Đã từ lâu nhiều người trong cộng đồng toán học Việt Nam,
trong đó có tôi, mong ước có một tờ báo phổ biến toán học, như tờ Kvant của
Liên xô cũ, tờ Math Monthly của hội toán học Mỹ, hay tờ Toán học tuổi trẻ của
những năm 60-80. Những trang báo ấy đã là bạn đồng hành của chúng tôi trong quá
trình học tập và trưởng thành ngay từ khi đặt chân vào con đường toán học. Sự ra đời của tờ Pi thể hiện sự nỗ lực của cộng
đồng yêu toán biến mong ước này thành hiện thực.
Trong bối cảnh khó khăn chung của báo giấy, việc thành lập một
tờ báo giấy mới bao hàm nhiều rủi ro. Tuy vậy, chúng tôi kiên trì làm báo giấy,
vì mong ước của chúng tôi là nhìn thấy các em học sinh thấp thỏm chờ ngày có số
báo mới, nhìn thấy những số báo cũ nhầu nát đã quăn bìa nằm lăn lóc trên bàn nước
ở các phòng họp giáo viên. Chúng tôi tin rằng quyết định này sẽ không thuần tuý
lãng mạn và duy ý chí nếu như mỗi số báo với 64 trang mang đến được cho bạn đọc
những thông tin mới, chọn lọc, thú vị và bổ ích, và có khả năng khơi dạy niềm
đam mê toán học ở các bạn trẻ. Hy vọng rằng tờ Pi sẽ đồng hành lâu dài với bạn
đọc yêu toán.
Giáo sư Hà Huy Khoái luôn tự nhận mình là lãn nhân. Ông tâm
đắc với học thuyết của lãn nhân đó là nhất định không mất sức để làm những việc
mà người khác có thể làm được. Trong số vô vàn khó khăn cho sự ra đời của tờ
Pi, khó khăn lớn nhất là thuyết phục được Giáo sư Hà Huy Khoái, ở tuổi 70, đảm
đương trách nhiệm tổng biên tập. Có lẽ Giáo sư Hà Huy Khoái cũng nhận ra rằng,
đây chính là việc mà người khác không làm được.
Sự ra đời của tờ Pi không hoàn toàn suôn sẻ, riêng thủ tục
xin phép xuất bản đã kéo dài hơn ba năm. Trong lúc chờ đợi giấy phép cho Pi,
anh Trần Nam Dũng, người luôn thừa năng lượng và nhiệt tình, đã cho ra đời
Epsilon, một chuyên san không chính thức, chỉ lưu hành trên mạng. Tờ Epsilon
nay đã được mười hai số, mỗi số trên 150 trang đã được bạn đọc cũng như các cộng
tác viên chào đón rất nồng nhiệt. Thành công của Epsilon là nguồn cổ vũ lớn cho
nhóm sáng lập tờ Pi. Tiến sĩ Trần Nam Dũng, với trách nhiệm Phó tổng biên tập,
sẽ phụ trách một số chuyên mục quan trọng nhất của tờ Pi, trong đó có Thách thức
toán học. Chúng ta đều biết rằng bạn đọc của tờ Pi mong chờ nhất những đề toán
mới, hóc búa và thú vị và đó chính là nội dung của chuyên mục Thách thức toán học.
Tôi không thể kể hết tên các thành viên của ban biên tập ở
đây, hầu hết các thành viên đều phụ trách một trong các chuyên mục của tờ Pi.
Nhưng sẽ rất thiếu sót nếu tôi không nêu những cá nhân tổ chức đã giúp đỡ cho sự
ra đời của tờ Pi ngay từ thời kỳ thai nghén. Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam luôn là
người nhiệt tình cổ vũ cho các hoạt động phổ biến khoa học và toán học, anh đã
vận động các Funix mentor xây dựng trang web cho Pi và sẽ đảm nhiệm vai trò tổng
biên tập của trang Pi online. Violympics sẽ là đối tác giúp phát hành và hỗ trợ
cho tờ Pi tổ chức các sự kiện. Anh Trần Trọng Thành và Sách điện tử Alezaa sẽ
giúp phát hành Pi dưới định dạng phù hợp với các thiết bị di động. Anh Đỗ Hoàng
Sơn ở công ty Long Minh, người đầy tâm huyết cho phong trào học Stem ở Việt Nam
sẽ phụ trách một chuyên mục Stem cho tờ Pi. Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ và công ty
Pomath sẽ phụ trách chuyên mục Toán của Bi, dành riêng cho học sinh phổ thông
cơ sở, và cùng tờ Pi tổ chức các hoạt động cổ động niềm đam mê toán học ở các
bé. Công ty Sputnik, cho đến rất gần đây, là đối tác chiến lược của tờ Pi, với
kinh nghiệm của mình trong việc làm sách toán, có thể giúp Pi trong việc lên
trang và in ấn. Anh Lê Thống Nhất, người có nhiều kinh nghiệm trong việc xây
Toán học tuổi thơ đã có nhiều gắn bó với tờ Pi trong thời kỳ thai nghén.
Mạn phép thay mặt cho cộng đồng toán học, tôi xin ghi nhận sự
đóng góp của các anh chị, các tổ chức nói trên cho sự ra đời của tờ Pi và cảm
ơn.
Xin cảm ơn bạn đọc đã đón chào tờ Pi rất nhiệt tình. Hẹn gặp lại ngày 10/1/2017.
Ngô Bảo Châu THURSDAY, 22 DECEMBER 2016
Doan Hong Nghia: Các bạn trong nước đăng ký báo giấy nhé. Các bạn ở nước ngoài - theo lời anh Chau Ngo là 'rủng rỉnh rồi' - đăng ký theo phiên bản điên tử (chắc là qua Alezaa của anh Thanh Tran-Trong phân phối)
ReplyDelete