Tuesday, October 18, 2016

CHÚNG TÔI NÓI VỀ HÀ NỘI CỦA MÌNH

Trước khi bắt đầu bài viết, cho phép được khẳng định ngay: đại từ nhân xưng "chúng tôi" được sử dụng trong bài viết chỉ là để ám chỉ quan niệm và cách nghĩ của tác giả và những người trong gia đình mình chứ không dám đại diện cho mọi trí tuệ anh minh và cốt cách thanh tao của người con Hà nội thuộc nhiều thế hệ.
Gia đình chúng tôi là một gia đình đã sống ở Hà nội từ rất nhiều đời, ít nhất cũng theo trí nhớ của tôi, cụ tôi sinh năm 1902 đã kể lại cho chúng tôi rằng: "Hồi các cụ thân sinh ra cụ còn ở đây", nghĩa là những thế hệ trước nữa của các cụ tôi đã là người Hà nội rồi.
Nhưng điều ấy, tuy cũng đáng để tự hào lắm, cũng chỉ mới có giá trị về mặt thời gian. Quan trọng nhất là văn hóa, là cốt cách, là thần thái của người Hà nội đã ngấm vào tận huyết quản của mỗi con người, tạo nên những nét riêng biệt, bao gồm cả hay cả dở, cả mặt được và chưa được của người Hà nội.
Vậy thì điều gì khiến chúng tôi rất tự tin và tự hào khi khẳng định rằng: dù sống ở chốn nơi nào trong đất nước mình cũng như trên thế giới, thì chúng tôi cũng chỉ luôn làm đẹp thêm cái tiếng "Người Hà nội" của mình mà thôi!
Chúng tôi, theo cách riêng của mình, làm cho người khắp nơi hiểu là dẫu phải chịu nhiều biến động về xã hội và văn hóa thì vẫn còn, luôn luôn còn, những người Hà nội đúng với nghĩa đẹp của danh xưng này. Những người hiểu biết không đánh đồng chúng tôi với những người tứ chiếng đổ về nơi đất lành kiếm sống. Những người hiểu biết cùng chúng tôi thở dài tiếc nuối những nề nếp gia phong đang ngày càng bị mai một và cùng chúng tôi nâng niu những giá trị vẫn tiếp nối đến tận bây giờ.
Vậy thì điều gì khiến chúng tôi được nhận ra ngay và được tôn trọng ngay vì chúng tôi là người Hà nội?

Trước hết, xin được nói ngay đến vẻ bề ngoài, vì như mọi người ở nhiều vùng miền khác thôi, chúng tôi cũng được : "nhìn nhau bằng quần áo, tiễn nhau bằng tâm hồn", nghĩa là vẻ bề ngoài của chúng tôi bao giờ cũng là thứ gây ấn tượng đầu tiên với người đối diện.
Chúng tôi không có những tuyên ngôn gì to tát về mặt này, chỉ là chúng tôi được răn dạy và chỉ bảo phải ăn mặc sao cho nền nã, kín đáo. Phải ăn mặc sao cho không rơi xuống lố lăng kệch cỡm mà phải bảo đảm luôn sạch sẽ, lịch sự và phù hợp với nơi mà mình đi đến, đối tượng mà mình giao tiếp. Khái niệm "ăn mặc nền nã, thanh lịch" không nhất thiết phải là những đồ xa xỉ đắt tiền mà phải là tổng hòa của trang phục và thần thái và dung mạo. Dù trong hoàn cảnh nào cũng không được lôi thôi lếch thếch hoặc quá cầu kỳ diêm dúa bất chấp tuổi tác, vóc dáng, nghề nghiệp... Cùng là cái cổ áo hình thuyền hay hình trái tim đấy nhưng chỉ khoét sâu đến đâu là đủ đọng lại trong cái nhìn người đối diện một thoáng chút ao ước mơ hồ, sâu thêm một chút nữa là cũng chính cái cổ áo ấy khiến mắt họ sục sạo đầy khát thèm mất rồi.
Sự tinh tế trong ăn mặc cũng là một trong những yếu tố để tự giới thiệu về mình, giới thiệu về văn hóa, về nề nếp gia đình mà không cần phải nói ra thành lời.
Chúng tôi được kể ngay cả những ngày tháng chiến tranh thiếu thốn, chiếc áo dài theo lối truyền thống vẫn được nâng niu gìn giữ. Những dịp có đám cưới, dẫu phải đi mượn, thì chiếc áo dài tha thướt vẫn khiến cho người mặc thêm mềm mại duyên dáng và hôn lễ bỗng trở nên trang trọng gấp nhiều lần bởi sự có mặt của những chiếc áo dài của những cụ già trong họ, của mẹ cô dâu chú rể và của chính cô dâu và các cô phù dâu của mình nữa.
Trong gia đình chúng tôi có không ít những nhan sắc lẫy lừng, bây giờ chỉ nhìn ngắm qua ảnh thôi, lớp cháu con chúng tôi không khỏi không thán phục và ngưỡng mộ những vẻ đẹp thanh cao đài các. Tuy vậy tuyệt đại đa số chúng tôi là những người sở hữu vẻ bên ngoài như mọi người Việt nam khác- nghĩa là cũng có những người thiếu một vài centimetre đủ để gọi là cao, hoặc thừa một vài kilogram để được coi là cân đối. Dẫu là như thế nào thì chúng tôi cũng bằng lòng với vóc dáng mà bố mẹ ban tặng, chúng tôi luôn thích và đề cao những vẻ đẹp tự nhiên không phụ thuộc quá nhiều vào son phấn. Và đặc biệt, chúng tôi được dạy dỗ đủ để hiểu rằng còn một vẻ đẹp khác của con người luôn tỏa sáng, đó là vẻ đẹp của nhân cách, của trí tuệ- những vẻ đẹp đó mới làm nên cốt cách của một con người, làm nên giá trị tồn tại theo thời gian, ngay cả khi dáng vẻ bên ngoài đã tàn phai héo úa.
Chúng tôi luôn đề cao học vấn và thấy sự cần thiết của việc học hành trong đời một con người. Những tấm gương học hành đỗ đạt trong họ hàng xa gần được nhắc đến với đầy vẻ thán phục khiến lớp trẻ chúng tôi hết lòng ngưỡng mộ. Cụ tôi nói một câu đơn giản vô cùng mà khiến tôi nhớ mãi: "Có học thì làm cái gì cũng có cân nhắc tính toán. Người có học bao giờ cũng đẹp hơn những người chỉ đẹp bằng tấm áo manh quần".
Về sau, tôi hiểu điều cụ tôi muốn nói đến vẻ đẹp của trí tuệ tỏa sáng. Cụ tôi đã rất đúng khi hướng cho con cháu mình phải học hành đỗ đạt- cái sự học phải song hành cũng năm tháng cuộc đời mình chứ không phải cầm được tấm bằng trong tay rồi là thôi, là "phó mặc cho giời"- nguyên văn câu nói của cụ tôi là như vậy.
Tôi vẫn luôn cho rằng trong mái nhà của nhiều thế hệ anh em chúng tôi là một trường học lớn, trong đó cụ, ông bà, các bác, bố mẹ, các anh các chị là những người thầy tận tụy và nghiêm khắc nhất của lũ trẻ chúng tôi.
Ngoài thời gian phải đi học ở trường như mọi đứa trẻ khác, chúng tôi rất được chú trọng đến học một cái gì đó phù hợp với năng khiếu hoặc sở thích của mỗi đứa trẻ. Vậy là đứa thì cò cử kéo violin, đứa học ký xướng âm, đứa vẽ vời, đứa khác thì thêu thùa may vá...
Chúng tôi được hướng dẫn đọc truyện nào thì phù hợp, sau khi đọc thì phải kể lại nội dung và phát biểu cảm tưởng của mình. " Ngôi trường" của gia đình chúng tôi không có tiếng quát mắng, chỉ đầy ắp tiếng cười của cả người già lẫn người trẻ, của cả " giáo viên" lẫn " học trò"!
Mỗi khi đến hè chúng tôi chỉ được nghỉ thoải mái đúng hai tuần, sau đó cụ tập trung những đứa cháu gái lại để dạy may vá thêu thùa và nấu ăn các món đơn giản. Nhưng hơn cả việc dạy nấu nướng một món ăn nào cụ thể, hơn cả việc dạy móc một cái túi đựng quả thị hay một vài bông hoa lan, hoa nhài bằng chỉ trắng, cụ giảng giải cho chúng tôi cách thu vén chi tiêu, cách "liệu cơm gắp mắm" vì "không phải lúc nào đời cũng sẵn nong sẵn né cho mình" . Các cháu trai thì được một bác lớn tuổi hướng dẫn làm những việc nặng nhọc hơn như sửa sang đồ gỗ trong nhà, quét lại vôi tường nhà hoặc làm bất cứ cái gì đòi hỏi sức vóc với mục đích là để cho biết quý giá trị của lao động.
Về sau tất cả các cháu cụ đều thừa nhận, trước những rủi may của cuộc đời, những bài học cụ dạy, phẩm chất chịu thương chịu khó, bền gan vững chí mà cụ truyền cho chúng tôi quả là không bao giờ thừa.
Trong gia đình chúng tôi, lời ăn tiếng nói bao giờ cũng được chỉ bảo dạy dỗ rất chi tiết. Với chúng tôi, việc đi thưa về chào, việc phải ăn nói nhỏ nhẹ lễ phép với người trên là việc đương nhiên phải làm. Nề nếp gia phong còn được thể hiện khi ăn và khi uống, khi nói và khi cười, khi đồng thuận và khi chối từ, khi vui vẻ và khi buồn bã...Chúng tôi được dạy phải đặt cái "tôi" và nhu cầu cá nhân xuống dưới mọi người trong gia đình, nhưng danh dự của cá nhân cũng đồng thời là danh dự của cha mẹ mình, gia tộc của mình. Không biết tôi nói có đúng không, nhưng chính vì điều này, trước một quyết định lớn nhỏ chúng tôi đều cân nhắc suy nghĩ rất thận trọng bởi chúng tôi hiểu những việc làm của mình lập tức sẽ có ảnh hưởng đến thanh danh của cả gia đình và cha mẹ mình, tránh cho chúng tôi những quyết định và hành vi xốc nổi, tùy tiện, chỉ đơn thuần chạy theo ý muốn cá nhân.
Trong giao tiếp xã hội, chúng tôi được dạy dỗ phải tôn trọng người khác: tôn trọng nhân cách, gia cảnh, nghề nghiệp; tôn trọng thói quen sở thích; tôn trọng những khác biệt vùng miền, tôn giáo tín ngưỡng. Chúng tôi không cho phép mình bắt chước tiếng nói của vùng miền khác vì chúng tôi biết đó là điều tối kỵ, là : "Chửi cha không bằng pha tiếng". Chúng tôi không cười hố hố đầy diễu cợt vào bất cứ ai chỉ vì họ ăn không giống mình, uống khác kiểu mình. Chúng tôi không cho phép mình phải xu nịnh người giàu sang đang thắng thế hay coi thường người thất thế nghèo hèn. Chúng tôi cảm thông với những người tàn tật, những gia cảnh không may mắn...chúng tôi luôn thân ái nhã nhặn là vì lẽ vậy.
Tuy vậy, không có nghĩa là chúng tôi không biết yêu, biết ghét, không biết trân trọng ngưỡng mộ hay khinh bỉ coi thường. Mọi cảm xúc thuộc về con người đều không xa lạ với chúng tôi, có khác chăng là cách thể hiện mà thôi, bởi chúng tôi quan niệm khi buồn không phải khóc rống lên mới là buồn, khi vui không phải cứ nhảy chân sáo, nói cười rổn rảng ở chốn đông người mới là vui. Sự chừng mực, chế ngự cảm xúc cho phù hợp với khung cảnh và những người xung quanh mới là điều chúng tôi lưu tâm để tự nhắc mình và nhắc nhở con em cháu chắt nhà mình!
Kinh nghiệm cuộc đời cho chúng tôi hay điều này: bạn chỉ có thể được tôn trọng và yêu mến khi bạn biết lắng nghe cảm xúc, tâm trạng của người khác. Khi bạn biết quên mình đi vì người khác cũng có nghĩa là chính bạn sẽ được người khác nhớ đến, yêu quý và tôn trọng. Sự tôn trọng mà phải mua bằng tiền, phải đổi chác bằng cái này cái khác không bao giờ có chỗ đứng trong gia đình chúng tôi. Nhưng ở thời buổi này, điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi không có những quan tham trong đại gia đình của mình. vì chúng tôi hiểu, từ cổ chí kim vô cùng hiếm hoi những quan ông nào giàu có mà bàn tay lại sạch sẽ, nhân cách lại thanh liêm cả.
Chúng tôi có thể viết mãi không thôi về chiếc nôi gia đình của mình, nơi mà từ đó nền tảng học vấn của chúng tôi được đặt những viên gạch đầu tiên, nơi mà từ đó chúng tôi học được những bài học làm người vô cùng thiết thực và giản dị. Nếu học vấn giúp cho chúng tôi rũ bỏ những u tối dốt nát thì những bài học về đối nhân xử thế, về đạo đức làm người giúp chúng tôi trở thành những con người tử tế mà dù sống ở đâu chúng tôi cũng được tôn trọng. Trở thành những người hiểu biết và sống sao cho tử tế, có lẽ là mục đích cuối cùng, là cái đích để vươn tới trong nếp nhà của một trong rất nhiều những gia đình Hà nội như gia đình chúng tôi. Những điều cốt lõi ấy khiến cho chúng tôi tồn tại được ở đời một cách vừa khiêm nhường vùa kiêu hãnh. Những điều cốt lõi ấy khiến chúng tôi được nhận ra mình là người Hà nội- người Hà nội từ giọng nói, cách nói, từ quần áo trang phục đến từng ánh mắt nụ cười...
9/12/2014- Saomai Pham.

1 comment:

  1. Lê Minh (Debrecen,VIDI69): Thuc su khi la Thu do no phai co su khac biet . La trung tam chinh tri, kinh te va van hoa cua moi quoc gia nen voi thoi gian ( nhat la trong thoi dai Toan cau Hoa hien nay ) nen tat yeu no se mat di nhung cai rieng tu luc ban dau ma chi so it nguoi co co hoi trai nghiem va so sanh voi hien tai duoc. Co mot vai quoc gia "thong minh" da biet truoc duoc chuyen nay nen ho da xay dung Thu do moi , tranh xa cac trung tam Tai chinh, Cong nghiep , Thuong mai,...

    ReplyDelete