Sunday, November 13, 2016

Hai nước Mỹ

Đêm Trump thắng cử, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là bản đồ tranh cử nước Mỹ: màu xanh phủ bờ Tây, bờ Đông Bắc và một vài rẻo vùng Ngũ hồ, đỏ rực giữa nước Mỹ lan từ Bắc xuống Nam.

Bản đồ rất giống với bản đồ về giao dịch tài chính, thương mại quốc tế và sự phát triển của các ngành kinh doanh dựa trên công nghệ cao. Bản đồ cũng tương tự như sự phân bổ về mật độ các cộng đồng người da màu và người nhập cư mới. Nó gợi nhớ cho tôi về phát biểu của ứng cử viên tổng thống John Edwards năm 2004: '.. nước Mỹ của người có đặc quyền và giàu có, và nước Mỹ của những người sống bằng tờ séc lương tuần ...'.

Tuy nhiên bản đồ của ngày hôm nay đã khác. Có hai nước Mỹ, nước Mỹ của những người qua giáo dục đại học, da màu, nhập cư mới, giao thương với thế giới với những ngành kinh tế mang tính toàn cầu và công nghệ cao, nước Mỹ thứ hai của đại đa số là người da trắng, giáo dục trung học và theo những ngành kinh tế truyền thống trước khi máy tính xuất hiện.

Đến thời tổng thống Ronald Reagan (1981-1989) khoảng cách kinh tế giữa hai nước Mỹ vẫn chưa rõ rệt. Tuy nhiên từ sau đó, khoảng cách ngày càng lớn. Ba nhiệm kỳ của hai cha con Bush trùng hợp ngẫu nhiên và không ngẫu nhiên với việc cắt giảm thuế cho các tỷ phú, các cuộc chiến tranh diễn ra nhiều năm, hao tổn và dẫn đến thâm hụt ngân sách mức kỷ lục. Bốn nhiệm kỳ của Bill và Obama là những năm hồi phục và tăng trưởng kinh tế, giảm hao hụt ngân sách, tăng thuế người giàu và đem lại các chính sách xã hội cho người thu nhập trung bình và người nghèo.

Đêm bầu cử, có lẽ Bush con là người hạnh phúc nhất nước Mỹ. Vị trí “tổng thống ngốc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ" đã được trao cho người khác, giờ đây giỏi lắm Bush con chỉ đứng thứ hai. Tôi không bình luận về Trump vì có đủ các hành động, lời nói của ông ta để tôi nghĩ rằng những người có học, có văn hoá của nước Mỹ sẽ lo lắng nhiều hơn về tương lai của họ hơn là sợ sệt bản thân Trump.

Trên thực tế, tổng thống cũng không cần chỉ số IQ cao, vì có đủ các loại cố vấn và các nhà tư bản, tài chính vẽ đường cho chạy. Sự lố lăng của tổng thống thể hiện qua những lời nói, hành động của bản thân ông ta. Hình ảnh Bush con xuống trực thăng với biểu ngữ “Mission Accomplished" là đủ nói lên mọi ý. Hình ảnh Trump chế nhạo người tàn tật cũng tương tự thế.

Trên thực tế, đại đa số (72.4%) người Mỹ là người da trắng. Và đại đa số người Mỹ da trắng là người theo đảng Cộng hoà. Abraham Lincoln, Ronald Reagan là những lãnh tụ xuất sắc của đảng này. Đảng Cộng hoà là đảng của các anh giàu và đảng của những người da trắng, trong đó chiếm đa số là người da trắng ít học.

Như bất kỳ thể chế chính trị nào, Đảng Cộng hoà phục vụ quyền lợi cho những người lãnh đạo và những người 'thân thiết' với đảng. Cũng không hoàn toàn tình cờ là đại đa số những chủ nhân giàu có của các doanh nghiệp công nghiệp và kinh doanh truyền thống như dầu lửa, xe hơi, thép, than, .... đều là thành viên cốt cán của đảng này. Nên nhớ đảng Dân chủ chỉ khởi sắc hơn từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất.

Tuyên truyền, tẩy não và huyễn hoặc giúp do đảng tồn tại để phục vụ cho các nhà tư bản công nghiệp và tư bản tài chính truyền thống, trên lá phiếu của những nhân viên của chính họ. Sự kết hợp tuyệt vời cả về tài chính và chính trị. Không phải vô cớ mà 'hợp đồng với nước Mỹ' của Newt Gingrich, phong trào 'Đảng Trà' có rất nhiều người ủng hộ. Và gần đây, sự bất mãn về việc Obama 'không khôi phục đủ nhanh nền kinh tế do Bush và các cộng sự làm suy sụp' - bình luận của Bill Clinton năm 2012 - là nguyên nhân chính dẫn đến một ứng cử viên mới của đảng Cộng hoà lên vị trí số một nước Mỹ, bất chấp việc ông ta không có kế hoạch hành động gì, không có kinh nghiệm gì và có những tuyên bố khá là ngu xuẩn cả về chính trị, kinh tế và văn hoá.

Nói một cách đơn giản, người Mỹ da trắng có học tìm cách loại bỏ đảng Dân chủ trong việc cầm quyền để xoay cán cân lợi ích về phía mình, người Mỹ da trắng ít học biểu lộ sự phẫn nộ với thu nhập ít ỏi và bất công bằng xã hội qua việc chọn một chính thể khác, chính thể dựa trên đảng của họ - kiểm soát cả Nhà Trắng, Thượng và Hạ viện - không cần biết là chính thể này đã nhiều lần dẫn chính họ đến các cuộc khủng hoảng lớn mà họ là những nạn nhân chính. Họ sẵn sàng “tha thứ" cho Trump vì viễn ảnh thoát khỏi khó khăn kinh tế do Bush mang đến.

Người ta thường mau quên lý do dẫn đến các thời khó khăn và khủng hoảng, yêu thích thằng tiêu tiền và ghét người bắt họ thắt lưng buộc bụng.

Nền giáo dục nước Mỹ chia thành hai phần rõ rệt: giáo dục bậc cao gồm cao đẳng và đại học mang tính ưu việt, căn cơ và luôn đổi mới. Ngoài việc trở thành cỗ máy kiếm tiền thông qua việc móc túi cha mẹ Tàu, Việt, ... nó còn là nơi trú ẩn an toàn và môi trường phát triển khá tốt cho các nhà trí thức, khoa học của thế giới. Nước Mỹ của 15 nhà tỷ phú giàu nhất mọi thời đại thông qua cuộc chuyển hoá công nghiệp của thập kỷ 19 trở thành nước Mỹ của đại đa số các giải Nobel, phát minh sáng chế đại đa số các lĩnh vực, đi đầu về tài chính và công nghệ mới.

Phần thứ hai của nền giáo dục Hoa Kỳ là giáo dục phổ cập thì khá tồi tệ. Ngoài các trường tư thật sự đắt đỏ, dành cho con cái các gia đình thu nhập khá giả (thu nhập trung bình thì nên quên đi), một số ít các trường công lập khá, còn lại có thể nói là thua kém xa các nước OECD, chưa cần phải nói đến G7. Đã đi học các trường này, cơ hội cao nhất có thể nói là vào các trường cao đẳng cộng đồng địa phương hoặc các trường dạy nghề.

Nước Mỹ màu đỏ với các ngành công nghiệp, nông nghiệp và kinh doanh truyền thống bị bỏ ngày càng xa trong quá trình toàn cầu hoá. Ngày Nixon bắt tay với Chu Ân Lai để kết thúc cuộc chiến Việt Nam cũng là ngày các tỷ phú nước Mỹ tìm thấy con đường gia tăng lợi nhuận nhanh chóng mặt: sử dụng thị trường lao động giá rẻ Tàu. Quá trình toàn cầu hoá đem lại thông tin, tri thức, hàng hoá cho cả thế giới, đầu độc cả thế giới với hàng hoá Tàu, tận khai thác và huỷ hoại môi trường ở châu Phi, Trung và Nam Mỹ dẫn đến sự trỗi dậy của anh láng giềng vô văn hoá của Việt Nam và quan trọng hơn hết, đóng vai trò chính yếu nhưng ít được nhắc đến là sự giàu có cho các tập đoàn công nghiệp và thương mại Hoa Kỳ. Chính họ lại là những con người bỏ rơi nhân viên địa phương tại các miền Trung Tây, Đông Nam nước Mỹ khi mà các công việc sản xuất kinh doanh đã chuyển ra ngoài nước Mỹ.

Không thể nói đảng Dân chủ không có những doanh gia như vậy, nhưng sẽ công bằng hơn khi nói rằng họ là những người bên cạnh việc phục vụ giới tài chính và công nghiệp, đem lại nhiều công bằng xã hội và thúc đẩy cho các ngành công nghệ, công nghiệp mới ra đời, tạo sự chuyển biến cho hai bờ Đông Tây nước Mỹ. Trong lúc đó, nền giáo dục phổ cập yếu kém, cộng với việc các nhà tư bản bỏ rơi và quản lý kém cỏi của các đại diện đảng Cộng hoà ở nước Mỹ đỏ dẫn đến tình trạng ù lì của nền kinh tế các bang này. Xoay quanh sản xuất, khai thác, công nghiệp truyền thống và bế tắc trong việc đổi mới cơ cấu kinh tế và ngành nghề địa phương. Sản xuất thép? Khai thác than? Mơ mộng hão huyền của những con người thiếu hiểu biết, không được giáo dục đầy đủ, được nhồi nhét các mớ lý luận vớ vẩn; họ đang kỳ vọng một thằng cha “nói chuyện bình dân" chỉ cần phẩy tay sẽ dẹp được ông Tàu, đá đít ông Mễ. Đáng buồn và đáng lo!

Trong vòng hai năm tới nền kinh tế Mỹ có lẽ vẫn ổn do đà kinh tế Obama tạo nên, sau đó sẽ bắt đầu dấu hiệu của các cuộc khủng hoảng mới. Giờ có lẽ là lúc đầu tư vào nước Mỹ, mua đất ở Costa Rica. Hai năm nữa bán cổ phiếu Mỹ, bán nhà ở Costa Rica cho các đại gia Mỹ.

Canada vẫn ổn, ít nhất là cho đến cuộc khủng hoảng 2020 xuất phát từ nước Mỹ (đỏ).


Những việc cần làm ngay: ngày mai tôi sẽ đi mở xưởng đóng gạch để cung cấp cho chính phủ Canada xây tường. Ngày mốt kêu gọi anh em hùn hạp xây nhà tái định cư cho bà con ở Mỹ sang. UT Duc Nguyen, Duc Nguyen, Chau Ngo có gì cứ alo trước.

Đoàn Hồng Nghĩa (ELTE,VIDI90)

21 comments:

  1. Ca Vu Thanh: Giờ mới biết đ/c cũng có biệt tài phân tích chính trị. Bái phục :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Doan Hong Nghia: Võ vẽ tí cho vui thôi anh. Chả nhẽ không nói gì anh em lại bảo thàng không có chính kiến :-)

      Delete
    2. Giao To Ngo: Đọc xong chả hiểu gì. Chỉ biết mỗi điều là bạn mình cũng có chính kiến :D

      Delete
    3. Doan Hong Nghia: Có kiến là chính hỉ!

      Delete
    4. Giao To Ngo: Biết là có nhiều kiến rồi. Nhưng giờ mới biết đó là chính. :p

      Delete
  2. Cấn Đình Việt: Công nhân đóng gạch cho doanh nhân VN ...là 1 con đường vào ka na đa không anh? ;)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Doan Hong Nghia: Good idea! Nó gọi là skilled worker đấy!

      Delete
    2. Cấn Đình Việt: Haha. Để em bắt đâu tìm hiểu. :D

      Delete
  3. Ta Hoang Linh -> Nghĩa:
    Em mà xây bức tường cho Canada... -> Nhớ dành 1 lỗ xây bằng hộp-xốp nhé...!! -> Khi cần thiết, Nghĩa đón anh chui qua... - Okie...?!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Doan Hong Nghia: Hahaha. Được chứ. Có cần đèn sương mù hay bảng điẹn tử LED chỉ đường không?

      Delete
    2. Ta Hoang Linh -> Nghĩa:
      Không cần...Không cần... - Vì nên "kín đáo", ít người biết mà...

      Lúc đón anh, Nghĩa mang zseb-lampa là đủ...!!

      Delete
    3. Doan Hong Nghia: Hehe, chết cười!

      Delete
  4. Thien Tiger: Wow. Open mind :) anh hay quá

    ReplyDelete
  5. Ho Phong: Sao em viết hay thế Nghia! :-)

    ReplyDelete
  6. Tuan A. Phung: Ngạc nhiên rất thú vị với một Doan hong Nghia chính luận .

    ReplyDelete
    Replies
    1. Doan Hong Nghia: Xin cám ơn luật sư. Luật sư mà khen thì ghê rồi.

      Delete
    2. Oh, chỉ là phần nổi của núi băng thôi mà :)

      Delete
  7. Phạm Thắng: Bác Nghĩa viết hay thế! Em cứ tưởng bài của báo WSJ chứ? Share phát để nghiên cứu nhe bác :))

    ReplyDelete
    Replies
    1. Doan Hong Nghia: Bia đàm mãi các đề tài chính trị rồi còn gì. Chỉ chưa bao giờ viết ra thôi :-)

      Delete