Tuesday, November 1, 2016

"Giả gia sĩ công"

Tự nhiên mình nghĩ tới lý do tại sao lại có học giả, dịch giả, văn sĩ, nghệ sĩ và phi hành gia, khoa học gia, triết gia.
Nếu theo nghĩa đen "gia" có vẻ sang trọng vì là "nhà", "sĩ" còn có vẻ cao quý hơn vì là "người có học", hay nổi trội, "giả" kém nhất vì chỉ có nghĩa là "kẻ", "công" thực ra là "thợ" nhưng nghe như "ông".
Lão Tử cũng gọi các nhà khoa học là "chế khí giả". Còn một từ nữa là "mô phỏng giả" (kẻ bắt chước). Thậm chí "đểu giả" (thằng đểu). Các thợ cả, kỹ sư thời xưa thì gọi là "tượng công", người đánh đàn lại có chọn lựa giữa "nhạc công" hay "nghệ sĩ".
Nói "sĩ" là có học thực ra cũng không đúng vì "kỵ sĩ", "đấu sĩ" không cần học hành gì ngoài cưỡi ngựa và vật nhau. "Đấu sĩ" có thể coi là danh xưng đi, nhưng bất cứ ai ngồi trên lưng ngựa cũng có thể gọi là kỵ sĩ.
Dịch giữa tiếng Việt và Hán Việt có lẽ cũng không theo quy tắc. Nhà thơ, nhà văn không phải thi gia, văn gia mà là thi sĩ, văn sĩ. Nhà khoa học, triết học thì là khoa học gia, triết gia.
Có lẽ nên phân loại thế này để dễ nhớ: mấy ông đọc, nghĩ nhiều, đầu như cái bồ sách to như cái nhà gọi là "gia". "Sĩ" là mấy người có tài nghệ gì đó đặc biệt, khác người, không nhất thiết phải dính đến chữ nghĩa, mài đũng quần, múa may cũng được. "Giả" không nói đến năng lực mà nói đến hành vi và thành tựu do làm một cái gì dày công. "Công" là bậc thầy trong một nghề gì đó.
Vừa phân biệt xong, nghe có vẻ ổn, hợp lý thì nghĩ ra từ "ảo thuật gia". Té ra mình muốn ổn, duy lý mà cuộc đời không chịu duy lý và ổn.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,IDI72)

7 comments:

  1. Nguyễn Du Long: Trong đạo Phật em thấy hay sử dụng từ Hiền giả, Tôn giả (nếu em dịch xuôi sẽ là: bậc/ đấng/ vị có đức hạnh, có đạo đức, đáng tôn trọng, đáng tôn kính) :p

    ReplyDelete
  2. Phan Phuong Dat: Còn sư và viên nữa ạ?

    ReplyDelete
  3. Giap Van Duong: Học giả thì cũng đầu to như cái bồ mà. Lẽ ra phải là học sĩ, hoặc học gia chứ nhỉ.
    Giả thì vẫn dừng ở thành tựu cá nhân. Gia thì đã đi vào xã hội, như tác giả / tác gia.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyễn Du Long: Em thấy có cả Vương gia, Vạn tuế gia... nữa :p

      Delete
  4. Nguyễn Việt Long: Bây giờ có cả đại gia, thiếu gia nữa anh ạ. :)

    ReplyDelete
  5. Ca Vu Thanh: TS không đọc, nghĩ nhiều à bác? Ảo thuật gia có nghĩ nhiều không hay chỉ có thủ thuật? Tiếng Việt là vậy, truy nguyên làm gì mất thời gian hả bác

    ReplyDelete
    Replies
    1. 1 người có thể khoác nhiều áo cho lắm màu. Nhưng chữ học sĩ hay, hiếm dùng. Tôi đã từng nhận mình là Hoa Dã học sĩ :)

      Delete