Sunday, April 10, 2016

GIA ĐÌNH (8): Vai trò của cha mẹ (tiếp theo)

NGƯỜI MẸ

2. Sự rối nhiễu và thiếu hụt tình cảm

Tình mẹ con có thể bị thiếu hụt do vắng mặt hoặc thờ ơ. Đôi khi chỉ có người mẹ thể hiện điều này vì một lý do ích kỷ của mình hoặc từ cả hai vợ chồng không thích có con.
Việc vắng mẹ hoàn toàn, nhất là việc mất mẹ có những hậu quả vô cùng nghiêm trọng và càng sâu sắc khi đứa trẻ còn quá nhỏ.

Tuy vậy, có lẽ logic hơn là tập hợp lại dưới 1 định nghĩa chung, bất kể thời điểm của mọi biểu hiện, những sự rối nhiễu sớm hoặc muộn có 1 nguồn gốc chung.
Phải có 5 điều kiện về căn nguyên có thể coi là cần thiết (nhưng không phải là đủ) để xuất hiện những rối nhiễu:
1. Đã từng bị thiếu/vắng, hẫng hụt.
2. Thiếu hụt chủ yếu hoặc duy nhất về những nhu cầu tình cảm của trẻ.
3. Người mẹ chịu trách nhiệm về sự thiếu hụt hay mất mát đó.
4. Việc thiếu hụt tình cảm xảy ra khi trẻ chưa đến 3 tuổi, hiếm khi chậm hơn.
5. Việc kéo dài một thời gian ít nhất là nhiều tháng.

Trong điều kiện thiếu thốn, dù thiếu ăn, rách rưới, bẩn thỉu, bị quăng quật, thiếu cả những sự thỏa mãn tình cảm hiển nhiên, đứa trẻ vẫn mơ hồ cảm thấy nó có 1 giá trị nào đó đối với mẹ nó (có thể là nỗi lo âu) và như thế cũng đủ lắm rồi. Theo đó, người ta có thể khẳng định rằng một gia đình xấu còn hơn là một cô nhi viện tốt. Những người lớn lên không thích ứng với xã hội xuất thân từ những gia đình xấu lúc nhỏ lại ít hơn 2 lần so với những người sống ở các cô nhi viện tốt.

Những trẻ em trên 5 tuổi chịu đựng khá hơn sự cách ly/thiếu vắng mẹ nếu như quan hệ với mẹ trước đó tốt. Một đứa bé tự tin không coi việc xa gia đình như một sự trừng phạt hoặc bỏ rơi. Nó chấp nhận dễ dàng hơn những lý lẽ được người ta nói với nó.

Nếu sự xa cách với mẹ không thể tránh khỏi, có thể để 1 người bà con gần gũi nuôi dưỡng đứa bé, hoặc có thể là 1 gia đình khác. Còn trẻ sống ở cô nhi viện sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Chúng có chỉ số IQ thấp hơn so với trẻ khác (72/92), chúng bị rối nhiễu về ngôn ngữ, không có khả năng tập trung, kết quả học tập kém.

Chúng còn có những biểu hiện rối nhiễu cơ bản về mặt tình cảm mà điểm đặc trưng trước hết là sự "rối loạn sâu sắc của tình cảm, từ đó làm cho những trẻ em này không có khả năng thiết lập những quan hệ xã hội bình thường". Nhiều nhà ngiên cứu đều cho rằng những đứa trẻ này không có khả năng cho hoặc nhận tình cảm, không thể có liên hệ tình cảm chân thành, khả năng thiết lập các mối liên hệ tình cảm rất hạn chế...

L. Bender đã ghi lại một cách tỉ mỉ về những đứa trẻ bất hạnh này như sau: "Những trẻ em này thể hiện không có khả năng yêu hoặc có ý thức về lỗi lầm. Chúng không có lương tâm. Chúng không thể thiết lập các mối liên hệ tình cảm cho nên không thể nào áp dụng các biện pháp chữa trị hoặc sư phạm. Chúng không có khái niệm về thời gian; chúng không nhớ được kinh nghiệm đã qua, không rút ra được cái gì có lợi và không biểu lộ ra được động cơ về cách cư xử của chúng. Việc không có khái niệm thời gian là một nét nổi bật về thiếu sót tổ chức trong cấu trúc nhân cách..." 

Goldfarb tóm tắt nhân cách của những trẻ em này là: "Cư xử hung bạo, thích các trò giải trí, thiếu kiềm chế, không thấy ở chúng những dạng bình thường về lo lắng và ức chế. Những sự đồng nhất hóa bị hạn chế và những liên hệ tình cảm hời hợt và không bền chặt".

Bowlby đã có thể khẳng định có nhiều lý do để tin rằng sự cách ly kéo dài 1 đứa trẻ với mẹ nó trong thời gian 5 năm đầu tiên là nhân tố chính gây nên phạm pháp sau này. Heuyer cho biết có đến 80-90% những vị thành niên phạm pháp xuất thân từ những gia đình ly tán (20% do cha mẹ ly dị, 22% do cha mẹ ly thân), với Werwaeck con số đó là 65%.
Spitz khẳng định có thể tiên đoán là trong tương lai sự gia tăng số trẻ em có vấn đề không thích ứng xã hội, những trẻ em phạm pháp do chậm khôn và tâm bệnh, sẽ tỷ lệ thuận với sự biến mất đời sống gia đình.

Đây là những khẳng định nghiêm trọng về mặt thực tiễn đấu tranh chống phạm pháp ở thiếu niên, mà đến nay chưa được quan tâm đúng mức về mặt dự phòng.

Dù vậy, chúng ta cũng còn hy vọng vào việc người ta đã cố gắng nhấn mạnh đến những nhu cầu tình cảm để tránh những hậu quả tai hại về mặt thể chất, tâm hồn và xã hội trong thời gian gần đây. Và còn phải quan tâm nhiều hơn đến trẻ em, dành cho chúng tất cả những gì mà trẻ có quyền được hưởng.
(còn nữa)

No comments:

Post a Comment