Wednesday, July 16, 2014

Kỷ niệm về Népkoztársaság útja

      Tin một ngôi nhà bị cháy trên quảng trường tròn Kodály. Trong tiếng Hung Korond cũng là quảng trường tròn như Kortér. Như vậy, Budapest có tới hai quảng trường tròn, một mang tên nhà soạn nhạc Kodály Zoltán, một mang tên nhà văn Móricz Zsigmond. Ngôi nhà này không phải là một ngôi nhà bình thường mà là một kiệt tác thế giới về kiến trúc, người Budapest thường gọi là nhà Đường sắt, Vasutas Ház.  Nhìn ngôi nhà đẹp đến như vậy bị thiêu hủy, đúng là buồn đến thắt tim. Huống chi, đây là một ngôi nhà đẹp nổi tiếng thế giới, và là một ngôi nhà gắn liền với nhiều kỷ niệm. Nhân dịp buồn này cũng ôn lại chút kỷ niệm với các bạn VIDI.

      Chắc chắn các bạn VIDI đều đã nhìn thấy tòa nhà này rồi, vì nó nằm trên đường đến Sứ quán Việt Nam. Tên trước kia của nó là Népkoztársaság útja, bây giờ gọi là Andrássy út, tôi vẫn quen dùng tên cũ, vì nó gắn với nhiều kỷ niệm. Đường này chạy từ quảng trường Deák Ferenc, qua quảng trường Liszt Ferenc, sau đó đến quảng trường November 7, bây giờ gọi là quảng trường Bát giác (Oktogon), sau đó đến Kodály Korond, rồi đến quảng trường Anh Hùng nổi tiếng. Đây là tuyến đường của xe bus số 1, chạy từ Kelenfold (phía trường Ngoại ngữ) lên. Đoạn từ quảng trường Deák Ferenc đến quảng trường November 7, có những hàng cây tán lá rất rợp, dường như nắng không bao giờ tới được mặt đường. Hai bên rất nhiều cửa hàng cửa hiệu. Đoạn từ quảng trường November 7 đến quảng trường tròn Kodály là những nhà sát mặt đường, kiến trúc rất đẹp. Đặc biệt có một nhà hàng rất sang và rất đẹp, cắm rất nhiều ô, và có một cửa vào trông rất bắt mắt mà tôi quên mất tên. Từ quảng trường tròn Kodály đến quảng trường Anh Hùng là các biệt thự rất đẹp.

Quảng trường Deák Ferenc

     Trên đường Népkoztársaság có một địa điểm đáng nhớ vì nó gắn liền với kỷ niệm về những ngày đầu chúng ta đến Budapest. Đó là Divat Csarnok, nơi chúng ta đều đến đó mua những bộ quần áo đầu tiên khi đến Hungary. Tôi còn nhớ ngày hôm đó như mới ngày hôm qua. Anh Quang Việt, dẫn chúng tôi đi và đưa ra một số tư vấn. Tôi đi với Khánh và Trung, dĩ nhiên là chúng tôi bàn luận với nhau xem nên mua gì. Trước tiên là phải mua một cái áo bành tô (kabát) để chống lại cái lạnh của mùa đông. Chúng tôi đều nhất trí mua một cái áo to dày, lót lông, nhồi bông, có mũ. Hình như cái áo của tôi màu tím, Trung và Khánh chọn màu nâu. Sau đó đến áo kardigán, một loại áo thay áo len, có khuy mở ở phía trước, bằng một thứ sợi nhân tạo nào đó. Loại này chỉ có một màu duy nhất là xanh lá cây đậm. Vậy là cả ba đứa mua 3 cái giống hệt nhau. Sau đó đến quần, lẽ dĩ nhiên tôi chọn quần 2-3 loe. Được tự do lựa chọn phải hưởng thụ một cái. Các chú sứ đã cấm, càng nên chọn cho khoái. Tôi nhớ một chiếc kẻ sọc màu hơi hung hung bằng len. Một chiếc kia bằng sợi tổng hợp màu boóc đô. Khánh hình như cũng chọn giống tôi. Riêng Trung thì cứ băn khoăn mãi về quần loe, cứ săm soi tìm loại nào không loe. Nhưng cuối cùng hình như cũng phải theo tôi. Cái quần thứ hai của Khánh là màu xanh đậm.

      Áo sơ mi thì dễ hơn, tôi chọn một cái màu vàng, một cái màu hồng và một cái màu trắng. Khánh và Trung cũng chọn cái màu vàng và một cái trắng. Về màu hồng thì hình như cả hai cậu đều ngần ngừ, chọn một cái màu trứng sáo thì phải. Riêng Trung tôi ép phải mua cái màu hồng như tôi, vì Khánh nhất định không chọn màu hồng, vì có vẻ táo bạo về màu sắc quá. Tôi khoái màu hồng để đi kèm với màu boóc đô của cái quần. Đến phút cuối cùng tôi phát hiện ra một chiếc áo màu trắng bằng một thứ vải trong suốt như đăng ten có hoa loang lổ, tôi bèn đổi để khác biệt áo trắng đơn giản của Trung. Tôi nhớ mang máng nhưng không chắc lắm là Khánh cũng tán thành ý tưởng này và cũng chọn một chiếc giống như vậy. Vậy là ba đứa cứ mỗi cặp lại có 2 cái áo giống nhau.

Divatcsarnok


      Đi vài bước nữa là quảng trường Liszt Ferenc, nơi có một trường trung học nơi có cô bạn tôi là Magdi dạy môn vẽ. Hồi sinh viên tôi ít khi có dịp qua lại ở quảng trường này, sau này mới có dịp qua quảng trường này mấy lần, đến thăm cô bạn cùng năm là Nguyễn Kim Bân (ELTE, VIDI72), hình như nhà số 7, nhà ở tầng trệt trong một cái sân sạch sẽ nhưng cổ lỗ.

Quảng trường Liszt Ference



Từ quảng trường Liszt Ferenc đi thêm bước nữa là đến quảng trường November 7 (Cách mạng Tháng 10 Nga), ngày nay gọi là Oktogon. Đây vốn là giao lộ của đường Népkoztársaság và Lenin korut (ngày nay gọi là Erzsébet korút) có các tàu điện số 4 và số 6 chạy qua.

Trước khi nói nhiều về quảng trường tròn Kodály chúng ta hãy nói về quảng trường Anh Hùng. Quảng trường Anh Hùng là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị của Hungari, giống như quảng trường Ba Đình và cũng là một danh thắng của Budapest. Sau này tôi sẽ có một bài riêng về quảng trường này và các tượng đài. Cần nhắc là ở đây có Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Budapest, quần thể tượng đài trên quảng trường. Cuối quảng trường là khu vườn bách thảo của Budapest (Város Liget) nơi có một tòa lâu đài cổ đẹp tuyệt vời. Cũng sẽ có một bài riêng về Város Liget. Chéo bên kia quảng trường Anh Hùng, gần cuối đường Népkoztársaság là Sứ Quán Nam Tư cũ. Là nơi Thủ tướng Hung năm 1956 Nagy Imre vào ẩn náu trước khi nộp mình cho Hồng quân của Andropov. Tôi nhớ Khánh chỉ cho tôi tòa Đại Sứ này khi chúng tôi vừa ở Sứ quán Việt Nam qua. Nó là một tòa biệt thự rất đẹp, cổng và hàng rào sắt sơn đen. Tôi đứng lặng yên ngắm cánh cửa và ước ao có một lần được vào đó xin visa để qua Nam Tư. Chắc Khánh cũng nghĩ vậy. Thậm chí chúng tôi cũng thảo luận xem hộ chiếu của chúng tôi có đi Nam Tư được không, vì Nam Tư theo quan niệm của nhiều người Hung và Nam Tư thời đó cũng là xã hội chủ nghĩa. Cuối cùng thì chúng tôi cũng không đủ dũng cảm để thử. Mãi tới sau này, 20 năm sau, năm 1990 tôi mới có cơ hội vào cánh cửa đó lấy thị thực qua Nam Tư để đi Ý. Rất tiếc là chuyến đi này không có người bạn vàng thuở nào. Lúc lấy xong thị thực cho cả vợ con, tôi có chút xúc động nhớ lại chuyện ngày xưa.

Quảng trường Anh Hùng


Bảo tàng Mỹ thuật Budapest



     Dọc đại lộ Népkoztárság có tuyến đường tàu điện ngầm Foldalatti số 1. Đây là tuyến đường nối tiệm bánh ngọt của tôi trên quảng trường Vorosmarti đến khu tôi quên mất tên mà vào những năm 1985 tôi đã đến thăm Trương Đăng Dung (ELTE, VIDI72) và Magdi (hồi đó ở gần đó, đang chuẩn bị sinh con gái là Linda).

      Bây giờ, chúng ta quay trở lại quảng trường tròn Kodály. Chắc các bạn VIDI xem ảnh sẽ phải nhớ ra vì nó là chỗ đẹp nhất trên đường đến sứ quán. Nếu bạn đi xe bus số 1, sau quảng trường November 7, bạn sẽ thấy một vòng tròn lớn, có bãi cỏ, các tượng đồng, và nhiều ngôi nhà có kiến trúc tuyệt đẹp bao quanh. Đó chính là quảng trường tròn Kodály một thời đã được gọi là quảng trường Adolf Hitler.

Quảng trường tròn Kodály



Quảng trường này có nhiều ngôi nhà nổi tiếng. Ngôi nhà vừa bị cháy là số 83-85, gọi là ngôi nhà Đường sắt Vasutas Ház.

Ngôi nhà Vasutas số 83-85 đường Népkoztársaság


 Cảnh tượng đau lòng

Sau trận cháy, mái nhà và các phần trang trí hoàn toàn bị phá hủy


Sát vách tòa nhà đường sắt cũng là một tòa nhà khác khá nổi tiếng, nơi có căn hộ mà Kodály đã từng ở đó là số nhà 85-87. Cũng may mà lửa không tiếp tục lan rộng.

3 comments:

  1. Andrássy út là 1 trong 3 Világörökségi Helyszín của Budapest được UNESCO công nhận (2002) cùng với Budai Várnegyed và Duna-part látképe (1987).

    ReplyDelete
  2. Về cái áo màu hồng của AV thì tôi cũng đã có cảm nhận ở bài "Nhạc chiều". Nhưng đó là những cảm nhận của thời kỳ đầu, thời kỳ mà ngay cả tôi dù chưa chấp nhận được tính cách của anh Quang Việt, cũng ko dám mặc quần mua ở Divatcsarnok để chụp hình gửi về nhà (tôi còn giữ những hình này: mặc quần "bác Bửu" với sơ mi và áo khoác mua ở Divatcsarnok chụp với background là NEI) nhìn vừa "ngố" vừa "đần". Thật tức cười cho cái thời ngu dại quá đỗi ấy.

    ReplyDelete
  3. "A Hosok tere helyén egykor egy 970 méter mélyre lenyúló hévizes kút volt, melyre Ybl Miklós tervei alapján építettek egy hatszogletu teraszos emelvényt a Gloriette-t. A kutat ma a Hosok emlékkove mogott fémlap rejti." (trích từ 2014 Naptár, quà tặng của Phan Nguyễn Khánh).

    ReplyDelete