Saturday, January 21, 2017

Nhật ký thời chiến: Trận Nam Cửa Việt 1972

"...Một tin buồn Quang Vinh báo cho tôi là Lâm Chợ giời ở C10 đã hy sinh. Thật đau xót, vì cậu ta rất hiền lành và tốt tính. Lâm bị thương vào bụng; cùng đêm tập kích đó, Hà Minh Hòa bị thương vào chân. Hai cậu được đưa vào 1 cái hầm chờ trời sáng. Lâm luôn mồm rên rỉ và nói với Hòa: “Hòa ơi tao chắc chết... Tao thương mẹ tao quá...”. Hòa nói: “ Yên tâm, mày không chết được đâu. Đến sáng Tải thương sẽ đưa mày về Phẫu...”. Nhưng đến sáng thì Lâm đã chết cứng. Người ta khiêng Lâm đi như khiêng 1 khúc gỗ vậy... Cho đến tận hôm nay người nhà vẫn chưa tìm được mộ Lâm. Mẹ Hồng của Lâm cho đến ngày qua đời đêm nào cũng khóc vì chưa được 1 lần ôm hài cốt của con... Tôi vẫn nhớ củ sắn lùi mẹ Hồng dúi vào tay tôi và Lâm trên đường hành quân từ Bãi nai về Hà nội ngày nào....
Cả anh Nghĩa B-phó huấn luyện của tôi cũng đã hy sinh. Thật đáng tiếc cho 1 cán bộ trẻ đầy triển vọng. Anh bị thương vào đầu, ra đến Phẫu thì bị bom B52 mất xác. C10 vừa rồi tập kích Tám Cát tổn thất quá lớn.
Cách hầm tôi khoảng 30m có 1 khẩu đội cối 82ly. Thỉnh thoảng tôi ngó xem cách họ tác xạ. Năm cậu xúm quanh khẩu súng cối, một cậu bỏ quả đạn vào nòng, cả lũ lập tức bịt tai lại. Quả đạn kêu lanh canh tụt xuống đáy nòng, rồi bỗng “Púch”, 1 cột khói xám nhạt phụt mạnh ra đầu nòng. Khẩu cối bắn liền 5-6 phát. Chỉ 1 lúc là bọn địch phản pháo ngay. Tất cả lập tức chui vào hầm ngồi. Pháo chúng bắn trả nhiều kinh khủng. Mảnh bay vù vù, rơi lịch bịch.
Anh Thanh chia cho mỗi đứa 1 phong lương khô 701, phần thưởng của Mặt trận B5. Dạo này việc tiếp tế rất khó khăn. Đồng thời anh báo tin vui là C11 được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, được tặng danh hiệu là Đại đội Thép. Cũng đúng thôi, vì C11 là chủ công trong chiến thắng giải phóng hai làng 7, 8, tiêu diệt 39 tên địch. Anh Thanh được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3. Tôi và Bích được tặng Bằng khen của Sư đoàn 320B.
Đêm ấy mọi người đang mơ màng, chợt nghe “ ịch” 1 tiếng, cái hầm rung ùng ục. “ Chắc lại pháo khoan rồi”, cả bọn tự nhủ và ngủ tiếp. Sáng hôm sau trèo lên xem mới thấy khiếp: một quả pháo biển 203ly to như quả bom con, màu bạch kim trắng lóa, nằm ngóc cổ chình ình trên nóc hầm. Có lẽ chúng bắn từ biển ở cự ly gần, phải hạ nòng thấp quá nên đạn đi sượt, thật hú vía.
Bọn địch thay quân giữa ban ngày. Đầu tiên 1 chiếc trực thăng cá lẹp bay tới, đảo vài vòng rồi bắn 3 trái pháo khói màu hồng phía trước Tám Cát. Tiếp đó pháo địch từ Làng 5, Làng 6 bắn đạn khói tới tấp. Cả trận địa bên địch được bao phủ bằng 1 lớp khói trắng xám, không nhìn thấy gì nữa. Đó là lúc Tiểu đoàn 2 “Trâu điên” của chúng vào thay Tiểu đoàn 8 “Ó biển”. Sau này được nghe nói tôi mới biết, chứ lúc ấy chỉ thấy khói mù mịt, chẳng hiểu chúng định giở trò gì.
Đêm mùng 5 rạng mùng 6/12/1972 chừng 4h sáng đến phiên tôi gác. Trời tối đen như mực. Chợt phía làng 6 bùng lên hàng loạt tiếng nổ cùng ánh chớp sáng lòe, ̣đạn bay như hoa cà hoa cải. Một lúc sau thấy tất cả im lặng. Mặc dù vậy tôi vẫn căng mắt nhìn ra cánh đồng giáp làng 6. Lẫn trong tiếng gió biển thoáng nghe có tiếng người nói lao xao và tiếng chân lội nước lõm bõm. Chẳng nhìn thấy gì cả, tôi cứ phân vân không biết có nên báo động hay không? Hay cứ thử bắn 1 loạt đạn vào đó?. May mà tôi không làm như vậy, vì lúc sau mới biết đó là 1 toán trinh sát của ta định đột nhập làng 6 mà thất bại. Rồi thấy anh Hưởng C-viên phó và anh Căn D-phó xuất hiện, yêu cầu tôi và Quang “xỉu” giúp vận chuyển 1 thương binh về phía sau. Người bị thương nằm trong 1 chiếc võng bạt, đang rên la. Một thanh gỗ to, nguyên là đòn nóc của 1 ngôi nhà, được dùng để khiêng võng. Cái đòn này nặng kinh khủng, cộng thêm trọng lượng của thương binh nghiến lên vai rất đau. Thương binh hóa ra là cậu Mốc người Quảng trị, thường dẫn đường cho chúng tôi trong các trận tập kích. Cậu ta dẫm phải mìn nát bàn chân trái, máu thấm đẫm mấy cuộn băng. Tôi và Quang loạng choạng khiêng thương binh lội trên đồng nước, hướng về làng 9. Trời nhờ nhờ sáng, nhưng sương mù dày đặc chẳng nhìn thấy gì hết. Kiểu này khéo lại đi lạc vào chốt của địch thì chết. Vừa mệt, vừa đói, vừa lo lắng, đòn thì nặng, thương binh rên la suốt, làm Quang nổi quạu. Cậu ta quát lên: “ Ông im mẹ nó cái mồm ông đi, không thì tôi quẳng ông xuống ruộng bây giờ !”. Cậu Mốc nghe thế chỉ còn dám rên khe khẽ. Rồi cuối cùng cũng đến được Trạm cứu thương của Tiểu đoàn, chúng tôi bàn giao thương binh cho C25 Vận tải khiêng đi tiếp.
Tầm 11h trưa thì anh Phùng Chính trị viên Đại đội bị chết. Lúc đó anh đang ở tuyến hào B1, và gọi Ngô Duy Minh ra cùng quan sát địch. Anh hỏi Duy Minh: “ Có chiếc xe tăng ở làng 6 phủ lá chuối khô ngụy trang. Cậu xem từ đây đến đấy liệu B41 bắn được không?”. Duy Minh vừa trả lời: “ Em sợ xa quá anh ạ...” thì 1 quả pháo lao tới nổ trúng chỗ anh đứng. Anh Phùng bị tan xác, Duy Minh bị mảnh pháo vào đầu, máu chảy ròng ròng xuống cổ. Cậu ta la hét thảm thiết, nhưng pháo bắn rát quá Trung đội 1 không ai ra cứu Minh cả. Tôi nằm ở tuyến B2 phía sau, cách đó khoảng 50m, nghe tiếng bạn kêu xót ruột quá, bèn quyết định bò lên cứu. Sau khi băng bó cho Duy Minh, tôi cầm hộ bạn cái bòng bò trước, Minh bám theo vết chân bò phía sau. Bò qua chỗ anh Phùng hy sinh, chỉ thấy 1 hố pháo nông choèn, máu đọng thành vũng, còn 1 ít mảnh xương thịt vụn lổn nhổn trong đó. Mùi tanh tưởi bốc lên, đúng là không thịt gì tanh bằng thịt con người. Thương anh Phùng quá, vẫn nhớ lời anh nói: “Có chết vì pháo thì thường chết từ quả đầu tiên...”. Hào cát chật hẹp, nhiều đoạn nông choèn, chúng tôi hầu như phơi lưng trên mặt đất. Pháo địch vẫn rít tới tấp trên đầu, đạn nổ liên tiếp, khói mù mịt. Rồi cũng ra khỏi được bãi pháo địa ngục, tôi dìu Duy Minh chạy trên quãng đồng trống về phía làng 9. Tới rìa làng 2 đứa tạm biệt, tôi cầm tay Duy Minh nói: “ Cậu bị thương nặng như thế này chắc được ra Bắc. Về Hà nội nhớ ghé nhà mình Minh nhé...”. Cả hai đứa đều không cầm được nước mắt... Mãi sau này mới biết Duy Minh chỉ được chuyển thương ra đến Viện 112 Quảng bình điều trị. Vết thương đỡ, Ngô Duy Minh được giữ lại làm Y tá, rồi năm 1973 được cử đi học Quân y. Ngô Duy Minh bây giờ là Đại tá Trưởng khoa ở BV 198 HN...."

Vietnam War (Trích hồi ký Nguyễn Quang Vinh D3, E48, F320B)

No comments:

Post a Comment