Monday, June 18, 2018

Đảng Quốc Đại và những bi kịch của dòng họ Nehru - Gandhi

Mohandas Karamchand Gandhi là cha đẻ của tư tưởng cách mạng bất bạo động, phát triển một phương thức đấu tranh giành độc lập mới thông qua những hoạt động xã hội dựa trên các phương châm về sự dũng cảm, bất bạo động và chân lý. Mahatma Gandhi tin rằng, sự bất bạo động và bất phục tùng của nhân dân là những phương pháp thích hợp nhất để đạt được các mục tiêu về chính trị và xã hội.

Một trong những người bạn cách mạng sớm nhất của Mahatma Gandhi trong đảng Quốc đại là Motilal Nehru, người đã qua đời từ năm 1931. Đây cũng chính là sợi dây đầu tiên nối kết giữa dòng họ Gandhi danh tiếng với đảng Quốc đại nhiều ảnh hưởng. Khi Ấn Độ giành được độc lập, đảng Quốc đại đã giao cho con trai của Motilal Nehru là Jawaharlal Nehru trọng trách trở thành thủ tướng đầu tiên trong lịch sử.
Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã lãnh đạo chính phủ được 17 năm cho đến khi qua đời năm 1964. Di sản chính trị ông để lại cho đảng Quốc đại là những nguyên lý hoạt động khi cầm quyền: chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa xã hội và chính sách đối ngoại không liên kết.

Thủ tướng Jawaharlal Nehru
Hai năm sau ngày Jawaharlal Nehru qua đời, người con độc nhất của ông là Indira đã nối được nghiệp cha khi trở thành nhân vật số một của đảng Quốc đại và được bầu làm thủ tướng Ấn Độ. Bà Indira lập gia đình với chính trị gia Feroze Gandhi và tại chức được 15 năm trong các giai đoạn 1966 - 1977 và 1980 - 1984. Lịch sử Ấn Độ dưới thời Indira đã trải qua nhiều biến thiên. Sự kiện nổi bật nhất trong thời kỳ bà cầm quyền là cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan nổ ra năm 1971 dẫn đến sự thành lập nhà nước Bangladesh. 
Một sự kiện gây tranh cãi khác là chiến dịch quân sự do Thủ tướng Indira Gandhi phát động nhằm chống lại việc những người Sikh đòi độc lập ở bang Punjab. Bà đã ra lệnh tấn công vào khu thờ tự linh thiêng nhất của các tín đồ đạo Sikh là Đền Vàng (Golden Temple) tại Amritsar năm 1984, làm 450 người thiệt mạng. Chỉ 5 tháng sau cuộc tấn công đẫm máu này, nữ thủ tướng Indira Gandhi đã bị chính những vệ sĩ theo đạo Sikh của bà bắn chết.

Bà Indira Gandhi 
Vụ sám sát bà Indira năm 1984 đã đẩy triều đại chính trị Nehru - Gandhi ở Ấn Độ lâm vào tình trạng rối loạn, mặc dù đảng Quốc đại vẫn giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sau đó. Sự bất hạnh trong gia đình Gandhi tiếp tục diễn ra khi những người con bà Indira, vốn đều là các chính trị gia nổi bật ở Ấn Độ, lần lượt phải gánh chịu những kết cục bi thảm. Người con trai út của bà là Sanjay Gandhi đã chết vì một tai nạn máy bay năm 1980, trong khi ảnh hưởng chính trị đang lên.
Còn một người con khác của bà là Rajiv Gandhi thì trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Ấn Độ, nhưng cũng không tránh khỏi một kết thúc buồn thảm. Trong khi Ấn Độ đang cần phải hiện đại hoá và giảm nhẹ bộ máy quan liêu hơn lúc nào hết, thì những nỗ lực cải cách của Rajiv lại rơi vào thất bại vì vụ bê bối Bofors liên quan đến hoạt động mua bán vũ khí. Vì vậy năm 1989, đảng Quốc đại đã bị tước bỏ vai trò lãnh đạo trên chính trường Ấn Độ. 
Nhưng chỉ hai năm sau, năm 1991 Rajiv Gandhi đã xoay ngược được tình thế khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, điều bất hạnh lại đến với dòng họ Gandhi khi Rajiv bị các chiến binh Những con hổ giải phóng Tamil ở Sri Lanka ám sát trong một vụ đánh bom liều chết.
Sau khi Rajiv Gandhi bị sát hại, không còn ai trong dòng họ Gandhi đủ sức kế nghiệp những vị tiền nhân để trèo lái con tàu của đảng Quốc đại. Do đó đảng chính trị có sự nghiệp đồ sộ nhất trong lịch sử Ấn Độ này đã bắt đầu một thời kỳ suy yếu trầm trọng. Nhưng chỉ sau thập kỷ 90 Ấn Độ không có một thủ tướng nào xuất thân từ dòng họ Gandhi, đến cuộc bầu cử năm 2004 này đảng Quốc đại và cả gia đình Gandhi lại hồi sinh trên chính trường Ấn Độ.
Sau chiến thắng vang dội và giành quyền thành lập chính phủ mới, đảng Quốc đại đang cân nhắc việc bổ nhiệm một thủ tướng mới. Nhân vật được dự đoán có nhiều khả năng nhất là chủ tịch đảng Sonia Gandhi, phu nhân cố thủ tướng Rajiv Gandhi. Sonia đã từng muốn lui vào cuộc sống riêng tư sau cái chết của chồng, nhưng dường như dòng họ Gandhi đã gắn quá chặt với sự hưng thịnh và suy vong của đảng Quốc đại nên bà, với tư cách chỉ là yếu tố "ngoại lai" của dòng họ danh tiếng nhưng cũng có rất nhiều bi kịch này, lại bị cuốn vào vòng xoáy chính trị.
Điều càng khiến người ta nghĩ đến một sự hồi sinh mạnh mẽ của dòng họ Gandhi ở Ấn Độ là việc cả con gái của ông bà Rajiv - Sonia là Priyanka lẫn người con trai của họ, Rahul Gandhi, đều bắt đầu gia nhập đảng Quốc đại kể từ cuộc bầu cử năm nay. Đặc biệt, Rahul Gandhi đã giành chiến thắng áp đảo tại khu vực bầu cử Amethi để đặt chân vào cơ quan lập pháp Ấn Độ. Với độ tuổi 33 đầy sung sức, hậu duệ chính trị mới nhất của dòng họ Gandhi này đang có cả một sự nghiệp chính trị ở phía trước.
Sẽ là thiếu sót nếu nói về triều đại Nehru - Gandhi mà không đề cập đến sự nghiệp chính trị trong gia đình Sanjay Gandhi, con trai út của bà Indira Gandhi đã qua đời vì tai nạn máy bay năm 1980. Con trai của chính trị gia xấu số này là Varun Gandhi đã khởi nghiệp không phải bắt đầu từ đảng Quốc đại như truyền thống, mà lại chọn đảng BJP mới thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua để nung nấu ý chí chính trị.
Varun Gandhi năm nay mới 24 tuổi và còn quá trẻ nên không thể ra tranh cử, nhưng anh này vẫn quyết định gia nhập BJP và vận động cho đảng này vào tháng 2 vừa qua, thách thức những người anh em con chú con bác của mình là Priyanka và Rahul ở đảng Quốc đại.
Mẹ của Varun là Maneka đã trở lên xa lạ trong gia đình Gandhi sau khi chồng bà, Sanjay Gandhi, qua đời. Hiện Maneka cũng giống con trai quyết định gia nhập đảng BJP, đối thủ chính trị của người chị dâu Sonia Gandhi. Những tình thế "éo le" này sẽ càng làm chính trường Ấn Độ thêm sôi động và tương lai của dòng họ Gandhi sẽ còn nhiều điều khiến người ta phải quan tâm.

trích từ bài "Triều đại Nehru - Gandhi và những bi kịch" của Tác giả: Đình Chính (VNExpress-theo BBCReutersAP)

No comments:

Post a Comment