Sunday, April 17, 2016

Trung quốc trỗi dậy và suy tàn: Giới hạn của quyền lực (3)

CÒN VIỆT NAM THÌ SAO?

Nói người phải nghĩ đến ta: Còn Việt Nam thì sao? Hãy thử điểm lại vài nét chính về bức tranh kinh tế Việt Nam qua các số liệu “biết nói” dưới đây, trong bối cảnh chuyển giao quyền lực (với những rủi ro về “khoảng trống quyền lực” và sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc). Liệu Việt Nam còn có thể trì hoãn cải cách thể chế đến tận bao giờ?

Theo báo cáo của Global Financial Integrity (GFI, 12/2015), dòng tiền phi pháp từ Việt Nam chảy ra nước ngoài đã tăng liên tục (tính từ 2004 đến 2013). Ví dụ, con số của năm 2004 là 4,034 tỷ USD, đến năm 2013 là 17,837 tỷ USD. Tổng cộng trong 10 năm là 92,935 tỷ USD. (Tính trung bình mỗi năm là 9,293 tỷ USD).
Theo Báo cáo Kinh tế VN quý I/2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VERP, 12/4/2016), lượng tiền gửi tại nước ngoài của người Việt Nam gia tăng đột biến, lên mức 7,3 tỷ USD, tính đến cuối năm 2015 (trong khi các ngân hàng lớn vẫn phải đi vay ngoại tệ của nước ngoài để đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nước).

Trong bối cảnh kinh tế co thắt và khủng hoảng ngân sách trầm trọng, chủ yếu do tình trạng thu chi bừa bãi và lạm dụng nguồn vốn vay ODA, người giàu chắc chắn sẽ tiếp tục chuyển tiền và tài sản ra nước ngoài (cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp), như cơn sốt đang diễn ra hiện nay. Dòng tiền này dường như không được giám sát hoặc ngăn chặn. Không phải ngẫu nhiên mà World Bank tuyên bố ngưng cho vay ODA từ năm 2017.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh (TBKTSG, 1/4/2016): “trong 20 năm trở lại đây, chưa bao giờ bức tranh ngân sách xấu như bây giờ”. Không chỉ có vậy, nợ công Việt Nam đang tiến đến ngưỡng “chết chùm”. Theo đồng hồ đo nợ công toàn cầu (cập nhật bởi báo Economist ngày 12/4/2016), nợ công Việt Nam hiện nay là 94.854.098.361 USD.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (VietTimes, 13/4/2016): “Chúng ta đứng trước nguy cơ là không còn bất kỳ một đồng nào để đầu tư phát triển nữa. Hiện nay gần 70% ngân sách nhà nước dùng cho chi thường xuyên, còn lại là dịch vụ nợ chiếm hơn 30%. Như vậy là toàn bộ 100% ngân sách nhà nước chỉ để chi cho hai việc ấy thôi”.

Theo ông Phong, so với các nước khác, nợ công của Việt Nam còn nguy hiểm gấp đôi, bởi vì: dự trữ ngoại tệ của VN rất mỏng; độ ổn định bền vững của kinh tế không lớn; nguồn thu ngày càng hẹp lại; và sự lỏng lẻo trong cơ chế dẫn đến thất thoát quá lớn.
Theo ông Nguyễn Đức Thành (Giám đôc VERP), sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân Tệ (8/2015), Việt Nam đã thâm hụt 6,6 tỷ USD (trong quý 3/2015) chủ yếu do cán cân tài chính đổi chiều. Còn ông Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế VN), thì cho rằng, “Ta đi sau Trung Quốc đã đành, nhưng bi kịch ở chỗ ta lại đi theo cách của Trung Quốc, có nghĩa là học theo cả những kinh nghiệm xấu, những mặt trái của nước bạn”.

Hệ quả là các doanh nghiệp đã trở thành nạn nhân của nền kinh tế thị trường “định hướng XHCN”. Theo VCCI (TBKTSG, 13/4/2016). 428.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc giải thể trong giai đoạn 2007-2015 (tương đương với 45,5% tổng số doanh nghiệp). Tính đến cuối năm 2015, cả nước chỉ còn 513.000 doanh nghiệp (bằng 54,5%).

THAY CHO LỜI KẾT
Khi Nhật đứng trên đỉnh cao quyền lực (trước khủng hoảng 1997) ai cũng lo “Nhật mua cả thế giới”. Nhật cũng bị suy sụp vì khủng hoảng, thì Trung Quốc không phải ngoại lệ. Nếu sức mạnh chỉ dựa trên quyền lực cứng, thì nó chỉ nhất thời. Muốn phát triển bền vững, Trung Quốc phải đổi mới thể chế, cả kinh tế lẫn chính trị. TQ tăng cường kiểm soát và trấn áp các quyền tự do dân chủ (bên trong) và hung hăng (với bên ngoài), không phản ánh sức mạnh đang lên, mà bộc lộ thế yếu đi xuống, nên lo sợ đối phó để duy trì nguyên trạng.

Để đối phó với mối đe dọa của Trung Quốc, các nước ASEAN phải đoàn kết. Các nước có tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, cần ngồi lại với nhau để giải quyết tranh chấp, không để bị phân hóa, để có tiếng nói chung với Trung quốc. Khối “tứ cường” (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc) cần củng cố thể chế và phối hợp chặt chẽ trong vai trò an ninh khu vực, bao gồm tuần tra chung và giúp các nước ASEAN (đặc biệt là Philippines và Việt Nam) tăng cường khả năng phòng thủ, thông qua khuân khổ Đối tác Chiến lược Mỹ-ASEAN, TPP và Tầm nhìn Đông Á. Cần dựa trên các khuân khổ hợp tác an ninh (cả cũ và mới), để tăng cường hợp tác quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp tập trận và tuần tra chung tại Biển Đông, để đảm bảo nguyên tắc tự do hàng hải quốc tế.

Theo Thượng nghị Sỹ John McCain, đã đến lúc Mỹ phải vượt qua những động tác tượng trưng để xúc tiến “một chiến dịch tự do trên biển” mạnh mẽ, cả về nhịp độ và quy mô chương trình tuần tra FONOP của các chiến hạm Mỹ tại Biển Đông để thách thức thái độ của Trung Quốc. Cần tăng cường các hoạt động tập trận và tuần tra chung, thu thập tin tức tình báo tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Trước thay đổi về tương quan lực lượng, Mỹ phải tập trung tăng cường vị thế quân sự tại khu vực, phù hợp với Báo cáo của CSIS tại Quốc hội gần đây, bao gồm triển khai thêm các lực lượng không quân, hải quân, và lục quân tại khu vực này để làm cho các nước đồng minh yên tâm (Financial Times, April 12, 2016).

Trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới (5/2016) hy vọng tổng thống Obama có tiếng nói chung với TNS John McCain, để chấm dứt “tiếng kèn ngập ngừng” trong trò chơi “mèo vờn chuột” ở Biển Đông. Đối tác chiến lược Mỹ-Việt phụ thuộc vào cách thức chính quyền Obama (hay chính quyền tiếp theo) triển khai chính sách “tái cân bằng” để ngăn chặn Trung Quốc, cũng như thái độ hợp tác thực sự của dàn lãnh đạo mới tại Hà Nôi.

Nguyễn Quang Dy 13/4/2016

----------------------

Tham khảo
1. “America needs more than symbolic gestures in the South China Sea”, John McCain, Financial Times, April 12, 2016
2. “A Gut Check on US China Policy”, Elizabeth Economy, Council on Foreign Relations, April 5, 2016
3. “Crackdown in China: Worse and Worse”, Orville Schell, New York Review of Books, April 21, 2016
4. “Xi Jinping flirts with danger in his turn to ideology”, Stein Ringen, South China Morning Post, April 11, 2016,
5. “Chinas resistance to Xi Jinping slide into Maoism”, Editorial Board, Washington Post, March 28, 2016

No comments:

Post a Comment