Wednesday, November 16, 2016

Có bao nhiêu Phật?

Sau khi nghiên cứu một hồi, thấy quả tình về lãnh vực này mình hiểu rất sơ sài, đáng phải bổ túc ngay, nếu muốn trở thành người hát rong kể chuyện.
Phật giáo chia lịch sử thế giới thành hai thế đại (kalpa). Thế đại trước gọi là Thế đại Vinh Quang. Thế đại hiện tại gọi là Thế đại Cát Tường. Mỗi thế đại có 1000 vị Phật, mỗi vị cai quản một kỷ nguyên (eon). Không rõ mỗi kỷ nguyên kéo dài bao nhiêu. Tuy nhiên, chúng ta đang sống ở kỷ nguyên của Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) hay còn gọi là Phật Cồ Đàm (Gautama) là vị Phật thứ tư trong Thế Đại Cát Tường. Như vậy cho đến nay có 1004 vị Phật. Vị phật thứ 1005 sẽ xuất hiện trong tương lai gọi là Phật Di Lặc (Matreiya). Cụ này sẽ xuất thế để dạy lại các Kinh Phật bị con người lãng quên. Điều đó giải thích tại sao chúng ta chỉ sùng bái Phật Thích Ca: đây là vị Phật gần nhất (xuất hiện cách đây khoảng 2500 năm) cai quản chúng ta. Các cụ Phật trước hết nhiệm vụ nên không quản lý trực tiếp mà đã phiêu diêu trong thế giới khác.
Tất cả các vị Phật thuộc Thế Đại Vinh Quang đều gọi là Thượng Cổ Phật. Trong 1000 vị Thượng cổ Phật có một cụ rất quan trọng là Dipankara, có tên Việt Nam là Nhiên Đăng Thượng Cổ Phật. Nhiên Đăng rất quan trọng vì đã báo trước được sự ra đời của Phật Cồ Đàm. Khi đó cụ gặp một cậu bé người Tạng-Miến tên là Sumedha, cụ đã khai sáng cho cậu và nói cậu sẽ trở thành Phật trong nhiều kiếp sau (hàng chục vạn năm sau). Nhiên Đăng, Như Lai và Di Lặc là bộ ba Tam Bảo Quá Khứ, Hiện Tại và Vị Lai trong Phật giáo. Đáng chú ý là Nhiên Đăng có trong bộ Phong Thần của Trung Quốc, tham gia cuộc tranh giành thế lực giữa Xiển Giáo và Triệt Giáo vào thời Chu Vũ Vương phạt Trụ. Nhiên Đăng tay cầm một bánh xe, được Phong thần cho là bảo bối. Nếu tính về thế đại, Nhiên Đăng phải trước thời vua Trụ khá xa.
Phật đầu tiên (anh cả) của Thế Đại chúng ta đang sống là Kakusandha, có tên Việt là Cù Lưu Tôn, cũng là một nhân vật trong Phong Thần. Phật thứ hai (anh hai) là Koṇāgamana (quan thầy của tôi, theo tính ngưỡng Phật giáo Myanmar, cưỡi một con nghê-kỳ lân-sư tử). Cụ này có tên Việt là Câu Na Hàm Mâu Ni. Trong Phong Thần không có cụ này, không biết vì ra đời sau, hay cụ không quan tâm đến chính trị. Phật thứ ba là Kassapa hay Phật Ca Diếp. Không biết Phật giáo có mâu thuẫn hay có sự trùng tên, trong đệ tử của Phật Như Lai cũng có Ca Diếp.
Nhìn chung Phật thoại như vậy khá phong phú và hơn những điều chúng ta biết khá nhiều.


Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

11 comments:

  1. Bombo Chay: Phục bác cái gì cũng biết, cũng để tâm nghiên cứu.

    ReplyDelete
  2. Song Hà: Phần Phật thoại này từ nguồn nào bác ơi? Đúng là phong phú hơn rất nhiều tư liệu phổ thông thường lưu hành ạ!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Tìm trên mạng thôi (tiếng Anh và tiếng Trung), nhưng từ nhiều nguồn khác nhau. Đúng ra cũng nhờ mình đã đọc Phong Thần và một số sách khác nhớ lõm bõm được một số tên. Nếu không có chút kiến thức lỗ mỗ làm cơ sở thì tìm kiếm cũng khác lâu. Có một bộ tên là Buddhavamsa viết về cuộc đời của 27 vị Phật. Để xem có bản tiếng Anh, rảnh dịch chơi, hoặc lược thuật, chắc bán chạy.

      Delete
  3. Hoang Xuan Bach: Em ko rành, nhưng cho em hỏi ngu: có phải Phật Thích Ca Mầu Ni lấy khổ hạnh tu hành, còn Phật Di Lặc tu trong thú vui hàng ngày. Nếu vậy chắc sắp đến thời cai quản của Phật Di Lặc rồi thì phải, thấy nơi nơi hưởng thụ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Cụ Thích Ca cũng không chủ trương khổ hạnh. Lúc đầu cụ cũng khổ tu, nhưng ép xác sắp chết mà không thấy Niết Bàn ở đâu. Có một cô gái mang đến cho cụ một bình sữa dê, cụ uống hết, thấy khỏe mạnh, suy nghĩ và giác ngộ. Cụ rút ra khổ tu là ngu xuẩn. Có thuyết nói là cụ không nề hà ăn mặn hay chay, người ta cho gì ăn nấy.

      Delete
    2. Hoang Xuan Bach: Nghe cái đoạn cô gái và sữa dê cứ như Kinh thánh thế anh. Em ko biết nhiều, nhưng rất thích tư duy ghép ghép về việc: có vẻ như Tôn giáo giao thoa từ xa xưa lắm.

      Delete
    3. Nguyen Ai Viet: Hoang Xuan Bach, Trong Kinh Thánh có nói Chúa Jesus học đạo ở Phương Đông.

      Delete
  4. Nguyen Binhduong: Đa nghiên cứu.
    Nhưng bg là thời đại mạt vận của Phật giáo, khi phật Đi lặc tái thế mới khôi phục đc

    ReplyDelete
  5. Do Xuan Phuong: Vụ đếm số Phật này có tí màu toán, có khi phải ngâm cứu xem có dính dáng tới .... multiverse không ạ. :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Uh, anh cũng nghe nói có thuyết như vậy.

      Delete
  6. Nguyen Ai viet: Có chỗ này nói về cuộc đời của 24 vị Phật trước Cồ Đàm http://www.myanmarnet.net/nibbana/gotama/gcobv12.htm#1

    ReplyDelete