Thursday, April 27, 2017

Người anh hùng mang danh Hùm Xám Đường Số 4

Nguyễn Lân Dũng: Người được mệnh danh là Hùm xám đường số 4 đâu có bất kỳ một khuyết điểm gì để đến hôm nay chỉ có quân hàm cao nhất là Trung tá và chưa một lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang?


   Bác Đặng Văn Việt tham gia cách mạng từ năm 1943. Năm 1945 bác đã là Giám đốc Trường quân chính Trung Bộ. Về giai đoạn này, tác giả Nguyễn Thế Nghiệp ghi lại theo lời bác kể như sau: "Sau khi đỗ tú tài Việt ra Hà Nội học Đại học Y khoa và tham gia Tổng hội Sinh viên cứu quốc rồi trở thành thành viên bí mật của Việt Minh. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Việt tham gia tổ Hướng đạo đi thu gom xác người chết đói để đưa đi chôn, mỗi hố cả trăm xác người. Rời Hà Nội, Việt trở về Huế tham gia Trường Thanh niên tiền tuyến của luật sư Phan Anh và giáo sư Tạ Quang Bửu. Việt bắt đầu hoạt động trong tổ Việt Minh dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Anh. Sáng ngày 20.8.1945, Việt trực tiếp đảm nhiệm việc cắm lá cờ đỏ sao vàng rộng 100 m2 trên cột cờ Huế trước sự hân hoan của đông đảo của đông đảo nhân dân kinh đô Huế. Hai hôm sau, ngày 23.8.1945, hàng chục vạn người ủng hộ Việt Minh đã nổi dậy giành chính quyền tại Huế. Việt cùng 42 Thanh niên tiền tuyến khác trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt của Cách mạng Tháng Tám tại Huế. Họ làm nhiệm vụ giải giáp các lực lượng vũ trang của đối phương, bảo vệ cuộc mít tinh lớn ra mắt Chính quyền cách mạng, niêm phong các kho của triều đình Huế, tịch thu các kho vũ khí của Pháp và của Nhật, mở cửa nhà tù để giải phóng tù chính trị...
    Ngày 1.9.1945, Thanh niên tiền tuyến Huế được giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang và chỉ sau 15 ngày đã thành lập xong 25 phân đội Giải phóng quân. Ngay sau đó, các phân đội được phân đi để chi viện cho các mặt trận, từ Sài Gòn-Gia Định đến Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Thuận An, Lăng Cô, Truồi và sang cả đường số 9 để chi viện cho Mặt trận Lào yêu nước.
   Sau chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947, ở tuổi 27, Việt được điều từ trường Võ bị Trần Quốc Tuấn về làm Trưởng phòng Tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu. Ít lâu sau, trực tiếp tham gia chiến đấu và trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 đến năm 1949 và tiếp theo là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 đến tận năm 1953. Ít ai nhớ rằng Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 (Trung đoàn trưởng là Lê Trọng Tấn) là 2 trung đoàn chủ lực đầu tiên của nước ta (!). Chiến công lừng lẫy của Đặng Văn Việt là giai đoạn là Chỉ huy Mặt trận đường số 4 (1947-1950). Trung đoàn 174 do anh chỉ huy đã 2 lần được tuyên dương Anh hùng, 2 tiểu đoàn cũng được tuyên dương Anh hùng, 10 cán bộ, chiến sĩ được phong Anh hùng, nhiều cán bộ được phong quân hàm cấp Tướng (1 Thượng tướng, 6 Trung tướng, 12 Thiếu tướng, 100 Đại tá). Vậy mà người Trung đoàn trưởng đầu tiên Đặng Văn Việt chỉ được giữ mãi đến cuối đời quân hàm Trung tá (!).
   Bác không hề nản lòng và tiếp tục đảm nhiệm các chức vụ mới không kém phần khó khăn như Chủ nhiệm huấn luyện Trường sĩ quan lục quân VN (1954-1960), rồi được chuyển ngành làm Cục phó, rồi Cục trưởng Cục Xây dựng tại Bộ Xây dựng và Bộ Thủy sản (1960-1980).


(Lược ghi từ bài Người anh hùng chưa được vinh danh của Nguyễn Lân Dũng, KTNN No.962)

10 comments:

  1. Đánh giá về Trung tá Đặng Văn Việt, anh hùng La Văn Cầu đã phải thốt lên: "Nếu tôi được phong Anh hùng một lần thì tôi nghĩ Thủ trưởng Việt phải được phong nhiều lần". Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đánh giá: "Ở Việt, về tài và đức là điều không cần bàn đến: Sáng tạo về quân sự, vững vàng về chính trị, khả năng thể hiện trong văn học thật dồi dào". Đại tướng Chu Huy Mân đánh giá: "Tôi kính trọng và hiểu Đặng Văn Việt. Đây là một nhà chỉ huy đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, trong quan hệ với đồng đội. Tôi xác nhận điều này, vì khi Việt giữ chức Trung đoàn trưởng, tôi là Chính trị viên Trung đoàn 174".

    ReplyDelete
  2. Đại tướng Lê Trọng Tấn nhận xét: "Anh Đặng Văn Việt luôn nhanh chóng tìm ra những cách đánh sáng tạo, thích hợp với thực tiễn chiến trường của trận đánh và của chiến dịch. Quyết định đánh Đông Khê trước khi nổ ra Chiến dịch Biên giới là một quyết định đầy trí tuệ và đầy tinh thần trách nhiệm. Đặng Văn Việt là một quân nhân cách mạng, suốt cuộc đời có quá nhiều bão táp, nhưng lúc nào cũng tươi cười và sáng tạo trong khi còn nhiều thiếu thốn". Đại tướng Văn Tiến Dũng chia sẻ: :Khi tôi ở Cục Chính trị (hồi đầu thời kỳ chống Pháp), tôi đã được biết tài và đức của anh Việt. Anh Việt nhẫn nại lắm, vững vàng lắm. Anh Việt giỏi lý luận, giỏi chỉ huy. Thật đáng kính".

    ReplyDelete
  3. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo xác nhận: "Đặng Văn Việt là nhà chỉ huy có tầm quốc gia. Mặc dầu anh chỉ là Trung tá (tất nhiên là Trung tá đầu tiên của QĐNDVN). Anh có tầm quốc gia bởi vì anh rất giỏi phân tích thực tiễn chiến trường và biết đưa ra những quyết định sáng suốt làm giảm xương máu và giảm sự hy sinh của chiến sĩ. Anh việt còn là nhà lý luận cừ khôi của quân đội cách mạng". Thiếu tướng Cao Pha tâm sự: "Đặng Văn Việt là bạn thân của tôi từ thời trước Cách mạng Tháng Tám. Con người Việt luôn đồng nghĩa với sự tìm tòi, sự chiến thắng. Con người Việt luôn đồng nghĩa với sự yêu thương đồng đội bằng cách tìm ra cách đánh giảm thương vong cho đồng đội. Đường số 4 như 1 tấm Huân chương ắn lên ngực Đặng Văn Việt để xác nhận: Việt đánh giặc giỏi, ít tốn xương máu của chiến sĩ... Tình thân cao thượng, tấm gương sáng của Việt làm cho tôi và nhiều đồng đội xúc động tận đáy lòng".

    ReplyDelete
  4. Tướng Marcel Bigeard, nguyên Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, khi xưa là Trung úy phó chỉ huy phân khu Na Sầm và sau là Thiếu tá, tù binh ta ở Điện Biên Phủ, năm 1998 trở lại thăm nước ta và tha thiết muốn gặp mặt Đặng Văn Việt. Trong buổi hội ngộ, Bigeard nói: "Chúng tôi là những cựu binh Pháp đã chiến đấu tại đường số 4 hay tại một số mặt trận ở Đông Dương đều xin kính chào ngài - người chiến thắng tại Đường số 4, một người chỉ huy chiến trận không ai chê trách được, người mà chúng tôi phải kính nể".

    ReplyDelete
  5. Trong thư gửi Đặng Văn Việt, Đại tá Charles de Pirey viết: "Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi khám phá ra kẻ đối địch nguy hiểm nhất, kẻ đã làm chúng tôi thất điên bát đảo trên Đường số 4 này lại là một thanh niên chưa đầy 30 tuổi, người chỉ huy các lực lượng vũ trang Việt Minh trên một vùng chiến lược quan trọng. Đó là Trung đoàn trưởng của Trung đoàn nổi tiếng 174 - Trung tá Đặng Văn Việt".

    ReplyDelete
  6. Bác Đặng Văn Việt từng nói: "Tôi bị thương 5 lần, suýt chết hơn 30 lần... đã được Nhà nước cho nghỉ hưu, nhưng chưa bao giờ tự cho mình ngơi nghỉ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngày nào tôi còn khỏe, còn hơi thở, tôi luôn tự nhắc rằng hãy cố gắng làm thêm việc gì đó có ích cho đời, để sống vui, sống khỏe, phát huy truyền thống là Người lính Cụ Hồ, là người lính của Trung đoàn 174".
    Người Trung đoàn trưởng của 1 trong 2 Trung đoàn chủ lực đầu tiên, người đã tham chiến 120 trận đánh và chiến thắng 116 trận... nay đã ở tuổi 97 và chưa bao giờ được phong danh hiệu Anh hùng quân đội.

    ReplyDelete
  7. Đặng Văn Việt (sinh năm 1920) là một cựu trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông nguyên là trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 - một trong những trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông từng được người Pháp mệnh danh là "Con hùm xám đường số 4" do thành tích chỉ huy đơn vị mình trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, bắt sống cả 2 chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton.(Wikipedia)

    ReplyDelete
  8. Bác Đặng Văn Việt sinh năm 1920, là người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Gia đình bác có nhiều người nổi tiếng. Tổ tiên của bác là danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung thời Hậu Trần. Ông nội của bác là Đình Nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy (khoa Giáp Thìn - 1904, cùng năm thi với Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng), từng làm Tế tửu Quốc tử Giám (Huế). Bà nội của bác là bà Cao Thị Bích, con gái của Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục (1842-1923). Cha của bác là Phó bảng Đặng Văn Hướng (1987-1954), ông đỗ Cử nhân năm 18 tuổi, đỗ Phó bảng năm 32 tuổi (khoa Kỷ Mùi 1919), Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, Tổng đốc Nghệ An thuộc chính phủ Trần Trọng Kim. Từ năm 1947, ông Hướng là Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Mẹ của bác là bà Hoàng Thị Hiến, con gái đầu của cụ Hoàng Đạo Phương, cụ Phương là anh ruột học giả Hoàng Đạo Thúy. Hai người dì đều lấy những nhân vật nổi tiếng như bà Hoàng Thị Hảo lấy ông Trịnh Văn Bính (từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính) hay bà Hoàng Thị Minh Hồ, người tặng Chính phủ 5.000 lạng vàng và nhường ngôi nhà 48 Hàng Ngang cho cách mạng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập.
    Bác còn là cậu bên vợ của nhà tình báo, Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc.

    ReplyDelete
  9. Về người cha của bác Việt, cụ Phó bảng Đặng Văn Hướng, cụ là người từng bí mật ủng hộ phong trào Việt Minh, có quan hệ công tác với Trần Văn Cung (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) và Lê Viết Lượng (sau này là Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Trung Bộ). Chính cụ đã thay viên Lãnh binh chính quyền thân Nhật, thay những Tri huyện chống Việt Minh. Khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám bùng nổ, chính Tổng đốc Đặng Văn Hướng đã nhanh chóng giao ấn tín, vũ khí, tiền bạc cho chính quyền cách mạng, tránh được nhiều xương máu. Sau đó cụ tham gia Việt Minh Liên khu IV, rồi Chính phủ Cụ Hồ đã mời cụ giữ chức Bộ trưởng phụ trách các tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh. Năm 1953, Hồ Chủ tịch cử Hoàng Quốc Việt và Trần Công Tường về làng Nho Lâm mời cụ lên Việt Bắc làm việc bên cạnh Chính phủ. Nhưng đau đớn thay, các ông này chưa kịp đi thì đầu năm 1954, cụ Đặng Văn Hướng đã bị đấu tố và bị chết trong Cải cách Ruộng đất.

    ReplyDelete
  10. Các comments trên đều trích từ bài "Người anh hùng chưa được vinh danh" của Nguyễn Lân Dũng, KTNN No.962.
    Riêng 2 comments liên quan đến phần thân thế của bác Việt và những người thuộc gia đình & dòng họ của bác được lấy từ Wikipedia.

    ReplyDelete