La Quán Trung diễn giải thế sự Tam Quốc theo lối hủ nho, đơn giản chia hai phe chính tà. Khi chính không thắng được tà thì cho một ông hủ nho than "Trời không tựa, hận này biết khi nào cho nguôi." Hán thất sụp đổ là do gian thần. Sứ quân nổi lên như ong, mưu sĩ, võ tướng, bá vương hào kiệt, kẻ chính người ta xoay như chong chóng. Ý chí, năng lực cọ xát, cuối cùng thiên hạ chia ba, rồi hợp làm 1, nỗ lực hào kiệt ba nhà đều trôi theo Trường Giang để về nhà Tấn đã được trời định.
Thực ra, oan có đầu, nợ có chủ. Thế sự và nhân sự đời Hán đều nằm trong một thế cờ bí về thể chế của nhà nước phong kiến TQ thời Tần Hán. Mọi nguyên nhân đều xuất phát từ một mâu thuẫn của chế độ quân quyền Á Đông: quyền lực và hưởng lạc. Các ý thức hệ thường hay cố tình lờ đi bản năng của con người. Nhưng các vấn đề lớn lao thường chỉ là tích tụ từ một cái mầm mống tầm thường.
Hoàng đế nhà Hán luôn luôn phải đau đầu với vấn đề nan giải: giao quyền cho ai. Thời nhà Chu, thiên tử phân phong đất cho anh em họ hàng và công thần. Khi có chiến loạn, thiên tử gọi quân chư hầu về trợ giúp. Mối gắn kết chính là địa vị thiên tử, chế tài chính là một chư hầu nếu sinh ra dã tâm sẽ bị tất cả các chư hầu khác họp lại thảo phạt theo hiệu triệu của Thiên tử. Chính vì vậy, công việc của thiên tử chỉ bó hẹp tại triều ca, hoàn toàn có thể vui chơi, chè chén, gái gú. Tuy nhiên, rất nhanh, các chư hầu có nước mạnh lên, có nước yếu đi, cá lớn nuốt cá bé, dần lấn át thiên tử. Ngũ bá ra đời lấy tiếng tôn thiên tử, thực chất chỉ để kiếm lợi. Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, triệt bỏ phiên vương, tự cầm quyền, hàng ngày xử lý hàng đống giấy tờ, lao lực chết sớm, bỏ phí cung A Phòng tráng lệ, đầy rẫy rượu ngon và hàng vạn mĩ nữ.
Vua nhà Hán, bắt đầu tái lập chế độ phân phong, sau thất quốc chi loạn, 7 ông hoàng thân nổi dậy đòi làm hoàng đế, lại khôi phục chế độ tập quyền của nhà Tần. Vua nhanh chóng nhận ra, anh em họ hàng là kẻ đe dọa lớn nhấn tới quyền lực, vì họ hoàn toàn có đầy đủ pháp nhân như mình. Vì vậy, nhà vua thường dựa vào bên ngoại, là người thân nhưng hoàn toàn không có pháp nhân chính thống. Thế là bắt đầu hình thành thế lực họ ngoại nắm binh quyền, các Đại tướng quân nhà Hán thường là họ ngoại, như Lã Sản,Vệ Thanh, Lý Quảng Lợi, Hoắc Khứ Bệnh, Lương Ký, Đậu Vũ, Hà Tiến. Khi vua chết, vua mới lên, họ ngoại thay đổi, thế lực ngoại thích cũ, thấy thế lực trở nên mong manh, phải tăng cường quyền lực, xây dựng các hành lang an toàn, bức hiếp nhà vua để bảo tồn mạng sống, vì ông vua vừa thích hưởng lạc, vừa muốn có quyền sinh sát, không ngại gì thịt cả họ nhà cụ hay cố ngoại nhà mình.
Do họ ngoại mới thường chưa có thể lực và bị đè nén, nên có lòng đối chọi với thể lực đang có, nhà vua chỉ có thể bàn việc với hoạn quan, và sử dụng lực lượng này để diệt ngoại thích đang nắm binh quyền. Như vậy, thế lực hoạn quan hình thành, các đại tướng quân quyền lực đầy minh như Lương Ký, Đậu Vũ, Hà Tiến,... đều mất mạng trong chốc lát bởi hoạn quan. Hoạn quan cũng muốn giữ mạng như ngoại thích, đã cưỡi hổ thì phải lấn át vua. Sách sử thường quy tội mất nước cho hoạn quan, nhưng thực ra hoàng đế có xu hướng tin dùng họ và nhiều khi buộc phải nghe họ để khôi phục quyền lực, và một số trường hợp bị hoạn quan thao túng. Mọi chiếu thư của hoàng đế đều do hoạn quan tuyên đọc, đổi hoàng đế đột ngột băng hà lấy một hoàng đế miệng còn hơi sữa là việc không khó.
Cuối thời Hán, việc học hành, tuyển cử nhân tài được chú ý từ các khoa Mậu Tài, Hiếu Liêm, Hiền lương Phương chính. Bên cạnh con cái quý tộc, còn có các trí thức tự cho mình là Thanh Lưu, có nhiệm vụ giúp hoàng thất. Một số người liên kết với ngoại thích, một số được hoạn quan nâng đỡ. Khi đấu đá trực tiếp, phái thanh lưu bị tàn sát dã man, mặc dù chỉ là kẻ làm thuê. Lý do chính là vua không thể có hoạn quan và không thế từ lỗ nẻ chui ra nên luôn có ngoại thích.
Tới thời Linh Đế, sau hai vụ tàn sát thanh lưu đẫm máu, phái thanh lưu được vua cử làm châu mục các châu lớn thay cho các võ tướng võ biền ngu dốt tham làm vốn là tay chân của hoạn quan và ngoại thích. Lưu Biểu, Lưu Yên, Công Tôn Toản, Đào Khiêm, là các quan mục như vậy.
Nếu không có loạn Khăn Vàng, sẽ phải có một đợt thanh trừng lớn. Do loạn Khăn Vàng, một số võ tướng cũng hình thành được thế lực tương đương với các sứ quân như Tôn KIên, Mã Đằng, Đổng Trác, Lã Bố, Lý Thôi, Quách Dĩ.
Các thế lực ngoại thích vẫn tiếp tục hình thành, thất bại có Đổng Thừa mưu giết Tào Tháo. Thành công thì có Tào Phi lên làm vua có em gái làm hoàng hậu.
Hai triều Thục Hán, Ngô đều quy tội làm nát chính sự cho hoạn quan. Thực ra, Hậu Chủ rất không hạnh phúc khi phải làm bù nhìn, nên hậu đãi hoạn quan cũng như ngoại thích để tạo cân bằng về quyền lực đối với bọn quan văn võ hiếu chiếu năm nào cũng muốn Bắc phạt.
Nguyễn Ái Việt (Debrecen,VIDI72)
07.04.2016
No comments:
Post a Comment