Sunday, April 17, 2016

Luận Tam Quốc: Tiêu hao sinh lực cho thắng lợi hão

Gia Cát lượng là chính trị gia thủ cựu, lại xuất thân học trò, nghĩ việc binh đao như chuyện đọc sách. Thấy nhà Tần đem binh ra Kỳ Sơn thu được thiên hạ bèn cứ răm rắp làm theo. Thua binh ở Nhai Đình, bị khốn ở Bắc Nguyên đều về tay của Quách Hoài. Lại bắt chước việc trong sách Hàn Tín âm độ Trần Thương mà kéo quân qua đường Trần Thương. Kết quả bị một viên tướng tép riu là Hách Chiêu làm cho khốn đốn, binh lực tan tành. Tuy sĩ diện mà cố lấy được thành, Hách Chiêu phải tự sát. Nhưng thắng cũng như thua. Đặc biệt Tư Mã Ý đã lọc lõi đọc được ý nghĩ của bọn học trò mặt trắng mà bố trí sẵn Hách Chiêu làm khó Lượng. Thế mới biết Lượng có theo Tào như mấy anh bạn học Châu Bình Quảng Nguyên thì cũng chỉ tới chứ đề lại tẹp nhẹp.
Sử Việt Nam còn có chuyện hay hơn là việc Võ Tánh, Ngô Tòng Châu tại Quy Nhơn để Nguyễn Văn Thành Lê Chất phò tá Nguyễn Ánh lấy Phú Xuân và Bắc Hà.
Lịch sử ít khi lặp lại y hệt. Do đó cần nhìn được bản chất của việc trao đổi trong tranh đoạt. Trước hết phải làm giá và kích cho đối phương đặt mọi giá để giành được một thứ nào đó. Cách tốt nhất là cho nó những giá trị tinh thần. Đối với nhà Tây Sơn thì đó là đất phát tích mặc dù không có giá trị chiến lược nào. Trận Thị Nại lại càng tăng thêm giá trị của Quy Nhơn vì nó xúc phạm tới lòng tự tôn bách chiến bách thắng của họ. Thế là họ dồn tới 4/5 binh lực với hai dũng tướng hàng đầu là Vũ Văn Dũng và Trần Quang Diệu. Hai ông quan đầu triều thuộc hàng cửu khanh này đáng nhẽ phải ở nhà lo ổn định nội bộ, súc tích thực lực, lại lăn lê vào chỗ đâm chém. Khi hạ được Quy Nhơn thì Tánh và Châu chỉ còn là hai cái xác chết cháy, không có thu hoạch gì. Sau đó, chỉ chưa đầy một tháng Dũng và Diệu để vỡ toàn quân chủ lực, bị bắt như hươu nai không móng vuốt.
Thực tế đây là một chuỗi kế liên hoàn xây dựng từ Không thành kế, một kế đơn giản trong binh pháp. Tình huống điển hình là một bên giữ thành bị vây. Đối phương tuy đông nhưng không thuần nhất, ô hợp hiệu lệnh không rõ ràng nhưng liều mạng. Bên bị vây có thể bỏ thành hợp quân tản mát ở ngoài thành giành được số đông. Trong khi đó bên đối phương lại phân hoá tan rã, chỉ còn lại số ít. Khi đó bên bỏ thành có thể quay lại vây thành.

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

No comments:

Post a Comment