Sunday, May 4, 2014

Budapesti villamosok - Những chiếc xe điện thành Budapest

Có lẽ đặc sản của Budapest là tàu điện. Kỷ niệm thời sinh viên là tàu điện. Khi buồn không biết làm gì lên tàu điện lang thang là thú vị nhất. Vé tàu điện thời đó 1Ft, vé xe bus 1.5Ft. Vé tháng tàu điện 20Ft, vé tháng xe bus 50Ft. Đối với sinh viên ngoại ngữ chúng tôi, đó là những khoản tiền to, do đó đi lậu vé cũng là chuyện bình thường. Sau này khi không còn phải trốn vé, tôi vẫn còn thói quen phấp phỏng giật mình khi đi tàu điện. Cảm giác đó trộn với tâm trạng hoài cổ và cảnh đẹp của Budapest, cũng làm tăng phần ly kỳ lý thú khi đi xe điện.

Budapest có hàng chục tuyến tàu điện khác nhau, nhưng có một số tuyến tàu điện quen thuộc như 4, 6, 19, 18, 49, 47 mà ai cũng biết. Trong số các tuyến tàu điện tôi thích nhất và có kỷ niệm nhiều nhất với tàu số 2 và tàu số 19 chạy dọc hai bờ sông Duna bên Pest và bên Buda.

Đường tàu điện số 2, từ quảng trường Jászai Mari, ở đầu cầu Margit chạy đến Kozvágó híd, sát bến tàu Hév ra Csepel và Ráckeve. Có lẽ đây là tuyến đường đẹp nhất, chạy dọc bờ sông Duna bên Pest, chạy qua nhà quốc hội, Viện Hàn Lâm, khách sạn Duna, cầu Margit, cầu Xích (Lánc Híd), cầu Erzsébet, cầu Szabadság, cầu Petofi, chợ Szabadság, trường Kinh tế. Tàu điện số 2 tương đối đẹp đẽ và luôn được tân trang đàng hoàng hơn so với các tuyến tàu điện khác. (Hình như ngoài tàu điện số 2 còn có tàu điện số 18 cũng mới vì chạy đến bệnh viện János).

Có lẽ đây là tuyến tàu điện tôi có nhiều kỷ niệm nhất, vì tôi thường đi tàu điện số 2 để đón tàu Hév đi Ráckev đến nhà cô bạn là Magdi. Sau này, cô bạn lấy chồng, nhà lại ở sát cuối bên kia của bến tàu số 2 tại quảng trường Jásszai Mari, đi bộ chỉ mấy bước chân là về nhà hoặc ra đảo Margit đi dạo cũng rất gần.






Đường tàu 19, chạy từ ga Kelenfoldi đến quảng trường Batthány. Tôi cũng yêu tuyến tàu điện này, nhất là đoạn chạy dọc bờ sông bên Buda, có lối đi lên thành Vár, chạy qua cầu Lánc, cầu Erzsébet, cầu Szabadság, quảng trường tròn (Moricz Zsigmond Kortér), quảng trường Kosztolányi Dezso tér.

Hồi học ngoại ngữ , mỗi dịp trốn học đi chơi, tôi hay ngồi trên tàu điện 19 chạy dọc bờ sông. Hồi ở ký túc xá Budaors thì vì không muốn mua vé tháng xe bus, chúng tôi thường đi bộ ra đường Bartók Béla đón tàu 19, 49, 47 từ Kelenfold về. Sau này đi lên Vár chúng tôi vẫn thường đón tàu 19 và đi bộ lên Vár. Còn ga Batthány tér có chuyến xe bus (hình như số 16) mà bạn Nguyễn Cao Bình thường đón xe bus lên Óbuda có việc riêng. (Chuyện này tôi nghe láng máng, nhớ cũng loáng thoáng, phải đợi Cao Bình kể lại). Bến quảng trường Batthány đối diện với nhà Quốc hội và cũng là bến Metro nối vào tuyến từ quảng trường Moszkva (nay chắc đã đổi tên khác) đi đến Sugár và bến tàu Hév đi Godollo.
       Đối diện với bến Metro là một cái chợ rất lớn. Đi chợ ở Hungari cũng là một cái thú không thể quên và nếu bạn nào chưa có cái thú đó thì sẽ là một thiệt thòi vô cùng lớn, không thể bù đắp được. Khi nào rảnh sẽ nói thêm về chuyện này.

    Tôi nhớ tuyến xe điện 19 thường mở cửa, gió sông Duna thổi vào từ bốn phía mùa hè rất sướng, mùa đông hơi khổ một chút. Sau đoạn chạy qua cầu Lánc, chỗ có một con đường hầm xuyên qua núi Buda, là bến để chuyển qua xe bus hoặc đi bộ lên Vár nếu bụng không đói lắm. Đoạn này đặc biệt xóc, tàu rung lên xòng xọc, bánh xe xiết vào đường ray ken két, rất ồn. Bây giờ hình như đều đã thay bằng tàu điện mới hiện đại, nhưng chắc không có cái hương vị cổ điển như ngày xưa




3 comments:

  1. Tàu điện (chạy trên đường ray như trong hình AV post), xe buýt và metro là những phương tiện chính của SV để đi học và đi chơi trong tp, còn lại thì phần lớn trông cậy tất cả vào đôi chân, từ leo núi đến sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm của Budapest để tìm kiếm những gì chưa được biết đến hoặc khó tìm (đĩa nhạc, quần áo, các cửa hàng đặc biệt có thể mua quà tặng & vật dụng khi cần ...). Bài hát “Az első villamos” (Fonográf) cũng là 1 phần gắn liền với những kỷ niệm – tàu điện ở Hungari.

    ReplyDelete
  2. Cao Bình có thể kể vể những chuyến đi xe bus 16 từ Batthány tér thăm cô Kati trên Óbuda.

    ReplyDelete
  3. Nếu AV nhớ tên Kati và cả số xe bus 16 thì bạn ko hề "láng máng" hay "loáng thoáng" chút nào, biết đâu bạn còn có thể nêu vanh vách lắm thứ còn hơn cả tôi... thế nên bây giờ 'chuyện ai nấy kể' cất kỹ làm gì, sót đâu thì bạn bè 'góp' cho trọn vẹn đầu đuôi nhé. Tôi sẽ up chuyện của mình với tên "Chuyện tình không tên số 1" để phân biệt với "Chuyện tình" với vợ tôi. Sẽ cố gắng viết thật ngắn gọn (vì có cố 'hư cấu' thì cũng vẫn ngắn củn, chẳng thể thành ra tiểu thuyết được), viết xong, gửi cho AV kiểm duyệt rồi tôi sẽ up sạch, có gì kể hết, chẳng giấu gì đâu.

    ReplyDelete