Sunday, April 17, 2016

Nhà không có đàn ông

Bây giờ, nghệ sĩ Tú Trinh hay ra đường với quần sooc, áo thùng thình, tóc bạc từng đám không nhuộm, mặt không phấn son, chạy chiếc xe máy cũ. Hỏi chị, nghệ sĩ nổi tiếng mà sao "thả cửa" quá vậy, chị cười thản nhiên: "Sống sao cho thoải mái là được".

Tuy là con thứ hai trong gia đình có chín anh em, nhưng Tú Trinh là chị lớn nên mới hơn chục tuổi đầu, chị đã tập tành buôn bán phụ giúp cha mẹ nuôi anh chị em. Rồi nhờ cha là nhạc công đờn cò cho nghệ sĩ lừng danh Năm Phỉ, mới 13 tuổi, chị được học kịch nghệ bài bản tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Sở hữu chất giọng hiếm có, vừa chuẩn xác vừa truyền cảm nên chị đắt sô từ năm 14 tuổi với nghề lồng tiếng.

Để đủ sức chống chọi với đời, từ nhỏ Tú Trinh đã không thể sống yếu ớt. Phong thái nhanh nhẹn, tính tình thẳng thắn, nói năng bộc trực... chị là một người sống chính trực với con người của mình. Chị không ngạc nhiên với việc mình ít bạn vì "đàn bà luôn ưa lời ngọt ngào, còn đàn ông thì thích phụ nữ dưới cơ". Tú Trinh cho rằng nữ tính không phải là mềm yếu mà là sự thể hiện thái độ biết lo cho người khác. Các bạn trai hiếm hoi của chị là những người chịu chơi ngang ngửa với chị, không ai ăn hiếp ai.

Rồi vì duyên cớ trong đời "con đò" Tú Trinh cũng có lần "sang ngang" - bởi đó là cặp trai tài gái sắc. Nhưng rồi hôn nhân của 2 người "tính giống nhau" cũng bị tác động bởi cuộc đời khó sống, có lúc túng quẫn. Tú Trinh "không chấp" với chồng về vai trò của mỗi người trong gia đình, chị cố gắng sống với nhau vì muốn con có cha nhưng khi phát hiện chồng dan díu với người đàn bà khác, chị đã dứt khoát mà không làm ầm ĩ hay khóc lóc tuy "đau". Đêm đến, chị nghiêm mặt nói với chồng: "Giờ ngủ đi, sáng sớm ra khỏi nhà tui, không đi không yên với tui đâu!". Lúc đó con gái chị mới 15 tháng tuổi. Chị nhớ lại: "Khi đó tui "đau" vì phải ôm con nhỏ không đi làm được, người ngợm "bèo nhèo", không tiền bạc, đến chiếc xe đạp cũng không có,... không biết dựa vào ai, nhưng tui không chịu được sự phản bội, thôi nhau cho xong, dằng dai chi mệt".

Chị đành giao con cho bà xẩm giúp việc, ra chợ trời mưu sinh trước khi được trở lại phòng thu âm, sàn diễn, sàn quay. Từ sáng tới khuya, chẳng mấy khi mẹ con gặp nhau. Chị cho rằng nuôi con không khó bằng dạy con. Nhưng một người mẹ bận rộn như chị, dù thương con thế nào cũng chỉ có thể giải thích cho con cái gì hư, cái gì nên, đồng thời "cảnh báo" luôn, nếu không nghe lời mẹ, phải tự chịu hậu quả.

Sau này, nhiều người đàn ông muốn đến với Tú Trinh nhưng đều nhận được câu trả lời: "Thương anh thì tui cũng thương, nhưng ở thì tui không ở".

Sự nghiệp rực rỡ nhất của Tú Trinh là "nghề nói". Ngoài đời, chị rất kiệm lời, không vồn vã, ít biểu lộ cảm xúc, vui buồn giấu cả vào trong. Chị tự nhận: "Cả đời nhờ không có tình yêu nào lớn nên tui không bao giờ bị vật vã, không say mê ai nên không hề bị nhói tim. Đi diễn tui cũng không bao giờ mong trở thành ngôi sao vì ngôi sao có ngày tắt, đỉnh cao có lúc xuống, cứ bình bình mà được lâu".

(lược trích từ bài "Bửu bối" của nghệ sĩ Tú Trinh: Thương thì thương nhưng ở thì không, tác giả: Vũ Vân Lộc Thiên, Phụ nữ Thứ Tư No.39, 13.4.2016)

No comments:

Post a Comment