Thursday, October 29, 2015

Paris - Hà Nội.

Người đến Paris lần đầu cũng có cảm giác thân thuộc đã biết Paris từ trước. Điều đó dễ hiểu, vì Hà Nội có nhiều kiến trúc, quy hoạch phỏng theo Paris. (Tất nhiên tôi không cho rằng Opera Paris giống Nhà Hát Lớn Hà Nội). Tuy nhiên, đến Paris lần thứ 3, tôi vẫn ngờ ngợ cho rằng chưa nói ra hết được cái giống đó.
Lần này đột nhiên phát hiện ra: Paris rất nhiều danh từ. Tự do, Hòa hợp, Bác ái, Bình đẳng,... Trên Nhà hát, Bảo tàng, Cung điện, Công trình kiến trúc, chỗ nào hở ra là phệt danh từ vào, nghe nổ đôm đốp. Rất quen thuộc với Việt Nam. Trước kia mình tưởng chỉ miền Bắc mới thích danh từ, khẩu hiệu, vì phải dùng sức người, ý chí đánh nhau với súng đạn, cơ khí hiện đại. Thực ra VNCH cũng thích dùng danh từ chẳng kém.
Tiếng Pháp quả tình rất phong phú về danh từ, người Pháp cũng thích nói danh từ. Có lần mình nghe bà cụ thân sinh nói chuyện với ông bạn bằng tiếng Pháp cũng thấy đầy rẫy danh từ, nói hết câu, hết ý rồi vẫn chưa vừa ý xổ thêm một dây danh từ nữa toàn "tê" với "xiông" choáng hết cả tai. Đến Pháp mới thấy nói tiếng Anh là thô lậu, toàn động từ. Tiếng gì mà mỗi nghĩa "chuyển động" đã có hàng chục từ, từ thì ngắn cũn, thô kềnh kệch, phát âm cũng nhà quê, không phun qua mũi uốn éo duyên dáng như người Pháp.
Ta học được Pháp cách dùng danh từ. Tuy nhiên, người Việt chỉ học vẹt, học danh từ mà không hiểu cái súc tích trong nội hàm của một danh từ. Bình đẳng, bác ái, hạnh phúc vào lũy tre làng là nói nội dung khác liền. Đến mấy ông có học, cũng cắt xén, diễn Nôm "cho nó dễ hiểu, cho phù hợp với người Việt Nam", làm méo mó mọi khái niệm. Danh từ người Việt dùng chưa được như người Pháp, nhưng hơn đứt nhiều dân tộc khác, có thể coi như là trò giỏi.
Tuy nhiên, cũng may là người Việt không hiểu sâu sắc danh từ. Chậm tiến một chút, nhưng cũng còn đỡ. Vì mỗi danh từ của Pháp đều đẫm máu. Đi qua dãy phố ở khu Marais, nơi tương truyền là máu chảy ngập mắt cá chân trong đêm Thánh Bartholomew, hoặc nhớ tới cách mạng 1789 mới chiêm nghiệm hết mỗi danh từ đều có giá máu thế nào. Động từ tuy có đâm, chém, xẻo, bắn nhưng đùng đoàng loảng xoảng không đẫm máu như danh từ.
Nhìn TQ của bác Mao, thấy trò chơi với các danh từ thật nguy hiểm.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

4 comments:

  1. Nguyen Xuan Hoai: Trong tiếng Anh, việc chuyển từ động từ sang danh từ thường là làm cho câu trở nên formal hơn (less direct, vì hội anglosaxong thích trực tiếp, vào thẳng vấn đề ghét lòng vòng); các danh từ tiếng Anh có nguồn gốc Pháp (quý tộc Normandi) đều là các từ rất formal

    ReplyDelete
  2. Nguyen Ai Viet: Danh từ chuyển từ động từ sang là để mô tả hành vi diễn ra một lần, nên được dịch ra tiếng Việt là "việc" khác với danh từ có nguồn gốc khái niệm, hoặc mô tả một loạt hành vi, nên dịch ra là "sự". Nhìn chung thì "sự" đẫm máu hơn "việc". Ví dụ như "việc xử lăng trì các tướng Tây Sơn của Gia Long" tuy ghê rợn nhưng không ghê gớm bằng "sự xử lăng trì của Á Đông bắt nguồn từ Trung Quốc" :( Nâng hành vi thành quan điểm là một thói quen tư duy khác.

    ReplyDelete
  3. Ca Vu Thanh: Anh Aiviet Nguyen, chính quyền ông Diệm tổ chức chính quyền có nhiều điểm rất giống ngoài Bắc. Bên Đài Loan hồi xưa cũng tổ chức chính quyền rất giống trong Đại lục. Sau này họ mới thay đổi nhưng cũng còn một số cơ quan mô phỏng Đại lục.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Có lẽ cũng do ảnh hưởng Tây

      Delete