Friday, June 15, 2018

Nhà tiên tri Vanga và những bí ẩn không thể giải thích (2)

Kỳ 2: Những con số 1 bí ẩn nhảy múa

Những tiên đoán từ bóng đêm của đôi mắt

Con số thống kê cơ học  cho thấy cuộc đời Vanga luôn gắn với những con số 1. Đó là một trong những điều bí ẩn về Vanga. Bà sinh ngày 31/01/1911. Trong sự kiện đầu tiên của cuộc đời Vanga đã có tới 5 con số 1. Nhưng chồng Vanga, ông Dimitri nói rằng trong sự kiện này có tới 8 con số 1. Dimitri nói chắc như đinh đóng cột rằng Vanga sinh vào lúc 1h11’ ngày 31/1/1911. Ý kiến này rất dễ bị bác bỏ, vì Vanga lấy chồng năm bà 31 tuổi, ông Dimitri kém bà 4 tuổi, vả lại ông ta không phải là người làng Kozhuth nên không thể biết chính xác Vanga sinh vào giờ nào. Song cũng không thể nói rằng ý kiến của Dimitri là hoàn toàn không có cơ sở. Dân làng Kozhuth nói rằng Vanga chào đời lúc quá nửa đêm, rất có thể đó là 1h sáng. Cô bé Vanga ra đời hơi vội vã, mới 32 tuần đã chui ra khỏi bụng mẹ. Lẽ ra cô bé còn phải nằm yên trong bụng mẹ thêm 5 tuần nữa. Vì sinh thiếu tháng nên Vanga bé xíu và rất yếu, tưởng không thể nuôi được. Đã thế cô bé lại còn bị thiếu sữa. Mẹ Vanga sau khi sinh nở thì đau ốm liên miên và mất khi Vanga mới hơn 6 tháng tuổi. Cô bé được nuôi hoàn toàn bằng sữa cừu và sữa ngựa. Cạnh nhà Vanga có một con suối nhỏ và nông. Suối hình như không có cá, chỉ có nhiều nòng nọc và những con nhện nước chạy luăng quăng trên mặt suối. Vanga thường tha thẩn ra suối chơi đùa với những con nhện nước. Ngày 21/8/1923 có một cơn lốc rất mạnh quét qua làng Kozhuth làm sập nhiều nhà cửa và cuốn hết nước của con suối cạnh nhà Vanga. Sau khi cơn lốc đi, cả làng cuống quýt tìm kiếm những người bị thương và xem lại nhà cửa, tài sản của mình. Có nhiều người bị thương còn Vanga thì mất tích. Mãi đến ngày hôm sau người ta mới tìm thấy Vanga nằm bất tỉnh bên một lùm cây cách làng khoảng gần 2 cây số. Hai mắt cô bé đầy máu và cát. Và Vanga bị mù hẳn từ đó.

Vanga có rất nhiều lời tiên tri chính xác về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II

Đã bị mất mẹ, Vanga còn thiếu cả tình thương của cha. Tình yêu cùa người mẹ dành cho con là vô điều kiện. Cho dù con như thế nào thì mẹ vẫn yêu thương. Những đứa con không may bị tàn tật còn nhận được tình yêu thương của mẹ nhiều hơn những đứa khác. Còn tình yêu thương của người bố dành cho con cái thì có điều kiện, con phải khỏe mạnh, ngoan ngoãn và giỏi giang mới nhận được tình yêu thương của bố. Vanga không may mắn, đã yếu lại còn bị mù nên cô bé không nhận được nhiều tình thương yêu của bố như những bé gái khác trong làng. Cô sống trong cái làng Kozhuth hẻo lánh này như một sinh vật bị bỏ quên. Nhưng vào tháng 11/1927, Vanga đã bắt buộc cả làng phải biết đến mình. Khi đó, đàn cừu của bố cô bị kẻ gian lùa đi mất. Trong khi tất cả đàn ông trong làng đều đã hết hy vọng thì Vanga chỉ tay về hướng tây và nói:” Cách đây gần 6 cây số có một cái sân rộng, được rào kín bằng gỗ. Đàn cừu đang bị nhốt ở đó”. Khi những người đàn ông trong làng đến nơi thì quả thật thấy đàn cừu đang bị nhốt trong sân và 2 tên trộm đang giết thịt một con cừu. Thấy có nhiều đàn ông cưỡi ngựa tới, bọn trộm đã tháo chạy. Từ đó, dân làng nhìn Vanga bằng con mắt kính nể.

Tình yêu bắt nguồn từ viên đạn bắn lén

Ngày 1/1/1940, dân làng hỏi Vanga xem năm nay nên làm gì. Vanga nói:” Không làm gì cả. Đàn bà thì lo giấu lương thực. Đàn ông thì chuẩn bị ra trận. Tháng 4 năm nay chiến tranh khủng khiếp, số người chết nhiều tới mức không đếm nổi”. Và đúng như vậy, ngày 8/4/1940, phát xít đức tấn công Nam Tư và tất cả đàn ông Bulgaria đều được lệnh phải ra trận. Bố Vanga cũng phải vào lính và đã hy sinh trên mặt trận chống phát xít Đức. Lần thứ 2 Vanga phải mồ côi.
Đầu tháng 11/1942, Dimitri từ mặt trận về thẳng làng Kozhuth. Chàng trai xa lạ này mặc bộ quân phục khét mùi thuốc súng và có bộ mặt rất u uất. Không ai biết anh là người vùng nào, tên là gì và đến tìm Vanga về việc gì. Nhưng Vanga đã biết tất cả. “Dimitri! Anh từ mặt trận về đây để hỏi tôi xem ai đã giết anh trai của anh. Anh trai anh chết trên chiến hào. Lúc đó quân Đức đang ở phía trước nhưng viên đạn giết anh trai anh lại được bắn từ phía sau lưng, xuyên qua ngực. Anh muốn hỏi tôi về kẻ bắn lén hèn hạ đó để trả thù. Nhưng tôi không nói đâu. Nếu không quên thù hằn đi thì con người mãi mãi không được sống yên ổn”. Dimitri há hốc mồm kinh ngạc khi thấy Vanga gọi chính xác tên mình và tả chính xác về cái chết của anh trai. Rất bất ngờ, Dimitri ôm hôn Vanga và thì thầm ngỏ lời cầu hôn. Vanga nói:” Trên cử anh xuống đề sống bên tôi cho đến phút cuối đời”. Như thế là Vanga đã chấp nhận lời cầu hôn. Trong đời Vanga rất hay nhắc tới chữ trên như nhắc tới một thế lực vô hình mà đầy quyền năng nào đó, trên bảo, trên sai khiến, trên sắp đặt vv...
Lễ cưới của Vanga và Dimitri được tổ chức ở nhà thờ, rất khiêm tốn, vì lúc dó chiến tranh đang rất ác liệt. Lúc này Vanga 31 tuổi, lại thêm một con số 1 nữa liên quan mật thiết đến cuộc đời Vanga. Trong thời gian này, có tài liệu viết rằng chính Hitle đã đến nhà Vanga, không hiều bà đã nói với hắn điều gì nhưng hắn đã ra khỏi nhà Vanga với bộ mặt nặng trĩu. Điều này không được tiến sỹ Mitainovich (người được giao chuyên nghiên cứu về Vanga) ghi lại. Nhưng kết cục của đại chiến thế giới thứ 2 và cái chết của Hitle thì đã được Vanga tiên tri trước hơn 1 năm. Ngày 1/1/1944, cũng như mọi ngày Tết Dương lịch khác, người làng Kozhuth lại tụ tập lại nhà Vanga đề nghe bà nói về năm mới. Hôm đó, Vanga nói :” Cả Châu Âu còn phải chịu đựng gian khổ thêm 1 năm nữa. Năm 1945, Hồng quân Liên Xô sẽ đánh bại phát xít Đức và Hitle sẽ bị chết cháy vào đầu tháng 5/1945”. Như chúng ta đã biết, đại chiến thế giới lần thứ 2 đã kết thúc đúng như lời tiên tri của Vanga.

Bi nghi ngờ làm gián điệp

Sự kiện Vanga bị bắt giam cũng gắn với số 1. Ngày 1/1/1953, Vanga nói với dân làng:” Năm nay đến hoa hồng cũng không buồn nở. Ngày 2/3, Stalin sẽ chết rất đột ngột ở ngoại ô Moskva vì bệnh tim”. Đây là một thông tin gây sốc cho hàng trăm triệu con người ở Châu Âu.Với các nước Châu Âu, Stalin là một vị anh hùng vĩ đại đã cứu toàn Châu Âu khỏi thảm họa phát xít. Hình ảnh Stalin trong phe Xã hội chủ nghĩa nói chung và ở Châu Âu nói riêng là rất tôn kính. Vì thế, những điều Vanga vừa nói đã được truyền đi rất nhanh và bà đã bị bắt giam vì tội tung tin đồn nhảm chống lại Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa. Thời gian này, cả nước Bulgaria xôn xao tin đồn rằng Vanga làm gián điệp cho CIA. Người ta nói rằng, trong nhà Vanga có điện đài bí mật và có rất nhiều ngoại tệ. Quả thực là cơ quan anh ninh Bulgaria, khi khám nhà Vanga đã thu được những đồng tiền Tây Đức, đồng Franc của Pháp và đô la Mỹ, có cả những đồng tiền được đúc bằng vàng ròng. Ông Dimitri (chồng Vanga) cũng bị cơ quan an ninh gọi lên thẩm vấn nhiều lần và cấm đi khỏi nơi cư trú:” Vanga giấu điện đài ở đâu?”. Vợ tôi không có điện đài và cũng không hề biết sử dụng điện đài”. “Nhưng ông thì biết, đúng không? Và nó được chôn giấu ở đâu?”. Tôi cũng chưa từng biết điện đài là gì và nhà tôi không hề có điện đài, kể cả một cái radio cũng không có”. “Vậy tại sao lại có nhiều ngoại tệ như thế?”, “Càng ngày càng có nhiều người phương Tây đến nhờ Vanga tiên đoán cho họ và sau đó họ thường tặng Vanga một ít tiền”, “Tặng hay trả công?”. “Tặng. Vanga không bắt ai trả công cả. Vợ tôi không làm thuê cho người nước ngoài”.
Ngày 28/2/1953, Stalin rời điện Kremlin đến một nhà nghỉ ngoại ô Moska. Có lẽ ông tự tin về sức khỏe của mình nên chỉ mang theo đội bảo vệ chứ không có bác sĩ đi cùng. Và ngày 2/3/1953, nhà nước Liên Xô ra thông cáo đặc biệt về cái chết đột ngột của Stalin, khiến một nửa thế giới cảm thấy sửng sốt. Nhà thơ Tố Hữu viết về cái chết của Stalin như sau:

“Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, ông đã làm sao mất rồi”.

Ngày 11/3/1953, Vanga được trả tự do. Và từ đó bà không nói cụ thể về ngày chết của bất kỳ ai đến nhờ bà xem tử vi. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, Cục an ninh Bulgaria bố trí người theo dõi Vanga từng phút, từng giây. Những lời tiên tri của Vanga về cái chết của Stalin khiến thế giới phải kinh ngạc. Vì thế, người kéo đến làng Kozhuth tìm Vanga ngày càng đông, nhất là người các nước phương Tây. Và càng đông khách, Vanga càng bị nghi ngờ nhiều hơn.

Nhật Linh (Tuổi trẻ & Đời sống)

No comments:

Post a Comment