Monday, December 28, 2015

Cuộc chiến tranh Việt Nam qua điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn (10)

Những trận đánh cuối cùng

Đầu tháng 11/1974, BCT triệu tập tất cả những nhà lãnh đạo Đảng và chỉ huy trưởng các mặt trận ở miền Nam ra Hà Nội để đánh giá kế hoạch chiến lược cho cuộc Tổng tấn công năm 1975.
Ngày 13/11/1974, Tướng Trần Văn Trà ngồi trên ghế trước của chiếc GAZ 69 do Liên Xô sản xuất, phía sau ông là ông Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, người cấp cao nhất của CS ở miền Nam. Ông Trần Văn Trà từng di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh trong năm 1959 từ miền Bắc vào Nam. Ngày đó con đường mòn này còn sơ khai và được gọi với cái tên là đường 559. Chuyến đi từ Bắc vào Nam của ông ngày đó phải mất 4 tháng mới đến nơi nhưng lần này ông từ Nam ra Bắc chỉ mất 10 ngày.
Chiếc GAZ 69 rẽ sang đường 13 đoạn tại Lộc Ninh, nơi đóng chỉ huy sở của Quân khu B-2, vốn được coi là thủ đô của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời CHMNVN. Khi đã đi cách Sài Gòn 100km, chiếc xe quay đầu nhằm thẳng hướng Bắc tiến trên đường 13 giữa ban ngày. Trên đoạn này, ông Trần Văn Trà chỉ hơi sợ một chút về việc, có thể bị một vài đơn vị nhỏ đã suy yếu của quân đội VNCH được giao nhiệm vụ canh giữ kho đạn và xăng dầu tấn công. Chưa đầy 1 giờ sau, chiếc xe đã vượt biên giới sang Campuchia, nhằm hướng Tây Bắc, đi theo bờ sông Mê Kông đến gần Kratie thì dừng lại để đi bằng xuồng máy. Khi đến Nam Lào, họ lại đổi sang đi bằng ô tô, tiếp tục chạy trên đường mòn Hồ Chí Minh. Tới Đông Hà, họ thẳng tiến hướng Bắc để hoàn thành nốt chặng cuối cùng của hành trình ra Hà Nội.
Hội nghị kéo dài 22 ngày, từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975. Đây là cơ hội để Tướng Trần Văn Trà thanh minh vì ông đã phải trả giá đắt cho kế hoạch năm 1968 của mình để đạt được sự nổi dậy đồng loạt dịp Tết Mậu Thân. Do còn những thiếu sót, ông Trần Văn Trà đã lỡ cơ hội vào BCT "nhưng là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Thượng tướng, Tư lệnh các lực lượng quân đội Cộng sản vùng đồng bằng - tức là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại hội nghị, ông đã trình bày các kế hoạch mới cho miền Nam".
Những người tham dự hội nghị đã có quan điểm rất khác nhau về chiến lược và thời gian biểu mà Tướng Trần Văn Trà trình bày. Một số Ủy viên BCT còn e ngại về việc Mỹ sẽ phản ứng thế nào đối với một cuộc tấn công mới. Họ đã từng đánh giá thấp Nixon hồi tháng 4 và tháng 12/1972. Nhưng lúc này, Nixon không còn là ông chủ trong Nhà Trắng nữa. Vụ Watergate đã phá tan giấc mơ làm tổng thống nhiệm kỳ 2 của ông ta.
Nghị quyết kết thúc hội nghị nhận định: "Chưa bao giờ chúng ta có được các điều kiện chính trị và quân sự thuận lợi như vậy, cũng như chưa bao giờ chúng ta có được lợi thế chiến lược to lớn như hiện nay; Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam và tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc..."

Lúc 10 giờ rưỡi sáng ngày 5/2/1975, chiếc máy bay Antonov AN-24 cất cánh từ sân bay quân sự Gia Lâm bay đến Đồng Hới. Trên máy bay có Đại tướng 4 sao Văn Tiến Dũng. Tướng Văn Tiến Dũng từng làm Tham mưu trưởng từ năm 1953. Ở tuổi 56, ông trở thành Ủy viên BCT trẻ nhất. Để hành trình của Tướng Dũng đảm bảo bí mật tuyệt đối, 1 kế hoạch đánh lừa đối phương đã được áp dụng. Người lái xe cho Đại tướng Văn Tiến Dũng vẫn hàng ngày 2 lần đúng giờ lái chiếc Volga từ nhà Tướng Dũng đến Tổng hành dinh quân đội theo lộ trình bình thường. Những người lính được chỉ thị tiếp tục chơi bóng chuyền hàng ngày trước nhà Đại tướng. Báo chí vẫn đưa tin về các hoạt động của Đại tướng quanh thành phố trong nhiều tuần sau khi ông đã rời Hà Nội. Các bí danh tạo ra để ký dưới các bức điện được mã hóa trao đổi giữa Tướng Văn Tiến Dũng và Tướng Võ Nguyên Giáp là "Tuấn" cho Văn Tiến Dũng và "Chiến" cho Võ Nguyên Giáp.
Thiếu tướng Đồng Sĩ Nguyên mang xe của chỉ huy Sư đoàn 559 đón Đại tướng Văn Tiến Dũng ở Đồng Hới và chở đến bờ sông Bến Hải để đi tiếp bằng xuồng máy đến sở chỉ huy của lực lượng 559 ở phía tây Gio Linh.
Đại tướng Văn Tiến Dũng tập trung phổ biến các chỉ thị của BCT về việc thành lập bộ tư lệnh mới cho Chiến dịch 275 giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Trận đánh đầu tiên, để thăm dò phản ứng của Mỹ, theo đề nghị của Tướng Trần Văn Trà, mục tiêu là tỉnh Phước Long, nằm cách Sài Gòn 130km. Đây là 1 tỉnh tương đối cô lập, nên là mục tiêu tấn công dễ dàng cho Quân đoàn 301 của Quân đội miền Bắc.
Trận đánh mở màn ngày 13/12/1974. Ngày 7/1 toàn bộ tỉnh Phước Long đã hoàn toàn bị đánh chiếm. Đại tá Harry Summers đã nói ngắn gọn về trận Phước Long như sau: "Trận đánh nhỏ ít được biết đến ở Phước Long là một trong những trận đánh mang tính chất quyết định nhất, vì nó đánh dấu việc Mỹ từ bỏ đồng minh cũ của mình... trước sự vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris này - và nó được thiết kế một cách có tính toán kỹ lưỡng để vi phạm một cách trắng trợn như vậy rõ ràng là nhằm thăm dò thái độ của Mỹ - Tổng thống Gerald Ford giới hạn một cách nhu nhược sự phản ứng của mình chỉ trong một công hàm ngoại giao. Miền Bắc Việt Nam đã được bật đèn xanh cho việc chinh phục miền Nam Việt Nam".
Sau Phước Long, Buôn Ma Thuột là điểm mong manh dễ chọc thủng nhất của VNCH.
Đại tướng Văn Tiến Dũng đến Buôn Ma Thuột vào đêm giao thừa Tết Ất Mão 1975. Tại đây, ông đặt đại bản doanh cho chiến dịch sắp tới.
Đêm 25/2/1975, Tướng Văn Tiến Dũng ký giao nhiệm vụ phác thảo trên bản đồ về bố trí lực lượng, các đường tấn công vào Buôn Ma Thuột.
Ngày 9/3, "Tuấn" gửi cho "Chiến" bức điện: "Ngày 10/3, chúng tôi sẽ tấn công Buôn Ma Thuột".
Ngày 11/3, "Tuấn" lại gửi tiếp 1 bức điện khác cho đồng chí "Chiến": "Chúng tôi đã hoàn toàn kiểm soát được Buôn Ma Thuột. Chúng tôi đang tiến tới quét sạch các mục tiêu xung quanh".
Ngày hôm sau, "Chiến" đáp lại 1 bức điện chỉ thị của BCT: "Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, và Võ Nguyên Giáp đồng ý rằng chúng ta phải nhanh chóng quét sạch những đơn vị tàn quân địch ở Buôn Ma Thuột" và tiến sang hướng Pleiku.
Bắc VN đã công khai đưa các sư đoàn quân chính quy vào tham chiến ở miền Nam. Tổng thống Mỹ Gerald Ford từng cả đời làm nghị sĩ Quốc hội nên hiểu rằng, Quốc hội sẽ không duyệt chi khoản ngân sách bổ sung theo đề nghị để cung cấp các thiết bị mà Sài Gòn cần để ngăn chặn đối phương. Tổng thống Gerald Ford phái Đại tướng Tham mưu trưởng Fred Weyand sang VN đế đánh giá tình hình, nhằm đưa ra khuyến nghị cho các hành động tương lai. Weyand sang VN từ ngày 27/3 đến 4/4/1975, nên được chứng kiến sự thất thủ của Đà Nẵng ngày 30/3. Trở về Mỹ, Weyand đã gặp ngay Tổng thống Gerald Ford tại Palm Springs ngày 5/4. Tướng Weyand tán thành rằng: "Chúng ta đến miền Nam Việt Nam để giúp đỡ nhân dân Nam Việt Nam, chứ không phải để đánh bại quân đội Bắc Việt Nam. Chúng ta chìa tay ra với người miền Nam Việt Nam và họ đã nắm lấy. Bây giờ là lúc hơn bao giờ hết, họ cần một bàn tay giúp đỡ". Tướng Weyand còn khuyến nghị 1 khoản viện trợ bổ sung 722 triệu USD để đáp ứng sự tự vệ tối thiểu cho Chính quyền Sài Gòn. Cuối cùng, Weyand kết luận: "Tình hình quân sự là rất nguy kịch và khả năng tồn tại của Nam Viêt Nam là rất khó".
Trong lần cầu viện cuối cùng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu viết 1 lá thư cho Tổng thống Gerald Ford, người mà ông ta chưa từng gặp mặt bao giờ, rằng: "Ý định của Hà Nội là sử dụng Hiệp định Paris để chiếm miền Nam Việt Nam bằng quân sự là điều chúng tôi đã biết rõ trong suốt quá trình đàm phán về Hiệp định Paris... Sau đó chúng tôi được hứa một cách chắc chắn rằng Mỹ sẽ trả đũa một cách nhanh chóng và mạnh mẽ đối với bất kỳ sự vi phạm nào về Hiệp định... Chúng tôi coi những lời hứa đó là sự đảm bảo quan trọng nhất đối với Hiệp định Paris; những lời hứa đó giờ đây trở nên những lời hứa quan trọng nhất đối với sự sống còn của chúng tôi".

Cuộc tấn công cuối cùng vào Sài Gòn sắp bắt đầu.
Chiều ngày 7/4, 1 chiếc xe gắn máy phóng tới tổng hành dinh của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Người ngồi trên xe gắn máy là ông Lê Đức Thọ với 1 chiếc cặp bên trong là tờ mệnh lệnh cuộc tấn công cuối cùng mang tên "Tiến tới thắng lợi cuối cùng". Tờ lệnh này khẳng định, Đại tướng Văn Tiến Dũng là Tư lệnh chiến dịch, các Tướng Trần Văn Trà và Lê Đức Anh là các Phó Tư lệnh chiến dịch. BCT đặt tên cho kế hoạch mới của mình là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trận đánh vào Xuân Lộc, 1 cứ điểm then chốt của Quân đội VNCH nằm bên quốc lộ 1 mở màn ngày 9/4. Trận Xuân Lộc có thể coi như 1 trong những trận ác liệt nhất của cuộc chiến tranh vì Sư đoàn 18 quân đội VNCH đã kháng cự quyết liệt, chứng tỏ đây là sư đoàn tinh nhuệ nhất trong số tất cả các sư đoàn của Nam VN. Tuy nhiên, sau 2 tuần giao tranh làm tiêu hao 5.000 quân và phá hủy 37 xe tăng của quân đội Bắc VN, Sư đoàn 18 được lệnh rút lui. Xuân Lộc rơi vào tay quân đội Bắc VN ngày 22/4.
Ngày hôm sau, Tổng thống Gerald Ford nói chuyện tại Trường Đại học Tulane: "Mỹ có thể lấy lại được niềm tự hào từng tồn tại trước Việt Nam. Nhưng niềm tự hào đó không thể đạt được bằng việc lại đánh nhau trong một cuộc chiến tranh mà đối với Mỹ nó đã kết thúc".
Kết cục của cuộc chiến tranh đến nhanh hơn mọi người nghĩ. Phạm Xuân Ẩn bị sốc khi thấy gần 1 triệu quân của Quân đội VNCH, 1 đội quân lớn thứ tư trên thế giới, lại có thể vỡ vụn ra chỉ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 4/1975.
(còn nữa)

Ghi lại từ cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman

5 comments:

  1. Đại tướng Văn Tiến Dũng là người đã từng làm việc lâu năm bên cạnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trong nhiều năm, ông là nhân vật chủ yếu trong việc đổi mới quân đội miền bắc VN thành 1 cỗ máy chiến tranh hiện đại. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Tướng Văn Tiến Dũng chịu trách nhiệm xây dựng lại lực lượng quân sự của miền Bắc và mở rộng mạng lưới đường bộ dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Sản phẩm từ các nỗ lực của ông là miền Bắc đã xây dựng được 1 lực lượng dân quân 200.000 người để bảo vệ miền Bắc và 1 lực lượng gồm 22 sư đoàn quân chính quy được hỗ trợ của hàng trăm xe tăng do Liên Xô và TQ chế tạo, trọng pháo tầm xa, pháo phòng không cỡ lớn, và nhiều loại tên lửa. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả những cỗ hỏa lực đơn thuần và những con số về sức mạnh là tính cơ động của lực lượng. Quân đội Bắc VN có thể đánh bất cứ nơi nào ở miền Nam chỉ trong vòng vài tuần, thậm chí vài ngày." (Điệp viên hoàn hảo)

    ReplyDelete
  2. Với trách nhiệm đưa ra kế hoạch tác chiến cho Chiến dịch 275. Tướng Văn Tiến Dũng đã nắm được tình hình chiến lược về quốc phòng của Chính phủ VNCH thông qua 1 cuộc họp quan trọng giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với các tư lệnh các lực lượng vũ trang và tư lệnh các vùng quân sự ở miền Nam VN. Thiệu tin rằng, do phải chịu tổn thất nặng nề trong những năm 1968 và 1972 nên lực lượng Bắc VN chí còn khả năng tấn công vào các thị trấn nhỏ lẻ. Vì vậy ông ta đã tiên liệu sự tấn công của đối phương sẽ nhằm vào Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Phạm Xuân Ẩn có được nguồn tin từ cuộc họp này và đã gửi cho Hà Nội để chuẩn bị cho các chiến dịch vào năm 1975 ở miền Nam. (ghi lại từ "Điệp viên hoàn hảo")

    ReplyDelete
  3. Sau khi Phước Long thất thủ, Đại tướng Văn Tiến Dũng và các đồng sự của ông theo dõi mọi phản ứng từ phía Mỹ, nhưng chẳng thấy gì... Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó đã nói: "Mỹ đã rút quân phù hợp với Hiệp định Paris - một hiệp định mà Mỹ coi là một sự thắng lợi sau khi đã chịu nhiều thất bại và không tìm được lối ra. Giờ đây, Mỹ không còn có thể lại can thiệp bằng cách đưa quân vào miền Namđược nữa. Mỹ có thể hỗ trợ Chính quyền Sài Gòn bằng không quân, hải quân, nhưng điều đó không thể quyết định được vấn đề thắng, bại." (Điệp viên hoàn hảo, tr. 349-350)

    ReplyDelete
  4. Phạm Xuân Ẩn nói rằng sau trận Phước Long, có 1 lần duy nhất cấp trên còn nghi ngờ đánh giá của ông về tình hình. Hà Nội nhận được các tin tình báo nói rằng tàu sân bay USS Enterprise của Mỹ và lực lượng hộ tống đã rời Philippines tiến gần tới VN và sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ ở Okinawa đã được đặt trong tình trạng báo động. Có 1 số hoạt động tại căn cứ hải quân Mỹ ở vịnh Subic, có thể là dấu hiệu người Mỹ quay trở lại. Sau này Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi đã nói rằng người Mỹ sẽ không đánh đâu. Mặc dù người Mỹ có một vài hành động, nhưng đó là những hành động trống rỗng. Tôi đã báo cáo với Hà Nội rằng người Mỹ sẽ không bao giờ trở lại nữa, thế nhưng vẫn có những hoài nghi. Hà Nội lại cho thử một trận đánh nữa ở Buôn Ma Thuột để xem người Mỹ có can thiệp hay không. Chỉ đến khi đó, Hà Nội mới tin điều tôi đã nói là đúng." (Điệp viên hoàn hảo, tr.345-346)

    ReplyDelete
  5. Từ 1 thông tin của 1 tình báo Australia, rằng "miền Trung VN mặc dù có năm sư đoàn của Quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng quân ở đó, nhưng vẫn có thể bị chọc thủng nếu miền Bắc tấn công". Phạm Xuân Ẩn đã gửi thông điệp này cho Trung ương Cục miền Nam. Những báo cáo của ông về Phước Long ngày 30/11/1974 và những đóng góp của ông trong giai đoạn này ngang với báo cáo nổi tiếng của trùm tình báo Liên Xô Richard Sorge, trong đó ông Sorge khẳng định rằng "Nhật Bản sẽ không mở mặt trận phía Đông". Nhờ báo cáo này của Richard Sorge mà Liên Xô đã yên tâm chuyển các lực lượng quân sự của mình sang phía Tây để chặn đứng cuộc tiến quân của quân đội Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. (Điệp viên hoàn hảo, tr.347-348)

    ReplyDelete