Saturday, December 19, 2015

Cuộc chiến tranh Việt Nam qua điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn (1)

Tôi vô cùng khâm phục tài năng và kính trọng nhân cách của vị tướng tình báo này sau khi đọc cuốn Perfect Spy của Larry Berman (NXB Thông Tấn - 2007).
Việc tìm hiểu sự thật của cuộc chiến tranh có lẽ nên bắt đầu với những thông tin chi tiết từ những người như Phạm Xuân Ẩn để đối chiếu với những gì là tuyên truyền và bóp méo từ cả hai phía.


"Nếu có thể nói một điều gì chung nhất về Phạm Xuân Ẩn thì đó chính là lòng yêu nước" (Lời tựa của cuốn "Điệp viên hoàn hảo").

"Động cơ cuộc sống của Phạm Xuân Ẩn chính là những mục đích cao cả của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam" (Larry Berman).

"Sau chiến tranh, Phạm Xuân Ẩn thấy cô đơn. Ông không còn liên hệ với những người bạn Mỹ và cũng không còn làm việc như một nhà báo.
...
Phạm Xuân Ẩn vẫn là người có cảm tình với Mỹ trong suốt cả cuộc đời mình." (Larry Berman)




Phần Mở đầu

Phạm Xuân Ẩn không viết hồi ký do ông nắm giữ quá nhiều bí mật. Ông khăng khăng cho rằng mình chỉ là 1 mắt xích nhỏ trong một mạng lưới tình báo CS rộng lớn. Ông trở thành tình báo viên khi các nhà lãnh đạo Đảng CS thấy Mỹ đang chuẩn bị thay thế Pháp ở VN vì lợi ích của Mỹ gắn liền với việc không để VN rơi vào tay chủ nghĩa CS.
Phạm Xuân Ẩn là 1 tình báo viên quý giá nhất ở miền Nam. Thông tin của ông là các báo cáo tình báo chiến lược đã được ông chọn lọc, phân tích/xử lý và sau đó được gửi vào "rừng" cho cấp trên.

Sau một lần xuất viện với hai lá phổi chỉ còn 35% khả năng và một thân hình ốm yếu, biết mình chẳng sống được bao lâu nữa (bên cạnh ông luôn có 1 bình ôxy để thở) Phạm Xuân Ẩn đã cho phép Larry Berman bắt đầu tiếp cận với những tài liệu của mình và đồng ý với đề nghị/van nài lần cuối cùng của Larry Berman là được viết sách về cuộc đời của ông vì ông rất tôn trọng những cuốn sách trước đó của nhà sử học này viết về VN. Điều cuối cùng, Phạm Xuân Ẩn đồng ý như vậy với Larry Berman là để "mở" cho thế giới thấy rõ hơn về cuộc chiến tranh của Mỹ ở VN.
Larry Berman tự thấy phải làm việc rất khẩn trương vì Phạm Xuân Ẩn đã yếu lắm rồi và thường nói đến cái chết, đại loại như "Tôi đã sống quá lâu rồi ông ạ". Chẳng ai có thể biết khi nào thì ông vĩnh viễn ra đi. Vào thời điểm cảm thấy ngày ra đi của mình đang đến rất gần, Phạm Xuân Ẩn bỗng tỏ ra cởi mở hơn, ông cung cấp cho Larry Berman những tài liệu quý giá của mình, từ những tấm hình trong thời chiến tranh và những thư từ trao đổi, tiếp cận với những thành viên trong mạng lưới, những người bạn Mỹ... và quan trọng nhất là cho phép Larry Berman lật giở đến tận đáy chiếc tủ tài liệu của ông với những tài liệu cũ kỹ ẩm mốc...

Đối với Larry Berman, ngay từ lần gặp đầu tiên, Phạm Xuân Ẩn là người toát lên một phong cách nhẹ nhàng, khiêm tốn. Họ đã nói chuyện với nhau về rất nhiều chủ đề. Riêng về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến thì viên tướng tình báo của VN đã đưa ra nhiều phân tích tinh tế với cách nhìn mới mẻ của ông. Dường như Phạm Xuân Ẩn biết tất cả những nhân vật tai to mặt lớn trong thời kỳ chiến tranh.
Càng nói chuyện nhiều với con người này, Larry Berman càng nhận thấy điều David Greenway, một người bạn của Phạm Xuân Ẩn đã đúng khi nói: "Ông Ẩn đã giúp tôi nhận ra rằng đi Việt Nam càng nhiều, tôi càng hiểu biết ít về Việt Nam".

Các bạn xem tiếp ở đây

Ghi lại từ cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman

9 comments:

  1. "Tháng 4/2007, Giáo sư, nhà sử học người Mỹ Larry Berman cho ra mắt cuốn sách viết về nhà tình báo Việt Nam Phạm Xuân Ẩn với tựa đề "Điệp viên hoàn hảo" (Perfect Spy). Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tác giả suốt 5 năm để khắc họa chân dung Phạm Xuân Ẩn - một nhà tình báo nổi tiếng của chúng ta." (Lời tựa, Cuốn sách "Điệp viên hoàn hảo" bản tiếng Việt, NXB Thông tấn - 2007)

    ReplyDelete
  2. "Phạm Xuân Ẩn có tầm nhìn vì một sự công bằng xã hội và một nền độc lập của Việt Nam. Ông đấu tranh vì một nền tự do và chống lại sự đói nghèo... ông không mưu cầu danh vọng hoặc tiền tài cho mình, mà tất cả chỉ vì nhân dân của nước ông. Phạm Xuân Ẩn không hề muốn mình là một điệp viên, mà ông làm điều đó chẳng qua chỉ vì nghĩa vụ đối với dân tộc mình." (Larry Berman)

    ReplyDelete
  3. "Điều làm cho cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn trở nên không thể tin được đó là việc rõ ràng ông rất thích sống trong vỏ bọc của mình...Ông khâm phục và kính trọng những người Mỹ mà ông đã từng gặp ở Việt Nam, cũng như những người ông gặp trong thời kỳ ở bên Mỹ... Laura Palmer đã từng viết về Phạm Xuân Ẩn: "Những người bạn của ông là tài sản quý giá trong trái tim ông". (Larry Berman)

    ReplyDelete
  4. Phạm Xuân Ẩn gia nhập Đảng CSVN tháng 2/1953 tại 1 vùng đất thuộc mũi Cà Mau. Chính ông Lê Đức Thọ, một nhà lãnh đạo của Việt Minh cấp cao nhất ở miền Nam đã chủ trì buổi lễ kết nạp Đảng cho Phạm Xuân Ẩn. "Anh Sáu Búa" là tên gọi của ông Lê Đức thọ lúc đó - đã nói với Phạm Xuân Ẩn rằng khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, Mỹ sẽ không để người VN quyết định vận mệnh của mình và cuộc chiến tranh mới này sẽ là 1 cuộc chiến lâu dài và tàn khốc.

    ReplyDelete
  5. "Nếu Graham Green nhìn Việt Nam theo một cách nào đó, ông có thể viết cuốn tiểu thuyết Người Việt Nam trầm lặng với Phạm Xuân Ẩn là 1 nhân vật mẫu." Morley Safer

    ReplyDelete
  6. Về Phạm Xuân Ẩn, Jean Claude Pomonti viết: "Ông vừa là điệp viên vừa là nhà chiến lược. Ông có mạng lưới liên lạc sâu sát với người Mỹ và có khả năng phân tích tình huống xuất sắc. Họ chưa bao giờ bắt được ông. Ông là điệp viên hoàn hảo."

    ReplyDelete
  7. Chiến tranh Việt Nam sản sinh ra những câu chuyện, những nhân cách lạ kỳ. Nhưng không có gì giống với phóng viên tờ Time Phạm Xuân Ẩn. Ông có một cuộc đời mà trong chúng ta không ai biết rõ. Nhưng bất kể ai trong số chúng ta từng làm việc với ông đều hiểu, Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo hạng nhất, là người nắm bắt sâu sắc nhất những thông tin, những hiểu biết về chính trị, lịch sử chiến tranh Việt Nam." Stanley Cloud - Time

    ReplyDelete
  8. "Một trong những nhân vật lý thú nhất ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh là Phạm Xuân Ẩn." Stanley Karnow

    ReplyDelete
  9. Với "Perfect Spy", Larry Berman đã mô tả cuộc đời đặc biệt của một trong hai mươi điệp viên xuất sắc nhất của thế kỷ 20. (Điệp viên hoàn hảo)

    ReplyDelete