Thursday, April 7, 2016

GIA ĐÌNH (5): Trẻ em và các mối quan hệ gia đình (tiếp theo)

TỔ ẤM AN TOÀN VÀ ĐOÀN KẾT

Sự an toàn

Để trở thành người lớn, trẻ em sẽ phát triển trên 3 phương diện song song/xen kẽ nhau: thể chất, trí tuệ và tình cảm. Để đáp ứng được nhu cầu này cần có sự giáo dục và mở rộng học vấn một cách toàn diện nhưng không tách rời sự thăng bằng và tiến triển bình thường về mặt cảm xúc vì phụ thuộc rất nhiều vào những mối quan hệ xung quanh, nhất là trong lứa tuổi nhỏ.

Có sức mạnh thể chất, biết sử dụng trí tuệ vào những ứng xử/hoạt động hàng ngày và sống thăng bằng với tình cảm của mình giúp đứa trẻ dần dần bước vào cuộc sống bằng những quyết định một cách tự nguyện, nó có thể hội nhập vào những cách thức được chọn và hành động tự do một cách có ý thức về những đòi hỏi của đời sống xã hội, tóm lại là đạt đến sự tự chủ.

Giáo hoàng Pie XII từ những điều mà nhiều người nêu lên, đã tóm tắt những kết quả giáo dục của môi trường gia đình như sau:

"Đứa trẻ được hình thành không phải dựa trên sự dỗ dành bằng lời ít nhiều có hệ thống, mà chủ yếu trong không khí của tổ ấm, sự có mặt và cách xử sự của cha mẹ, anh chị em, xóm giềng, trong cuộc sống hàng ngày với tất cả những gì trẻ nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận được.

Dù nhỏ và bề ngoài không nổi bật, từng yếu tố nói trên để lại dấu vết trong đứa trẻ và dần dần xác định những thái độ cơ bản của đứa trẻ đối với cuộc sống: tin cậy ở những người xung quanh, thẳng thắn, dễ bảo, có sáng kiến và kỷ luật, tôn trọng uy quyền hay ngược lại, cá nhân ích kỷ, không chịu phục tùng, nổi loạn. Tác dụng nhẹ nhàng mà ổn định của một gia đình lành mạnh, hòa hợp, xây dựng bền chắc, có khả năng điều chỉnh những bản năng tự nhiên của đứa trẻ, hướng chúng vào mục tiêu rõ ràng, phối hợp với nhau và hình thành những tính cách hài hòa, phát triển toàn diện về mặt cá nhân cũng như về mặt xã hội.

Ngược lại, gia đình mất thăng bằng tác động trở lại vào đứa trẻ và tạo ra những con người không ổn định, nạn nhân của những bất hòa sâu sắc giữa những khuynh hướng bẩm sinh và lý tưởng đạo đức.

Ngay khi người lớn không nghĩ đến, ngay khi họ không có ý định làm điều xấu, mỗi trường hợp đều khơi những rãnh sâu: đôi mắt mở to dò hỏi theo dõi quan sát. Có khi nào người lớn nghĩ rằng: những hình ảnh nào, những dấu ấn nào thu hút sự chú ý của những đứa trẻ thụ cảm mạnh mẽ, nhạy cảm với những cái xung quanh, và chúng chịu đựng hầu như không chống đỡ tất cả những gì phơi bày ra tốt hoặc xấu? Thế giới này sẽ tốt đẹp hơn biết bao nếu đầu óc người lớn quan tâm đến việc đừng làm tổn thương tâm hồn trẻ em".

Trẻ em, con người không hoàn hảo, luôn luôn vươn lên, nhưng không cảm thấy vững vàng/tự tin trước những người xung quanh và trong thế giới vật chất mà nó đang sống. Chúng chưa biết đến sự bất biến của con người và những sự vật với vẻ ngoài biến động.
Trẻ con thường cảm thấy an toàn trong 1 môi trường quen thuộc và bên cạnh những người lớn quen biết có khả năng bảo vệ chúng. Khi có sự thay đổi, phải sơ tán về nông thôn, xa cha mẹ... chúng  sẽ phải sống trong sự bất an vì không ai có thể thay thế được người mẹ của chúng.

Preston đã chứng minh một cách đầy đủ hơn cả: 3 yếu tố của sự an toàn là Tình yêu thương, Sự chấp nhậnSự ổn định.
Một đứa trẻ được yêu thương là một đứa trẻ hạnh phúc. Nhưng đó phải là 1 tình thương yêu thực sự mà đứa trẻ cảm nhận được. Dù nó được che giấu dưới vẻ ngoài như thế nào chúng vẫn nhận ra, hiếm khi nhầm lẫn. Trẻ em sống bằng trực giác nhiều hơn người lớn, vì họ thường mắc bẫy bởi chính những suy luận hợp lý của họ.

Tình yêu thương chỉ có thể có thật, một cách an lành, khi bản thân đứa trẻ được gia đình chấp nhận. Cha mẹ vẫn thường mắc sai lầm với những đứa con không được mong đợi như khi bé gái ra đời nhưng người cha lại muốn có con trai, hoặc bà mẹ muốn con gái nhưng khi có con trai lại bắt nó để tóc dài và ăn mặc kiểu con gái quá lâu... những điều này để lại những dấu ấn tai hại trong đời sống tinh thần của trẻ.
Đứa trẻ phải được thừa nhận như nó vốn có vì nó cảm nhận được từ cha mẹ tình cảm của họ, với tâm hồn non dại nó tự hỏi một cách sợ hãi là nó có tội lỗi gì về cái việc không thừa nhận của cha mẹ. Nó phải được chấp nhận bởi nó là nó chứ không phải bởi những gì nó làm. Nhiều bậc cha mẹ mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi bực mình vì không có 1 đứa con hoàn hảo và lên án kẻ có tội cùng với cái tội mà nói theo kiểu người Anh là "hắt đổ cả đứa bé cùng với nước tắm". Theo nghĩa đó, người ta có thể nói là 1 trận đòn không có hại nếu nó giúp trẻ sửa lỗi và không phải là đánh vào đứa trẻ. Ngay vấn đề này những đứa trẻ cũng không nhầm lẫn: một sự trừng phạt nhỏ mà chúng cảm thấy có sự hung bạo, sự không - chấp nhận của cha mẹ còn làm tổn thương chúng sâu xa hơn một trận đòn nghiêm khắc được biện minh rõ ràng.

Một số trẻ không được chấp nhận có thể cũng phát triển được sau này nhờ sự thành đạt, nhưng cạnh đó là rất nhiều người khác đã thất bại, hư hỏng không chấp nhận xã hội vì chính gia đình ngay từ lúc phôi thai đã là những người đầu tiên từ chối chúng.

Sự ổn định của gia đình là điều kiện thứ ba của sự an toàn. Đó là sự vững chắc một cách bền vững. Trái lại, trẻ sẽ thấy nó gặp phải 1 thứ đất lún, nghèo nàn về giá trị tình cảm, làm cho sự phát triển của no1kho6ng đầy đủ hoặc bị méo mó.
Cha mẹ phải xác định từ đầu một cách rõ ràng tất cả những mục tiêu cần đạt, những giá trị cần hướng tới, nêu rõ những gì cần làm, cái gì không được làm. Không dứt khoát trong việc ra những mệnh lệnh làm cho trẻ dễ bị lạc hướng. Tâm tính trẻ cũng sơ khai, khó thừa nhận những thay đổi đột ngột, dù chính đáng.
Mặt khác, tuyệt đối không để trẻ bị lôi kéo vào những xích mích tình cảm nảy sinh nghiêm trọng trong gia đình, buộc trẻ phải đứng về 1 phía và từ đó lên án một cách vô thức cách ứng xử của phía bên kia, điều này sẽ làm trẻ bất an khi có cảm giác tội lỗi.

Sự mất ổn định về mặt vật chất cũng gây ra trở ngại nhưng không trầm trọng như thiếu ổn định về tình cảm. Những sự thay đổi thường xuyên về chỗ ở, nhất là trường học sẽ gây những tác hại cho trẻ nhiều hơn lợi ích của gia đình vì đứa trẻ buộc phải từ bỏ những bạn bè thân thiết để tạo lại trong môi trường mới.

Tình yêu thương, sự chấp nhận, sự ổn định vững chắc là 3 trụ cột cho sự an toàn, điều kiện chủ yếu của sự phát triển tình cảm của trẻ em. Khi trưởng thành là lúc đứa trẻ có thể hoàn toàn tự quyết những vấn đề của mình. Trong tình trạng như vậy, đứa trẻ đã trở thành một người sống tự lập, nó có thể tự lựa chọn và có những quyết định phù hợp với những nhận thức về mình và những người khác trong bối cảnh sống của nó. Đứa trẻ đã trưởng thành hoàn toàn có đủ tư cách để thừa nhận những sự lựa chọn và quyết định là của mình và nhận trách nhiệm về những gì sẽ tiếp diễn.
Có thể nói, trẻ em trở thành người lớn khi nào chúng chấp nhận sự bất an như một nguy cơ bình thường.

Những bậc cha mẹ thành công là những người dạy con cái biết vượt qua cha mẹ. Đó là một vai trò bạc bẽo, và như thế, đảm nhận vai trò làm cha làm mẹ là vô cùng khó khăn. Nhất là bây giờ là thời đại chuyển biến rất nhanh, kinh nghiệm mau chóng lỗi thời, phải thường xuyên up to date.

No comments:

Post a Comment