Sunday, December 27, 2015

Cuộc chiến tranh Việt Nam qua điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn (9)

Cuộc chiến tranh đã được chuẩn bị hồi kết như thế nào

Nguyễn Văn Thiệu từng coi bản Hiệp định Paris là 1 bản hòa ước tự sát, nhưng vì cần chặn đứng những sự phá rối của phe đối lập, nên ông đã đồng ý ký.
Người Mỹ chuẩn bị rút khỏi VN. Các điều khoản quan trọng nhất của Hiệp định Paris ký ngày 27/1/1973 bao gồm cả việc đình chiến và việc rút quân Mỹ khỏi VN. Mỹ phải ngừng tất cả các hoạt động không quân, hải quân chống miền Bắc VN và phải tháo gỡ hoặc làm vô hiệu vĩnh viễn toàn bộ số mìn và thủy lôi mà họ đã thả xuống vùng sông, biển của miền Bắc VN. Trong vòng 60 ngày sau khi Hiệp định được ký kết, tất cả các lực lượng Mỹ và đồng minh của Mỹ phải rút khỏi VN. Mỹ bị cấm không được cung cấp hoặc đưa trở lại VN những phương tiện chiến tranh và bị buộc phải tháo dỡ tất cả các căn cứ quân sự ở miền Nam. Các lực lượng vũ trang của 2 bên VN được duy trì tại chỗ, nhưng sự ngừng bắn phải được duy trì cùng với việc cấm đưa quân đội, cố vấn quân sự, nhân viên quân sự, kể cả các nhân viên kỹ thuật quân sự, vũ khí, đạn dược và các vật liệu chiến tranh vào miền Nam VN. Cả 2 bên được phép theo định kỳ thay thế, bổ sung những vật liệu đã bị phá hủy, hư hỏng, hoặc dùng hết trên cơ sở 1 đổi 1 dưới sự giám sát và kiểm soát quốc tế.
Mỹ và miền Bắc VN hứa tôn trọng nguyên tắc tự quyết của nhân dân miền Nam VN, bao gồm cả việc tổ chức bầu cử tự do, dân chủ dưới sự giám sát của quốc tế. Để thự hiện được điều này, 1 Hội đồng Hòa giải và Hòa hợp dân tộc được lập ra và Mỹ bị cấm can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam VN.
Hiệp định Paris là 1 thắng lợi lớn của miền Bắc VN trên bàn đàm phán. Đài phát thanh Tiếng nói VN, cả chương trình đối nội và đối ngoại đều dành mấy ngày liền để đọc đi đọc lại toàn văn nội dung bản hiệp định. Tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ công bố Quốc kỳ của nước Việt Nam DCCH sẽ được kéo lên trên khắp mọi miền đất nước trong 8 ngày, tính từ phút đầu tiên cuộc ngừng bắn có hiệu lực (từ 28/1 cho đến 4/2). Trong suốt 3 ngày đêm liên tục, các đường phố Hà Nội đông nghẹt người đổ ra đường để ăn mừng sự kiện chỉ còn 60 ngày nữa sẽ không còn quân đội nước ngoài nào trên đất nước VN và các căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam sẽ phải bị tháo dỡ.
Trong khi đó, tại miền Nam không hề có niềm vui. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các cộng sự của ông biết rõ rằng ông Lê Đức Thọ đã thắng trong cuộc chiến tranh ngoại giao. Ngoại trưởng Henry Kissinger đã thương lượng 1 Hiệp định chẳng đại diện cho cái gì khác ngoài 1 văn bản lễ tân ngoại giao về sự không can dự của Mỹ. Nhiều người, trong đó có cả trợ lý John Negroponte, đều thấy rõ rằng Kissinger làm như vậy chẳng khác nào "cầu nguyện cho chính quyền Thiệu ở miền Nam VN nhanh chết".
Vào thời kỳ đầu thực hiện Hiệp định, Hà Nội chưa có kế hoạch nào cho việc mở các cuộc tấn công ở miền Nam. Họ cũng cần có thời gian để phục hồi và chấn chỉnh nhân lực các cấp. Các tài liệu lưu hành nội bộ của Đảng cho thấy năm 1973 miền Bắc đã nghĩ đến việc mở lại chiến dịch tấn công quy mô lớn sau năm 1976, nhưng 1 số sự kiện chính trị nội bộ nước Mỹ đã ngăn cản việc thực hiện các kế hoạch này.
Phân tích của Phạm Xuân Ẩn về tình hình miền Nam VN sau khi ký Hiệp định Paris cho thấy thắng lợi của Chính phủ Cách mạng Lâm thời CHMNVN là: "...những điều mà từ năm 1966 họ đòi thì nay họ đã có - quyền được tham gia vào chính phủ... Do vậy, giờ đây Mặt trận DTGP đã có điều mà họ muốn. Có thể họ sẽ thúc đẩy trong 60 ngày hoặc là thúc đẩy để cho Thiệu bị lật đổ". Và ông cho biết về quan điểm của Hà Nội: "thực hiện toàn bộ hiệp định là điều họ muốn, không còn nghi ngờ gì nữa... Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa chủ trương đi chậm lại. Họ muốn giữ nguyên trạng hoặc là tổ chức tổng tuyển cử theo điều kiện của họ mà Đảng Cộng sản không thể nào chấp nhận được. Thái độ của họ là Bắc Việt Nam và Mỹ đẩy họ đến tình trạng mọi chuyện đã rồi, một nền hòa bình độc ác, do vậy họ muốn giữ nguyên trạng càng lâu càng tốt và để tăng cường vị thế của họ... Nhưng cũng còn nhiều vấn đề nội bộ ở đây, và đó là một lý do khác mà chúng ta không thể thương lượng. Các vấn đề kinh tế, chính trị, và quân sự, tham nhũng, vấn đề xã hội phải được giải quyết ổn thỏa trước khi chúng ta có thể đề cập đến bên khác".
Có lẽ 1 khía cạnh làm Thiệu đau đớn nhất là điều khoản ngừng bắn tại chỗ, cho phép quân đội miền Bắc vẫn được ở lại miền Nam. Tháng 10, Henry Kissinger đi thăm Campuchia rồi trở về Sài Gòn. Ông ta đi thẳng tới thăm Tổng thống VNCH đúng lúc Thiệu đang trong trạng thái rất căng thẳng và đầy xúc động. Nguyễn Văn Thiệu nói với Kissinger: "Giờ các ông đã công nhận sự có mặt của quân đội Bắc Việt Nam ở đây. Nhân dân Việt Nam cho rằng chúng tôi đã bị Hoa Kỳ bán đứng. Bắc Việt Nam đã thắng trong cuộc chiến tranh".
Làm sao Nguyễn Văn Thiệu có thể chấp nhận sự có mặt của từ 200.000 đến 300.000 quân đội Bắc VN. "Nếu chúng tôi chấp nhận những điều trên trong Hiệp định, chúng tôi sẽ tự sát". Chỉ lên tấm bản đồ trên tường, Thiệu nói: "Mất một nước nhỏ như miền Nam Việt Nam thì có hề gì với Mỹ đâu? Đối với các ông, chúng tôi chỉ lớn hơn một dấu chấm trên bản đồ thế giới. Nếu các ông muốn từ bỏ cuộc chiến tranh, chúng tôi sẽ chiến đấu một mình cho đến khi nào chúng tôi hết sức, và đến lúc đó chúng tôi sẽ chết... Đối với chúng tôi, sự lựa chọn là giữa sống và chết. Đặt bút ký vào bản Hiệp định không khác nào một sự đầu hàng, là chấp nhận một bản án tử hình, bởi vì cuộc sống mà không có tự do là chết. Không, nó còn tồi tệ hơn cả cái chết!".
Bằng một hành động còn tồi tệ hơn, Henry Kissinger để lại cho nhà lãnh đạo Campuchia Lon Nol ấn tượng về một điều không có thật rằng Hiệp định đã được ký kết và Nguyễn Văn Thiệu đã chấp nhận bản Hiệp định. Lon Nol vốn sôi nổi và bồng bột liền mở sâm banh ăn mừng: "Cuối cùng thì hòa bình cũng đã đến. Chúng ta phải uống để mừng cho điều đó và cho Tiến sĩ Henry Kissinger vì sứ mạng của ông".
Phạm Xuân Ẩn đã gửi báo cáo ra Hà Nội về sự bất đồng giữa Henry Kissinger và Nguyễn Văn Thiệu. Đó là lý do vì sao phóng viên Arnaud de Borchgrave của tạp chí Newsweek được mời ra Hà Nội để có cuộc phỏng vấn độc quyền với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Hà Nội đã nhìn thấy 1 cơ hội làm bối rối Henry Kissinger trong con mắt của những người thuộc chính quyền Sài Gòn.
Ngày 23/10, tạp chí Newsweek đăng bài phỏng vấn, dẫn lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rằng, bản Hiệp định đã thỏa thuận xong. Lễ ký kết dự định được tổ chức tại Paris vào ngày 31/10. Hà Nội cũng cho phát toàn văn bản dự thảo Hiệp định, mặc dù nó vẫn còn được thảo luận giữa Kissinger và Lê Đức Thọ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề cập đến một "sự liên minh tạm thời" và nói rằng các sự kiện đã đi nhanh hơn ông Nguyễn Văn Thiệu. Cuộc phỏng vấn với Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nhằm đưa ra công luận, đặc biệt là dư luận Mỹ, một sự đã rồi. Hơn nữa, cuộc phỏng vấn này còn chứng tỏ ý đồ xấu xa của Richard Nixon và Henry Kissinger trong quá trình tìm kiếm hòa bình. Ngoài ra, cuộc phỏng vấn này còn để chứng tỏ cho Liên Xô và TQ biết rằng Hà Nội đang thực lòng muốn tìm kiếm 1 hiệp định với Mỹ và như vậy thì xứng đáng được tiếp tục nhận viện trợ từ 2 nước này. Đại sứ Nguyễn Xuân Phong, Bộ trưởng trong Chính phủ VNCH từ năm 1965 - 1975 nhớ lại: "Theo ý kiến tôi, đó mới là thành tích lớn nhất của ông Phạm Xuân Ẩn".
Henry Kissinger bị buộc phải về Washington để tổ chức 1 cuộc họp báo với tư cách 1 người tham gia đàm phán tại Hội nghị Paris về VN. "Thưa quý bà, quý ông, hiện nay chúng ta đã nghe nói từ cả hai miền Việt Nam và trên thực tế cuộc chiến tranh từng tồn tại hơn mười năm, giờ đây đang đi đến hồi kết. Và đây là sự trải nghiệm đáng buồn cho tất cả các bên tham gia. Tổng thống cho rằng, có lẽ sẽ là hữu ích nếu tôi đến đây để nói với tất cả quý vị về những điều gì chúng ta đang làm, hiện nay chúng ta đang đứng ở đâu, và để làm rõ một số lời đồn đại khác nhau và những lời buộc tội... Chúng tôi tin rằng hòa bình đang ở trong tầm tay".
Phạm Xuân Ẩn cả quyết rằng về mặt cá nhân ông cảm thấy rất hài lòng khi giúp Hà Nội làm cho Kissinger bối rối.
Ngày 9/8/1974, Tổng thống Nixon phải từ chức. Sự kiện này làm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu choáng váng. Như thế có nghĩa là mọi lời đảm bảo và cam kết của ông sẽ không thể thực hiện được. Như vậy, người bảo lãnh cho Thiệu đã ra đi, mặc dù ngày 10/8, Tổng thống mới của Mỹ Gerald R. Ford viết rằng: "Những cam kết hiện tại mà Hoa Kỳ đã đưa ra trước đây mà còn giá trị, thì chính quyền của tôi sẽ hoàn toàn tôn trọng". Nhưng 1 làn sóng thủy triều đang dâng lên làm thay đổi chính trị nước Mỹ. Tháng 11/1974, trong cuộc bầu cử Quốc hội, phe Dân chủ thắng lớn giành được 34 ghế Hạ viện và 3 ghế Thượng viện. Kết quả này giúp cho Đảng Dân chủ được hưởng quyền đa số khổng lồ với tỷ lệ 291 - 144 tại Hạ viện và 61 - 39 tại Thương viện. Người Mỹ đã sẵn sàng từ bỏ VN và chôn vùi toàn bộ 1 chương nhớp nhúa bẩn thỉu của lịch sử.
Tất cả những điều này đã góp phần giải thích tại sao cuộc chiến tranh VN đã được kết thúc nhanh hơn so với dự kiến của Hà Nội.
Tháng 10/1974, Quân ủy Trung ương đã có cuộc họp với BCT ở Hà Nội để thảo luận về việc liệu cuộc chiến tranh đã đến giai đoạn cuối cùng hay chưa? Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng thì vấn đề mấu chốt là "một khi các cuộc tấn công quy mô lớn của chúng ta đẩy Quân đội Sài Gòn đến nguy cơ sụp đổ, liệu Mỹ có thể đưa quân trở lại miền Nam Việt Nam hay không?". Các đại biểu tham dự cuộc họp liên tịch này đã thảo luận về vụ Watergate, về việc từ chức của Nixon, và về việc Quốc hội Mỹ cắt giảm chi phí cho chiến tranh. Tại hội nghị này, kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu đã được duyệt. Kế hoạch đó được gọi là "Cuộc tổng tiến công 1975 mở rộng, quy mô lớn" tại Tây Nguyên.
(còn nữa)

Ghi lại từ cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman

1 comment:

  1. Tronh thời gian này, tôi đã gặp ông già mình tại khách sạn tròn Budapest. Lần này ông sang để bí mật gặp phe đối lập của Thiệu ở Sài Gòn (sau này tôi mới biết). Biết tôi hay quan tâm cả những gì của "địch" nên ông cũng mang qua cho tôi một số tài liệu "mật-không phổ biến" trong thời kỳ sau Hiệp định Paris. Lúc đó tôi rất quan tâm đến thái độ của chính phủ Mỹ ntn đối với cả miền Bắc và miền Nam.

    ReplyDelete