Monday, December 21, 2015

Cuộc chiến tranh Việt Nam qua điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn (3)

Các bạn trở lại phần trước ở đây

Phạm Xuân Ẩn luôn khẳng định: "Tôi là một nhà tình báo chiến lược, chứ không phải là nhà tình báo chính trị. Các nhà tình báo chính trị thì làm những việc như là tổ chức ra các nhóm lật đổ và những việc của những điệp viên chính trị. Tôi là một học trò của Sherman Kent. Công việc của tôi là phân tích thông tin". (Larry Berman)


Việt Nam Cộng hòa dưới thời Ngô Đình Diệm: Giờ quyết định

1954: Một tuần sau khi Lansdale đặt chân đến Sài Gòn, ông vua vắng mặt Bảo Đại, lúc đó đang sống ở Paris, đã mời Ngô Đình Diệm lên giữ chức thủ tướng của chính quyền Nam VN. Bảo Đại nói rằng "Sự cứu nước Việt Nam tùy thuộc ở điều đó". Học bổng dành cho Diệm vừa qua chứng tỏ Diệm và em trai là Ngô Đình Nhu đã phải dùng đến rất nhiều mưu mô từ 1 năm trước đó nhằm đưa Ngô Đình Diệm vào đúng vị trí này.
Tháng 5/1954, khi Điện Biên Phủ thất thủ, Ngô Đình Diệm đã tự cho mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc có quan hệ tốt với Washington. Là tín đồ Thiên Chúa giáo, xuất thân từ 1 gia đình quan lại khá giả, Ngô Đình Diệm có 1 lý lịch chống Cộng nhà nòi. Diệm đã cầu cứu nhiều nhân vật chống Cộng ở Mỹ nắm giữ các vị trí cao như Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, Hồng y Francis Spellman, Thượng nghị sĩ John F. Kennedy và Chánh án Tòa tối cao William O. Douglas. Quan hệ được với 2 anh em theo đạo Thiên Chúa và chống CS điên cuồng John Foster Dulles ở Bộ Ngoại giao và Allen Dulles ở CIA, Ngô Đình Diệm đã có mối quan hệ tay trong với chính quyền Eisenhower.
Đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất đúng 3 tuần sau khi Lansdale tới miền Nam VN, Ngô Đình Diệm tuyên bố ngay tại sân bay "Giờ quyết định đã đến". Ông phải đối mặt với 1 liên minh các kẻ thù hùng mạnh sẵn sàng bằng mọi giá chống lại việc củng cố quyền lực của mình. Trong đó phải kể đến tướng Nguyễn Văn Hinh, Tư lệnh lục quân miền Nam VN có quan điểm thân Pháp. Hinh từng là người vận động nhiều phe nhóm lật đổ Diệm. Kế đến là băng nhóm Bình Xuyên, tổ chức tội phạm dạng mafia mà kẻ cầm đầu là Chuẩn tướng Bảy Viễn. Để trả món nợ hàng triệu USD tiền thua bạc, Bảo Đại đã bán cho Bình Xuyên toàn quyền hoạt động cờ bạc ở Chợ Lớn, kể cả sòng bạc Đại thế giới (Grand Monde) và nhà thổ Phòng Gương lớn nhất châu Á thời đó. Bảo Đại cũng bán quyền kiểm soát cảnh sát quốc gia cho Bảy Viễn thao túng.
Lansdale nhanh chóng vạch ra 1 kế hoạch, trước hết là không để các đối thủ chính trị của Diệm cụm lại lật đổ Diệm. Sau đó sẽ lần lượt tiêu diệt từng đối thủ. Trước khi tiến hành, Lansdale cần sự chấp thuận của Ngô Đình Diệm. Đồng thời, Lansdale cũng cần cả sự ủng hộ của Tướng John "Iron Mike" O'Daniel, chỉ huy trưởng MAAG. Diệm chấp thuận ngay kế hoạch của Lansdale. O'Daniel cũng vậy. Tổng thống Eisenhower rất lo ngại cho Diệm nên đã phái Tướng J. Lawton "Lighting Joe" Collins sang Sài Gòn làm Đại sứ để tìm hiểu xem điều quỷ quái gì đang diễn ra ở đó.
Sau đó, Collins tuyên bố rằng, ông hoàn toàn tuyệt vọng với mọi giải pháp chừng nào Diệm vẫn còn tại vị và còn tin rằng không thể tránh khỏi một cuộc nội chiến ở miền Nam VN.
Về sau, Phạm Xuân Ẩn cho biết: "Những thông tin mà tôi lấy được về Collins là rất giá trị bởi vì nếu Diệm bị thay thế thì người Mỹ sẽ đưa ra lời đe dọa rằng Mỹ sẽ ra đi, đồng thời cắt mọi khoản tiền viện trợ. Điều này có nghĩa rằng chúng tôi có cơ hội thống nhất đất nước rất nhanh chóng. Tôi đã kiểm tra với hai nguồn tin của mình sau đó mới báo cáo tất cả lên cấp trên của tôi. Sự thay thế Diệm đã không diễn ra, nhưng thông tin của tôi là chính xác".
Ngày 27/4 Dulles gửi 1 bức điện đến Đại sứ quán với chỉ thị rằng quyền Trưởng Phái bộ phải chuẩn bị tìm 1 người khác để làm thủ tướng. Lansdale hiểu ngay sắp có sự thay đổi trong chính sách của Mỹ. Nhận thấy thời gian còn rất ít, Lansdale liền hỏi ý của Diệm để ra lệnh một cuộc phản công ồ ạt. Nhưng Ngô Đình Diệm không chờ đến khi bị thúc giục đã tự vạch ra kế hoạch tấn công. Ông cũng biết các em mình đã khéo léo tranh thủ sự ủng hộ của các sĩ quan Quân đội VNCH. Lou Conein cũng mua được sự trung thành của các sĩ quan chủ chốt bằng lời hứa sẽ từ bỏ Hinh vì sợ Mỹ sẽ cắt viện trợ nếu Hinh giành được thắng lợi và thấy rằng, quân đội VNCH đi với Diệm thì tốt hơn vì được Washington ủng hộ.
Ngô Đình Diệm đã loại được nhóm Bình Xuyên sau 1 trận chiến. Tướng Trịnh Minh Thế bị ám sát theo lệnh của Ngô Đình Nhu.
Ngày 1/5, Ngoại trưởng Dulles thông báo với Đại sứ Collins rằng bức điện mà ông gửi trước đó đã bị rút lại. Dulles cho rằng thắng lợi của Diệm là bằng chứng cho thấy thủ tướng đã củng cố được quyền lực và hiện tại, ông ta có thể không bị phế truất. Bức điện còn nêu rõ: "Đối với chúng ta lúc này, việc tham gia vào một âm mưu loại bỏ Diệm không chỉ là một vấn đề không thực tế trong nước mà còn là điều rất có hại cho uy tín của chúng ta ở châu Á".
Khi đã bảo toàn được cơ sở quyền lực của mình và vô hiệu hóa được các giáo phái chống đối, Diệm quyết định quay sang phế truất Bảo Đại bằng cách tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân. Trong đó, Diệm tự xác định mình là người chống lại vua Bảo Đại và ông đã giành thắng lợi với 98,2% số phiếu ủng hộ. Ba ngày sau, với số phiếu được kiểm nhiều hơn số cử tri đăng ký đến hàng ngàn phiếu, Ngô Đình Diệm tuyên bố rằng Hoàng đế Bảo Đại đã bị phế truất, đồng thời Diệm tự tuyên bố mình là tổng thống mới của VNCH.
Khoảng cuối năm 1955, điều tưởng như không thể đã xảy ra: vị trí của Ngô Đình Diệm đã được củng cố thêm rất nhiều. Điều này một phần do sự giúp đỡ bí mật và quan trọng của Lansdale cùng các cộng sự, những người đã thành công trong việc trung lập hóa các âm mưu của những đối thủ chính trị của Diệm.
Tháng 5/1955, Tạp chí Life tuyên bố Ngô Đình Diệm là "Người hùng thần diệu của châu Á". Ngô Đình Diệm bay sang Mỹ để đọc 1 bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Tại New York, Thị trưởng Robert F. Wagner đã gọi Ngô Đình Diệm là "Một người mà lịch sử chưa điều chỉnh kịp để trở thành một trong những nhân vật vĩ đại của thế kỷ 20". Tờ Bưu điện tối thứ bảy gọi Diệm là "ông quan mặc complet da cá mập - người đang làm thất vọng thời gian biểu Đỏ".
Năm tháng sau đó, Phạm Xuân Ẩn đặt chân xuống California theo một "Thời gian biểu Đỏ" khác.

Phong trào nổi dậy ở miền Nam VN ngày càng phát triển mạnh. Số lượng những cuộc tấn công của những nhóm du kích nhỏ vào các cơ sở của chính phủ, đài quan sát trung bình mỗi tháng cuối năm 1959 khoảng hơn 100 vụ. Số các vụ ám sát những quan chức chính phủ, chỉ huy cảnh sát và những nhân vật có máu mặt ở các thôn xóm tăng gấp 2 lần. Số vụ bắt cóc ghi nhận ở mức cao nhất so với bất kỳ thời gian nào trước đó. Tại đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên đã xảy ra rất nhiều cuộc nổi dậy tự phát tại các bản làng. Các cuộc bạo loạn và biểu tình của quần chúng do Việt Cộng tổ chức đã lan rộng, gây mất trật tự trị an và thường dẫn đến các cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền Diệm.
Trong khi đó, quân đội VNCH chuẩn bị rất kém để đối phó với sự gia tăng hoạt động của du kích. Từ năm 1954 đến năm 1960, hai trưởng đoàn MAAG là Tướng John w. "Iron Mike" O'Daniel và Trung tướng Samuel T. "Hanging Sam" Williams chỉ chủ yếu tập trung vào việc chấm dứt những cuộc vượt biên thông thường qua vĩ tuyến 17. Họ không coi những cuộc nổi dậy là mối đe dọa đối với sự ổn định của miền Nam VN. Các nhóm bộ binh cơ động trang bị nhẹ trước đó được tổ chức lại thành những sư doàn bộ binh cho phù hợp với nhiệm vụ và kế hoạch phòng vệ được vạch ra của Mỹ. Quân đội VNCH được trang bị những thiết bị tiêu chuẩn. Các cố vấn Mỹ đã bắt đầu trực tiếp huấn luyện Quân đội VNCH cho 1 cuộc chiến tranh thông thường như Quân đội CS đã từng từng tấn công đánh bại người Pháp hồi năm 1954 hay như Bắc Triều Tiên đã từng tấn công Nam Triều Tiên hồi năm 1950.
Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh xây dựng 1 kế hoạch toàn diện chống nổi dậy.
Tháng 8/1960 Trung tướng Lionel C. McGarr đã thay thế Tướng Williams làm Chỉ huy trưởng MAAG. Bằng việc coi chống các lực lượng nổi dậy như là "những hình thái khác thường của chiến tranh đòi hỏi phải có những kỹ thuật và học thuyết đặc biệt" , ông và các chuyên gia của mình đã cho ra đời sản phẩm "Những chiến thuật và kỹ thuật hoạt động chống nổi dậy" (CIP). Ngay lập tức, CIP được chuyển cho BS Trần Kim Tuyến. Ông Tuyến liền đưa cho Phạm Xuân Ẩn yêu cầu phân tích tài liệu đó. Tham mưu trưởng lục quân, Tướng Trần Văn Đôn cũng trao cho Phạm Xuân Ẩn 1 tài liệu đúng như vậy cùng với những tài liệu hỗ trợ khác để truyền đạt tư tưởng và hành động mà MAAG và các cố vấn Mỹ muốn Quân đội VNCH thực hiện trong cuộc chiến mới. Phạm Xuân Ẩn còn thường xuyên giữ liên lạc với các tướng lĩnh quân đội VNCH sau khi họ kết thúc khóa huấn luyện đặc biệt về chiến lược chống nổi dậy được tổ chức tại Trung tâm chiến tranh Đặc biệt của Quân đội Mỹ ở Fort Bragg, Hoa Kỳ trở về.
Từ 1961 đến 1965, Phạm Xuân Ẩn đã gửi gần như tất cả mọi tài liệu quan trọng liên quan đến các kế hoạch hoạt động quân sự và dân sự ở miền Nam VN.


Ghi lại từ cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman

2 comments:

  1. Sherman Kent là tác giả nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn giải quyết 1 cách hệ thống vấn đề phân tích tình báo mang tựa đề "Tình báo chiến lược đối với chính sách thế giới của Mỹ". Phạm Xuân Ẩn biết đến Sherman Kent từ Lansdale và từ những đồng nghiệp của ông làm việc trong Tổ chức tình báo Trung ương Nam VN (CIO) mỗi khi họ đi dự 1 khóa huấn luyện do CIA tổ chức. Tài liệu chính cho những khóa học này là sách của Sherman Kent.

    ReplyDelete
  2. Ngô Đình Diệm từ Mỹ về Paris vào tháng 5/1953, tròn 1 năm trước khi được bổ nhiệm, đặc biệt là để lobby với Bảo Đại. Khoảng tháng 10, ông Diệm và Bảo Đại gặp nhau @ Cannes để bàn v/v Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng (6 tháng trước trận Điện Biên Phủ và sự kiện khai mạc Hội nghi Geneva).

    ReplyDelete