Saturday, June 9, 2018

Great people of our time: MOHANDAS KARAMCHAND GANDHI (tiếp theo và hết)

Khi đặt chân đến Luân Đôn, chàng trẻ tuổi người Ấn bắt đầu học cư xử như một gã người Anh lịch thiệp giàu có. Chàng diện những bộ cánh "mốt" nhất, học nhảy và âm nhạc, tiêu xài phung phí. Nhưng chàng vẫn giữ lời hứa với mẹ trước khi xa nhà: không bao giờ ăn thịt.

Mưu toan làm cho những người nước ngoài tôn trọng mình sớm tiêu tan. Khi tiền đã cạn, Gandhi bắt đầu cảm thấy chán nản cuộc sống ăng-lê. Chàng bị ngấm sâu vào đời sống và giáo lý của Chúa Giê-su, và chợt nhận ra rằng mình đã trở thành một người công giáo. Chàng còn đọc, lúc đầu bằng tiếng Anh, tác phẩm Bhagavad Gita của Ấn Độ. Cuốn sách này hơn mọi tác phẩm khác, dường như đối với chàng đã hàm chứa CHÂN LÝ. Chàng còn nghiên cứu đời sống của những thủ lĩnh tôn giáo lớn như Mahomet và Buddha (Phật). Chàng bắt đầu thực thi những quan niệm của riêng mình, tự rút ra sức mạnh của mọi tôn giáo. Nhưng chàng đã tìm ra cái bản chất nhất để đến với Thượng đế thông qua chính đức tin Hindu của mình.

Sau ba năm ở Anh, chàng luật sư trẻ tuổi trở về Tổ quốc. Nhưng sau đó, gần hết thời gian suốt 21 năm Gandhi làm việc ở Nam Phi, đất nước mà rồi cũng như Ấn Độ, nằm dưới sự cai trị của Anh. Thoạt đầu ông sống cuộc sống của một luật sư trẻ trung thành đạt. Nhưng đời sống của người Nam Phi ngày càng trở nên khó khăn. Họ không được đi lại tự do, cũng chẳng được bầu lên những người lãnh đạo của chính mình. Gandhi gắng giúp những người Ấn bằng cách bênh vực họ trước luật pháp. Ông rất tin tưởng vào hệ thống luật Anh.

Năm tháng trôi qua mà vẫn không hề có sự cải thiện nào trong đời sống của đồng bào ông. Bởi vậy Gandhi đã áp dụng những phương pháp mới để đòi quyền lợi. Năm 1904, ông cho xuất bản tờ báo đầu tiên: Quan điểm Ấn Độ để giáo dục và đoàn kết toàn dân. Vào năm 1907, ông lãnh đạo phong trào có quy mô lớn đầu tiên đòi bãi bỏ một bộ luật bất công. Ông khuyến khích nhân dân bất tuân luật mà không làm tổn hại đến ai. Họ cần phải chống lại sức mạnh của vũ khí bằng sức mạnh của chân lý, nhưng không thù hằn hay bạo lực. Họ phải sẵn sàng để chết chứ không phải sẵn sàng để giết. Nhiều người Ấn đã bị bắt và bị tống giam.

Bằng biện pháp này, những người Ấn Độ ở Nam Phi tiếp tục đạt được sự cảm thông ngày càng nhiều hơn. Họ sớm chứng tỏ được sức mạnh của hành động hòa bình chống lại luật pháp bất công. Bản thân Gandhi cũng vào tù vài lần.

Cuối cùng, vào năm 1914, ông trở về Ấn Độ. Những tin tức về hành động của ông ở Nam Phi nhanh chóng lan truyền trước khi ông trở về nước. Gandhi là người lãnh đạo mà Ấn Độ cần để đoàn kết nhân dân, ông không thuộc chính đảng hay giáo phái nào. Tất cả những người Ấn Độ đều là anh em. Ngay khi còn ở trong tù ông vẫn ủng hộ chính phủ trong thời gian chiến tranh và đã giành được sự kính trọng của nhà cầm quyền Anh.

Lúc bấy giờ Gandhi 45 tuổi. Trong nhiều năm, hầu như ông đã hoàn toàn từ bỏ cuộc sống cá nhân và gia đình để tranh đấu vì hạnh phúc của nhân dân. Ông trở thành người lãnh đạo Đại hội Dân tộc toàn Ấn, một tổ chức đang cố giành nền độc lập hoàn toàn từ tay đế quốc Anh. Với sự trợ giúp của tổ chức này, ông đã đi khắp nơi, chủ yếu là đi bộ. Ông mặc những bộ quần áo đơn sơ nhất, bằng thước vải mỏng do chính tay ông may lấy, ở trong những khu tồi tàn nhất của các thành phố và thị trấn. Ông sớm có hàng triệu tín đồ trong quần chúng. Họ ngưỡng mộ ông như một bậc thánh, một người nghèo khổ cũng như bản thân họ.

Nền độc lập chậm được trao trả. Gandhi bắt đầu khuyến khích đồng bào ông bất tuân lệnh của nhà cầm quyền, như cách ông đã làm ở Nam Phi. Còn chính quyền Anh, thì ngược lại, đã áp dụng những biện pháp mạnh, và Gandhi thường phải ngồi tù. Năm 1919 ông lãnh đạo quần chúng theo phương châm "không tuân lệnh" để chống lại chính phủ. Hàng triệu người đã nghỉ việc. Như thường lệ, Gandhi khuyên các tín đồ của ông bất bạo động, nhưng tình trạng lộn xộn đã xảy ra ở một số thành phố do những đám đông giận dữ tăng lên. Rút cục, ở Amritsa lính Anh đã được lệnh bắn vào một đám đông không được bảo vệ. 379 người chết và nhiều người bị thương. Gandhi rất buồn, song ông cảnh báo nhân dân hãy chuẩn bị đối mặt với cái chết. Hàng ngàn chiến sĩ phải hy sinh trước khi cuộc đấu tranh giành được thắng lợi. Ông nói với họ rằng: kẻ thù của bạn là người anh em ngốc nghếch của bạn đó. Hãy giúp anh ta khi anh ta bị thương, đừng vâng lời anh ta nếu anh ta cứ cố làm bạn bị thương. Nói cho cùng, chẳng có kẻ thù nào đủ mạnh và ác để chống lại ngọn lửa của tình thương. Cuộc tranh đấu của bạn sẽ chiến thắng một khi bạn tiêu diệt được lòng hận thù trong trái tim kẻ thù của bạn.

Cuối cùng, Ấn Độ được độc lập vào năm 1947 sau một thời gian tranh đấu bền bỉ. Đã có lúc tới 23.000 người bị vào tù. Nhưng ngày độc lập tới, Gandhi lại cảm thấy chỉ có được đôi chút hạnh phúc nhưng với biết bao sầu muộn, bởi vì, chẳng bao lâu sau khi đánh bại được kẻ thù chung, những người  Ấn Độ theo giáo phái Hindu và Hồi giáo lại quay ra đánh lẫn nhau. Đó là một cuộc chiến đấu khốc liệt với nhiều hành động man rợ. Cuối cùng không còn một quốc gia độc lập mà hai quốc gia tách rời nhau - Ấn Độ và Pakistan. Tình huynh đệ mà Gandhi mơ ước đã bị lãng quên.

Gandhi luôn cầu nguyện cho sự tận diệt hằn thù và tị hiềm giữa người Hindu và người Hồi giáo. Mang nỗi sầu muộn và đau đớn trong lòng, ông quyết định nhịn ăn cho đến khi một sự hòa hợp nào đó được tìm ra.

Song cuộc sống và công việc của ông bỗng bất ngờ kết thúc. Một ngày kia, khi những cảm xúc tôn giáo đang dâng cao, một kẻ trong chính giáo phái của ông, một người Hindu, đã chạy ra khỏi đám đông và rút súng bắn vào bụng ông. Ông quỳ xuống như trong tư thế nguyện cầu, chết tức khắc.

Trái tim ông còn nặng sầu đau xứ sở lúc từ trần. Nhưng như chúng ta đã biết, ước mơ của một linh hồn vĩ đại, Mahatma Gandhi, chỉ có một nguyện ước cho một xã hội hòa bình vẫn sống trong trái tim những con người đã theo gương ông.

6 comments:

  1. Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947. VN giành được độc lập năm 1945. 2 con đường đấu tranh dẫn đến 2 đất nước bị chia cắt và tàn sát lẫn nhau. Cho đến bây giờ, Ấn Độ trở thành 1 trong những cường quốc ở châu Á, VN thì càng ngày càng không thể cho thấy một VN đầy triển vọng có thể tiến xa như thế nào, thậm chí còn bị cho là 1 nước "không chịu phát triển", càng ngày càng hèn kém.

    ReplyDelete
  2. Vì sao họ lại phát triển, còn mình thì không?

    Để trả lời câu hỏi này, có thể nói: vì VN từ lâu rồi không có người lãnh đạo minh triết. Chỉ có những người cầm quyền yếu kém về quản lý mà thôi, họ chỉ hô hào và hội họp, đề ra hết mục tiêu này đến mục tiêu khác, càng ngày càng to tát nhưng hầu như không thực hiện được.

    ReplyDelete
  3. Trước đây VN đã có những người lãnh đạo xuất chúng, và để giành được độc lập cho tổ quốc đã phải trải qua những tổn thất và hy sinh to lớn tưởng chừng như không thể. Điều không thể hiện nay vì VN đang tự làm suy yếu mình và không thể gỡ gạc được gì từ quá khứ, không còn mục đích nào khác là hầu như phải chấp nhận thỏa hiệp/lệ thuộc hoàn toàn về chính trị vào một nước khác.

    ReplyDelete
  4. Bây giờ, lại phải dẫn cái hay cái tốt cũng của cái nước TQ ra để soi đường chỉ lối, nhưng không phải TQ bây giờ: "Nhà Chu bên Tàu, giành và giữ được Chính quyền, ròng rã trong suốt 800 năm trời. Bí quyết của họ: 无为以牧之. Vô vi dĩ mục chi. Nghĩa là, thuận theo Tự nhiên – thuận theo Xã hội, mà cai trị dân chúng. Tự khắc, Dân an – Quốc trị." (Nguyễn Tiến Dân)

    ReplyDelete
  5. Ai thì cũng phải chết cả. Nhưng là người thì chỉ chết có 1 lần. Chỉ có loại súc sinh mới chết đi sống lại nhiều lần mà vẫn nhăn nhở với đời mà thôi.

    ReplyDelete
  6. Cả Gandhi và Hồ Chủ tịch đều từ bỏ cuộc sống cá nhân và gia đình vì mục đích và quyền lợi của dân tộc mình. Gandhi được coi là vị Mahatma còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì dân chúng gọi là Cha già dân tộc. Không phải là ngẫu nhiên mà cả hai đều được thế giới ca ngợi như những người có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20 (trừ vài kẻ tiểu nhân hay "ném đá" và hạ sát).

    ReplyDelete