma le
- Mã tà = cảnh sát
- Mari phông tên = con gái thành phố quê mùa
- Mari sến = sến cải lương
- Mát trời ông địa = thoải mái
- Máy lạnh = máy điều hòa nhiệt độ
- Mắc cười = buồn cười
- Mắc dịch = Mất nết, không đàng hoàng, lẳng lơ, xỏ lá, bởn cợt.
- Mặt chù ụ một đống, mặt chầm dầm
- Mần ăn = làm ăn
- Mần chi = làm gì
- Mậy = mày ( thôi nghen mậy = đừng làm nữa)
- Mè nheo
- Mét = mách
- Miệt, mai, báo, tứ, nóc… chò = 1, 2, 3, 4, 5…. 10.
- Mình ên = một mình (đi có mình ên, làm mình ên)
- Mò mẫm rờ rẫm sờ sẩm (hài) = mò
- Mồ tổ! = câu cảm thán
- Mả = Mồ
- Muỗng = Thìa, Môi
- Mút mùa lệ thủy = mất tiêu
- Nam Tàu Bắc Đẩu
- Nào giờ = từ trước tới nay
- Niềng xe = vành xe
- Ngang Tàng = bất cần đời
- Nghen, hén, hen, nhen
- Ngoại quốc = nước ngoài
- Ngon bà cố = thiệt là ngon
- Ngộ = đẹp, lạ (cái này coi ngộ hén)
- Ngồi chồm hỗm = ngồi co chân ….chỉ động tác co gập hai chân lại theo tư thế ngồi … Nhưng không có ghế hay vật tựa cho mông và lưng … (Chợ chồm hổm – chợ không có sạp)
- Ngủ nghê
- Nhan nhãn = thấy cái gì nhiều đằng trước mặt
- Nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi! = đừng nhắc chuyện đó nữa, biết rồi đừng kể nữa – trích lời trong bài hát Ngày đó xa rồi
- Nhậu = một cách gọi khi uống rượu, bia
- Nhiều chiện = nhiều chuyện
- Nhìn khó ưa quá (nha)= đôi khi là chê nhưng trong nhiều tình huống lại là khen đẹp nếu thêm chữ NHA phía sau
- Nhóc, đầy nhóc : nhiều
- Nhột = buồn
- Nhựt = Nhật
- Nón An toàn = Mũ Bảo hiểm
- Nước lớn, nước xuống, nước rồng (thủy triều)
- Ớn ăn
- Ổng, Bả, Cổ, Chả = Ông, Bà, Cô, Cha ấy = ông đó ổng nói (ông ấy nói)
- Ông bà ông giải
- Phi cơ, máy bay = tàu bay
- Quá cỡ thợ mộc…= làm quá,
- Qua đây nói nghe nè! = kêu ai đó lại gần mình
- Qua bên bển, vô trong trỏng, đi ra ngoải,
- Quá xá = nhiều (dạo này kẹt chiện quá xá! )
- Quá xá quà xa = quá nhiều
- Quê một cục
- Quê xệ
- Quởn,
- Rành = thành thạo, thông thạo, biết (tui hồng rành đường này nhen, tui hổng rành (biết) nhen)
- Rạp = nhà hát(rạp hát), dựng một cái mái che ngoài đường lộ hay trong sân nhà để cho khách ngồi cho mát (dựng rạp làm đám cưới)
- Rân trời = um sùm
- Rốp rẽng (miền Tây) = làm nhanh chóng
- Rốt ráo (miền Tây) = làm nhanh chóng và có hiệu quả
- Ruột xe = xăm
- Sai bét bèng beng = rất sai, sai quá trời sai!
- Sai đứt đuôi con nòng nọc = như Sai bét bèng beng
- Sạp = quầy hàng
- Sến = cải lương
- Sến hồi xưa là người làm giúp việc trong nhà. Mary sến cũng có nghỉa là lèn xèn như ng chị hai đầy tớ trong nhà.
- Sên xe = xích
- Sếp phơ = Tài xế
- Sức mấy,
- Sườn xe = khung xe
- Tà tà, tàn tàn, cà rịch cà tang = từ từ
- Tàn mạt = nghèo rớt mùng tơi
- Tàng tàng = bình dân
- Tào lao, tào lao mía lao, tào lao chi địa, tào lao chi thiên,… chuyện tầm xàm bá láp = vớ vẫn
- Tàu hủ = đậu phụ
- Tầm xàm bá láp
- Tầy quầy, tùm lum tà la = bừa bãi
- Té (gốc từ miền Trung)= Ngã
- Tèn ten tén ten = chọc ai khi làm cái gì đó bị hư
- Tía, Ba = Cha
- Tiền lính tính liền, tiền làng tàn liền …!
- Tòn teng = đong đưa, đu đưa
- Tổ cha, thằng chết bầm
- Tới = đến (người miền Nam và SG ít khi dùng chữ đến mà dùng chữ tới khi nói chuyện, đến thường chỉ dùng trong văn bản)
- Tới chỉ = cuối
- Tới đâu hay tới đó = chuyện đến rồi mới tính
- Tui ưa dzụ (vụ) này rồi à nhen = tui thích việc này rồi ( trong đó tui = tôi )
- Tui, qua = tôi
- Tụm năm tụm ba = nhiều người họp lại bàn chuyện hay chơi trò gì đó
- Tức cành hông = tức dữ lắm
- Tháng mười mưa thúi đất
- Thắng = phanh
- Thằng cha mày, ông nội cha mày = một cách nói yêu với người dưới tùy theo cách lên xuống và kéo dài âm, có thể ra nghĩa khác cũng có thể là một câu thóa mạ
- Thấy ghét, nhìn ghét ghê = có thể là một câu khen tặng tùy ngữ cảnh và âm điệu của người nói
- Thấy gớm = thấy ghê, tởm (cách nói giọng miền Nam hơi kéo dài chữ thấy và luyến ở chữ Thấy, “Thấy mà gớm” âm mà bị câm)
- Thèo lẽo = mách lẽo ( Con nhỏ đó chuyên thèo lẽo chuyện của mầy cho Cô nghe đó! )
- Thêm thắc
- Thềm ba, hàng ba
- Thí = cho không, miễn phí, bỏ ( thôi thí cho nó đi!)
- Thí dụ = ví dụ
- Thí cô hồn
- Thiệt hôn? = thật không?
- Thọc cù lét, chọc cù lét = ??? làm cho ai đó bị nhột
- Thôi đi má, thôi đi mẹ! = bảo ai đừng làm điều gì đó
- Thôi hén!
- Thơm = dứa, khóm
- Thúi = hôi thối,
- Thưa rĩnh thưa rãng = lưa thưa lác đác
- Trà = Chè
- Trăm phần trăm = cạn chén- (có thể gốc từ bài hát Một trăm em ơi – uống bia cạn ly là 100%)
- Trển = trên ấy (lên trên Saigon mua đi , ở trển có bán đồ nhiều lắm)
- Trọ trẹ = giọng nói không rỏ ràng
- Trực thăng = máy bay lên thẳng
- Um xùm
- Ứa gan
- Ứa gan = chướng mắt
- Vè xe = chắn bùn xe
- Vỏ xe = lốp
- Xả láng, sáng về sớm,
- Xà lỏn, quần cụt = quần đùi
- Xà quần
- Xài = dùng, sử dụng
- Xảnh xẹ, Xí xọn = xảnh xẹ = làm điệu
- Xe cam nhông = xe tải
- Xe hơi = Ô tô con
- Xe nhà binh = xe quân đội
- Xe đò = xe chở khách, tương tự như xe buýt nhưng tuyến xe chạy xa hơn ngoài phạm vi nội đô (Xe đò lục tỉnh)
- Xe Honda = xe gắn máy ( có một thời gian người miền Nam quen gọi đi xe Honda tức là đi xe gắn máy – Ê! mầy tính đi xe honda hay đi xe đạp dậy?)
- Xẹp lép = lép xẹp, trống rổng ( Bụng xẹp lép – đói bụng chưa có ăn gì hết)
- Xẹt qua = ghé ngang qua nơi nào một chút (tao xẹt qua nhà thằng Tám cái đã nghen – có thể gốc từ sét đánh chớp xẹt xẹt nhanh)
- Xẹt ra – Xẹt vô = đi ra đi vào rất nhanh
- Xí = hổng dám đâu/nguýt dài (cảm thán khi bị chọc ghẹo)
- Xí xa xí xầm, xì xà xì xầm, xì xầm= nói to nhỏ
- Xía = chen vô (Xí! cứ xía dô chiện tui hoài nghen! )
- Xiên lá cành xiên qua cành lá = câu châm chọc mang ý nghĩa ai đó đang xỏ xiên mình ???? (gốc từ bài hát Tình anh lính chiến- Xuyên lá cành trăng lên lều vải)
- Xiết = nổi ( chịu hết xiết = chịu hổng nổi = không chịu được)
- Xỏ lá ba que = giống như chém dè (vè), tuy nhiên có ý khác là cảnh báo đừng có xen vào chuyện của ai đó trong câu: “đừng có xỏ lá ba que nhe mậy”
- Xỏ xiên = đâm thọt, đâm bị thóc chọc bị gạo,… (ăn nói xỏ xiên)
- Xụi lơ
- Xưa rồi diễm = chuyện ai cũng biết rồi (gốc từ tựa bài hát Diễm xưa TCS)
Tiếng Bắc và tiếng Nam có những đặc trưng ngôn ngữ rất khác nhau. Sống ở miền Bắc, học hết phổ thông trong thời kỳ chiến tranh và vào Nam từ 1975 tôi rất thích cách nói của người dân Nam bộ thời đó nhưng nay đang mai một dần cùng với việc phổ thông hóa/Bắc hóa ngôn ngữ rất tùy tiện như hiện nay. Để tìm hiểu và gom góp những từ ngữ, lối nói của miền Nam và Sài Gòn ngày trước chỉ có thể đọc trong các tác phẩm nhiều thể loại viết từ 1975 trở về trước của các tác giả miền Nam và các tác giả từ miền Bắc vào Nam viết về cuộc sống nơi đây. Đây là 1 ý rất hay mà tôi cũng muốn thực hiện với cả những từ ngữ của miền Bắc.
ReplyDeleteTiếng Bắc cũng có những từ "dao búa" rất ấn tượng 1 thời như: sôi me, rách việc v.v. Cần có thời gian để nhớ/gom lại để dùng và làm cho tiếng Việt thêm phong phú :)
ReplyDelete