Wednesday, February 1, 2017

Ký sự Cao Lãm

Thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, Huyện Ứng Hòa, Hà Đông là làng quê Việt Nam đầu tiên mà tôi biết thời ấu thơ, hình thành ấn tượng đầu tiên của tôi về nông thôn. Hôm Tết vừa rồi, có hai vợ chồng đến chơi, là người làng bên, cùng xã nhắc tôi lại về Cao Lãm.
Mùa hè năm 1964, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ bắt đầu đánh phá khắp nơi. Ngày nào báo, đài truyền thanh cũng đưa tin về Mỹ đánh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình và một số địa điểm khác ở miền duyên hải. Phải nói, lúc đầu việc đánh bom như vậy cũng gây được một cảm giác lo ngại trong dân, mặc dù truyền thông và trường học lên dây cót tinh thần khá tốt. Năm đó tôi chuẩn bị vào học lớp 3. Tôi còn nhớ, mẹ tôi bàn với bác Quy người giúp việc về việc sơ tán vào cuối năm 1964. Bác Quy là người công giáo, nên không muốn đi xa, sẽ không có nhà thờ. Mẹ tôi bàn về một số địa điểm, bác Quy đều nói là cha cố đã nói là ở Hà Nội là an toàn nhất vì Mỹ sẽ không đánh Hà Nội. Mẹ tôi nói cha cố nghe theo tuyên truyền phản động. Quả tình, đến năm 1972, Mỹ mới ném bom lớn vào phố xá Hà Nội (trước đó nghe nói Mỹ có ném bom sân bay Bạch Mai, nhưng không thấy bom đạn nhiều ở Trung tâm Hà Nội). Trong khi đó, tôi lại bị bom một trận suýt chết ở chỗ sơ tán và chứng kiến nhiều cuộc không chiến cũng ở chỗ sơ tán.
Cuối năm 1964, nhà tôi cũng đi sơ tán. Tôi không nhớ, buổi lễ kết thúc năm học thế nào vì không khí khá khẩn trương, nhưng chắc tôi vẫn được học sinh tiên tiến. Thế là phải tạm biệt các bạn thân. Hai đứa bạn thân nhất là Vinh lớp trưởng, Thắng bẹt cùng bộ ba Lưu Quan Trương. Cô bạn ngồi bên cạnh, có cặp mắt rất to tên là Huyền. Tôi chỉ nhớ Huyền có cô chị tên Bình cũng học cùng lớp. Hai chị em đều rất xinh. Trong lớp có Trịnh Minh Hằng, con cô Tâm và thầy Vinh sau này chủ nhiệm chuyên toán 10I của tôi. Mấy tên nữa là Chính, Tuấn (nhà ở 1 Lê Phụng Hiểu, cùng số nhà với Chủ tịch Hà Nội Trần Duy Hưng), Quân, Chiến, Trung Say đều Lê Phụng Hiểu. Một tên nữa là Hà Minh Tuấn, con nhà văn Hà Minh Tuân, chân hơi khập khiễng, mỗi khi hát lại cầm thước kẻ vung vẩy như đánh nhịp. Tạm biệt các bạn và trường Nguyễn Du rợp bóng bàng của tuổi thơ.
Có lẽ, các cô chú trong Hội Nhà Văn chọn thôn Cao Lãm là vì làng này đỗ đạt khá nhiều, tuy khi tôi đi học không thấy rõ điều đó, trẻ con làng này rất mất dạy, nói tục, đánh nhau và không chịu học hành. Làng rất nhiều ao. Hầu như nhà nào cũng có ao. Sau mỗi cơn mưa ếch nhái, ễnh ương chẫu chàng, dế kêu om sòm đến sáng. Xung quanh ao um tùm tre và các bụi hóp, rất gai góc. Nhà nào cũng một phía là ao, có các bụi tre hóp ken chặt. Trước mặt, lại là bụi tre dày quây kín, chỉ có một lối ở giữa để đi vào. Nếu hàng xóm thân nhau có thể mở một lối ở hàng rào, nhưng thường có một cái cửa bằng tre, có thể chốt chặt bằng đòn càn khi có chiến tranh do mất trộm gà, trái cây hoặc rau củ trong vườn. Cấu trúc này khiến cho nếu kẻ trộm vào nhà, cũng chỉ có thể chạy ra bằng cửa chính, nếu bị phát hiện chắc khó tẩu thoát. Có lẽ cấu trúc nhà như vậy, vì dân vùng Ứng Hòa Chương Mỹ rất nhiều trộm cướp. Bác chủ nhà kể là có nhiều làng như làng Sấu Giá, cả làng làm cướp. Hồi xưa kể cả Tây, ngụy hay cán bộ ta không biết, nghỉ lại làng là đêm bị làm thịt. Các nhà thường có chó và đặc biệt có ngỗng sư tử rất dữ. Một thằng bé 9 tuổi như tôi rất sợ chó và đặc biệt sợ ngỗng. Có lần tôi bị ngỗng rượt, sợ run như dẽ. Nghe bác chủ nhà dọa, ngỗng sư tử thích vặt dái các bé trai nên càng hãi, chỉ ước mình làm bé gái.
Trước mặt là một cái sân để phơi thóc, phơi rơm ngày mùa. Nhà đa số mái tranh vách đất, cả làng dễ chỉ có 1-2 nhà ngói. Tuy vậy, nhà tôi ở là nhà tranh vách đất. Nhà 3 gian ở giữa và hai chái, lúc nào cũng tối om. Có lẽ ngày nay nhìn sẽ thấy rất đẹp, nhưng hồi đó tôi có cảm giác ghê rợn. Làng hồi đó chưa có điện, cả nhà chỉ có 1-2 cái đèn hoa kỳ thắp dầu leo lét. Khi hết dầu chỉ còn dây bấc cháy đỏ quạch. Thông phong đèn lại ám muội đen sì, càng thê lương. Cứ tối đến nhìn ra ngoài tối thui, nhớ ánh điện Hà Nội kinh khủng. Bờ ao lại gây ra cảm giác kinh sợ, các lũy tre hóp hình như sẫm màu hơn, trông như các loại ma quỷ cái xõa tóc, chỉ chực cười lên khanh khách. Bác chủ nhà cứ tối đến lại kể chuyện con nam nam ở bờ ao, chuyên kéo chân người bén mảng tới bờ ao. Điều đó lại càng làm tôi kinh hoàng hơn và tượng tượng đủ thứ ghê rợn. Tôi hỏi ban ngày nam nam có kéo chân người không. Bác chủ nhà trợn mắt "Ban ngày nếu vắng người, nam nam có thể kéo chân trẻ con. Nhất là nếu mưa, nam nam kéo chân cả người lớn. Người chết đuối sẽ trở thành nam nam, kéo chân người khác." Rồi bác kể các trường hợp chết đuối trong làng, lười thè ra, mồm và mũi đều rỉ máu. Ấn tượng đó càng làm làng quê đầu tiên tôi biết vừa tối tăm mịt mù, vừa thê lương ghê rợn.
Điều thú vị nhất là tôi và em gái Hiền Lương được ở với các em họ là Vũ Huy và Hương Giang. Chúng tôi vốn rất thân nhau, chơi với nhau từ bé giống như bạn, Huy cùng tuổi với tôi, Hiền Lương và Hương Giang học cùng lớp. Do bác Quy ở lại Hà Nội để tiện đi lễ, nên bác Kế trông coi bốn anh em. Bác Kế là người Diễn Châu, người rất tốt, tình cảm, chỉ tội nghiện chè xanh, ăn trầu và bảo thủ. Bác vốn người làng của bà Hoe Du, bà U (vú em) của mẹ tôi hồi bé. Mới về Cao Lãm được mấy ngày thì bác Kế bị ngã xuống hố xia. Phải cả tuần sau bác vẫn khóc và run rẩy khi nhớ cảm giác kinh hoàng đó. Hố xia ở nông thôn Việt Nam thời đó có khắp nơi, thường ở cạnh chuồng lợn, là một cái bể lớn, mở toang tênh hênh. Ngang hố là một cái cầu bằng gỗ. Hễ bước lên là nó dập dềnh như muốn hất văng mình xuống hố xia. Tôi còn nhớ cảm giác run rẩy ra sao khi bước lên cái cầu đó. Càng run, cây cầu càng rung lắc tợn. Chắc bác Kế gặp nạn trong trường hợp đó. Tôi thì nhớ nhiều ngày đầu tôi cứ phải nhịn vì không dám ra nhà xia. Cảnh tượng thật là kinh hoàng, náo loạn vì một đội quân vô thiên lủng ruồi nhặng. Những con nhặng xanh biếc to tướng rất hỗn láo đáng ghét, tới lũ ruồi đen no nê, đậu đầy trong cái bể kinh hoàng đó, sẽ lao tới đậu trên người dám tới. Tôi vốn được mẹ dạy sạch sẽ từ bé, trong sách vệ sinh lại nói ruồi rất nhiều vi trùng. Cứ tưởng tượng vi trùng bò lổm ngổm trên người mình, tôi lại hãi hùng. Kinh khủng nhất là cái bể đó bốc mùi, không khí như đặc quánh lại, len lỏi khắp người mình rồi đọng lại trên đó. Ấn tượng đó thật không bao giờ quên nổi, đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn trở lại trong những ác mộng của tôi. Vì thế, mỗi buổi sáng Huy gọi tôi dậy nghe chim hót, nhưng tôi không thiết. Tôi nhớ tủ sách ở Hà Nội, nhớ bộ Việt Sử Thông giám Cương mục dày cộp mà tôi đọc thuộc làu từ 7-8 tuổi. Hình như tôi có tên là "cụ đồ" từ thời đó. Có lẽ người đặt tên đó là chú tôi, nhà văn Vũ Tú Nam.
Chúng tôi rất nhớ bố mẹ. Tôi không nhớ lắm nhưng khoảng 2 tuần hay 1 tháng thì bố mẹ tôi hoặc cô chú tôi về thăm 4 anh em một lần. Hồi đó đi lại khó khăn, nên không thể đi lại được như ngày nay. Mỗi lần như thế chúng tôi rất mừng. Hội nhà Văn cử 4 người thường xuyên ở Cao Lãm để trông coi chúng tôi. Thứ nhất là chú Giá, không rõ sau này chú đi đâu, chỉ nhớ chúng tôi đều yêu chú Giá. Chú hay kể chuyện cho chúng tôi nghe, cũng đỡ nhớ bố mẹ và nếu có ai bắt nạt chúng tôi có thể mách chú Giá. Chú Giá ở với thằng Tiệp con nhà thơ Vương Linh đi B. Thằng Tiệp luôn được ưu tiên ngồi trong lòng chú Giá. Người thứ hai là nhà thơ Phạm Hổ. Chú Hổ đưa chúng tôi ra trường xin học, khi chúng tôi bị bắt nạt hoặc đánh nhau với trẻ trong làng thì chú Hổ ra bênh vực. Bọn trẻ con trong làng rất sợ chú Phạm Hổ vì chú bảo vệ chúng tôi rất ghê, bọn nó gọi lén chú là "hổ điên" theo tên của Hứa Chử. Chú Hổ có ba cô con gái, các cô này thật hạnh phúc vì có bố ở cạnh. Lớn nhất sau này là nhà văn Phạm Sông Hồng, có lẽ thua tôi 1 tuổi. Tôi chỉ nhớ Sông Hồng hay hát các bài hát tiếng Trung Quốc về Mao Chủ tịch, Công xã là mây xanh gì đó. Tôi không rõ lời Hoa đúng đến mức độ nào hay bịa, nhưng cũng học lõm bõm được một ít. Cô em thứ hai là Phạm Sông Hương, có vẻ cau có, hơi kênh kiệu khó chịu. Dễ thương nhất là cô em út, Phạm Sông Đông, bé tý xíu, chắc khoảng 3-4 tuổi, trắng bóc, xinh xắn nhất nhà, hay cười. Tôi rất thích bé Sông Đông. Sau này gặp lại khi Sông Đông đã lớn tôi vẫn nhận ra, không khác gì mấy. Người thứ 3 là nhà thơ Chế Lan Viên, tôi gọi là bác Hoan, vì ông chơi thân với bố tôi. Chắc bác về đó nghỉ sáng tác, tóc quăn dày nặng trên trán. Mẹ tôi gọi đó là kiểu tóc Phi lô dốp, chắc hàm ý triết gia. Bác luôn mặc pi gia ma, cả lúc ra trường giải quyết việc gì đó cho chúng tôi. Bọn trẻ trong làng gọi là "ông quần ngủ". Bọn nó không cần biết tên các thi sĩ nổi tiếng làm gì. Người thứ tư là cô Cán, hồi đó là chánh văn phòng Hội thì phải. Cô Cán có 4-5 người con. Con trai là Tăng Hà, học với tôi và Huy. Cậu này rất khôn ngoan, dân vận khéo, nên bọn trong lớp coi như người làng, trong lúc tôi và Huy bị bọn nó khinh miệt gọi là dân Hà Nội. Huy tính hiếu động, yêu thiên nhiên, thích trâu bò, chim chóc, leo cây, đào dế, nên cũng chơi được với bọn nông thôn. Nhưng vì không khéo nên hay xích mích đánh nhau với bọn trẻ trong làng, vừa thân thiết đó đã thấy vừa đánh nhau, vừa khóc vừa chửi vung tý mẹt, chú Phạm Hổ hay phải bị kiện cáo hoặc ra ứng cứu. Lúc đó Tăng Hà coi bộ không chơi với chúng tôi, thậm chí còn nói nọ nói kia. Tất nhiên khi về nhà nó vẫn chơi với chúng tôi. Tôi cố nhiên đứng về phía Huy, nhưng với thái độ điển hình trí thức, xứng với tên gọi thầy đồ, là ủng hộ tinh thần là chính, không có hành động bạo lực nào.
Thầy của chúng tôi là một ông giáo già (tôi nhớ mang máng hình như tên là Huy hay Kính gì đó). Thực ra, tôi không nhớ được thày dạy gì, vì lớp khoảng 61-65 học sinh. Thậm chí đến muộn phải đứng học vì không có chỗ ngồi, mặc dù ken chặt 6-7 đứa một bàn. Tôi thường phải đứng cuối lớp, ngồi trên bờ giao thông hào, bọn trẻ nghịch láo cười đùa như chợ vỡ bên cạnh, không thể nghe thấy nói gì. Bài kiểm tra, tôi không bao giờ nghe được đề, nên thường không làm được. Cuối học kỳ Huy xếp trên tôi một bậc, có lẽ vì cao lớn hơn. Hai anh em xếp thứ 59 và 60 trong lớp, chắc chỉ hơn những đứa ngu nhất đời. Tăng Hà xếp khá cao, chắc cỡ 20 gì đó.
Cô Cán có một cô con gái là chị Hòa, hơn tôi khoảng hai tuổi. Đối với tôi, chị Hòa là nỗi kinh hoàng. Gần như gặp tôi ở đâu chị cũng véo tai và cốc đầu rất đau. Mãi về sau, chị mới nói là rất yêu tôi. Nhưng tình yêu kiểu đó thật là bất hạnh. Sau này, tôi cũng bắt đầu dám đánh lại, nhưng kết quả là bị ăn đòn nặng hơn. Có lần bị tát như trời giáng, tóe đom đóm mắt thấy hoa cà hoa cải, nước mắt dàn dụa, nhưng cố không khóc, để tỏ ra không chịu thua. Mãi về sau lớn hơn một chút, mới đỡ bị chị Hòa cho ăn đòn. Mặc dù chị về sau tỏ ra thân thiện, nhưng tôi vẫn không dám lởn vởn gần chị.
Thỉnh thoảng có bác Bùi Hiển đi công tác B ra cũng ghé về thăm con là Thúy Hồng. Cô bé này khoảng 3 tuổi, rất dễ thương, giọng cao vút, ở với bà nội. Tôi hay trêu Thúy Hồng là Thúi Hồng, nên mỗi lần thấy tôi Thúy Hồng lại cười và thỏ thẻ "Thói Hòng". Trong đám trẻ con hình như cũng có con nhà văn Ngọc Tú là Thu Huệ, sau này là nhà văn Nguyễn Thu Huệ. Tôi nhớ cô Tú cũng ở Cao Lãm nhiều, chắc nuôi con và mải viết nên đầu tóc lúc nào cũng rối bù, quần áo xốc xếch. Sau này, có người nói cô Ngọc Tú đẹp, làm tôi khá ngạc nhiên, nhưng nhớ lại, có lẽ cũng đẹp thật, nhưng chắc không đẹp bằng nhà thơ Xuân Quỳnh. Thu Huệ lúc đó chắc cũng bé xíu hoặc mới lọt lòng, nên tôi không nhớ là có chơi với chúng tôi hay không
Cuối năm học 1964-1965, chúng tôi được đưa về Hà Nội. Có lẽ nghe kết quả học tập của chúng tôi, mẹ tôi vốn là cô giáo cũng khiếp hồn. Người đưa chúng tôi về là chú Vũ Tú Nam. Tôi được phân công vác một cây mía. Luôn luôn đi chậm nhất ở cuối đoàn, thấy mỏi chân kinh khủng. Chú Nam bảo là tại vì tôi đi chân chữ bát giống cụ đồ. Từ Cao Lãm ra Vân Đình khoảng 5 cây, nhưng tôi nhớ là đi hết buổi sáng mới tới, dép cao su tuột quai, đứt quai suốt. Đó có lẽ là cuộc hành quân kinh hoàng nhất. Nhưng đó cũng là một cái kết hạnh phúc cho đợt đầu tiên về sống ở nông thôn hơn 5 tháng.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

29 comments:

  1. Hong Nhat Do: Hồi ký của anh hay quá . Kỷ niệm một thời ấu thơ gian khổ

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Cũng kg khổ lắm Trừ chuồng xia. Đúng là quá lạc hậu

      Delete
  2. Ca Vu Thanh: Tre hóp không có gai anh ạ "Lại mềm như ngọn lau cành hóp". Loại tre có nhiều gai người ta gọi là tre hóa. Anh nhầm tre hóa với tre hóp rồi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Chắc tuỳ đia phương có phân biệt Tôi thấy họ gọi hóp cả có hay không gai. Tôi nhớ dùng làm súng phốc

      Delete
    2. Ca Vu Thanh: Dùng làm súng phốc là hóp, không có gai. Tre gai là loại khác bác ạ

      Delete
    3. Ca Vu Thanh: Tôi trích bài thơ Em là con gái Châu Yên cho bác tham khảo nhé
      "Như bàn tay con gái Yên Châu
      Lại mềm hơn cành hóp ngọn lau"
      Quê tôi ở Nam Định. Ít nhất có Nam Định và Sơn La phân biệt tre hóp và tre gai (hay tre hóa) bác ạ. Cành hóp không có gai, rất mềm mại

      Delete
  3. Ca Vu Thanh: Kỷ niệm của tôi thời bé ở quê thì thật đẹp. Tôi sống gần bờ biển, hầm đào ngay sát nhà; thậm chí có hồi hầm đào ngay dưới gầm giường, đêm đêm nghe tiếng pháo bầy rú, lăn vội xuống hầm trú ẩn. Trẻ con vùng tôi rất ngoan, chịu khó học hành theo các tổ học tập; có đánh nhau nhưng là kiểu đánh nhau của trẻ con. Trị an rất tốt, rất ít trộm vặt. Tinh thần chống Mỹ sục sôi. Hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, nhưng hỗ trợ mọi người rất tốt.
    Nói tóm lại các kỷ niệm của tôi về quê mặc dù có những gian khổ, thậm chí khó khăn, đe dọa chết chóc nhưng nói chung rất thơ mộng. Tôi thấy rất may mắn là đã sinh ra và lớn lên ở vùng quê.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Tôi cũng có kỷ niệm đẹp về nông thôn. Nhưng ấn tượng về vùng Ứng Hòa Chương Mỹ (đầu tiên) không tốt lắm.

      Delete
  4. Bombo Chay: Hay quá anh Việt ơi! Anh nhớ tài thật. Em như thấy lại tất cả cảnh và người thời đó. Ấn tượng nhất là cái hố xia. Nhưng em còn nhớ là chếch ngay cạnh đấy còn buộc trâu. Hễ trâu ngúc ngoắc cái đầu là em sợ kinh khủng!
    Và nhớ mãi cảm giác hạnh phúc khi bố em quyết định dắt 4 anh em về Hà Nội. Chặng đường dài nhưng sướng vui. Vẫn nhớ bố em cứ trêu anh Việt vác cây mía đi lệt bệt đằng sau. Ước gì anh viết thật nhiều về "những ngày xưa yêu dấu"

    ReplyDelete
  5. Nguyễn Trọng Dũng: Anh chắc nhầm năm, Thu Huệ sinh năm 66. Còn nhớ hồi bé em có đọc truyện Buổi Sáng của Nguyễn Thị Ngọc Tú.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Có lẽ hồi đó Thu Huệ chưa ra đời thật, và có thể cô Ngọc Tú đang có mang Huệ (1965) nên đầu bù tóc rối. Hồi đó cô Tú có tác phẩm Huệ nên ai cũng biết sinh con gái sẽ đặt tên Huệ.

      Delete
  6. Ca Vu Thanh: Tôi quên mất chi tiết hố xí hai ngăn. từ những năm đầu 1960, ở quê tôi đã bắt các gia đình có hố xí hai ngăn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Bác cứ từ từ, tôi kể mấy nơi nữa

      Delete
  7. Vũ Huy: Anh Việt chuyển thành kịch bản phim đi,chắc chắn hay.

    ReplyDelete
  8. Hong Nhat Do: Tôi ở Bắc ninh, Hưng yên , La khê từ những năm 1964 , 1966 đều dùng hố xí hai ngăn. Chắc chỗ anh Việt ở lạc hậu , chống lại chủ chương của Đảng CS Vn nên ngồi hố xia

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Hồi đó Nhật 4-5 tuổi, chắc còn ngồi bô, làm gì biết nỗi khổ của hố xia.

      Delete
    2. Hong Nhat Do: Bốn tuổi hồi đó đã tự lập lắm rồi , đi học mẫu giáo , ở nhờ nhà chùa Niềm ở Bắc ninh với mấy ông anh họ cùng bà nội . Ba tuổi đã nhồi bếp mùn cưa ,
      6 tuổi đã phải thổi cơm trông em rồi

      Delete
    3. Nguyen Ai Viet: Hong Nhat Do, :-) Không tin lắm.

      Delete
    4. Hong Nhat Do: Cái hố xia thì em cũng có dùng , nhưng đó là cái hố tự đào (lúc đó mới 6 tuổi) ở gần căn nhà đất lợp lá ở Bắc thái (trường Tổng hợp) . Cái hố đi xong là lấp ngay xẻng đất lên , sau vài tháng mang bón rau mẹ trồng trong vườn . Tuy vậy sinh viên và cán bộ vẫn có hố xí 2 ngăn

      Delete
    5. Nguyen Ai Viet: À, sinh viên cán bộ là chuyện khác. Hồi đó thuyết phục nông dân dùng hố xí hai ngăn là cả một vấn đề. Vì vậy anh Nguyễn Minh Giao mới có câu thơ "Ỉa phải đúng lỗ mới tài" hay "Văn minh hố xí hai ngăn",... gì gì đó.

      Delete
    6. Hong Nhat Do: Bắc thái mới có Trường TH , còn những chỗ trước là nhà chùa , nhà dân

      Delete
    7. Hong Nhat Do: Về chuyện xia , thời đó hiếm giấy , nên sau khi đi phải kiếm cái que gạt đít , thật hãi hùng

      Delete
    8. Nguyen Ai Viet: Để hôm nào hỏi Diễm Hồng xem Hồng Nhật trông em thế nào :-)

      Delete
    9. Hong Nhat Do: Sau Diễm Hồng rồi tới 11 tuổi phải trông Diệu Hương, nó lười ăn bột toàn phải bóp mũi mới chịu nuốt, thế mà mẹ mình cứ đùn cho mình việc cho em ăn, may mà trời thương nó không bị sặc bao giờ, nghĩ lại thấy ấu trĩ , nguy hiểm và buồn nữa

      Delete
  9. Nguyen Van Bao: Anh Ai Viet, ngày đầu tiên về nông thôn sơ tán em bị ngã xuống hố xí. Ng ta bắc mấy cây tre trên miệng hố. Bước lên thì nó lăn. Lộn cổ xuống. Nhưng ấn tượng về những ng nhà quê thì tuyệt vời.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Tất nhiên. Nhưng đó là chuyện khác, sẽ viết ở những chương tiếp :-)

      Delete
  10. Hoà Binh Hoàng Thị: Rất hay! Nhớ lại tuổi học trò thời sơ tán xa HN

    ReplyDelete
  11. AV là người viết nhiều và viết về nhiều đề tài khác nhau. Tôi thích đọc những suy nghĩ và ký ức của AV trong những bài thuộc thể loại onkk (ôn nghèo kể khổ) từ bé, kể cả thời gian là sinh viên/LHS tại Hungary, vì chúng được diễn tả rất hay nhờ AV có bộ nhớ tốt (ít ra là hơn nhiều so với của tôi) cộng thêm cái tính dí dỏm ẩn hiện bên dưới những dòng chữ là thế mạnh của AV ở dòng ký sự này.

    ReplyDelete
  12. Nguyen Phuong Thao: Ngoài Cái hố xí và ruồi xanh ...ra là rất hay anh Việt ơi !

    ReplyDelete