Wednesday, December 9, 2015

Về việc ấn hành cuốn "Xứ Đông Dương thuộc Pháp" của Paul Doumer...

Tôi đang đọc duyệt lần cuối bản thảo cuốn Xứ Đông Dương để gửi đi nhà in tuần tới. Thực sự tôi thấy hơi lạ lẫm khi đọc cuốn sách này, lạ lẫm vì cách viết khác mà ít khi được đọc về một cuốn sử về Việt Nam khi hầu hết sách sử hiện đại đều kể lể, ca ngợi ta thắng, địch thua... còn những cuốn sử cổ thì chỉ liệt kê sự vật, hiện tượng mà ít khi phân tích, bình luận, suy ngẫm..

Tôi trích vài đoạn tôi thấy hay ho gửi mọi người đọc. Theo dự kiến sách sẽ được in ngày 15/12 và in xong khoảng 25/12. Sách dày trên 600 trang khổ 16 x 24, dày hơn chúng tôi hình dung/ước lượng ban đầu, nhưng giá không thay đổi, vẫn in bìa cứng giấy đẹp..

Nếu có gì đó sai sót, hoặc chậm trễ đôi ngày, mong các bạn vẫn ủng hộ và không quá chê bai, ném đá, hy vọng các bạn đọc sẽ thấy và hiểu thêm về người Việt & xứ Việt những điều chúng ta ít thấy, wink emoticon

Nguyễn Cảnh Bình.

--

Trang 7.

Trong năm năm mà tôi trải qua trên cương vị người đứng đầu chính quyền Đông Dương, chúng ta đã có thể đem tới cho xứ thuộc địa tại châu Á này của mình một nền hòa bình vững chắc mà nó chưa từng được hưởng, một bộ máy chính trị và hành chính hợp lý, nền tài chính vững mạnh, cùng một hệ thống giao thông cơ bản. Bắt nguồn từ đó, nền kinh tế đã phát triển vượt trên mọi kỳ vọng. Tương tự như vậy, trong cuộc xung đột trường kỳ về ảnh hưởng và lợi ích tại Viễn Đông, nước Cộng hòa Pháp đã có thể ở vào vị thế để thực hiện vai trò và hưởng phần lợi ích của mình.

Có lẽ cũng không phải là quá chủ quan khi tin rằng làm được điều này chính là phụng sự tổ quốc một cách hữu ích.

Trang 14.

“Chúng tôi không thể không trao chính quyền Đông Dương cho anh”, ông nói với tôi, “và anh không được từ chối. Anh hội đủ những tố chất cần có để thành công, và anh đã sẵn sàng hơn ai hết để đảm trách một nhiệm vụ như thế. Tại đó, anh sẽ phụng sự đất nước chúng ta một cách kiên quyết, không do dự và không bối rối, với sự yên tâm mà không phải lúc nào chúng ta cũng có trong các cuộc tranh đấu chính trị nội bộ. Chính anh cũng đã vài lần nói với tôi như thế: những thái độ, những biện pháp mà người ta buộc phải thực hiện do tinh thần đảng phái, do động cơ chính trị, không khỏi làm lương tâm anh trăn trở. Liệu chúng ta có thể đoan chắc đã không tự làm chính mình mù quáng và không làm điều có hại cho nước Pháp hay không? Ở đó, những nỗi lo ngại như thế không thể tồn tại; bổn phận thật đơn giản, con đường thật thẳng.”

Trang 78.

Người An Nam chắc chắn là tộc người vượt trội so với các dân tộc xung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao và Xiêm đều không thể chống lại được họ. Không một quốc gia nào trong Đế quốc Ấn Độ có những phẩm chất như của họ. Phải tới tận Nhật Bản mới có tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam. Người An Nam và người Nhật Bản chắc chắn có mối quan hệ thân tộc từ xa xưa. Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm. Người lính An Nam là một người lính giỏi, có kỷ luật và dũng cảm. Họ cũng là những người lao động mẫu mực, những nông phu tốt trên đồng ruộng, những thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo và thông minh. So với các dân tộc khác ở châu Á, trên tư cách người thợ và người lính, người An Nam vẫn xếp trên một bậc. Vả chăng, đó là một quy luật chung mà tôi đã kiểm chứng trên khoảng hai mươi chủng tộc của nhân loại, và điều này cũng có thể chính xác với châu Âu: những người dũng cảm trong lao động cũng là những người dũng cảm trong chiến tranh; nói khác đi, can đảm là một tính cách. Nếu người nào can đảm trước sự mệt mỏi, người đó sẽ can đảm trước nguy hiểm và trước cái chết.

Trang 109. (Chả khác mấy hiện nay, wink emoticon )

Các tòa nhà hành chính được xây dựng và duy tu bằng nguồn thu này đã chứng minh điều đó rất rõ. Nhìn bề ngoài chúng rất đẹp, đôi khi quá to. Đó chính là trường hợp tư dinh của một số quan cai trị của chúng ta ở các tỉnh giàu có ở miền Tây. Một hôm, một viên chánh tham biện tới xin tôi ra lệnh cho Sở Công chính chấm dứt sự phản đối của Sở này; chuyện là các kiến trúc sư không muốn xây dựng một tòa dinh thự mới cho ông ta.

- Tỉnh của tôi sẽ trả tiền, – viên chánh tham biện đó nói với tôi – và tỉnh có các nguồn thu để có thể chi trả các chi phí.
- Nhưng ông đã có một tòa dinh thự rộng rãi, dường như là đủ chỗ rồi. Tại sao ông lại muốn một tòa khác?
- Đúng là dinh thự hiện nay đủ chỗ nhưng nó không to, không đẹp bằng dinh thự tỉnh bên. Tỉnh chúng tôi xứng đáng được giống thế vì tỉnh chúng tôi cũng giàu. Tại sao quan chức tỉnh tôi không được nhà cao cửa rộng như quan chức tỉnh bên?

Tôi đã khiến người đến gặp tôi buồn lòng khi tôi tán thành Sở Công chính, không chấp thuận một công trình thực sự lãng phí ngân sách tỉnh như vậy. Còn biết bao việc cần phải làm hơn làm những tòa nhà. Có những con đường phải làm. Là một xứ có hệ thống đường thủy dài nhất và tốt nhất, Nam Kỳ không nhường vai trò này cho bất cứ nước nào trên thế giới nhưng vẫn cần có đường bộ. Nếu sông, rạch càng nhiều thì càng cần nhiều đường bộ kết nối chúng với nhau, tạo những lối thông vào các vùng ở sâu bên trong. Hầu như khắp Nam Kỳ người ta lơ là việc đó, và vào năm 1897 chẳng khó để nhận ra điều này. Các vị chánh tham biện tự hào khoe những con đường, những lối đi dạo quanh các tỉnh lỵ của mình, phục vụ cho các chuyến đi dạo mát bằng xe hơi của các công chức Pháp nhiều hơn là phục vụ cho việc đi lại và vận tải hàng hóa của người bản xứ. Những con đường phục vụ lợi ích công cộng nhiều hơn chạy qua một số tỉnh nhưng chúng không được nối với các tỉnh xung quanh. Chẳng có sự khích lệ nào để thúc đẩy những việc như thế và tầm nhìn xa cũng không có.

...

Mới đọc duyệt đến đấy..

No comments:

Post a Comment