Monday, April 11, 2016

GIA ĐÌNH (9): Vai trò của cha mẹ (tiếp theo)

VAI TRÒ NGƯỜI CHA

1. Người cha: uy quyền 

Đối với trẻ em, ở những năm đầu, người cha không có vai trò trực tiếp quan trọng ngang với người mẹ tuy vai trò gián tiếp vẫn cần thiết vì là thành viên trụ cột cho tổ ấm gia đình, là chỗ dựa về kinh tế của gia đình.
Càng về sau, vai trò người cha càng lớn hơn và cũng ngang hàng với người mẹ trong quan hệ với con cái.

Theo D. Burlingham và A. Freud, bắt đầu từ năm thứ hai, tình cảm mà đứa con dành cho cha sát nhập vào đời sống tình cảm của nó, góp phần hình thành tính tình và nhân cách của con.
Theo H. Codet và Laforgue: "Người cha là sự tượng trưng, dạng đầu tiên của thế giới bên ngoài mà tất cả đều hội tụ vào đó. Người cha không thuộc về đứa con như người mẹ nuôi dưỡng; ngược lại ông ta thống trị gia đình và do đó đứa bé thấy ông như một người cạnh tranh mà nó muốn chống lại... Nếu như người cha không làm cho con yêu mình... sự xung đột sẽ xảy ra với đứa con, người cha hiện ra như một kẻ thù, hình ảnh đó ăn sâu vào trí nhớ của nó".

Lúc trẻ mới ra đời, vai trò người mẹ đi từ đỉnh cao và giảm dần/từ từ và mất hẳn khi đứa con đến tuổi trưởng thành. Còn người cha thì có vai trò rất nhỏ lúc đầu, tăng dần cùng với sự giảm dần của vai trò người mẹ, khi đứa trẻ lên 7 tuổi thì cả hai đều có vai trò như nhau, sau đó cùng giảm dần cho đến khi trẻ có thể tự lập hoàn toàn. Lúc đó, đứa trẻ đã có thể thay đổi quan hệ trẻ con đối với cha mẹ bằng quan hệ giữa người lớn với người lớn.

Đứa trẻ trông mong tình yêu thương từ người mẹ, còn từ cha trước tiên là uy quyền. Đây là những nền tảng cần thiết để có được sự cân bằng trong những quan hệ gia đình. Uy quyền không phải là chuyên chế "Trẻ con luôn khinh và thường là ghét những người áp chế chúng và cả những người bảo vệ đương nhiên của sự bất lực làm cho nó thiếu chỗ dựa mong muốn".
Một đứa trẻ đã nói: "Làm sao cho tôi yêu được mẹ tôi? Bà tha thứ cho tôi tất cả". Đứa trẻ này áp chế mẹ nó từ khi cha nó bị bắt làm tù binh trong chiến tranh và những rối loạn ở nó biến hết khi cha nó trở về. Câu nói trên của nó đặc biệt gợi lên điều phải ngẫm nghĩ, đứa trẻ không nói "Làm sao tôi sợ mẹ?" hoặc "Làm sao tôi kính trọng mẹ?" mà lại nói "Làm sao cho tôi yêu được mẹ tôi?". Với nhiều trẻ em hư thì sợ, kính trọng, yêu thương đồng nghĩa với nhau hay ít nhất là những khái niệm không rời nhau, không có tình yêu mà không có sự kính trọng, không có kính trọng mà không sợ và ngược lại; không có nhu nhược mà không khinh thường, không có khinh thường mà không ghét.

Uy quyền và tình yêu thương không mâu thuẫn mà hòa hợp với nhau, bổ sung lẫn nhau và đôi khi ảnh hưởng lẫn nhau. Khái niệm công bằng phải là cơ sở của uy quyền vì trẻ em không thể chịu đựng dù chỉ một chút bất công. Vì thế, uy quyền với trẻ cũng cần có mức độ là tất nhiên và cũng phải có thứ bậc; không thể phung phí, cũng không được phân phát tùy tiện/mù quáng.

Vai trò của cha cũng được thể hiện gián tiếp qua người mẹ, vì một người vợ được yêu thương và hạnh phúc, không có những lo âu về gia đình, có rất nhiều khả năng cho con mình 1 tình thương lành mạnh, trong sáng, cân bằng, không thái quá. Những điều này khó có được ở 1 người vợ bị ngược đãi, bạo hành từ sự vô tâm hoặc lăng nhăng của chồng.

Tuy nhiên uy quyền người cha cũng phải tránh 2 điều.
Thứ nhất là cần đứng sau người mẹ và để người mẹ chăm sóc con cái trong những việc cần sự tỉ mỉ thông thường hoặc những trừng phạt nho nhỏ mà đứa trẻ dễ chấp nhận.
Thứ hai, không để mình trở thành ông bố dữ tợn, mù quáng đến mức không có lòng thương xót, một ông bố dữ đòn. Không thể lạm dụng câu "thương cho roi cho vọt" một cách thiếu suy xét trước khi muốn giáo dục con một cách nghiêm khắc để phòng ngừa một cách đáng kể.

"Uy quyền người cha tất nhiên là then chốt của sự hòa hợp trong gia đình. Nhưng nó còn đòi hỏi một sự điều chỉnh tế nhị; có những người sử dụng uy quyền như bàn tay sắt, những người khác dễ dãi và nhu nhược, cả hai đều không đúng. Một người cha quan tâm đến việc giáo dục con cái một cách thông minh không điều khiển con bằng cách áp đặt cho nó cách suy nghĩ, cách cảm nhận mà phải quên cá nhân mình để đi sâu vào tâm tư tình cảm của con như đó là của chính mình. Người cha mang những ánh sánh của trí tuệ và kinh nghiệm của mình đến với con người non trẻ mà ông ta mỗi lúc đều chia sẻ những cảm xúc và tình cảm. Xung đột sẽ xảy ra khi người nọ không đặt mình vào địa vị của người kia. Trái tim người cha và trái tim người con không bao giờ hòa cùng một nhịp. Cả cuộc đời ngăn cách họ". (G. Robin)

(còn nữa)

No comments:

Post a Comment