Wednesday, November 30, 2016

GS. NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG

Năm lớp 8, tôi bắt đầu thấy cần được tiếp xúc với một nhà khoa học hàng đầu để biết cách đọc sách. Khi đó tôi bắt đầu hết hứng thú với việc luyện các mẫu đề toán mà thích đọc sách hơn. Nhưng đọc lung tung, hiểu lõm bõm, không biết cái gì cần học trước. Theo yêu cầu, mẹ tôi dẫn tôi đến Phố Hàng Chuối tìm chú Hoàng Hữu Đường. Biệt thự ở Hàng Chuối khi đó có nhiều nhà khoa học ở. Chú Đường ở đàng sau. Chú Hoàng Phương ở tầng dưới, căn phòng đẹp nhất, trông ra đường. Trên gác nghe nói là bác Ngô Thúc Lanh.
Có lẽ đó là số phận: Chú Đường đi vắng. Ra đến cửa thì gặp chú Hoàng Phương, lại là bạn thân cũ của bố tôi. Chú Phương đẹp trai, cao lớn, tóc bồng bềnh, nói chuyện rất cuốn hút. Chú hướng dẫn ngay chương trình: 1. Đại số tuyến tính, không gian n chiều 2. Đại số cao cấp 3. Lý thuyết nhóm 4. Topo và hình học. Chú tóm lược cả 4 môn rất hay, tuy không hiểu gì tôi cũng há hốc mồm nghe và rất khoái. Chú nói về Einstein, không gian 5 chiều. Chú nói mọi thứ đều khó là do thày dạy, học sinh phổ thông dạy 1, 2 năm mỗi tuần 1-2 buổi là hết chương trình năm thứ 3 đại học. Hồi đó chú bận phát triển lý thuyết tương đối của mình nên không có thời gian dạy tôi. Nghe nói sau này cô em tôi và một số người khác được chú dạy thường xuyên một thày một trò miễn phí.
Năm tôi học năm thứ hai thì nhận được cuốn sách "Lý thuyết nhóm và ứng dụng" dày cộp. Trang đầu có dòng đền tặng "Cháu Ái Việt! Lao động sáng tạo để xây dựng đất nước là tồn tại". Tôi quý cuốn sách này lắm đi đâu cũng mang theo. Đọc rất khó vì đa số từ chuyên môn tiếng Việt tôi không biết, nối được với các khái niệm học ở trường rất khó khăn. Thêm nữa, bộ sách lại đồ sộ, dành cho đủ loại ứng dụng trong vật lý phân tử, nguyên tử, vật liệu, năng lượng cao, nên càng khó đọc.
Về nước, tôi đến thăm chú Phương ngay. Khi đó chú bắt đầu làm về lý thuyết thống nhất trường trên cơ sở đại số Caley (octonion). Với kiến thức bây giờ nhìn lại thì chú Phương là một bộ óc rất uyên thâm và thông tuệ hiếm có. Nếu chú Phương ở phương Tây, hoặc được làm việc dài hạn ở nước ngoài, sẽ rất có tăm tiếng. Ý tưởng ứng dụng các đại số như Jordan, quaternion, octonion vào vật lý được Feza Gursey nghiên cứu cả đời và tạo cho ông danh tiếng lớn ở Mỹ. Nhưng ở Việt Nam thì công trình của chú Phương, tuy được một số GS ủng hộ, nhưng khá xa cách với lớp trẻ chuyên nghiệp vì không được tán thưởng bởi các nhà vật lý thế hệ tiếp theo. Đơn giản là chú không công bố ở nước ngoài. Thực tình tôi cũng không hiểu tại sao. Có lẽ là cách trình bày phải khác đi mới công bố dễ dàng. Cũng có thể chú Phương không quan tâm và không có thói quen về việc đó. Phải nói là về mặt toán học lý thuyết thống nhất dùng đại số Caley của chú Phương là đẹp đẽ, chặt chẽ, qua nhiều gia công và hiểu rõ bản chất nên khá giản đơn.
Tôi cũng được chú cho tính thử lại các phương trình. Tính vài lần là thạo. Các công thức của tôi trình bày rất đẹp nên chú Phương rất thích. Những khái niệm như đối ngẫu, đơn cực từ là tôi học từ chú Phương, rất đơn giản, sâu sắc, chú chỉ nói chừng vài phút là hiểu, về tính lại là nhớ suốt đời. Chú Phương còn là một nhà sư phạm tuyệt vời.
Đại khái ý tưởng như sau: lý thuyết Maxwell có thể tóm gọn vào một phương trình cho quaternion (4 đại lượng). Phương trình tương tự cho octonion sẽ kéo theo một cặp nữa mà sau này chú Phương gọi là "Sinh điện" và "Sinh từ". Tương tự như hằng số điện môi và từ thẩm, chú Phương định nghĩa hằng số sinh môi và sinh thẩm. Do tính kết hợp bị vi phạm nên lý thuyết này có nhiều hệ quả lý thú. Bây giờ nhìn lại, có lẽ áp dụng cho các trường tương tác vật lý khác có lẽ sẽ dễ thành công hơn và đi vào sinh học. Khi đó chú Phương có một anh nghiên cứu sinh tên là Tiến thì phải. Còn ý nghĩa sinh học, tâm lý thì hay nói chuyện với ông Nguyễn Phúc Giác Hải. 
Chính cái đoạn tâm sinh lý tâm linh này mà tôi không tiếp tục tham gia, vì thú thực không hiểu gì, chưa nói chuyện tin hay không. 
Tôi nghe chú nói với anh Tiến "Lần này thì chắc đúng rồi". Điều đó có nghĩa là chú thừa nhận lý thuyết tương đối của chú là sai. Sai đúng thì cũng bình thường, nhưng ở thế hệ của chú là vấn đề to tát. 
Tôi chưa được đọc lý thuyết tương đối của chú Phương, nhưng bây giờ nhớ lại một số chi tiết và đoán lõm bõm là chú tổng quát hóa thêm một tham số gia tốc nữa. Cũng không phải ý tưởng quá quái gở, cũng có người làm vậy, không vĩ đại gì nhưng cũng có đóng góp ở tầm quốc tế.
Vợ chú Phương là cô Tân, dạy về tâm lý. Có lẽ chú Phương sẽ thành công nếu cô Tân còn sống. Cô Tân mất, chú Phương vốn được chăm chút kỹ càng, sống chỉ có sách vở nên bắt đầu luộm thuộm. Sau đó không lâu chú có người vợ thứ hai. Điều đó cần thiết vì chú Phương không thể sống một mình. Người vợ này nhanh chóng ly dị và chiểm nửa căn phòng. Cuối cùng có một cô có 3-4 đứa con, theo chú từ trong Nam ra. Cô này còn trẻ, đẹp và thần tượng chú Phương, nhưng chú Phương nuồi mấy người con riêng của vợ cũng vất vả. Chính vì thế mà lý thuyết trường sinh học của chú Phương không làm về mô hình toán học nữa mà thiên về giải thích và thực nghiệm. Chú Phương có rất nhiều cộng tác viên là các nhà ngoại cảm. Tôi thỉnh thoảng ghé thăm chú, nhưng không thực sự quan tâm tới tâm linh lắm. Có lần gặp chú đạp xe trên đường Điện Biên Phủ lên báo cáo ban bí thư về năng lượng sinh học.
Nhìn chung, ảnh hưởng của GS Nguyễn Hoàng Phương tới vật lý Việt Nam rất to lớn. Đó là một nhà khoa học chân chính, thông tuệ, là nhà sư phạm kiệt xuất, bây giờ hầu như không có. Về mặt khoa học, chú Phương làm khoa học theo kiểu Việt Nam. Tôi nghĩ là với điều kiện thông tin sách vở hồi đó, có lẽ không có cách làm hay hơn. Suy cho cùng, cũng là bước khai phá và chập chững đầu tiên của khoa học Việt Nam. Mặt khác, nhà khoa học cống hiến cuối cùng vẫn là đóng góp vào hệ thống giá trị. Đóng góp về chuyên môn của một cá nhân, nhất là ở VN nói cho cùng cũng thêm thắt cho vui, không có cũng chẳng sao. 
Sau đó, mới đến lớp các nhà vật lý được đào tạo bài bản từ nước ngoài về. Một số người cũng có phần ảnh hưởng phong cách thông tuệ như chú Phương. Một số người theo phong cách tính toán và bắt đầu công bố những công trình tính toán khiêm tốn ở nước ngoài. Tôi nghĩ nếu có một sự kết hợp để cùng đi lên có lẽ sẽ tốt hơn cho vật lý nước nhà. Dù sau một nền khoa học độc lập cũng cần có những kiểu tư duy khác nhau. Như ở Mỹ cũng có những người thông tuệ như Coleman, Gursey,.... Tuy không có giải thưởng Nobel nhưng mọi người đều nể phục. GellMann, Glashow cũng là những người thông tuệ, ít thông tuệ hơn một chút nhưng thành công hơn.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

6 comments:

  1. Minh Phuong Nguyen: Anh viết về GS NHPhương hay quá, em nhớ lại những ngày nhỏ bên khu tập thể ĐH TH cuối Lò đúc chạy sang 16 Hàng chuối chơi với bạn bè đều là con của các GS lẫy lừng, một thời học trò Hà Nội

    ReplyDelete
  2. Hai Le: Gs Nguyễn Hoàng Phương có ai là học trò ruột theo đuổi hướng nghiên cứu của Ông không anh Aiviet Nguyen ?

    ReplyDelete
  3. Huyen Nguyen: Rất công bằng và trân trọng ,như nén hương thành kính gửi GS Nguyễn Hoàng Phương!
    Em cũng kính trọng và biết ơn Thầy Phương rất nhiều. À mà thầy Phương có làm Ncs tạiMGU,bảo vệ TS với Ivanhenco

    ReplyDelete
  4. Nam Nguyen: tiếc quá sáng nay không follow được các bác, đành chờ tháng 1 vậy! Về khoa học thì bác Ái Việt viết khá rõ về cụ NH Phương rồi, hơi đáng tiếc nếu bác được ở nước ngoài thì sẽ khác. Về tâm linh thì còn đáng tiếc hơn, bác ấy dùng khoa học để mổ xẻ tâm linh - cái đó sai hướng ngay từ cách đặt vấn đề nên kết quả chẳng đâu vào đâu là phải. Bác NPG Hải "trình" thấp hơn mà đi theo đúng lộ trình ấy, nên thành tựu tâm linh cả đời = 0, âu cũng đáng tiếc vậy! Cũng khó khăn, thời đó TL là chủ đề nhạy cảm nên làm gì cũng khó, nhiều người giỏi hơn 2 bác này về TL nhiều cũng chẳng dám "manh động". Nhớ hồi đầu 70 Hà Nội xôn xao về một tập in giấy roneo, là mấy bài viết của bác Hoàng Phương về chuyện tâm linh, chuyện người ngoài hành tinh...người lớn chuyền tay nhau đọc thì thầm, trẻ con xem trộm!

    ReplyDelete
  5. Khoa Dao: Nhà mình hồi đó ở tầng 2 đúng trên nhà chú Phương. Chính chú Phương đã khuyến khích mình đi học VLLT ở Liên Xô năm 70, trong khi mình cứ muốn đi học vô tuyến điện (hồi đó có vẻ mốt mà, có ai hiểu gì về VLLT đâu). Đến khi gặp bác TQ Bửu (trong nhóm các học sinh thi tuyển đại học NN điểm cao nhất) bác bảo nếu học vật lý thì học VLLT là tốt nhất, hàm lượng khoa học nhiều và hay hơn vật lý vô tuyến... Sau khi được nghe bác Bửu và chú Phương khuyên, mình đã quyết định đăng ký học VLLT và đến bây giờ vẫn cảm ơn số phận đã cho mình được khuyên bởi các tiền bối của VLVN.

    ReplyDelete
  6. Do Xuan Phuong: Tiếc cho GS Hoàng Phương vì một thời trao đổi thông tin VN với thế giới quá khó khăn. Nếu GS sớm đọc được các bài báo của Hawking về lỗ đen (cũng quãng 70s) thì tri thức về vũ trụ và tâm linh có thể đã thành công ngay từ hồi ấy.

    ReplyDelete