Wednesday, April 13, 2016

GIA ĐÌNH (11): Vai trò của cha mẹ (tiếp theo)

VAI TRÒ NGƯỜI CHA

3. Những sai lầm

Nhiều người cha không thể thực hiện vai trò đương nhiên của mình vì không đủ khả năng, trong thực tế, thường do không ý thức được vai trò và tính chất đúng đắn của những quan hệ của người cha trong gia đình.
Người cha thường mắc sai lầm với con trai do thiếu tự tin rằng mình đủ khả năng để nghiêm trị, không biết chịu đựng hung tính mà các con trai thường có xu hướng dùng để chống lại ông ta ở vài giai đoạn tiến triển tình cảm của chúng. Tuy thái độ đó hoàn toàn bình thường vì là biểu hiện hung tính của nam giới cần được định hướng và tập trung lại, và cũng vì nó mang tính 2 mặt trong những tình cảm mà con trai dành cho cha, người bảo vệ đương nhiên, đáng sợ và đáng yêu cùng một lúc bên cạnh người mẹ, đó là đối thủ cần vượt qua...
Phải thừa nhận là sự tiến triển tốt về tâm lý của con trai có thể phụ thuộc vào sự thông cảm với tính chất của những xung năng đó, thường là rất vụng về. Dĩ nhiên, không thể cho qua tất cả, nhưng cũng không được trừng phạt nghiêm khắc tất cả, nếu không thì phải biện minh một cách hợp lý cho cái hung tính thiếu ý thức đó.

Ở nhiều ông bố nghiện rượu mà ý thức/đạo đức đã bị biến chất không phải là quá hiếm những trường hợp phạm sai lầm tình dục nghiêm trọng khi lạm dụng uy quyền đương nhiên của mình và để xảy ra sự loạn luân với con gái. Đây là những chấn thương đối với các cô gái, gây ra những hậu quả về mặt tâm lý còn nghiêm trọng hơn về mặt tình dục.

Lạm dụng uy quyền, người cha còn gây tai hại cho con cái một cách gián tiếp. Ngay cả với những người cha rất quan tâm đến con cái, đôi khi còn trở nên nhu nhược với chúng nhưng lại cư xử với vợ như với kẻ tôi tớ xoàng xĩnh. Họ hạ thấp hình tượng người mẹ ở đứa con và ngăn cản mọi sự tiến triển tình cảm bình thường ở trẻ.

Cũng có thể thấy nếu người cha dùng uy quyền để bảo vệ con cái thái quá sẽ sinh ra tính nhút nhát, nỗi sợ trước cuộc sống và sợ cả trách nhiệm mà đứa trẻ sẽ gánh vác. Uy quyền của người cha phải giúp trẻ hiểu giá trị của tự do. Cần nhớ rằng việc thực tập bao giờ cũng làm hỏng một ít nguyên liệu ban đầu. Người thợ cả dạy người học việc không bao giờ làm thay cho người đó. Một con mắt bầm tím hoặc 1 sự chạm tự ái đều có giá trị giáo dục hơn hẳn những lời thuyết giáo của những người cha để bảo vệ con trai thoát khỏi những khó khăn bên ngoài.

Có những người cha sống trong gia đình nhưng lại đào ngũ khỏi gia đình. Ông ta chỉ chú trọng đến những mối quan tâm của mình mà thờ ơ với cả gia đình, không hề quan tâm đến số phận những người thân và những vấn đề của họ.

Nhưng nghiêm trọng hơn cả vẫn là sự thiếu uy quyền trong 1 gia đình. Bọn trẻ sẽ thiếu những cái phanh hãm cần thiết cho 3 dạng trong số các dạng phản ứng: sự đối lập, sự bắt chước và sự bù trừ.
Phản ứng đối lập là cần thiết nó thể hiện xu hướng giải phóng mà thiếu nó thì chứng tỏ là không trưởng thành. Thường nó được thỏa mãn bằng những biểu hiện ôn hòa củng cố sự độc lập của trẻ: về trễ, trốn đi chơi chốc lát, đều là điều báo trước của sự phá rào. Nếu bức tường của gia đình đã bị hạ bởi các bậc cha mẹ lạm dụng tự do, đứa trẻ tìm đến một trở lực khác và đó là sự leo thang vượt bức tường pháp luật. Phản ứng bắt chước kết hợp với phản ứng trên. Sau khi phá vỡ những thần tượng trong gia đình, đứa trẻ tìm đến những mẫu người khác. Phản ứng bù trừ cho phép cậu thiếu niên khẳng định sự tự tin và nhân cách của mình bằng những sự phạm tội vô cớ.

Hậu quả xa xôi của sự thiếu hụt uy quyền còn đáng sợ hơn những hậu quả tức thời cho thấy ở trẻ. Những điều này thể hiện trong một nhân cách thiếu kiên quyết, thiếu vững chắc, thiếu đề kháng và cách xử thế do dự, thiếu nhiệt tình hoặc những say mê thất thường, ý thức đạo đức nghèo nàn, không năng động. Những quan hệ của cá nhân đó với bên ngoài bị nhiễu loạn bởi thiếu một nhân cách vững chắc.

(còn nữa)

No comments:

Post a Comment