Tuesday, December 22, 2015

Trương Thìn (1940-2012)

Trương Thìn, người bạn, người anh em thân thiết của tôi, vừa mới qua đời. Một nổi đau bay bay theo mây theo gió. Một nổi buồn mênh mang trôi theo gió theo mây. Chỉ muốn gặp Thìn đâu đây vẫy tay chào: Thôi Thìn ra đi mạnh khỏe!
CHỈ MỘT…
Sáng tác: Trương Thìn
Chỉ một tiếng động thôi
Cũng đủ dậy lên mấy trời thương nhớ
Chỉ một hạt bụi thôi
Cũng đủ chất chứa cả xưa sau
Chỉ một giọt mực thôi
Có bừng lên mấy cõi
Cõi quen rồi
Và lạ lắm
Cõi chưa quen!
Thìn đang đi vào Cõi chưa quen. Còn tôi đang ở Cõi quen rồi. Chúng tôi cùng lớn lên ở làng Bao Vinh, ngôi làng nhỏ bé bên dòng Hương, dòng sông tuổi thơ của chúng tôi. Thìn tuổi Thìn. Tôi tuổi Mùi. Thìn lớn hơn tôi ba tuổi. Lúc nhỏ là anh em. Khi lớn lên, cùng vào Sài gòn học đại học, cùng ở với nhau trong một căn gác trọ. Ăn uống với nhau, nhưng hai đứa học hai ngành. Đứa theo ngành Y, đứa theo ngành Toán. Thời gian chung sống đó biến chúng tôi thành bạn. Chia sẻ nhau cái yêu, cái ghét. Thìn thâm trầm, sâu lắng, đa tài.
Tôi học ở Thìn nhiều điều, hơn tất cả đó là sự cẩn trọng đối với ngôn từ. Với tôi, hình như tôi chỉ quen ngôn ngữ toán; nên rất khô khan, rất vụng về khi rời khỏi thế giới toán học. Ngược lại, Thìn có một khả năng diễn đạt phong phú lạ thường. Thìn thông hiểu thơ văn Việt nam, hiểu triết học Đông phương sâu sắc lạ lùng, và có thể đã trình bày mọi thứ một cách giản đơn.
Sống với nhau một năm, tôi đi Nhật, Thìn ở lại tiếp tục học Y. Đấy là vào thời đầu những năm 1960, chính trường Miền Nam đầy biến động. Và chúng tôi, mỗi đứa mỗi phương nhưng lòng chung một hướng: chống cái ác, cái tham tàn. Thìn đã bị bắt vào tù. Chính những ngày tháng trong tù, sau này Thìn kể lại, đã giúp Thìn chọn con đường Y học dân tộc mà anh đã theo đuổi đến trọn đời. Trên con đường đó, Thìn đã đóng góp thật sự cho đời, cho y học nước nhà. Thìn như
Chỉ một hạt bụi thôi
Cũng đủ chất chứa cả xưa sau
Năm 1966, tôi có dịp về thăm nhà và lại gặp Thìn. Chuyện nước nhà, ôi bao điều để nói, bao nhiêu điều để sẻ chia: cái chính là giúp nhau xác nhận rằng đường ta đang muốn dấn thân, không có tí nào sai lạc. Thìn say sưa nói về Y học dân tộc, vễ Lãn Ông, về Tuệ Tĩnh. Hơn hết, Thìn đã nhìn thấy ngũ hành “hỏa, thủy, mộc, kim, thổ” không phải là 5 điều gì bí hiểm, đó chỉ là 5 ký hiệu tương ứng với “1. 2, 3, 4, 5” hay “A, B, C, D, E” để đánh số cho 5 hiện tượng cơ bản trong thân thể con người. Năm hiện tượng đó tương khắc, tương sinh, tồn tại cân bằng với nhau trong một cơ thể khỏe mạnh. Lãn Ông, Tuệ Tĩnh đã nhìn thấu suốt điều đó trong chẩn đoán bệnh, trong bốc thuốc chữa bệnh.
Đêm qua khi hồi tưởng lại, nhớ đến Thìn, tôi nhớ lại hồi đó tôi đã tặng Thìn một cây đàn guitar, tiếng rất trong và rất ấm. Cây đàn đó đi theo Thìn trong những năm tháng xuống đường hát cho đồng bào tôi nghe. Cây đàn đã bị mất trên đường khi Thìn bị bắt lên Tây nguyên “cải tạo”. Thìn đã bị bắt “nhầm”. Vài tháng sau, Thìn được lôi về Sài gòn làm Phó Giám đốc Sở Y tế Tp. HCM. Tôi nhớ như in trong một lá thư ngắn Thìn đã viết: Huỳnh Mùi ơi, cây đàn đã đi cùng ta trong bao năm tháng; và nay khi nó biến mất đi, Huỳnh Mùi lại trở về.
Trương Thìn ơi! Nay Thìn đã ra đi vĩnh viễn. Tháng trước, tôi đã gặp Thìn trên giường bệnh sau một cơn nguy kịch. Hôm đó, Thanh Hà, vợ Thìn nói với tôi: sống chết còn do nơi ông ấy. Ông đã vượt qua nhiều cơn hiểm nghèo. Lần này, khi vào đây, ông đã nói: Hãy để cho anh đi nhé! Nhưng tôi vẫn lạc quan: Thìn sẽ qua khỏi thôi. Chúng tôi đã nhìn thấy nhau nhưng không nói được. Tính lạc quan và lòng bao dung vốn có của Thìn hẳn sẽ giúp Thìn vượt qua.
Trương Thìn ơi! Thìn đã thật sự ra đi vĩnh viễn. Thìn đang đi vào cõi lạ lắm, chưa quen. Ta đang ở cõi quen. Ta hẹn Thìn một ngày gặp nhau bên bến sông xưa ở Bao Vinh như những người biết yêu cuộc sống. Ta nay xin đọc một câu kinh của Thái thượng Lãn Ông để vĩnh biệt Trương Thìn:
Công danh trước mắt trôi như nước
Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương

Huynh Mui
22.12.2012

No comments:

Post a Comment