Thursday, January 26, 2017

Dương là con dê, ngưu là con trâu?

Cuối năm, có một cháu yêu chữ nghĩa, đọc bài Lang bạt kỳ hồ của tôi viết năm 2014 hỏi "Chú ơi, cháu tra từ điển Hán Việt trên thiviet.net thấy dương đúng là con dê, ngưu là con trâu" (Ý cháu muốn nói tôi phê oan cho dân tộc ta dốt chữ, 4000 năm học tiếng Tàu vẫn hiểu sai).
Trong điển cố của Trung quốc có chữ "dương xa", cụ Nguyễn Du dùng lại trong truyện Kiều là "xe dê". "Dương xa" là xe do con "dương" kéo để vua mỗi tối đi "thị phạm" cung phi. Xe dừng ở cửa buồng ai thì ngài "dùng" cô đó trong đêm. Vì thế cửu tần từ hoàng hậu tới tài nhân đều tìm lá ngon để dụ dỗ mấy con dương dừng lại. Các cụ ta đều giảng "dương" là dê. Cũng có thể các cụ bị ấn tượng bởi "dê cụ" và "dương cụ". Hai chữ dương này khác nhau :-)
Có hai cách tra cứu, một cách dễ mau ra kết quả, một cách cẩn thận hơn. Cách tra như sau: dùng translate.google.com bỏ hai từ sheep và goat sẽ thấy sheep chính là con "dương", còn goat là "sơn dương". Cách khó hơn (chút xíu thôi), copy hai chữ này dán vào trang baike.com.cn sẽ thấy giải thích đầy đủ bằng tiếng Tàu đủ biết là dương là cừu hay là dê. Với ai không thích đọc lằng nhằng coi hình là đủ.
Thế mới có lý: dê là con vật thô lỗ đời nào vua cho dùng chạy lung tung trong cung để khiêu khích cung nữ.
Tương tự ngưu là con bò ngưu nhục là thịt bò. Muốn nói trâu phải nói thủy ngưu, thịt trâu là thủy ngưu nhục.
Bạn nào tuổi dê cứ yên tâm là tuổi cừu của Trung Quốc. Năm Mão là năm con thỏ.
Chữ nghĩa là chuyện lăng nhăng không quan trọng, nhưng điều đáng chú ý là 4000 năm các cụ học tiếng Tàu, đọc thuộc lòng hàng ngàn cuốn sách vẫn hiểu sai.
Hà cớ gì ta dám cho mình là hiểu Tàu hơn Tây.
Đó là điều thứ nhất tôi muốn nói. Điều thứ hai là các dịch giả hãy cẩn thận nghiên cứu và tra cứu hơn. Đừng bịa, cũng đừng ẩu, ngay cả những chữ tưởng biết mười mươi vẫn nên nghi ngờ nếu thấy không thuận ý thuận văn cảnh. Chướng như con dê "dương cụ" lòng thòng đi tung tăng trong cung cấm vậy.


Các bạn đọc bài Lang bạt kỳ hồ ở đây

Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)

10 comments:

  1. Nguyễn Việt Long: Mấy vị đầu ngành thiên văn học soạn cuốn TĐBK Thiên văn học cũng dịch chòm sao Bạch Dương là chòm sao Con Dê, trong khi tên Tây của chòm sao này là Con Cừu (Aries), mà Tàu cũng dịch tên gọi từ Tây chứ không phải là tên Tàu gốc. Tiếng Anh dịch là Ram, Pháp là Bélier.

    ReplyDelete
  2. Tuan A. Phung: Nói chung tật đọc vội, hiểu sai chữ và diễn dịch trật lất khái niệm nước ngoài sang tiếng Việt đã là một đặc điểm văn hóa rồi. Xảy ra trong tiếp thu văn hóa từ Tây sang Dông chứ chẳng cứ là tiếng Tàu .. Có lẽ em với bác nên làm một cuốn đại từ điển những từ tiếng Việt bị hiểu/dung sai tiếng gốc .. :-D

    ReplyDelete
  3. Anh Dũng Phan: Xem các hình vẽ cổ "Lão Tử kỵ thanh ngưu" thì thấy con "ngưu" Tàu vẽ với cặp sừng to, cong dài, uốn về phía sau, và không có u vai với diềm cổ... giống con trâu hơn là bò (!) : http://images.sou.com/v...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Thanh ngưu có thể là "trâu xanh" nào đó không có thật như kỳ lân, phượng hoàng.

      Delete
  4. Nguyễn Trọng Dũng: Mong anh Việt kể kinh nghiệm học chữ Hán để nhiều người cùng học hỏi

    ReplyDelete
  5. Dam Thanh Son: Chỗ này bảo "dương" là cừu hoặc dê đều được (đều là Caprinae), bắc Trung Quốc là cừu, xuống phía nam thành dê: https://en.wikipedia.org/wiki/Goat_(zodiac)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nguyen Ai Viet: Chắc đó là nói về mệnh, cầm tinh. Còn ngôn ngữ thường thì dương chỉ là cừu.

      Delete
  6. Nguyễn Việt Long: Anh viết là tra trang baike.com.cn nhưng có lẽ là trang baidu.com chứ nhỉ.
    http://baike.baidu.com/item/%E7%BE%8A/1947?fr=aladdin

    ReplyDelete
  7. Doan Hong Nghia:Đúng quá, muốn đấm nhau với Tàu thì cũng phải biết nó như thế nào chứ sao có thể phang bậy phang bạ được!

    "Lang bạt kỳ hồ" nghĩa là đi lang thang rồi xuống hồ kỳ cọ hay là tiến thoái lưỡng nan?
    Bạn có thể tìm hiểu thêm về sự tương đồng và bất nhất giữa nghĩa từ Hán Việt và từ Hán qua bài viết của nhà ngôn ngữ Nguyen Ai Viet!

    ReplyDelete